Caliber – Được phát triển bởi 1C Studio và đồng phát hành bởi Wargaming (nổi tiếng với thương hiệu World of Tanks), Caliber là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba trực tuyến và theo mô hình miễn phí chơi (Free To Play).
Caliber vốn đã được phát hành trong giai đoạn “thử nghiệm mở” (Open Beta) từ năm 2019. Sau 4 năm cập nhật và sửa đổi dựa theo ý kiến của người chơi, trò chơi giờ đây đã được đưa lên Steam.
Vốn đã chơi tựa game này từ năm 2019, người viết nghĩ rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để đưa ra cảm nhận của mình.
Liệu Caliber có xứng đáng là một cái tên để bạn “nhét” vào tủ game đồ sộ trên Steam của mình? Chúng ta hãy cùng xem qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Thân thiện với game thủ “casual”
Caliber là một tựa game bắn súng mang hơi hướm “hero shooter”, nơi mỗi nhân vật đều có một bộ vũ khí cùng khả năng đặc biệt riêng (game Tom Clancy’s Rainbow Six Siege là một ví dụ điển hình – NV). Tuy nhiên, khác với các “hero shooter” trên thị trường, vốn lấy yếu tố PvP (Player versus Player – đấu với người chơi khác) làm tâm điểm, Caliber chọn PvE (Player versus Environment – một hình thức “chơi đơn” trong game trực tuyến) làm yếu tố chơi chính.
Việc vào vai một người lính đặc nhiệm lành nghề, triệt hạ hàng tá các những tên khủng bố và lính đánh thuê dễ tạo một cảm giác thỏa mãn cho người mới chơi. Nó rõ ràng sẽ dễ chịu hơn việc bạn vừa vào một con game PvP và bị các game thủ chơi lâu năm “bón hành ngập họng” vì chưa quen thuộc các cơ chế.
Điều này không có nghĩa là những kẻ địch trong máy trong Caliber chỉ là những con bù nhìn biết hứng đạn, ngược lại, chúng được thiết kế khá nguy hiểm.
Khác với nhiều “hero shooter” trên thị trường, vốn lấy yếu tố PvP làm tâm điểm, Caliber chọn PvE làm yếu tố chơi chính.
Chẳng hạn, những kẻ địch sử dụng súng máy sẽ có thể ép người chơi núp vào vật chắn, nhưng sau đó, sẽ có những tên sử dụng lựu đạn nổ, lóa hoặc khí độc gây áp lực lên người chơi, khiến chúng ta phải ló ra tìm chỗ núp mới, dễ dàng bị trúng đạn.
Dĩ nhiên, Caliber cũng có chế độ PvP lẫn PvPvE, nếu như bạn muốn thử thách kỹ năng và khả năng phối hợp đồng của của mình với những người chơi khác.
Đề cao tính đồng đội
Để bắt đầu một trận “hỏa chiến”, Caliber sẽ đưa chúng ta vào một tiểu đội bốn người, với bốn vai trò khác nhau là Assault, Support, Medic và Sniper.
- Assault: Tập trung vào tấn công tầm gần và tầm trung. Vũ khí chính của các Assault thường là súng trường liên thanh (Assault Rifle).
- Support: Bảo kê đồng đội trong chiến trận. Vũ khí chính Support thường là súng máy thông thường, hoặc hạng nhẹ (LMG).
- Medic: Hỗ trợ và giải cứu đồng đội trong quá trình chiến đấu. Vũ khí của Medic thường là tiểu liên (SMG).
- Sniper: Đặc vụ bắn tỉa tầm xa, tiêu diệt kẻ địch với những phát đạn chí mạng.
Để có thể hoàn thành các màn chơi của Caliber sẽ cần đến sự cống hiến của cả 4 vai trò, bởi vì chúng được thiết kế để các vai trò đều có cơ hội “tỏa sáng”.
Chẳng hạn, khi đến cột mốc của màng chơi yêu cầu chúng ta phải cố thủ ở một địa điểm trong khoảng thời gian nhất định, Support là vai trò quan trọng nhất vì hỏa lực cao và số lượng đạn dồi dào.
Trong khi đó, nếu có sự hiện diện của những kẻ địch đứng từ xa rỉa máu cả nhóm, thì Sniper chính là thuốc đặc trị.
Assault, với vũ khí có tốc độ liên thanh cao và độ chính xác tầm trung tốt, là đặc vụ mang yếu tố cân bằng, phù hợp cho việc triệt tiêu số lượng lớn những kẻ địch lâu la.
Và cuối cùng là Medic, người có khả năng hồi máu cũng như “hồi sinh” các đồng đội nếu như bị hạ gục. Medic có thể nói là thành viên quan trọng nhất tiểu đội, nhưng được cân bằng lại bằng việc có hỏa lực cá nhân kém nhất.
Việc có sự hỗ trợ của đồng đội khiến cho Caliber là một tựa game dễ thở với những người thiếu kinh nghiệm. Mặc khác, nếu như bạn quá tệ, thì việc trở thành “tạ” kéo độ hiệu quả của cả đội xuống là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Để có thể hoàn thành các màn chơi của Caliber sẽ cần đến sự cống hiến của cả 4 vai trò, bởi vì chúng được thiết kế để các vai trò đều có cơ hội “tỏa sáng”.
Yếu tố “Pay-to-Win” thấp!
Là một trò chơi miễn phí, việc nạp tiền để có lợi thế nhất thời là điều không tránh khỏi, song với Caliber, người viết cảm thấy yếu tố này không được thực hiện một cách “quá trớn”.
Hiện tại, tựa game đang có hơn 68 lính đặc nhiệm đến từ nhiều quốc gia khác nhau, và 64/68 nhân vật này đều có thể mua được bằng “credit” (đơn vị tiền “cày” được trong game), với mức giá không quá cao.
4 đặc nhiệm còn lại, tuy chỉ có thể nhận được bằng cách mua “Battle Pass” bằng cách nạp tiền thật trong khoảng thời gian nhất định, cũng sẽ hứa hẹn được mở ra để bán bằng credit trong tương lai gần.
Với Caliber, người viết cảm thấy yếu tố Pay-to-Win không được thực hiện một cách “quá trớn”
Đây là mô hình mà 1C bổ sung thêm các nhân vật đặc nhiệm trong năm qua, và cũng nhờ mô hình này, người viết đang sở hữu 59 trên tổng 68 đặc nhiệm
Hơn nữa, một trong số những đặc nhiệm có tính hữu dụng cao nhất game cũng không hề có mức yêu cầu credit quá cao, và thậm chí còn có thể mua được khá sớm.
Yếu tố “bào tiền” lớn nhất của 1C hiện tại là những bộ trang phục phụ cho các nhân vật, nhưng đây là thứ không ảnh hưởng đến sự cân bằng trên chiến trận, mà chỉ đơn thuần là thẩm mỹ.
BẠN SẼ GHÉT
Yếu tố vũ khí… lạ lùng!
Hệ thống súng ống của Caliber, nếu gọi là tệ thì không đúng, vì người viết vẫn thích cảm giác nhả đạn để tiêu diệt thế lực thù địch. Hiệu ứng âm thanh cũng như cử động sử dụng vũ khí của các nhân vật cũng được thực hiện tương đối tốt.
Nhưng yếu tố vũ khí của Caliber có một số vấn đề nhất định.
Đầu tiên, đó là việc mỗi đặc vụ chỉ có đúng một bộ vũ khí chính, phụ và dụng cụ hỗ trợ (lựu đạn nổ, khói, C4,…) vì vậy, lối chơi của họ khá hạn chế.
Kế đến, đó là không hiểu sao, model (mẫu mã) của một số vũ khí lại phụ thuộc vào… “skin” (ngoại hình) của nhân vật.
Chẳng hạn, nhân vật Lazootchik của biệt đội SSO (nước Belarus) sử dụng súng AK74UB, tuy nhiên, khi đổi thành “skin” Bodyguard (lấy cảm hứng từ bộ phim John Wick), khẩu súng trường của anh lại biến thành… AR15 TTI, với các chỉ số sát thương, tốc độ liên thanh và âm thanh giữ nguyên.