Skip to content

Balan Wonderworld – Đánh Giá Game

Balan Wonderworld

Balan Wonderworld – Ông lớn Square Enix hiện đang có khá nhiều tựa game trên giấy tờFinal Fantasy XVIbản mở rộng Final Fantasy XIV: EndwalkerFinal Fantasy VII Remake Part IIForspoken v.v. nhưng mới nhất lại là một tựa game mới toanh, Balan Wonderworld.

Được hợp tác sản xuất bởi Square Enix và cặp đôi gạo cội Yuji Naka (Sonic the Hedgehog) và Naoto Oshima (Nights into Dreams), cùng với những đoạn trailer gần đây, ai ai cũng nghĩ Balan Wonderworld sẽ là “truyền nhân” của Sonic với lối chơi tốc độ cao.

Tuy nhiên, bản demo lại không cho chúng ta thấy được nhiều tiềm năng của tựa game này, mà lại phô ra nhiều vấn đề đáng lo ngại, và người hâm mộ đã lên tiếng để Square Enix sửa lại trong bản ra mắt chính thức.

Vậy kết quả ra sao?

BẠN SẼ GHÉT

Balan Wonderworld

KHÔNG ĐẦU MÀ CŨNG CHẲNG CÓ ĐUÔI

Balan Wonderworld là một tựa game thuộc thể loại đi cảnh 3D (3D platformer), và thường thì những game đi cảnh cũng không cần đặt nặng lắm về cốt truyện.

Nhưng Balan Wonderworld rõ ràng đã cố “nhồi” một thứ gì đó có-vẻ-là-cốt-truyện vào, mặc dù theo một cách chẳng có đầu, cũng chẳng có đuôi gì.

Mở đầu tựa game, bạn sẽ được chọn giữa hai nhân vật Leo hoặc Emma, và bạn sẽ được xem một phân cảnh mô tả việc hai cô cậu bé bằng một cách thần kỳ nào đó lạc vào rạp hát của nhạc trưởng Balan, và họ có nhiệm vụ tìm lại mảnh ghép bị mất của trái tim mình, bằng cách giúp một cơ số những người khác tìm mảnh ghép trái tim của họ.

Và rồi họ bị đưa tới thế giới nhiệm màu của Balan!

Có cả thảy 12 chương, mỗi chương tương ứng với một nhân vật và thể hiện khó khăn của người đó, và nhiệm vụ người chơi là vượt qua hai màn đầu để “mở khóa” màn thứ ba trong mỗi chương và đánh bại trùm cuối – chính là nhân vật đại diện cho chương bị tha hóa, để thực hiện hóa ước mơ (hoặc có thể là giải quyết vấn đề) của nhân vật đó (bằng một điệu nhảy hoành tráng).

Đại khái là vậy, thực sự thì người viết cũng chỉ gọi là suy đoán mạch truyện nó là như vậy thôi, vì thực tế tựa game chẳng giải thích gì hết, khiến người chơi sẽ cảm thấy cực kỳ khó hiểu và thực sự băn khoăn không biết “Tôi là ai? Đây là đâu” trong phần lớn cốt truyện.

Chơi Balan Wonderworld, người chơi sẽ luôn cảm giác mọi yếu tố trong cốt truyện như được mọc ra từ… hư vô: đám “thực thể” xấu xa tên là Negati, những người bạn đồng hành Tims (cùng với việc chúng từ đâu chui ra, tại sao người chơi phải nuôi chúng, cái tháp to tướng người chơi cần Tims xây là gì), thậm chí là ông trùm kẻ xấu Lance, mọi thứ đều như thể là người biên kịch nghĩ ra được cái gì thì ném luôn vào game vậy, không cần có cấu trúc hay mạch truyện gì cả.

Balan Wonderworld

Bố cục của mỗi chương cũng hết sức phi lý.

