Skip to content

Tales of Arise – Đánh Giá Game

Tales of Arise

Tales of Arise – Dòng Tales of cũng là một dòng game JRPG lâu đời nhất nhì, sánh ngang với những tượng đài JRPG như Final Fantasy hay Dragon Quest, với nhiều tựa game vô cùng chất lượng như Tales of Symphonia, Tales of Berseria, Tales of Vesperia

Tuy nhiên, có vẻ như ngoại trừ những người hâm mộ JRPG ra, thì dòng Tales of chưa bao giờ trở nên “chính thống” (mainstream), như cái cách mà Final Fantasy VII đã làm, trên thị trường quốc tế.

Với quyết tâm lật ngược thế cờ, Bandai Namco đã “mạnh tay” gạt bỏ khung phần mềm cũ và thay thế bằng khung Unreal Engine 4, cải tiến đồ hoạ, lối chơi, với hi vọng đưa Tales of trở thành một ông lớn JRPG trên thị trường toàn cầu.

Liệu Tales of Arise có làm được điều đó? Trở thành một Final Fantasy VII của dòng Tales of?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau, bạn nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Tales of Arise

Tales of, và những di sản

Trước khi bắt đầu đi chi tiết vào đánh giá Tales of Arise, người viết xin kể qua lịch sử của người viết với dòng Tales of, bởi vì đánh giá và kỳ vọng với Tales of Arise của một “fan cứng” rõ ràng sẽ khác so với một người chưa chơi JRPG bao giờ (hoặc chí ít là chưa chơi Tales of).

Ngoài dòng Final Fantasy, dòng Dragon Quest (bản gần nhất là Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age), dòng Trails (phiên bản gần nhất là The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel IV), thì Tales of là một trong những dòng game hiếm hoi mà người viết đã từng hoàn thành tất cả mọi game (không tính mấy game ngoại truyện nhé), tự tay cảm nhận từ đỉnh cao nghệ thuật kể chuyện JRPG tới những lối chơi biến hóa tốc độ cao khôn lường.

Tales of nắm giữ một vị trí khá đặc biệt trong lòng người viết, một vị trí không phải là “sắt đá” như Final Fantasy, một vị trí không khiến cho người viết theo sát từng nhất cử nhất động như của dòng game như Dragon Quest.

Nhưng Tales of vẫn ở đó, sâu kín một góc, với những cuộc phiêu lưu của anh chàng Yuri và công chúa Estelle, hay chuyện tình của cậu ấm Luke và cô nàng pháp sư xinh đẹp Tear, hay hành trình hồi phục hành tinh của Lloyd và Colette, thi thoảng vẫn gợi lên cảm xúc bồi hồi khi hoàn thành những tựa game đó, và khiến người viết muốn “vập” ngay vào một câu chuyện JRPG dài dằng dặc.

Tales of Arise

Ngọn lửa tuy nhỏ mà kiên trì này đủ để nhóm lên trong lòng người viết một sự phấn khởi khá đặc thù khi Tales of Arise được Bandai Namco công bố vào E3 2019.

Tại sao lại nói đặc thù? Vì thực sự, bốn phiên bản gần nhất của Tales of (Tales of Xillia, Tales of Xillia 2, Tales of Zestiria, Tales of Berseria), mặc dù không bản nào tới mức quá tệ, nhưng cũng không thể gọi là để lại ấn tượng khó phai trong lòng của người viết như những tựa game JRPG kinh điển trước.

Đó là chưa kể nền đồ hoạ của dòng game xuyên suốt bốn tựa game đã bị rơi vào một loại “lối mòn” khá cũ kỹ (có lẽ phần nào do giới hạn phần cứng PlayStation 3) khiến việc trải nghiệm 4 thế giới, từ một sự hào hứng trong Tales of Xillia dần dần đi xuống rõ rệt qua từng bản.

Tales of Arise

Do đó, sự phấn khích với Tales of Arise mơ hồ xen kẽ một sự dè chừng nhất định. Nếu tựa game mới này lại đi theo lối mòn cũ? Với một cốt truyện tầm trung, chơi xong là quên? Hay một nền đồ hoạ không khá khẩm hơn được? Nếu tựa game là một thất bại, liệu người viết có còn dám đặt hết niềm tin vào phiên bản tiếp theo của Tales of?

Thực sự nếu liệt kê mà nói, với tư cách một người hâm mộ lâu năm của dòng game, người viết mong chờ rất nhiều với Tales of Arise, tuy nhiên lại không dám mong chờ quá nhiều, tạo nên một mâu thuẫn khó hiểu.

Tựa game này cần gì? Một cốt truyện tuyệt đỉnh tới mức người chơi không thể nào rời mắt khỏi màn hình, một hệ thống chiến đấu lôi cuốn và hấp dẫn tới mức người chơi không thèm dùng mấy lọ Holy Bottle để qua màn chơi, một nền đồ hoạ khiến người chơi muốn dừng lại chiêm ngưỡng thế giới xung quanh thay vì cắm đầu chạy thục mạng đến địa điểm tiếp theo…

Và, thật bất ngờ, Tales of Arise đã thoả mãn mọi thứ!


Tales of Arise

Cuộc chiến của hai thế giới

Thế giới của Tales of Arise gồm hai hành tinh Rena và Dahna, với hai chủng tộc khác nhau goi là Renan và Dahnan.

Người Dahnan thì có vẻ như vẫn đang kẹt ở thời kỳ Trung cổ, tuy nhiên người Renan đã đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, phát triển máy bay tàu chiến cực kỳ tối tân và hiện đại.

Như một kết quả tất yếu, người Renan xây hẳn một vệ tinh làm căn cứ quân sự tên là Lenegis, rồi ồ ạt sang xâm chiến hành tinh Dahna.

Tất nhiên là giáo mác thì không thể nào ăn được súng laze, và người Dahnan rơi vào ách đô hộ của người Renan, bị biến thành nô lệ, thân phận hèn kém còn hơn cả súc vật, và bị đồng hoá toàn bộ, khi lịch sử và văn hoá của cả hành tinh bị xoá sổ.

Thế giới Dahna sau khi bị xâm chiếm được chia thành 5 giới tương ứng với 5 nguyên tố Lửa, Nước, Đất, Gió và Ánh sáng (người Renan không điều khiển được nguyên tố Bóng tối, thứ này chỉ có ở hành tinh Dahna).

Tales of Arise

Mỗi giới được trị vì bởi một giới chủ, và những người lên làm giới chủ sẽ tham gia một cuộc thi, 10 năm diễn ra một lần, để chọn ra người kế vị cho vị trí người đứng đầu của hành tinh Rena.

Tiêu chí của cuộc thi? Người nào thu hoạch được nhiều năng lượng tinh tú nhất từ hành tinh Dahna sẽ là người chiến thắng, và năng lượng tinh tú này được… rút trực tiếp từ trong cơ thể của nô lệ Dahnan, thông qua một viên ngọc được cấy trên mu bàn tay họ, và được hấp thụ vào trong viên Master Core của các giới chủ.

Nói cách khác, người Renan đang rút cạn sinh lực của từng người Dahnan, không nhằm mục đích gì khác để tiêu khiển.

Người chơi sẽ nhập vai anh chàng Mặt Nạ Sắt, một anh chàng mất trí nhớ, đi đào khoáng ở Calaglia, Hỏa Giới. Ở đây, anh chàng này gặp cô nàng Shionne, một người Renan đang bị săn đuổi vì trộm Master Core của giới chủ Calaglia.

Shionne quả thực là “hoa hồng có gai” theo nghĩa đen, vì ngoài vẻ ngoài rất xinh đẹp ra, cô bị nguyền rủa bởi “lời nguyền gai đâm”: bất kỳ ai chạm vào cô đều bị một nguồn năng lượng bí ẩn giật điện tới mức sống dở, chết dở.

Tuy nhiên, trời sinh ra thứ gì đều có đôi có cặp. Anh chàng Mặt Nạ Sắt của chúng ta, ngoài mất trí còn mất cả cảm giác đau đớn, và trở thành người duy nhất trên hai thế giới có khả năng chạm vào được Shionne.

Mất cảm giác đau đớn còn giúp cho Mặt Nạ Sắt (tên thật là Alphen) có khả năng cầm thanh kiếm lửa rút ra từ Master Core lửa của Shionne, một thanh kiếm cực mạnh mẽ nhưng cũng đốt cháy cánh tay của bất cứ ai cầm nó.

Từ đó, “cặp đôi hoàn cảnh” trời sinh Alphen và Shionne lên đường lật đổ ngũ giới, giải phóng Dahna khỏi ách thống trị Rena, và tìm hiểu ra những bí mật động trời ẩn giấu giữa hai thế giới…

Thoạt đầu, Tales of Arise dường như thuận theo một bố cục rất truyền thống: anh chàng anh hùng gặp cô nàng anh hùng, cả hai đi từ giới này tới giới nọ, “đấm vỡ mồm” giới chủ, giải phóng người dân ở giới đó, thu thập thêm vài người “chiến đấu vì lý tưởng” rồi cuối cùng gặp trùm cuối đứng đằng sau mọi việc, v.v.

Nhưng ở khía cạnh này, mạch truyện tựa game bắt đầu trở nên đặc biệt, khi nó khám phá những khía cạnh nhân sinh quan sau khi chúng ta đã đánh bại giới chủ.

Thì ra, sự áp bức không chỉ có áp bức bằng bạo lực.

Thì ra, lật đổ ách thống trị thì dễ, nhưng duy trì sự độc lập mới khó.

mạch truyện tựa game bắt đầu trở nên đặc biệt, khi nó khám phá những khía cạnh nhân sinh quan sau khi chúng ta đã đánh bại giới chủ

Thì ra, kể cả khi người Renan và Dahnan sống hoà thuận “bằng mặt”, nhưng 300 năm đô hộ là quá lâu và quá đau khổ để họ có thể “bằng lòng”.

Áp bức không chỉ cần bạo lực thể xác, áp bức còn ở mặt tinh thần, khi ở Cyslodia mọi người không ai tin tưởng lẫn nhau: con không tin cha, bà không tin cháu, con cái sẵn sàng bán đứng cha mẹ, gia đình sẵn sàng “đấu tố” nhau bất kỳ lúc nào. Có lúc, người viết cảm thấy phương thức này còn hiệu quả hơn cả phương thức đánh đập.

Duy trì sự độc lập như thế nào, khi ngay sau khi một giới chủ rời khỏi là có một giới chủ khác tới thế chỗ, với ách thống trị còn có thể hà khắc hơn nhiều.

Bằng lòng như thế nào, khi một bên quá tự cao về khả năng kỹ thuật của mình, một bên thì đã chịu giày vò suốt 300 năm.

Tales of Arise

Tales of Arise thoát khỏi lối mòn JRPG thông thường, nơi mọi thứ tốt xấu gì đều xoay quanh “trùm cuối”, và chỉ cần đánh bại trùm cuối này mọi thứ sẽ đâu vào đó. Thay vào đó, tựa game khám phá một trong những khung truyện cổ nhất dòng JPRG: thế giới bị khống chế bởi kẻ xấu, ta cần đánh bại kẻ xấu – thông qua một lăng kính đa chiều mới, không chỉ khiến cho mạch truyện trở nên cuốn hút, mà còn gợi cho người viết nhiều suy nghĩ.

Những vấn đề mà cốt truyện đưa ra được lồng ghép vào trong từng phân đoạn (mỗi phân đoạn là một giới) một cách khéo léo và hợp lý, không chỉ tận dụng được hết những đặc trưng của từng giới để phản ánh được thực trạng của chính xã hội trong giới đó, mà tạo ra một dòng chảy mạch truyện hết sức tự nhiên và không hề gượng ép, đồng thời thúc giục người chơi khám phá cốt truyện.

Mặc dù nghe qua thì cốt truyện có vẻ khá căng thẳng và đen tối, tuy nhiên Tales of Arise, với sự trợ giúp của hệ thống skit trứ danh, vẫn chứa những khoảnh khắc hài hước và vui vẻ, ngoài việc giúp người chơi hiểu sâu hơn về thế giới, còn giúp nắm bắt được tâm lý của nhân vật và các mối quan hệ trong nhóm một cách tự nhiên và trôi chảy.

Một điều đáng khen nữa là nhịp mạch truyện của tựa game rất tốt, những sự kiện diễn ra không quá thưa mà cũng không quá dồn dập, và hầu như không có khoảng chết, giữ người chơi ngồi trên ghế một khoảng thời gian dài mà không làm người chơi “ngộp thở” vì quá nhiều thông tin.


Chiến đấu: tốc độ, chiến thuật và đã mắt!

Từ trước tới nay, dòng Tales of sử dụng Linear Motion Battle System (Hệ thống Chiến đấu Chuyển động Tuyến tính), với đặc trưng là nhân vật sẽ bị “khóa cứng” với địch trên một đường thẳng, giới hạn khả năng di chuyển của cả hai trên đường thẳng đó.

Thuở đầu, màn hình chiến đấu là 2D, nhân vật và địch di chuyển và sử dụng kỹ năng trên một mặt phẳng rất giống với cách chiến đấu của những tựa game đối kháng.

Dần dần, những tựa game mới, hiện đại hơn sẽ thêm vào những tính năng mới, và hệ quả là mỗi tựa game sẽ sử dụng một biến thể của LMBS, chẳng hạn như Tales of the Abyss là Flex Range LMBS (FR-LMBS) với khả năng “Free Run” giúp nhân vật tạm thời chạy trong không gian 3D bằng cách giữ nút R.

Tới Tales of Xillia, với hệ thống Double-Raid LMBS (DR-LMBS) thì gần như màn hình chiến đấu đã chuyển sang dạng 3D hoàn chỉnh, nhưng nhân vật vẫn… chạy theo một đường thẳng tới địch, và bị giới hạn di chuyển trong đường thẳng đó, trừ khi người chơi nhấn nút kích hoạt Free Run.

Tuy nhiên, tới Tales of Arise, Bandai Namco đã quyết định bỏ khía cạnh “linear” (tuyến tính) trong LMBS và cho người chơi tự do di chuyển trong không gian 3D như một tựa game hành động thực thụ.

Điều này có thể khiến nhiều người hâm mộ trung thành cảm thấy không thích lắm, tuy nhiên khi được tận tay trải nghiệm chiến đấu của tựa game, người viết mới cảm thấy sự cải tiến này là đúng đắn và hợp lý.

Trong Tales of Arise, nhân vật có khả năng di chuyển tuỳ ý trong phạm vi chiến đấu, với lệnh tấn công cơ bản, các kỹ năng gọi là arte, và khả năng né đòn.

Mỗi nhân vật có khả năng gắn 6 arte, 3 arte sử dụng dưới mặt đất và 3 arte sử dụng ở trên không. Tuy nhiên, sau này người chơi sẽ mở khóa khả năng đổi bộ arte giữa trận chiến, nghĩa là người chơi có thể sử dụng cùng lúc tới 12 arte.

Khác với những phiên bản trước khi mà việc dùng arte trong chiến đấu thường phải rất… tiết kiệm, Tales of Arise đưa vào cơ chế Arts Gauge giúp bạn tha hồ “xả” arte.

Qua rồi những thời không dám dùng arte vì sợ hết TP hay không có Orange Gel, qua rồi những thời không dùng nổi 1 arte vì hết sạch Soul, trong Tales of Arise thanh Arts Gauge sẽ hồi liên tục trong trận chiến (sẽ hồi chậm hơn nếu bạn đang tấn công kẻ địch), giúp bạn thoải mái sử dụng arte để gây sát thương cho địch.

Tales of Arise

Tất nhiên, bạn cũng không nên xả arte bừa bãi, vì việc “combo” những đòn tấn công là rất quan trọng, và bạn sẽ không muốn nhân vật phải “nghỉ xả hơi” đợi hồi Arts Gauge và làm đứt quãng combo.

Vì sao? Không chỉ gây sát thương nhiều hơn khi combo dài hơn, mà bạn cần combo không ngừng nghỉ để kích hoạt Boost Strike. Về cơ bản, Boost Strike như là “đòn chí mạng” cho địch, khi phát động thì hai nhân vật trong đội sẽ sử dụng một tuyệt chiêu kết hợp cực kỳ “làm màu” để gây sát thương lớn, và hầu hết là kết liễu địch ngay lập tức, tiết kiệm được thời gian chiến đấu.

Bởi vậy, mặc dù được tự do dùng arte hơn, nhưng trò chơi không biến thành dạng “spam để thắng”, mà người chơi vẫn cần phải vận dụng chiến thuật để có thể combo các arte với đòn tấn công căn bản (và combo với kỹ năng của đồng đội) để tối ưu hoá sát thương và thời gian chiến đấu.

Nhắc tới Boost Strike, trong trò chơi này, mỗi nhân vật sẽ có một Boost Attack, một kỹ năng đặc biệt mà người chơi có thể sử dụng trong trận chiến.

Khi thanh Boost Gauge của một nhân vật đầy, bạn có thể triệu hồi nhân vật đó (bất kể là người đó có đang ở trong đội ngũ đang chiến đấu không) để thực hiện một Boost Attack với những khả năng khác nhau.

Ví dụ, Boost Attack của Law sẽ phá vỡ lá chắn của địch, trong khi đó Boost Attack của Rinwell sẽ cướp luôn phép thuật mà địch đang niệm chú và bắn trả lại địch.

Do đó, chiến đấu trong Tales of Arise lại tăng thêm một tầng chiến thuật: bạn cần phải nắm rõ khả năng của toàn bộ đội ngũ đồng thời nắm rõ ưu/nhược điểm của địch, đồng thời biết tính toán để giữ lại Boost Attack (chẳng hạn của Rinwell) khi cần thiết, và phản xạ kịp thời khi thanh Boost Gauge đầy.

Có cả thảy 6 nhân vật mà người chơi có thể điều khiển, và không người nào giống người nào: mỗi người dùng 1 vũ khí khác nhau, súng, kiếm, nắm đấm, phép thuật, chuỳ, và côn. Do đó, bộ arte của mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau, khiến việc điều khiển những nhân vật khác nhau cảm thấy vô cùng khác biệt và mới mẻ, và người chơi thoải mái nghiên cứu và tìm ra nhân vật với bộ arte nào mà họ thấy “ưa” nhất.

Một sự thay đổi khác, giờ đây arte hồi máu sẽ sử dụng một thanh đặc biệt gọi là CP dùng chung cho cả đội, và thanh này thì không hồi trong trận chiến hoặc sau khi kết thúc trận chiến.

chiến đấu trong Tales of Arise đem đến một sự tự do chưa từng thấy trong dòng game và một sự thoải mái tuỳ biến cho người chơi

Cách duy nhất để hồi CP là “cắn” Orange Gel hoặc đi ngủ, do đó việc cân đối hồi máu trong chiến đấu là rất quan trọng. Nếu bạn hết CP, bạn sẽ không thể dùng arte hồi máu được, và điều này thật tai hại trong chiến đấu với quái trùm.

