Evil West là tựa game hành động phiêu lưu mới nhất tới từ bàn tay của Flying Wild Hog (Ba Lan) – tạo được tiếng vang nhất định với dòng Shadow Warrior, Trek to Yomi, Hard Reset, v.v.
Tựa game nhanh chóng thu hút người chơi nhờ vào các trường đoạn lối chơi với hệ thống chiến đấu dồn dập, có “mùi” giống với các bản God of War 2018 tới và God of War: Ragnarok vừa qua!
Bên cạnh đó, việc giới thiệu bối cảnh có sự hiện diện của ma cà rồng và ma sói, kết hợp với không khí của các cao bồi miền Tây hoang dã vốn đã khá ít sử dụng ở các game “bom tấn”. Chính vì vậy, lại càng làm người viết thêm phần trông mong về tựa game này.
Evil West giờ đã ra mắt, liệu rằng tựa game có mang tới chất lượng bất ngờ nào tới người chơi như mong đợi?
Mời bạn đọc đến với bài đánh giá sau của Vietgame.asia để tìm hiểu!
BẠN SẼ THÍCH
LỐI CHƠI DỒN DẬP CÙNG PHONG CÁCH HOÀI CỔ!
Evil West kể về chuyến phiêu lưu của Jesse Rentier – một thợ săn quái vật – vô tình phát hiện ra âm mưu thâm độc của tổ chức ma cà rồng muốn thôn tính thế giới. Trong suốt chuyến hành trình, anh sẽ nhận được sự giúp đỡ của bạn bè chí cốt để cùng nhau ngăn chặn mọi chuyện trước khi quá trễ.
Nói thật, trước khi chơi Evil West, người chơi đã nghĩ đây sẽ là một tựa game có cốt truyện cố tình được làm trông như “sản phẩm hạng B” khi đi kèm các tình tiết hài hước, ngớ ngẩn. Chủ yếu để đem tới sự giải trí thuần túy giải trí đơn thuần cho người chơi.
Các nhân vật từ anh chàng Jesse Rentier “mù” công nghệ, thích mạo hiểm và dùng nấm đấm tới ông bạn nóng tính, già đầu Edgar Gravenor nhưng luôn quan tâm tới bạn bè đồng chí, kể cả những nhân vật phụ nhưng lại là “bộ não” của nhóm là Emilia Blackwell và Vergil Olney cũng được thể hiện tốt không kém cạnh trong Evil West.
Tuy rằng sở hữu cốt truyện không mới mẻ, đậm chất giải trí nhưng khi cần “đổi trắng thành đen”, tựa game vẫn làm tốt khi biết cách khắc họa góc tối đẫm máu cần thiết nhằm mang tới mối họa nghiêm trọng tới người chơi về bối cảnh diễn ra trong game.
Một trong những điểm mạnh của Evil West bên cạnh ma cà rồng và người sói, thì còn là phong cách kết hợp giữa dựa trên bối cảnh miền Viễn Tây, Steampunk và cả một tí của vũ trụ Cthulhu từ các loài quái vật, trang phục, vũ khí và kiến trúc. Đặc biệt ở các loài quái có xúc tu ghê gớm, nhớt nhát mà người chơi sẽ được diện kiến.
Mọi bối cảnh trong game được khắc họa tốt và đa dạng đầy ma mị, trải dài từ các cánh rừng âm u, tới nghĩa trang hay các đầm lầy nhớt nhát, sau đó chuyển sang các khu vực hoang mạc nắng chói. Tất cả chúng được hãng phát triển Flying Wild Hog thể hiện rất tốt khi tận dụng sát sao khả năng chỉ đạo nghệ thuật trong từng khung cảnh, trình làng đẹp đẽ trước mắt người chơi trong Evil West.
Đặc biệt là sự nhấn nhá của màu sắc tương phản và hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng rất tinh vi vào cách bối trí cảnh vật để tạo sự nổi bật đầy thông minh, đánh trực tiếp vào thị giác rất tốt. Các mô hình nhân vật chính phụ có sự chi tiết nhất quán, và phong cách thiết kế các loài quỷ được đầu tư tốt khi có sự đặc trưng ghê gớm riêng biệt, dễ nhận dạng.
Âm thanh môi trường và nhạc nền của Evil West khi chiến đấu được thực hiện bắt tai và hùng hồn, đặc biệt là hiệu ứng 3D rõ ràng của game giúp ít rất nhiều cho việc chiến đấu vì lực lượng quỷ tấn công rất dồn dập và đông đúc.
Có thể nói rằng bộ cánh hình – âm của Evil West khá trọn vẹn và mãn nhãn nếu người chơi không quá khó tính về tương tác môi trường như cây cỏ, hiệu ứng nước, v.v.