Như đã nói ở trên, mỗi chương gồm 3 màn chơi (4 màn, một màn bí mật sẽ mở ra khi người chơi hoàn thành cốt truyện) sẽ là đại diện cho một nhân vật và vướng mắc mà họ đang gặp phải, tuy nhiên người chơi chỉ biết nhân vật là ai khi tới… màn 3.

mạch truyện của Balan Wonderworld, mặc dù có vẻ hào nhoáng nhưng thực tế bên trong là một khung xương rời rạc, chẳng đầu cũng chẳng đuôi

Nghĩa là, người chơi sẽ phải trải qua hai màn đầu tiên (thậm chí là tuỳ chọn, người chơi thích chơi màn 2 trước màn 1 cũng được) mà không biết tại sao mình lại ở đây, những thứ xung quanh có nghĩa là gì, tại sao thế giới lại có hình thù này.

Để rồi khi bước vào màn đấu quái trùm, thì game bắt đầu mới nhồi hết vào: nhân vật đại diện của chương là ai, khó khăn họ gặp phải là gì, quá trình bị đám Negati tha hóa thành quái trùm như thế nào, và hệ quả là việc trải qua hai màn đầu tiên khiến người viết cảm thấy cực kỳ vô nghĩa, chẳng phản ánh được cái gì hết, có khi nhảy vào đánh trùm cuối luôn còn tạo được nhiều cảm xúc hơn!

Tóm lại, mạch truyện của Balan Wonderworld, mặc dù có vẻ hào nhoáng nhưng thực tế bên trong là một khung xương rời rạc, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, với một bố cục vô tổ chức.


LỐI CHƠI… MỘT NGÓN!

Về cơ bản, trong mỗi màn chơi, người chơi sẽ phải vượt qua một vài câu đố thông qua việc thu thập những bộ trang phục khác nhau với những sức mạnh khác nhau, chẳng hạn như trang phục “Bướm đêm” sẽ giúp nhân vật bay (chỉ khi trời tối) hoặc “Nhện” giúp người chơi bò trên mạng nhện.

Người chơi được giữ tối đa ba bộ trang phục, nếu nhặt hơn thì bộ trang phục ngoài cùng bên phải sẽ được tống vào kho và chỉ có thể lấy ra nếu người chơi nhặt được bộ đó lại, hoặc tới những điểm lưu quá trình trên bản đồ để vào kho thay trang phục.

Balan Wonderworld cố gắng tạo sức hút bằng cách quảng cáo rằng có 80 bộ trang phục với sức mạnh khác nhau, tuy nhiên thực tế thì rất nhiều bộ trang phục có sức mạnh na ná nhau, một số sức mạnh thậm chí khá… vô dụng, và dường như chỉ “thêm vào cho số nghe có vẻ to”, chứ không có ứng dụng thực tiễn nào (chẳng hạn như Lovely Lantern, một bộ trang phục với một cái đèn nhấp nháy tùy ý treo trước đầu, hết!).

Có một trang phục được “mở khóa” ở chương 4 có tên là “Box Fox”, trang phục này giúp người chơi biến thành một khối kim loại, có khả năng trượt xuống các vách đá, phá vỡ vật cản, và trở nên bất khả xâm phạm!

Nghe có vẻ “mạnh vô địch” đúng không?

Vấn đề là bạn không thể điều khiển được khi nào thì bạn biến thành khối kim loại.

Việc này có vẻ xảy ra hoàn toàn… ngẫu nhiên, mang lại đủ thứ vấn đề, và người chơi sẽ tự hỏi kẻ nào thiết kế ra được thứ “gân gà” này: bỏ thì thương mà vương thì tội!

Cũng phải nói rằng có nhiều bộ trang phục có sức mạnh khá hay ho, và người chơi có thể vận dụng trí sáng tạo để áp dụng những sức mạnh này theo nhiều cách.

Đây chính là điều mà Balan Wonderworld muốn người chơi làm: tìm trang phục từ thế giới này để “mở khóa” một con đường mới ở thế giới khác.

Tuy nhiên phải cẩn thận, do chỉ cần bạn bị địch chạm vào người thôi cũng đủ để bạn mất bộ trang phục đang mặc luôn, nếu muốn dùng lại sức mạnh này bạn buộc phải đi nhặt lại trang phục!