Tóm lại, chiến đấu trong Tales of Arise đem đến một sự tự do chưa từng thấy trong dòng game và một sự thoải mái tùy biến cho người chơi, với một lối chơi hành động tốc độ cao và ít giới hạn, tuy nhiên cũng không vì thế mà mất đi tính chiến thuật, vẫn yêu cầu người chơi phải toan tính và căn ke phù hợp, mang lại một thử thách thú vị và hấp dẫn.

Đặc biệt, những màn đấu với các Giới Chủ đầy thử thách, khiến người chơi phải liên tục thay đổi chiến thuật, đòi hỏi phản xạ nhanh và tuỳ cơ ứng biến đối phó với những tuyệt chiêu của Giới Chủ, đem lại những cảm giác căng thẳng hồi hộp người viết đã lâu chưa trải nghiệm trong dòng Tales of.

Nếu một tựa game JRPG khiến cho người viết không bỏ qua bất cứ một trận chiến nào từ đầu tới cuối, bạn hiểu mức độ hấp dẫn và lôi cuốn của chiến đấu rồi đó.


Thế giới lộng lẫy

Thật là thiếu sót nếu như không khen khía cạnh đồ họa của Tales of Arise: một thế giới lộng lẫy, chân thực, những phong cảnh đẹp ngút tầm mắt, nhưng thắng cảnh hùng vĩ trên con đường phiêu lưu.

Từ những mỏ quặng đầy những viên ngọc lóng lánh, tới những khu rừng rậm rạp cây leo chằng chịt, thậm chí cả núi tuyết phủ sương trắng xoá – những địa điểm trong trò chơi được phác hoạ ấn tượng không khác gì tranh vẽ, tạo nên một cảm giác phiêu lưu thứ thiệt, thôi thúc một bản năng khám phá trong mỗi người chơi, khiến người chơi mong mỏi được khám phá những vùng đất mới, những danh lam mới, những câu chuyện mới.

Tales of Arise

Thật là thiếu sót nếu như không khen khía cạnh đồ họa của Tales of Arise: một thế giới lộng lẫy, chân thực, những phong cảnh đẹp ngút tầm mắt, nhưng thắng cảnh hùng vĩ trên con đường phiêu lưu.

Không ít lần người viết đã dừng lại để ngắm cảnh, phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng những chi tiết nhỏ trên những vách núi, hay một hang động thơ mộng.


Vô vàn cải tiến

So với những tựa game trước của dòng game, Tales of Arise có rất nhiều cải tiến khiến việc chơi game trở nên… đỡ khổ!

Đầu tiên, trò chơi mở khóa khả năng di chuyển nhanh (fast travel) rất sớm, hình như còn sớm trước cả đoạn phim mở đầu thì phải. Bình thường thì phải tới cuối game khả năng này mới được mở, và đầu game là thời gian game thủ phải chạy tới lui nhiều nhất.

Mỗi nhân vật chỉ có ba trang bị: vũ khí, áo quần và trang sức. Cá nhân người viết thấy đây là một cải tiến hợp lý, tối giản hoá trang bị sẽ giúp nhiều người chơi dễ dàng quyết định hơn, dù sao thì Tales of Arise có một hệ thống đúc đồ khá lằng nhằng.

Một đặc thù của dòng Tales of là “title”, những danh hiệu mà nhân vật đạt được khi hoàn thành cột mốc nào đó. Giờ đây, “title” không còn để trưng cho vui nữa, mà trở thành cây kỹ năng để nhân vật học kỹ năng và arte mới.

So với những tựa game trước của dòng game, Tales of Arise có rất nhiều cải tiến khiến việc chơi game trở nên… đỡ khổ!

