Gigabyte G34WQC A – Mới chỉ cách đây một vài năm thôi, những dòng màn hình khổ siêu rộng kích thước lớn như ASUS MX34VQ Designo Curve là sự lựa chọn “xa xỉ” đối với người dùng dù sở hữu tính năng tương đối “nghèo nàn”, không có cả những công nghệ thực dụng như FreeSync hay tần số quét tốc độ cao thì giờ đây, với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, những mẫu màn hình cỡ lớn này đã không còn quá đắt đỏ, lại còn sở hữu nhiều tính năng mạnh mẽ hỗ trợ cho game thủ.
Dẫn đầu thị trường trong nhóm màn hình siêu rộng kích thước 34″ có mức giá mềm hướng tới game thủ tầm trung chắc chắn là Gigabyte với mẫu màn hình Gigabyte G34WQC A với mức giá chỉ vào khoảng 12 triệu đồng, thậm chí chỉ đắt hơn chút đỉnh so với mẫu màn hình siêu tốc có kích thước 27″ là ASUS ROG Strix XG27VQ mà thôi.
Đây có thể xem như một trong những mẫu màn hình hấp dẫn nhất hiện nay dành cho người yêu thích màn hình siêu rộng với kích thước lớn, đặc biệt là những fan điện ảnh hay các game thủ yêu thích thể loại game hành động hay chiến thuật thời gian thực tìm kiếm lợi thế từ một tầm nhìn rộng rãi hơn.
Với sự hỗ trợ từ chính Gigabyte Việt Nam, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm và đánh giá mẫu màn hình chơi game kích thước lớn này để có thể giới thiệu với bạn đọc cái nhìn chi tiết về sản phẩm.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
GIGABYTE G34WQC A – “BÁ ĐẠO” TRONG TẦM GIÁ!
Khác với những sản phẩm được “cộp mác” AORUS với chất lượng luôn được đẩy lên mức cao nhất thì các sản phẩm dành cho game thủ “còn lại” của nhà Gigabyte thường mang hơi hớm đơn giản, thực dụng hơn rất nhiều.
Có thể dễ dàng thấy được điều này qua các sản phẩm mà Vietgame.asia đã từng đánh giá trước đây như các mẫu màn hình Gigabyte M27F hay Gigabyte G27QC, dù không quá “bóng bẩy” và hào nhoáng như dòng màn hình đoạt Giải thưởng phần cứng Châu Âu là AORUS FI27Q ở cùng kích thước, nhưng lại có mức giá vô cùng dễ chịu và nhiều tính năng mạnh mẽ mà người dùng cần thiết.
Mẫu màn hình siêu tộng Gigabyte G34WQC A cũng không là ngoại lệ.
Ngay từ phần đóng gói bên ngoài, Gigabyte cũng lựa chọn vật liệu là giấy tái chế để làm vỏ hộp, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường tương tự như các mẫu màn hình tầm trung ra mắt gần đây thay vì các vỏ hộp bằng giấy nguyên sinh, được in ấn với màu sắc đẹp đẽ trên các dòng màn hình AORUS.
Tiến hành mở hộp, dễ thấy mẫu màn hình này cũng sở hữu thiết kế có phần giống Gigabyte G27QC với chân đế chữ V to bản, chân trụ đứng kích cỡ lớn kết nối với phần hiển thị của màn hình qua một khớp treo đơn giản, dễ lắp đặt.
Khác với dòng sản phẩm AORUS sở hữu chân đế linh hoạt có thể xoay ở nhiều góc tự do, mẫu chân đế của các dòng màn hình Gigabyte thường chỉ cho phép người dùng điều chỉnh độ cao, hay ngửa màn hình từ trước ra sau một góc nhỏ từ -5 độ đến +20 độ mà thôi.
Mặc dù vậy, với một màn hình cong có kích thước bề ngang lớn như Gigabyte G34WQC A, việc xoay dọc để sử dụng là hoàn toàn không cần thiết nên mẫu chân đế này hoàn toàn đủ sức đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.
Mẫu màn hình này được trang bị nút điều khiển đa năng quen thuộc ở mặt sau giúp người dùng dễ dàng tương tác với các menu điều khiển tích hợp. Điều đáng tiếc nho nhỏ là người dùng không thể điều khiển tính năng của màn hình thông qua trình điều khiển bằng phần mềm theo một cách trực quan và dễ dàng như với các dòng màn hình AORUS.
Phần màn hình được thiết kế tràn viền với ba viền trên mỏng vô cùng ấn tượng, trong khi cạnh viền dưới dày hơn và lồi hơn đôi chút với bề mặt hiển thị.
Gigabyte G34WQC A được trang bị tấm nền VA kích thước 34 inch, tỷ lệ 21:9 có độ phân giải 3440 x 1440 với độ cong 1500R và tần số quét hình 144Hz.
Độ cong này không quá cong như Samsung Odyssey 27G5 dễ gây ảo giác hình ảnh lồi ra ngoài khi quay lại sử dụng các màn hình phẳng thông thường, nhưng cũng đủ để tầm mắt người dùng có thể dễ dàng bao trọn cả bốn góc ở khoảng cách 1m mà không cần phải liếc hay chuyển động đầu, đem đến tầm nhìn toàn cảnh và ưu thế của màn hình phát huy triệt để.
Tấm nền VA được trang bị cho mẫu màn hình này có chất lượng khá tốt, đem lại màu đen sâu với khả năng thể hiện màu sắc 10bit nhờ kết hợp tấm nền 8bit với độ chớp tắt sáng tối của đèn hình, đem đến chất lượng hiển thị màu sắc vô cùng tốt mà theo nhà sản xuất là khả năng bao phủ đến 90% dải màu điện ảnh DCI-P3, giúp tăng cường trải nghiệm hình ảnh cho người dùng, nhất là đối với phim ảnh.
Mẫu màn hình này cũng được trang bị đèn nền độ sáng cao, đạt chuẩn HDR400 của VESA với khả năng thể hiện hình ảnh dải sáng động HDR rõ nét, tạo ra những khung hình ấn tượng.
Tính năng này đã được tích hợp vào trong nhiều tựa game hiện đại như Battlefield V hay Call of Duty: Vanguard, nhờ đó mà game thủ có thể dễ dàng khai thác hết những hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất mà nhà thiết kế game muốn đem đến cho tựa game của mình.
Đây cũng là một ưu điểm không nhỏ của Gigabyte G34WQC A, bởi lẽ khi thế hệ Windows 11 đời mới bắt đầu hỗ trợ HDR từ trong giao diện thì các phần mềm, game và phim hỗ trợ tính năng này sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn.
Gigabyte G34WQC A được trang bị tấm nền VA có độ phân giải 3440 x 1440 với độ cong 1500R và tần số quét hình 144Hz
Tốc độ quét hình của màn hình chỉ ở mức 144Hz, không quá xuất sắc như nhiều mẫu màn hình siêu tốc trên thị trường hiện nay, thế nhưng khá đủ để phục vụ nhu cầu game thủ, nhất là khi kết hợp với tính năng chống xé hình và tính năng HDR để tạo thành “tam giác sắt” cho chuẩn công nghệ AMD FreeSync Premium.
Đây là chuẩn công nghệ hình ảnh cao cấp nhất hiện nay của “đội đỏ” AMD, đảm bảo cho game thủ chất lượng hiển thị hình ảnh mượt mà “không tì vết”.
Về tổng thể, Gigabyte G34WQC A hội tụ hầu như đầy đủ tất cả những tính năng mà người dùng game thủ mong đợi với một mức giá “mềm mại” mà rất khó có hãng sản xuất nào khác có thể cạnh tranh được trên thị trường hiện nay.
Cũng vì thế mà dù không quá hoàn hảo hay sở hữu những tính năng vượt trội, nhưng người viết vẫn đánh giá rất cao mẫu màn hình chơi game siêu rộng này khi đem đến cho người dùng những trải nghiệm hình ảnh ấn tượng nhất, vượt qua cả một vài mẫu màn hình có mức giá cao hơn đến từ các hãng sản xuất khác.
BẠN SẼ GHÉT
GIGABYTE G34WQC A – MỘT VÀI VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG!
Sở hữu đầy đủ những tính năng vô cùng ấn tượng đối với người dùng, đặc biệt là các game thủ và fan điện ảnh, thế nhưng Gigabyte G34WQC A cũng còn khá nhiều những vấn đề tồn đọng.
Trước hết, vấn đề trang sáng không đều của mẫu màn hình cong này vẫn tồn tại như rất nhiều mẫu màn hình cong khác trên thị trường, dù đã được kiểm soát chặt chẽ khiến cho độ chênh lệch giữa các khu vực màu sắc nhỏ và không có ảnh hưởng nhiều đền chất lượng hình ảnh khi xem phim và chơi game, nhưng sẽ gây ra đôi chút rắc rối cho người dùng cần làm các công việc liên quan đến màu sắc như biên tập hình ảnh hay video clip.
Khi chuyển màn hình về hiển thị màu đen, dễ thấy các vị trí lắp đèn nền sẽ sáng hơn đôi chút, trong khi các vị trí xa hơn sẽ tối màu hơn, dẫn đến độ đồng nhất màu không quá tốt từ đó gây ra độ lệch màu giữa hai khu vực.
Đây là một điều đáng tiếc khi kích thước dài về bề ngang của màn hình vô cùng thuận tiện cho việc biên tập video với không gian làm việc lớn, có thể theo dõi khung hình dài hơn so với màn hình tiêu chuẩn.
Thứ đến, ngoài các phim điện ảnh và các tựa game mới hỗ trợ tỷ lệ điện ảnh 21:9, hầu hết các nội dung sử dụng hàng ngày đều được thiết kế cho màn hình có tỷ lệ 16:9 tiêu chuẩn.
Điều này khiến cho việc xem video clip trên các dịch vụ mạng hay sử dụng duyệt web và soạn thảo văn bản đều không mấy dễ chịu khi có quá nhiều không gian trống, trong khi phần hiển thị lại quá nhỏ và không thật sự “đã” như khi sử dụng các màn hình có kích thước 32inch thông thường.
Thậm chí nhiều video clip mặc dù được dựng dưới dạng 21:9, thế nhưng đều được biên tập để phát phim vừa vặn trên màn hình 16:9 thông thường, kết quả là người dùng Gigabyte G34WQC A xem được những thước phim với kích thước… bé thảm hại dù sở hữu một màn hình có kích thước “khủng long”.
Ngoài ra, hai loa tích hợp trên màn hình cũng chỉ thuộc diện… chống điếc với âm lượng vô cùng nhỏ và hoàn toàn không có dải âm trầm. Nhưng điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được khi hầu như người dùng yêu thích game và phim ảnh đều sở hữu các giải pháp âm thanh riêng mình.