Nhưng cuộc đời trớ trêu, nhiều khi trang phục bạn cần lại không tồn tại trong thế giới bạn đang khám phá, và chỉ còn nước… thoát ra ngoài, ra thế giới kia tìm trang phục, lại thoát ra rồi quay lại thế giới này.

Có những bộ trang phục ẩn lại cần một bộ trang phục ẩn khác để “mở khóa”, nghĩa là thêm nhiều thế giới nữa cần nhảy qua.

Rủi thay, bạn lại làm mất bộ trang phục lần nữa, thì…

Việc đi tìm những cung đường mới cũng mang tính cốt yếu để “mở khóa” cốt truyện, khi phần tiếp theo của mạch truyện chỉ được tiếp diễn khi người chơi tìm đủ số tượng vàng Balan ẩn giấu trong các màn chơi (lý do tại sao cần thu thập mấy tượng vàng này và ý nghĩa chúng là gì thì game lại không nói – NV).

Có lẽ việc khám phá màn chơi và tìm tượng vàng sẽ trở nên thú vị hơn nhiều, nếu như “đại thiên tài” nào đó ở Square Enix không đề xuất ra ý tưởng: mỗi trang phục chỉ có duy nhất một nút hoạt động, tương ứng với chức năng duy nhất của nó.

khả năng thua cuộc là bằng không khi trang phục được cung cấp liên tục trong trận đấu quái trùm

Thành thử, nhiều khi bạn thậm chí còn… không nhảy được, căn bản vì ba trang phục bạn cầm đều có chức năng “không bao gồm việc nhảy”.

Thế là bạn lại phải đi tìm một vòng trong cái thế giới buồn tẻ này xem có cái gì dùng để nhảy không, nếu không thì chỉ còn nước… nhảy xuống vực để hồi sinh tại điểm lưu quá trình để đổi đồ!

Thực tế, Square Enix hoàn toàn có thể phát triển một hệ thống nơi các trang phục có thể kết hợp với nhau, hoặc chỉ đơn thuần là việc nhảy không phụ thuộc vào trang phục mà thôi, tuy nhiên họ đã không làm thế, và hệ quả là một hệ thống gây khó chịu cùng cực.

Quái vật thì hầu như không mang lại thử thách nào, quái thường thì hầu hết chết sau một nhát, quái trùm thì chết sau ba nhát, đặc biệt trùm cuối thì có vẻ “nhiều hơn một ít”.

Thậm chí, khả năng thua cuộc là bằng không khi trang phục được cung cấp liên tục trong trận đấu quái trùm, mất một bộ lại mọc ra bộ mới, mất hết thì cũng… chẳng xi nhê gì.

“Thử thách” duy nhất ở đây có lẽ là tìm một bộ trang phục phù hợp để bay tới tượng vàng mà thôi, nhưng thực tế thì thường không mất quá 5 giây để biết mình cần trang phục gì, miễn là bạn nhìn thấy được tượng vàng ở đâu.

Trong những màn chơi, người chơi có thể nhặt những chiếc mũ vàng, sau đó tham gia vào một mini-game gọi là Balan’s Bout (cũng không rõ ý nghĩa là gì trong cốt truyện – NV), và người chơi sẽ thực hiện một vài chỉ định như bấm nút B khi hình khớp nhau hay “spam” nút B.

Đáng tiếc thay, Balan’s Bout cũng hầu như không có thay đổi gì xuyên suốt trò chơi, phân cảnh y như vậy, thử thách y như vậy, có chăng chỉ càng ngày càng dài hơn mà thôi, đủ để khiến người chơi phát ngán.

Khó chịu hơn, là Balan’s Bout sẽ cho bạn một tượng vàng Balan nếu bạn đạt được điểm số hoàn hảo (toàn bộ là Excellent), tuy nhiên nếu thất bại trong việc đạt điểm hoàn hảo, bạn chỉ có cách… thoát màn chơi rồi vào thử lại!.

