Final Fantasy VI – Công bằng mà nói, Final Fantasy VII kể từ khi ra mắt trên PS1, với một nền đồ hoạ 3D tối tân, mới là tựa game đưa dòng game Final Fantasy được quảng bá trên toàn cầu.
Hoặc cũng có thể là Final Fantasy X, với đồ họa trên PS2 phải nói là đỉnh nhất thời bấy giờ, kèm với những phân cảnh CG cực kỳ đẹp đẽ thể hiện hết được vẻ đẹp dịu dàng của “nàng thơ” Yuna.
Bằng chứng là trong rất nhiều cuộc bình chọn những tựa game Final Fantasy khác nhau, kẻ đứng đầu không là Final Fantasy VII thì là Final Fantasy X, khi hai tựa game này “cò kè” nhau từng phiếu bầu.
Tuy vậy, ở phía sau, luôn luôn là Final Fantasy VI! Bất kể dù phạm vi bình chọn là gì, cốt truyện, nhân vật, Final Fantasy VI luôn “nằm trong top”, và đôi khi “soán” ngôi hai tựa game kể trên.
Chỉ vì Final Fantasy VI là một tựa game 2D nhìn có vẻ cũ kỹ, không có nghĩa Final Fantasy VI không còn giá trị ở thời hiện đại, mà thậm chí là ngược lại.
Có lẽ, đã tới lúc Final Fantasy VI Pixel Remaster nổi dậy, và được cả thế giới biết đến lần nữa, đúng với giá trị của tựa game này?
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện vượt thời gian!
CẢNH BÁO: Phân đoạn sau đây có thể chứa một vài “spoiler”!
Tất cả bắt đầu khá đơn giản, khi cô nàng Terra Branford theo lệnh của đế quốc Gestahl cưỡi một cỗ máy chiến tranh Magitek Armor tới thị trấn vùng mỏ Narshe, nhằm mục đích cướp một Esper bị đóng băng về phục vụ nghiên cứu.
Hoá ra, Terra, vì khả năng sử dụng phép thuật bẩm sinh của mình, đã bị đế quốc Gestahl sử dụng chỉ như một công cụ chiến tranh, bằng một chiếc vòng điều khiển gắn trên đầu.
Trong khi chiến đấu với Esper Valigarmanda, chiếc vòng điều khiển này đã bị vỡ và Terra, không chịu nổi cú sốc, đã ngất đi và mất theo cả trí nhớ.
Nhưng thật may mắn, Terra đã được anh chàng “thợ săn kho báu” Locke Cole tìm thấy, và cả hai lên đường đi tìm lại ký ức cho cô nàng, mở ra một mạch truyện mà theo người viết nằm trong số những mạch truyện Final Fantasy hay nhất, nếu không phải là trong số những mạch truyện game hay nhất.
Thực tế, người viết đã có một lịch sử khá lâu đời với Final Fantasy VI, vì đây là tựa Final Fantasy thứ hai mà người viết từng chơi, tuy nhiên lại là tựa game được chơi lại nhiều nhất.
Đây đã là lần thứ ba người viết trải nghiệm Final Fantasy VI (hai lần trước trên hệ SNES – dưới cái tên Final Fantasy III – và GBA – với tên gọi Final Fantasy VI Advance), nhưng vì lý do nào đó, cốt truyện của Final Fantasy VI Pixel Remaster vẫn lôi cuốn, vẫn đầy những khúc ngoặt bất ngờ, những cảm xúc hỗn độn được trải dài suốt từ lúc Terra đặt chân tới Narshe cho tới lúc dòng chữ “Fin” quen thuộc của Final Fantasy hiện lên.
Nhiều khi người viết tự hỏi, làm sao mà những nhà làm game thời đó có thể nhồi một lượng cốt truyện khổng lồ, không khác gì một tiểu thuyết, vào trong một tấm băng chỉ có dung lượng vài megabyte?
Nếu kể ra những khoảnh khắc đáng nhớ trong cốt truyện của Final Fantasy VI Pixel Remaster, có lẽ bài đánh giá này sẽ dài bằng năm bài đánh giá khác!
Có người chơi nào quên được khoảnh khắc nàng tướng quân xinh đẹp Celes Chere trút bỏ thanh kiếm và áo giáp của mình, để cất lên tiếng hát opera thánh thót?
Hay tiếng thét xé tâm can “Không! Chuyện này không có thực!” của lão samurai Cyan Garamonde khi vợ con bị đầu độc chết ngay trước mắt, và tiếng gọi vô vọng của lão với theo Con Tàu Ma chở linh hồn họ về thế giới bên kia?
Hay nỗi tuyệt vọng của Celes tới mức nàng gieo mình xuống vách đá vì “không còn ai để sống cùng…”
Final Fantasy VI dường như đã phá hết tất cả những gì gọi là “rập khuôn” của những JRPG thời bấy giờ, khi mà dường như nhân vật chính luôn là chính nghĩa, luôn được ban cho sức mạnh đặc biệt, dường như bất khả chiến bại, nếu có thua (theo cốt truyện) thì cũng sẽ được “sức mạnh tình bạn” cứu rỗi.
Ngược lại, Final Fantasy VI tự tay cho người chơi nếm trải cảm giác hồi hộp rồi tuyệt vọng khi kẻ phản diện chính – một trong những kẻ phản diện được coi là đặc trưng nhất của Final Fantasy – huỷ diệt sự cân bằng của thế giới, và người chơi chỉ có thể đứng nhìn.
Cốt truyện của Final Fantasy VI không hề đơn giản, nó đầy những khúc cua, những pha “plot twist” bất ngờ, những bí mật ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới rộng lớn, tạo nên một trải nghiệm mà người chơi khó lòng rời khỏi ghế.
Không chỉ mạnh về cốt truyện đại cục, Final Fantasy VI cũng đặc biệt trau chuốt những chi tiết dù nhỏ tới đâu trong cốt truyện.
Có rất nhiều những khoảnh khắc thú vị xảy ra một cách bất chợt, như con bạch tuộc Ultros suốt ngày… rình mò những cô gái đẹp trong đội ngũ của chúng ta.
Những khoảnh khắc này thực sự đóng vai trò như “chất keo” nối liền những sự kiện lớn, kèm với một tốc độ vừa phải, khiến cho mạch truyện không bao giờ có khoảng trống nhàm chán.
Cốt truyện của Final Fantasy VI không hề đơn giản, nó đầy những khúc cua, những pha “plot twist” bất ngờ
Có cả thảy 14 nhân vật có thể chơi được, và tận 6 trong số đó có thể coi là “nhân vật chính” khi những sự kiện chính của Final Fantasy VI xoay quanh họ. Tuy nhiên, những nhân vật còn lại cũng không chỉ là “khách qua đường”, mà mỗi người lại có một câu chuyện đằng sau mà người chơi có thể khám phá.
Những câu chuyện này có thể vô cùng hài hước và đáng nhớ (như cuộc chạm trán của Gau với Sabin và Cyan), hay thực sự bi kịch (như của Setzer), tuy nhiên chúng đều đem lại cho chúng ta một cái nhìn có chiều sâu về toàn bộ các nhân vật, điều hiếm thấy kể cả đối với những tựa game JRPG bây giờ.
Tóm lại, Final Fantasy VI Pixel Remaster kể lại một câu chuyện vốn đã vượt ra khỏi phạm vi ràng buộc của thời gian, phạm vi của những giới hạn về phần cứng thời thập kỷ 90, và mặc dù đã gần 28 năm kể từ khi ra mắt, và cũng gần 17 năm kể từ lần đầu người viết chơi Final Fantasy VI, nhưng chỉ cần bản nhạc của Terra vang lên, người viết, và chắc hẳn rất nhiều người hâm mộ, sẽ lại nhớ về khung cảnh đó, khi Terra cùng Biggs và Wedge vượt bão tuyết tới Narshe.
Lối chơi – kết tinh của một thập kỷ thử nghiệm
Final Fantasy VI Pixel Remaster sở hữu cơ chế ATB đã làm nên tên tuổi của những tựa game Final Fantasy kinh điển, và nâng tầm lên thành một hệ thống phức tạp, hứa hẹn đem tới cho người chơi những khoảnh khắc vô cùng gay cấn, mặc dù hoàn toàn không phải là game hành động.
Thay vì khả năng tuỳ chỉnh nghề nghiệp như Final Fantasy V, Final Fantasy VI Pixel Remaster khoá cứng mỗi nhân vật bằng một hành động đặc trưng, tỉ như Locke sẽ có hành động “Steal” và Celes có “Runic”, đặc trưng cho mỗi nhân vật, và đồng thời không có hai hành động nào là na ná nhau, đem lại cho mỗi nhân vật một bản sắc riêng.