Evil West thật sự dễ “gây nghiện” vì tốc độ dồn dập của từng trận chiến, cùng hằng hà sa số bè lũ quái vật đan xen tấn công người chơi!
Thuộc thể loại hành động phiêu lưu đầy tuyến tính, lối thiết kế của Evil West làm người viết nhớ tới nhiều vào phong cách các game vào thời điểm của các hệ máy PS3 và Xbox 360 như các dòng Uncharted ba phần đầu và thương hiệu Gears of War, nhưng pha trộn một chút với cách điều khiển cùng hệ thống chiến đấu khá giống “bom tấn” God of War gần đây!
Evil West thật sự dễ “gây nghiện” vì tốc độ dồn dập của từng trận chiến, cùng hằng hà sa số bè lũ quái vật đan xen tấn công người chơi!
Tuy nhìn vào tưởng đây là một game thuần bắn súng góc nhìn thứ ba, nhưng thực chất yếu tố đó lại đóng vai trò phụ trợ cho cận chiến mãnh liệt của nhân vật chính. Người chơi sẽ sớm nâng cấp được nhiều đòn thế “combo” (liên hoàn) cận chiến đầy đẹp mắt dễ làm quen mà khó thuần phục!
Các đòn thế cũng sở hữu các dạng “phím bấm” phù hợp mới có thể thi triển. Nào là tung hứng lính lên rồi “ném” chúng vào các tên to con khác, sau đó kéo điện cả đám gây tê liệt rồi đập từ trên xuống gây sát thương toàn diện! Người chơi gần như hoàn toàn có thể tạo thành một “bữa tiệc buffet” với nhiều phong cách hành động đã mắt khác nhau!
Song hành đó, Evil West cũng làm tốt vai trò cân bằng với các vũ khí hỗ trợ tầm xa đắc lực, khi có những loại quái sẽ chỉ bắn hạ được từ xa hoặc phải dùng súng để nhắm vào các điểm yếu để người chơi có thời gian “xả” cận chiến lên chúng.
Hệ thống trí thông minh nhân tạo (A.I) của các loài quỷ, lính cũng được làm ổn khi chúng biết lúc nào người chơi “bận rộn” để… đánh lén sau lưng, hoặc biết canh lúc người chơi gần hết máu là “xông lên anh em”! Cho nên, bạn hãy cẩn thận quan sát trước sau khi chiến đấu trong Evil West.
Hệ thống nâng cấp cho nhân vật chính được chia thành hai dạng: nâng cấp các trang thiết bị vũ khí từ các loại vũ khí và kỹ năng đòn thế combo.
Để nâng cấp vũ khí, người chơi phải chịu khó tìm kiếm các túi tiền hoặc thùng đồ được đặt ẩn khá khéo léo trong màn chơi. Chúng không quá khó để tìm ra do màn chơi không lớn, cũng không có lắt léo hoặc đòi hỏi quan sát quá nhiều. Còn để nâng cấp cho các đòn thế combo “ngầu” của anh nhân vật chính, người chơi phải chiến đấu với các loài quỷ để tăng điểm “Perk”.
Có thể nói, Evil West thực hiện việc tiến triển nhân vật rất rõ khi càng về sau càng “bá”, tăng sự “sung sức” và hăng máu cho người chơi rất tốt!
Tuy rằng màn chơi của Evil West không có gì nổi bật trong thiết kế, nhưng hãng phát triển cũng rất khôn khéo và “mát tay” trong việc không làm người chơi ngao ngán, khi tạo ra được nhiều tình huống đa dạng trong phong cách thiết kế màn chơi và địa điểm.
Đôi lúc người chơi còn được đi “tàu lượn” siêu tốc hoặc giải đố bằng việc tìm bắn các “mạch máu” thông đường. Hoặc game thả người chơi vào một khu vực không lớn, nhưng người chơi muốn làm gì trước thì làm, miễn hoàn thành đủ “chỉ tiêu”.
Và bạn đừng lo nếu trong lần chơi đầu không thu thập đủ các câu chuyện nền hoặc những nâng cấp vì Evil West có luôn “New Game+” để người chơi quay trở lại để “mở khóa” trọn vẹn toàn bộ cho nhân vật chính.
Có thể nói một cách tổng quan, Evil West không có sự đổi mới nào để bùng nổ trong mắt người chơi. Nhưng nhờ vào sự dồn dập và cực kỳ sướng tay của hệ thống chiến đấu cũng như tinh giản lại lối chơi khi không có các thứ “linh tinh” để cố tình kéo dài thời lượng như thu thập vật dụng, cũng như không đánh đố quá nhiều bằng màn giải đố, tìm đường nên việc trải nghiệm của Evil West thoải mái hơn hẳn giữa một “rừng” các game AAA có phong cách na ná nhau như ngày nay!
BẠN SẼ GHÉT
CẮT CẢNH NHƯ “MA ĐUỔI”!
Lối chơi Evil West được tinh giản và tập trung hẳn vào màn chơi tuyến tính không có gì sai, đôi khi lại là một màn “F5” hợp tình, hợp lý cho người chơi nếu bạn đang tìm một tựa game thuần “xả stress”, giải trí sau những tựa game lớn có phong cách giống nhau từ thế giới mở hoặc nhồi nhét hàng chục các món thu thập.
Nhưng nếu chỉ có vậy mà không thật sự được cân bằng tốt thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung tổng thể, tiếc là Evil West lại dính vài “hạt sạn” như thế.
Điểm “chê” đầu tiên là “tốc độ” thần sầu của phong cách dẫn dắt câu chuyện trong các đoạn cắt cảnh của game.
Không biết vô tình hay chủ ý, toàn bộ các đoạn cắt cảnh luôn trong tình thế… cực kỳ gấp rút, các nhân vật nói lia lịa không ngừng. Mọi tình tiết cứ ồ ạt, ngập tràn thông tin với các nhân vật theo kiểu “bụi đời chợ Lớn”, hành xử như muốn chọi nhau qua cửa sổ cho dù hoàn cảnh không tới mức như vậy.
Dẫu biết Evil West cố tình mang tới một “cốt truyện hạng B”, nhưng các câu thoại hài hước thì khá là gượng gạo, các đoạn nói văn vẻ thì thật “giả nai” và mọi thứ diễn ra cứ đều đều cùng với tốc độ như được “tua” nhanh. Nên khi tới các đoạn cần nhấn mạnh cảm xúc cũng trôi không phanh!
Đôi khi, những khoảng lặng giữa các đoạn thoại có thể mang tới cảm xúc mãnh liệt như phong cách hay thấy trong The Last of Us, nếu như trò chơi biết phân bổ phù hợp khi nào nói, khi nào cần yên lặng, lúc nào nhanh, lúc nào chậm.
Ấy vậy hài hước là tuy phong cách dẫn truyện có vấn đề nhưng khi nói tới phong cách thiết kế màn chơi, thì hãng phát triển lại làm tốt khi biết phân chia giữa trường đoạn hành động với những khoảng dừng cho người chơi có thể “thở”, không bị dồn ép hành động liên tục. Thế nhưng, màn chơi vẫn phạm phải tồn đọng nhỏ ảnh hưởng tới vài trải nghiệm không đáng có dành cho người chơi.
Có rất nhiều đoạn người viết lỡ nhảy qua một cái gờ và chợt thấy thùng đồ ẩn định quay lại, tiếc thay Evil West lại chặn không cho phép tương tác. Điều này diễn ra rất nhiều lần và người viết thầm nghĩ: sao đội ngũ phát triển game lại thiết kế thiếu thấu đáo như vậy?
Một điểm kỳ lạ nhỏ, không hẳn là khuyết điểm, đó chính là giao diện của phần mở khóa và nâng cấp cho vũ khí trong Evil West. Vì chúng trông cực kỳ giống các game ngày nay khi áp dụng các “skill tree”, cụ thể là mở khóa từng ô mới có được nâng cấp tiếp theo.
Nhưng chúng không như bạn nghĩ! Người chơi hoàn toàn có thể… nâng ô nào trước cũng được, miễn đủ tiền cũng như vài nâng cấp bị khóa ở các thùng ẩn (mãi về sau người viết mới biết do không có hướng dẫn cụ thể trong game).
Nền tảng đồ họa của Evil West đẹp thì có đẹp, nhưng khi chơi ở chế độ đồ họa chất lượng cao (quality mode) trên console thì tốc độ khung hình (frame rate) lại không ổn định, dẫn tới việc nếu chơi ở chế độ này mọi thứ cứ giựt giựt, không mượt mà như chế độ 60fps.
Nhưng khi ưu tiên chọn tốc độ khung hình thì hình ảnh của Evil West lại bị mờ, các cảnh dựng xa bị hạn chế lại, rõ nhất là khi lại gần các khúc đá gồ ghề hoặc cỏ cây ở xa trông khá tệ.
Âm thanh 3D tuy rất ấn tượng (như người viết có đề cập), nhưng chỉ duy nhất ở các phân đoạn màn chơi có “điện giật” thì âm thanh mô tả hiệu ứng lại rất chói tai, đôi khi còn bị lỗi đứt âm khi người chơi di chuyển giữa các khu vực quá nhanh, dễ thấy nhất là khi đi ngang các nhân vật phụ đang nói chuyện.
Không biết vô tình hay chủ ý, toàn bộ các đoạn cắt cảnh luôn trong tình thế… cực kỳ gấp rút, các nhân vật nói lia lịa không ngừng