Little Hope – Tuy đã ra mắt khá nhiều tựa game thuộc đa dạng các thể loại, có thể nói tên tuổi của nhà phát triển Supermassive Games giờ đây đã gắn liền với thể loại kinh dị tương tác.
Vào tháng 10 năm 2020, nhà phát triển game của Anh đã ra mắt trò chơi thứ hai trong tuyển tập game kinh dị The Dark Pictures Anthology, mang tên Little Hope.
Sau khi chơi và đánh giá qua ba tựa game thuộc tuyển tập là Man of Medan, House of Ashes và The Devil in Me, người viết đã bổ sung “mảnh ghép” còn thiếu: Little Hope, để có một trải nghiệm trọn vẹn.
Nào, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua Little Hope trong bài đánh giá sau!
XEM THÊM
NỘI DUNG
Trên một con đường ở vùng ngoại ô của nước Mỹ, một chiếc xe buýt chở nhóm giảng viên và sinh viên trên đường đi tham quan đã gặp tai nạn, vì lý do bí ẩn.
Sau khi những vị khách trên chuyến xe tỉnh dậy sau vụ tai nạn, họ nhận thấy rằng tài xế của chiếc xe đã biến mất, để lại mọi người giữa một nơi đồng không mông quạnh.
Nhóm giảng viên và sinh viên – gồm John, Angela, Taylor, Daniel và Andrew – đã quyết định đi đến thị trấn gần đó, Little Hope, để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản, khi nhóm nhân vật chính bỗng dưng bị săn đuổi bởi những con quái vật kì lạ, khiến họ phải đối mặt với cái chết và dường như không thể thoát khỏi Little Hope.
Tại sao thị trấn nhỏ này lại đáng sợ như vậy, và người tài xế xe buýt đang ở đâu? Chỉ người chơi mới có thể tìm câu trả lời cho điều đó.
BẠN SẼ THÍCH
Giá trị “xem” lại cao
Là một tựa game thuộc thể loại kịch tương tác, trải nghiệm chơi của Little Hope chủ yếu tập trung vào các lựa chọn và những hậu quả của nó.
Số lượng lựa chọn mà Little Hope có tương đối nhiều, và đa phần đều ảnh hưởng đến mạch của câu chuyện, không ít thì nhiều. Các lựa chọn được đưa đến thông qua những cuộc đối thoại, hoặc những quyết định hệ trọng mà chúng ta phải thực hiện trong thời gian ngắn.
Little Hope cũng có yếu tố khám phá nhẹ, khi người chơi có thể điều tra những vật trong khu vực được định sẵn để biết thêm về câu chuyện đằng sau thị trấn. Quá trình khám phá cũng có thể dẫn đến việc người chơi thu thập được một số vật phẩm quan trọng, có thể mở ra những tình tiết và lựa chọn mới.
Trải qua hai lượt chơi, người viết đã trải nghiệm hai tình tiết hoàn toàn khác nhau, cũng như hai kết quả nhau, nhờ vào một số thay đổi nhỏ trong lựa chọn của mình.
Số lượng lựa chọn mà Little Hope có tương đối nhiều, và đa phần đều ảnh hưởng đến mạch của câu chuyện
Tương tự như những tựa game khác trong tuyển tập, sau khi hoàn thành lượt chơi đầu tiên, chúng ta sẽ được tiếp cận với chế độ “Curator Cut”, cho phép người chơi trải nghiệm tựa game ở một góc nhìn khác, với hàng loạt những lựa chọn khác.
Một điều nữa cần phải nói về các chọn lựa, đó là để trải nghiệm Little Hope tốt nhất, chúng ta nên chơi cùng một người bạn khác, thông qua chế độ trực tuyến “Shared Story”. Khi ở chế độ này, hai người chơi sẽ vào vai hai nhân vật của một phân cảnh, và việc cả hai có quyền chọn lựa dĩ nhiên cũng sẽ dẫn đến những tình tiết khó mà đoán trước hơn.
BẠN SẼ GHÉT
Sự sụt giảm trong độ kinh dị
Trước hết, người viết muốn khẳng định rằng Little Hope vẫn là một tựa game kinh dị tương đối ổn. Tuy nhiên, nếu so với những tác phẩm khác của Supermassive, có thể thấy chất kinh dị không tốt bằng.
Diễn ra vào giữa đêm, ở một thị trấn hẻo lánh vây quanh bởi sương mù, Little Hope tạo được cảm giác bất an cho người chơi. Điều này còn được nhấn mạnh bởi nhiều phân cảnh, nguồn ánh sáng duy nhất mà chúng ta có là chiếc đèn pin trên tay.
Việc thị trấn Little Hope trong tình trạng xập xệ, gần như không một bóng người cũng đưa đến cho người chơi cảm giác rằng có điều gì đó cực kì không ổn đã xảy ra tại nơi đây.
Nhưng, ngoài yếu tố trên, trò chơi không còn nhiều điểm tạo cảm giác kinh dị khác.
Thiết kế quái vật của trò chơi tương đối đáng sợ, tuy nhiên, chẳng hiểu vì sao Little Hope hiếm khi nào đưa chúng ta một cái nhìn trực diện lũ quái vật. Hầu hết thời gian, chúng ta chỉ thấy tay, chân của chúng từ một góc, hoặc nhìn từ phía sau lưng.
Nếu so sánh với Until Dawn (một trò chơi khác của Supermassive), thì có thể thấy việc cho chúng ta trực tiếp nhìn thấy quái vật của Until Dawn đã tạo cảm giác kinh hãi hiệu quả hơn!
Bên cạnh đó, Little Hope cũng quá lạm dụng những pha “jumpscare” (hù bất chợt) để thực hiện mục đích kể chuyện, đến mức mà sau ba lần, người viết cảm thấy “chai lỳ” và bắt đầu dự đoán được khi nào “jumpscare” kế tiếp sẽ xảy ra. Thậm chí, nói nôm na thì đâu đó cứ 30 phút, Little Hope sẽ “tặng” người chơi một quả “jumpscare”.
chẳng hiểu vì sao Little Hope hiếm khi nào đưa chúng ta một cái nhìn trực diện lũ quái vật
Một câu chuyện được xây dựng vụng về…
Cốt chuyện của Little Hope có tiềm năng để trở thành một câu chuyện có ý nghĩa về việc đối mặt với quá khứ và vượt qua nỗi đau, tiếc thay, sự vụng về trong việc xây dựng câu chuyện đã khiến điều này thất bại.
Nhìn chung, câu chuyện được xây dựng chưa tốt, thiếu sự mạch lạc trong cách kể. Cũng như một “plot twist” (tình thế bất ngờ) khá ngớ ngẩn. Nếu nói thêm về câu chuyện, thì sẽ có một xíu “spoiler” (bật mí), vì vậy bạn đọc cân nhắc lướt qua nếu cần thiết.
Câu chuyện chính của Little Hope được đan xen với một câu chuyện khác, xoay quanh những vụ thanh trừng ác quỷ của thế kỷ 17.
Những vụ tranh trừng ác quỷ này được sử dụng để làm phép ẩn dụ cho một biến cố lớn của cuộc đời nhân vật chính. Song người viết thấy nhánh chuyện này không thực sự cần thiết, với một số tình tiết lan man nhưng chẳng đi về đâu.
Sẽ tốt hơn, nếu như câu chuyện của Little Hope tập trung vào thời điểm hiện tại. Và nhân vật chính thực sự của câu chuyện phải đối mặt với những biến cố của cuộc đời mình một cách trực tiếp hơn.
Cốt chuyện của Little Hope có tiềm năng để trở thành một câu chuyện có ý nghĩa về việc đối mặt với quá khứ và vượt qua nỗi đau, tiếc thay, sự vụng về trong việc xây dựng câu chuyện đã khiến điều này thất bại