Tuy vậy, người chơi vẫn có thể tuỳ chỉnh các nhân vật này bằng cách gắn họ bằng những Esper có thuộc tính khác nhau. Ngoài việc cung cấp những phép thuật, mỗi Esper sẽ giúp gia tăng một chỉ số khi tăng cấp, do đó người chơi cần định hình lối chơi trước khi gắn Esper để có thể có chỉ số có lợi nhất.
Final Fantasy VI Pixel Remaster sở hữu cơ chế ATB đã làm nên tên tuổi của những tựa game Final Fantasy kinh điển, và nâng tầm lên thành một hệ thống phức tạp
Việc thêm vào trang bị Relic cũng là một điểm nhấn, khi vài Relic không chỉ tăng chỉ số mà còn có một số hiệu ứng đặc biệt khác, như Dragoon Boots có thể biến lệnh tấn công thông thường thành lệnh Nhảy, giúp nhân vật tạm thời “thoát” khỏi trận chiến và có thể tránh được đòn tấn công của địch.
Những bổ sung này khiến Final Fantasy VI, mặc dù nói là “khoá cứng”, nhưng vẫn có khả năng tuỳ chỉnh lớn, tuỳ theo sở thích của người chơi.
Final Fantasy VI cũng gần như đi “tiên phong” trong việc tạo… thế giới mở, khi sau một sự kiện nhất định, người chơi có một sự tự do thoải mái khám phá bất kỳ đâu trên thế giới, làm bao nhiêu nhiệm vụ, thu thập bao nhiên nhân vật cũng được, hoặc có thể bỏ qua hết và xông vào… đánh trùm cuối luôn!
Những cải tiến hiện đại
Final Fantasy VI Pixel Remaster đem đến nhiều nâng cấp rõ rệt cho Final Fantasy VI, điển hình là mảng đồ họa và âm nhạc.
Về đồ họa, những hình ảnh nhân vật đã được trau chuốt và chi tiết hơn (mà không bị “biến dạng” hoàn toàn như phiên bản chuyển thể trước), vừa giữ được linh hồn của nhân vật, vừa cải tiến để thuận mắt với người dùng.
Tuy nhiên, âm nhạc mới là điểm nhấn của bản Pixel Remaster.
Tất cả mọi âm thanh, bản nhạc đều được thay bằng phiên bản giao hưởng (orchestral), với chất lượng rất cao, thổi một luồng gió mới vào những bản nhạc bất hủ của Nobuo Uematsu.
Không chỉ vậy, với phân cảnh Opera, Square Enix còn “chơi lớn” khi tái hiện hoàn toàn phân cảnh dưới dạng 2D-HD (dạng của Octopath Traveler và Dragon Quest III bản làm lại sắp ra mắt), và thâm chí còn… lồng tiếng cho Celes, khiến phân cảnh này trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết.
Tóm lại, nhờ những cải tiến mà không làm “mất chất” này, có thể nói Final Fantasy VI Pixel Remastered là phiên bản “definitive”, đáng đồng tiền bát gạo nhất của Final Fantasy VI.
nhờ những cải tiến mà không làm “mất chất” này, có thể nói Final Fantasy VI Pixel Remastered là phiên bản “definitive”, đáng đồng tiền bát gạo nhất
BẠN SẼ GHÉT
Vẫn là phông chữ!
Không rõ lắm tại sao Square Enix cứ khăng khăng sử dụng phông chữ “chán đời” đã được sử dụng và bị người hâm mộ chê suốt từ bản Pixel Remaster đầu tiên tới giờ.
Tất nhiên, do bản chất chơi trên PC nên người viết dễ dàng mod được phông chữ thành một phông đẹp và hợp hơn nhiều.
Tuy nhiên, những người dùng iOS và Android, và sau này có thể là PS4, PS5 hay Switch, sẽ phải “chịu trận” với phông chữ này.
Không rõ lắm tại sao Square Enix cứ khăng khăng sử dụng phông chữ “chán đời” đã được sử dụng và bị người hâm mộ chê suốt
Thiếu một số cải tiến
Một số cải tiến có thể sẽ giúp ích nhiều người chơi bận bịu như tăng tốc độ trận chiến, tăng tốc độ di chuyển thì không có mặt.
Đồng thời, một vài nội dung của phiên bản Final Fantasy VI Advance trên GBA như vài hầm ngục có vẻ như… không tồn tại?
Hi vọng Square Enix sẽ lắng nghe và bổ sung những cải tiến trên sau này.
một vài nội dung của phiên bản Final Fantasy VI Advance trên GBA như vài hầm ngục có vẻ như… không tồn tại?