Balan’s Bout không phải là khó, tuy nhiên đôi khi tốc độ của cái bóng của Balan lại biến đổi không đều, chỉ cần bạn bấm trượt vài milimet là coi như bao công sức “đổ sông, đổ bể” hết.

Một điểm cộng hiếm hoi trong lối chơi của Balan Wonderworld, có lẽ là việc người chơi phải suy tính cách tấn công quái trùm bằng ba phương án khác nhau, với những bộ đồ có trong kho đồ của mình, để có thể thu thập được đủ ba tượng vàng Balan cho mỗi con quái trùm.


“MÙ MẮT” VỚI PHIÊN BẢN SWITCH

Cốt truyện rời rạc, lối chơi buồn tẻ đã đành, người chơi sẽ còn phải chịu “tra tấn” bằng một phiên bản Switch tối ưu cực kỳ tệ hại, với số khung hình trên giây loanh quanh từ 15-20, đôi khi còn tụt xuống dưới 10, khiến trò chơi như một slide PowerPoint chính hiệu!

Người chơi chỉ có thể “hưởng” 30 FPS khi họ đang… xem phân cảnh!

Không những vậy, hình như Square Enix không thèm đưa khả năng khử răng cưa vào phiên bản này, khiến nhiều lúc tựa game nhìn như được xé từ giấy ra xong dán vào vậy. Các phân cảnh cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu, và hệ quả là một trải nghiệm “mù mắt” cho những game thủ ưa thích chiếc console có thể cầm tay này.

người chơi sẽ còn phải chịu “tra tấn” bằng một phiên bản Switch tối ưu cực kỳ tệ hại, với số khung hình trên giây loanh quanh từ 15-20

BẠN SẼ THÍCH

ĐỒ HỌA ĐẸP, ÂM NHẠC ỔN!

Square Enix luôn rất mạnh về khoản thực hiện những đoạn phân cảnh, và Balan Wonderworld cũng không phải là một ngoại lệ.

Ngay từ phân cảnh đầu tiên, mặc dù không thể hiện được tí gì về mặt cốt truyện, nhưng ít nhất người chơi cũng được chiêm ngưỡng những đường nét sắc màu và các biểu cảm nhân vật hết sức chi tiết.

Thế giới trong game cũng tương đối đầy đủ sắc màu sặc sỡ, phần nào giữ chân người chơi lại và mời gọi họ khám phá những ngóc ngách ẩn giấu trong những màn chơi khác nhau, tất nhiên với điều kiện là bạn… bỏ qua những đường răng cưa rõ mồn một và tốc độ dưới 20 khung hình trên giây!

Âm nhạc cũng là một điểm cộng của trò chơi, với những bài nhạc êm ái và thư giãn trong những màn chơi (đôi khi sẽ… gây buồn ngủ, lối chơi như vậy mà còn thêm nhạc du dương nữa – NV), nhưng lại khá gay cấn trong những màn đấu quái trùm.

Khá đáng tiếc là thời lượng mỗi bài nhạc có vẻ hơi ngắn, do đó dễ gây nhàm khi bạn di chuyển qua màn chơi và nghe đi nghe lại một đoạn nhạc liên tục.

Square Enix luôn rất mạnh về khoản thực hiện những đoạn phân cảnh, và Balan Wonderworld cũng không phải là một ngoại lệ


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Square Enix
  • Phát hành: Square Enix
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 26/03/2021
  • Hệ máy: Nintendo Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • SSD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SQUARE ENIXCHƠI TRÊN HỆ MÁY NINTENDO SWITCH

3.5

Balan Wonderworld được kỳ vọng là truyền nhân của Nights into Dreams, tuy nhiên đã gây thất vọng trên nhiều phương diện.
Một vẻ ngoài hào nhoáng với phân cảnh đẹp đẽ, nền đồ họa sặc sỡ và âm nhạc bắt tai cũng không thể cứu vớt một khung xương mục rữa bên trong: một mạch truyện rời rạc, một lối chơi buồn tẻ và cũng không kém phần ức chế.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận