Skip to content

Total War: PHARAOH – Đánh Giá Game

Total War: PHARAOH

Total War: PHARAOH – Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, tựa game Total War: Warhammer đã thay đổi về cơ bản dòng game Total War của hãng phát triển Creative Assembly, đánh dấu bước ngoặc mà studio này bắt đầu chuyển sang thực hiện các dự án mang đậm tính chất huyền huyễn (fantasy), sử thi, nơi mà các nhân vật chính được mô tả với phép thuật hay sức mạnh phi nhân.

Nghe thì có vẻ đơn giản, thế nhưng để làm được điều đó, đội ngũ phát triển tại studio đã phải nghiên cứu và thay đổi cả những phần cốt lõi nhất của dòng game, và phải mất rất nhiều năm để hoàn thiện lối chơi này qua các phần tiếp theo của dòng game và đạt được đến độ hoàn thiện cao nhất trong phiên bản thứ ba và cũng là phiên bản cuối cùng Total War: Warhammer III

Lối chơi này, thậm chí còn được ứng dụng thể nghiệm trong tựa game Total War: Three Kingdoms với tham vọng kết hợp cả hai cách chơi “theo tiểu thuyết” đầy mới mẻ, với phong cách chơi “theo lịch sử” quen thuộc với hầu hết các fan của dòng game.

Thế nhưng cũng chính tựa game này cho thấy, cả hai yếu tố rất khó để có thể phát triển song hành, không đơn giản chỉ là việc giảm bớt chỉ số sức mạnh cho các tướng lĩnh hàng đầu mà thôi.

Chính vì thế sau khi dòng game lấy bối cảnh Warhammer gặt hái nhiều thành công, Creative Assembly đã quyết định làm hẳn một tựa game hoàn toàn mới với một bối cảnh chưa từng có từ trước tới nay, nhằm đưa những giá trị truyền thống quay trở lại với dòng game, cũng như để chiều lòng các fan hâm mộ truyền thống với tên gọi Total War: PHARAOH.

Vậy lần trở lại này có đáng được mong đợi?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Total War PHARAOH có thể xem như sự trở lại bối cảnh lịch sử tròn vai của dòng game Total War nhưng để lại nhiều cảm giác hụt hẫng.

Sự tan rã của thời đại đồ đồng!

Từ bỏ những câu chuyện thần thoại của sử thi “Iliad và Odyssey” trong Total War Saga: Troy, Total War: PHARAOH có thể xem như phần game đưa bạn về với thế giới cổ xưa nhất từng được mô tả kỹ càng trong lịch sử loài người, với sự tan rã của xã hội Ai Cập thời đại đồ đồng, sự trỗi dậy của các tộc du mục Bắc Phi và sự bành trướng của những sắc dân Tiểu Á tạo nên sự hỗn loạn chưa từng có trong lưu vực sông Nile cả về mặt chính trị, kinh tế, lẫn xã hội.

Sự sụp đổ này làm suy yếu một Ai Cập đã từng rất hùng mạnh, biến đế chế này trở thành món “mồi ngon” bị xâu xé bởi các thế lực bên ngoài và cả các mưu đồ chính trị từ trong lòng đế chế.

Total War PHARAOH có thể xem như sự trở lại bối cảnh lịch sử tròn vai của dòng game Total War nhưng để lại nhiều cảm giác hụt hẫng.

Cũng chính vì thế mà ấn tượng đầu tiên của người viết đối với Total War: PHARAOH chính là sự “khó nhằn” vượt trội so với những phiên bản game lấy bối cảnh lịch sử khác như Total War: Rome II bởi lẽ cứ gần như mỗi vài lượt chơi, bạn sẽ lại phải đương đầu với một trận chiến, bất kể đó là với các phe phái chính trị thù địch, các toán cướp du mục, hay thậm chí là cuộc xâm lăng của các dân tộc đến từ bên kia vùng biển.

Độ khó của game còn được thể hiện trong cả một hệ thống quản lý xây dựng công trình, trong các “hạng mục nghiên cứu khoa học”, hay các biện pháp ngoại giao với nhiều lựa chọn hơn hẳn các phiên bản trước đó, đẩy phần chơi “chiến dịch” của tựa game này đến gần hơn với các dòng game 4X (eXplore, eXpand, eXploit, and eXterminate) “chính hiệu” như Sid Meier’s Civilization VI hay Humankind.

Total War PHARAOH có thể xem như sự trở lại bối cảnh lịch sử tròn vai của dòng game Total War nhưng để lại nhiều cảm giác hụt hẫng.

Điều đáng an ủi là đội ngũ thiết kế game vẫn rất “cao tay” khi tích hợp một hệ thống “trợ lý ảo” hướng dẫn cho người chơi mới làm quen với các tính năng trong game, cũng như các trình đơn (menu) trực quan, cũng như một vài phương thức quản lý tự động cho phép bạn dễ dàng thao tác trong hàng đống các thông số cần theo dõi, tương tự như cách mà Crusader Kings III hướng dẫn người chơi “bơi” trong biển các thông tin quản lý.

Mặc dù vậy, dù cho bạn đã quen thuộc với dòng game thì khi đến với bối cảnh đầy mới mẻ của Ai Cập cổ đại này, chắc chắn bạn cũng phải thử đi thử lại vài lần và mất khá nhiều thời gian để có thể bắt đầu nắm được nội dung chính, cũng như khám phá ra phương thức quản lý phù hợp cho riêng mình.

Total War PHARAOH có thể xem như sự trở lại bối cảnh lịch sử tròn vai của dòng game Total War nhưng để lại nhiều cảm giác hụt hẫng.

Hệ thống “kịch bản” cũng được đội ngũ làm game trau chuốt, nhất là với phe Ai Cập cổ đại khi mà các nhà chinh phục đều có “cá tính” và câu chuyện riêng biệt, dù có đôi chỗ được mô tả có phần hơi quá đà hay không sát với lịch sử và thực tế, cùng với đó là hệ thống ảnh hưởng chính trị mang đậm màu sắc cá nhân với những yếu tố có thể ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của lãnh địa và các sự kiện có thể diễn ra xoay quanh các nhân vật này.

Có lẽ, đây là ảnh hưởng đáng kể nhất từ những phiên bản game lấy bối cảnh tiểu thuyết/huyền huyễn khi mà dấu ấn cá nhân của nhân vật có tác động vô cùng sâu sắc đối với quá trình phát triển và chinh phạt của người chơi, từ đó khiến cho phần chơi chiến dịch trở nên có trọng tâm và cốt truyện hơn hẳn các phiên bản game thuần lịch sử trước đó.

…ấn tượng đầu tiên của người viết đối với Total War: PHARAOH chính là sự “khó nhằn” vượt trội so với những phiên bản game lấy bối cảnh lịch sử khác

Đối với phần chơi chiến trận, mặc dù không có quá nhiều khác biệt so với những gì thể hiện trên các phiên bản trước đó, thế nhưng nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra nhịp độ trận chiến đã chậm lại tương đối với các đơn vị quân được thiết kế với các thông số và diễn hoạt vô cùng tỉ mỉ, đem đến một trải nghiệm chiến tranh ở mức vừa phải, không quá gây choáng ngợp cho người chơi dù là các trận vận động chiến hay công thành chiến.

Điều này rất hợp lý, vì khác với những phần game ra mắt gần đây, quân đội trong Total War: PHARAOH chỉ là con người thông thường chứ không phải các đơn vị phi nhân trong các câu chuyện huyền huyễn hay trong các câu chuyện thần thoại.

Mặc dù vẫn sở hữu các binh chủng tuân theo quy luật kéo-búa-bao của các tựa game Total War truyền thống, thế nhưng mỗi dân tộc đều có những đơn vị đặc trưng riêng, tùy thuộc theo đặc điểm dân tộc mà các đơn vị này sở hữu sức mạnh vượt trội, chẳng hạn như các phe Ai Cập sở hữu những đơn vị bộ binh hạng nặng đầy sức mạnh, trong khi người Hittite lại có những đơn vị chiến xa bọc giáp mạnh mẽ, thỏa sức tung hoành khắp bình nguyên Anatolia.

Đồ họa của game cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng với các mô hình và địa hình thể hiện vô cùng bắt mắt, với tông màu có phần tươi sáng, trong khi các thành phố và tiền đồn đều được thể hiện chi tiết, mang đậm tính đặc trưng của thế giới cổ đại với những hình thể và trang trí dựa trên văn hoá của các dân tộc, vùng đất riêng biệt.

Phần âm của tựa game được thể hiện khá “tròn vai”, đủ để thổi bùng cảm xúc trong những trận chiến khốc liệt, cũng như “giữ lửa” về mặt cảm xúc cho người chơi trên bản đồ chiến thuật, dù rằng phần nhạc nền mang khá nhiều âm hưởng Ả Rập, một yếu tố không thật sự tồn tại trong giai đoạn này.

Nhìn chung, Total War: PHARAOH là một sự trở lại ổn thoả của dòng game Total War với bối cảnh lịch sử nhờ vào phần chơi chiến dịch có chiều sâu, những yếu tố quản lý được mở rộng có kiểm soát cùng với việc bảo tồn những giá trị cốt lõi nhất của dòng game.

BẠN SẼ GHÉT

Cảm giác hụt hẫng!

Mặc dù có thể xem là một tựa game đem lại trải nghiệm khá ổn thoả cho sự trở lại với bối cảnh lịch sử, thế nhưng Total War: PHARAOH vẫn còn đó vài vấn đề chưa thật sự thoả đáng, khiến cho trải nghiệm của người chơi nói chung trở nên hụt hẫng.

Trước hết, mặc dù xây dựng một hệ thống chính quyền, quản lý và nhiều kịch bản cho phần chơi của các phe Ai Cập (theo đúng “tinh thần PHARAOH” của tựa game), thế nhưng các phe phái và dân tộc khác lại được xây dựng sơ sài hơn khá nhiều.

Gần như rất ít các sự kiện hay kịch bản được xây dựng sẵn cho các dân tốc như Hittite hay Canaan, nếu không muốn nói là các phe phái này bị “bỏ bê” tương đối, trong khi về mặt lịch sử, đây là thời kỳ mà các nhà nước Tiểu Á trỗi dậy mạnh mẽ, với nhiều thành tựu huy hoàng và rực rỡ nhất, ghi lại một dấu bút đậm nét trong lịch sử nhân loại của mình trước khi bị người Babylon và sau đó là Ba Tư xâm lược ở những thế kỷ sau đó.

Mặc dù là một tựa game sử dụng chủ yếu là chất liệu lịch sử, thế nhưng đội ngũ làm game của Creative Asssembly cũng “chế” thêm khá nhiều yếu tố khiến cho những gì thể hiện trong game không quá “sát sườn” với lịch sử,

Đó là chưa kể đến một số yếu tố bị làm quá đà như đoạn phim mở đầu của Ramesses gần như không ăn nhập gì mấy, thậm chí là cũng chẳng đủ “hào hùng” như trên các phiên bản trước đây để giới thiệu một người anh hùng, vì vậy kéo tụt cảm xúc của người chơi.

Các trận chiến trong game cũng có phần hơi mờ nhạt khi không có nhiều khác biệt so với các phần game như Total War Saga: Troy với các đơn vị gần như được “reskin” (làm mới lại ngoại hình) nhưng vẫn giữ nguyên diễn hoạt và tính chất như cũ, từ đó, cũng gây “xói mòn” phần nào hứng thú của người chơi.

Về mặt kỹ thuật, dù ra mắt ở năm 2023 nhưng Total War: PHARAOH cũng chẳng hề được tích hợp bất kỳ công nghệ đồ hoạ tiên tiến thời thượng nào ra mắt trong một vài năm trở lại đây như Ray Tracing hay FSR để tăng cường trải nghiệm cho người chơi.

Cũng chính vì những điều này mà thậm chí tựa game còn nhận phải “bom review” từ phía cộng đồng hâm mộ ngay trong ngày đầu ra mắt, khi bị đánh giá là một bản “làm lại” của tựa game lấy bối cảnh thành Troy mà thôi.

Total War: PHARAOH vẫn còn đó vài vấn đề chưa thật sự thoả đáng, khiến cho trải nghiệm của người chơi nói chung trở nên hụt hẫng

Bạc 8.0

Total War: PHARAOH có thể xem như sự trở lại bối cảnh lịch sử tròn vai của dòng game Total War, thế nhưng sự thiếu hụt về nhiều mặt cũng phần nào khiến cho trải nghiệm game thủ trở nên không trọn vẹn và gây ra cảm giác hụt hẫng.

Thông tin

  • Total War: PHARAOH
  • Nhà phát triển
    Creative Assembly
  • Nhà phát hành
    SEGA
  • Thể loại
    Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    12/10/2023
  • Nền tảng
    Windows

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-Bit
  • CPU
    Intel i5-6600/Ryzen 5 2600X
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Nvidia GeForce GTX 1660 Ti / AMD RX 480
  • Lưu trữ
    50GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SEGA. Chơi trên PC.