Những tập skit không còn sử dụng hình ảnh 2D nữa, mà chuyển sang sử dụng hình ảnh 3D như một phân cảnh thực thụ. Ban đầu, người viết do đã quen với skit từ 15 phiên bản trước (Tales of Phantasia chưa có skit, nhưng có vẻ như bản làm lại trên PS1 có), nên cảm thấy có gì đó gờn gợn, tuy nhiên sau khi trải nghiệm chút lâu thì cảm thấy việc chuyển định dạng skit giúp nhân vật có nhiều biểu cảm hơn nhiều.

…và rất nhiều cải tiến khác rải rác trong Tales of Arise, giúp cho trải nghiệm chơi game được mỹ mãn.

BẠN SẼ GHÉT

Đa dạng sinh học??

Gần như không có cái gì gọi là “đa dạng sinh học” trong Tales of Arise, nói trắng ra, sự đa dạng về quái vật là quá tệ!

Xuyên suốt cả năm giới, những gì mà người chơi sẽ gặp là: sói, sói băng, sói đồng cỏ, sói điên… các loại sói, mà căn bản chỉ là sói ban đầu nhưng đổi màu.

Tiếp theo chúng ta có… diều hâu, diều hâu cung thủ (?), diều hâu lửa… căn bản vẫn là con diều hâu ban đầu nhưng đổi màu.

Quanh đi quẩn lại, ngoại trừ các giới chủ với quái trùm ra, và thi thoảng được một số con khác biệt, thì người chơi sẽ gặp đi, gặp lại mấy con thú này từ đầu tới cuối, và điều này có thể làm phật lòng một vài người hâm mộ có sở thích tìm và ghi chép lại quái vật giống trong những phiên bản Tales of trước.

Gần như không có cái gì gọi là “đa dạng sinh học” trong Tales of Arise, nói trắng ra, sự đa dạng về quái vật là quá tệ!


Vẫn còn đôi chút rập khuôn!

Về tổng thể thì Tales of Arise đã kể được một câu chuyện theo khía cạnh mới, tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết thì có nhiều chỗ rất rập khuôn, và một số tình tiết tiếp theo thì… quá dễ đoán.

Thậm chí, một số tình tiết còn rập khuôn tới mức khó tin, tỉ như khi một người đang bị xử tử giữa một quảng trường rộng đầy ắp binh sĩ, không biết làm thế nào một người khác xông vào, như chốn “đồng không mông quạnh” chạy được tới giữa quảng trường và… đấm được hai binh sĩ ngã gục rồi thảnh thơi cởi trói cho người nọ!?

Những người lính khác đâu? Sao để người này chạy tới tận giữa quảng trường toàn binh lính mà không ai phát hiện ra? Những tình huống quá “sách vở” này mặc dù không ảnh hưởng quá lớn tới đại cục, tuy nhiên vẫn dấy lên vài dấu hỏi khó hiểu cho người chơi.

Tales of Arise đã kể được một câu chuyện theo khía cạnh mới, tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết thì có nhiều chỗ rất rập khuôn, và một số tình tiết tiếp theo thì… quá dễ đoán

Vàng 9.5

Với một cốt truyện lôi cuốn, một hệ thống chiến đấu vừa tốc độ mà vẫn có khía cạnh chiến thuật, và một thế giới đẹp đẽ như tranh vẽ, Tales of Arise rất có thể sẽ làm vang vọng cái tên Tales of trên khắp bản đồ game thế giới.

Thông tin

  • Tales of Arise
  • Nhà phát triển
    BANDAI NAMCO Studios Inc
  • Nhà phát hành
    BANDAI NAMCO Entertainment
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    10/09/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 (64-bit Only)
  • CPU
    Intel Core i5-4590 or AMD FX-8350
  • RAM
    8GB
  • GPU
    GeForce GTX 970 or Radeon R9 390
  • Lưu trữ
    45 GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi BANDAI NAMCO. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận