AMD RX 6700 XT– Trong một vài năm trở lại đây, khi ra mắt các dòng card đồ hoạ, AMD thường có khuynh hướng ra mắt các card đồ hoạ tầm trung – cao cấp trước, “đánh mạnh” vào phân khúc này của đối thủ bằng chiến lược về giá rồi sau đó mới “thủng thẳng” cho ra mắt dòng card đồ hoạ cao cấp của mình sau với số lượng hạn chế.
Thế nhưng điều này đã thay đổi hoàn toàn với dòng sản phẩm AMD RX 6000 Series khi “đội đỏ” liên tục cho ra mắt ba mẫu card đồ hoạ dòng cao cấp và đỉnh cấp để “đối đầu” các card đồ hoạ dòng GeForce RTX 30 Series của NVIDIA theo kiểu “một kèm một” vô cùng sát sao.
Thế nên không lạ gì ngay sau khi “đội xanh” cho ra mắt dòng card đồ hoạ tầm trung RTX 3060, AMD đã ngay lập tức “phản công” khi cho ra mắt phiên bản card đồ hoạ AMD RX 6700 XT tạo nên đối trọng mạnh mẽ cho phân khúc này.
Với sự hỗ trợ từ chính AMD, Vietgame.asia đã nhận được mẫu thử nghiệm cho dòng card đồ hoạ này để có thể đem đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết nhất về mẫu card đồ hoạ tầm trung – cao cấp còn “nóng hổi” này của đội đỏ.
Nào, hãy cùng đến với bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
AMD RX 6700 XT – NÂNG TẦM CHO PHÂN KHÚC TẦM TRUNG!
Phải nói rằng trong rất nhiều năm trở lại đây, AMD vẫn luôn tự thiết kế các phiên bản card đồ hoạ tham chiếu của mình với kết cấu lồng sóc quen thuộc với một vài hiệu chỉnh nho nhỏ không đáng kể như mẫu card đồ hoạ “bẻ cong quy tắc” AMD RX 5700 XT trước đây, trong khi phía “bên kia chiến tuyến”, đội xanh đã liên tục làm mới hình ảnh dòng sản phẩm tham chiếu của mình với phiên bản Founder Edition được thiết kế vô cùng bắt mắt với khả năng tản nhiệt hiệu quả.
Thậm chí những thiết kế của NVIDIA còn khởi đầu cho những “trào lưu” thiết kế mới, chẳng hạn như “trào lưu” mở cửa sổ phía sau để tận dụng luồng gió bên trong thùng máy mà Gigabyte đã “ứng dụng” vào sản phẩm của mình với tên gọi Screen Cooling trên khắp các mẫu tản nhiệt dành cho card đồ hoạ từ cao cấp đến tầm trung.
Thế nhưng mọi chuyện đã khác khi dòng sản phẩm AMD RX 6000 Series ra mắt, lần đầu tiên “đội đỏ” đã thay đổi đáng kể thiết kế sản phẩm của mình khi giao “trách nhiệm” cho một trong những đối tác truyền thống và đáng tin cậy của hãng là Sapphire thiết kế, điển hình như trên mẫu card đồ hoạ AMD RX 6800 mà Vietgame.asia đã từng giới thiệu với bạn đọc đã sở hữu hệ thống tản nhiệt nhiều quạt và phiên bản AMD RX 6700 XT cũng không phải là một ngoại lệ.
“Đội đỏ” đã thay đổi đáng kể thiết kế sản phẩm của mình khi giao “trách nhiệm” cho một trong những đối tác truyền thống và đáng tin cậy của hãng là Sapphire thiết kế
Vẫn sở hữu thiết kế vỏ hộp kích thước thuộc loại siêu nhỏ quen thuộc trên các dòng card đồ hoạ tham chiếu, chỉ lớn hơn kích thước của bản thân chiếc card đồ hoạ đôi chút.
Về tổng thể, mẫu card đồ hoạ này sở hữu cùng ngôn ngữ thiết kế với phiên bản đàn anh AMD RX 6800 với lớp vỏ ngoài kim loại, logo Radeon mạ bạc sáng bóng. Tuy nhiên, do đây chỉ là phiên bản card đồ hoạ tầm trung mà các kỹ sư thiết kế chỉ trang bị cho sản phẩm hai quạt tản nhiệt mà thôi.
Thậm chí chiều dài của card cũng ngắn hơn một chút, nhờ đó mà mẫu card đồ hoạ này rất dễ dàng lắp đặt bên trong các thùng máy Mid-Tower dạng compact với kích thước vô cùng hạn hẹp như FSP CMT340.
Phía trên card vẫn là thiết kế dạng “ống bô” xe hơi quen thuộc với dòng chữ Radeon màu đỏ có đèn nền LED và hai cổng cấp điện với cấu hình 8 + 6pin quen thuộc trên các dòng sản phẩm trung – cao cấp.
Mặt sau của AMD RX 6700 XT được “bịt kín” bằng một tấm ốp lưng kim loại được thiết kế vô cùng đơn giản với logo Radeon khắc chìm.
Về mặt tổng thể, thiết kế của AMD RX 6700 XT vẫn rất cứng cáp, chắc chắn và đẹp theo một phong cách rất đơn giản, chứ không quá màu mè như nhiều mẫu card đồ hoạ khác trên thị trường hiện nay.
AMD RX 6700 XT– SỨC MẠNH ẤN TƯỢNG TRONG PHÂN KHÚC TẦM TRUNG!
Sau một thời gian dài nằm ở “chiếu dưới”, kiến trúc RDNA đã đem đến sự lột xác ngoạn mục cho các card đồ hoạ của AMD, và để rồi đến thế hệ kiến trúc RDNA 2 lần này, những sản phẩm đến từ “đội đỏ” “bùng nổ” đem đến kết quả thử nghiệm ấn tượng.
Điều này dễ dàng thấy được qua các thử nghiệm sơ bộ bằng các chương trình chấm điểm quen thuộc.
Dễ thấy rằng trong phép thử DirectX11 3DMark FireStrike, AMD RX 6700 XT dễ dàng đạt mức điểm số 35,502 điểm, nhỉnh hơn đôi chút phiên bản card đồ hoạ “trên cơ” là ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming vốn là đối thủ của phiên bản đàn anh AMD RX 6800, trong khi vượt khá xa phiên bản card đồ hoạ cao cấp sử dụng kiến trúc Turing là Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G chỉ đạt mức 28,786 điểm.
Điều này cho thấy với các phép dựng hình truyền thống, mẫu card đồ hoạ tầm trung của “đội đỏ” có ưu thế hơn khá nhiều so với đối thủ của mình, thậm chí là vượt trội so với các dòng card đồ hoạ cao cấp ở thế hệ trước của “đội xanh”.
Tuy vậy, ở phép thử dựng hình bằng DirectX12 3DMark Time Spy, sự “hụt hơi” bắt đầu thể hiện ra phần nào khi bị phiên bản ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming vượt qua với mức 20.7%
Trong khi đó, ở phép thử dựng hình công nghệ Ray Tracing 3DMark Port Royal, AMD RX 6700 XT tỏ ra có phần “đuối sức” khi chỉ đạt 5737 điểm, “nhỉnh” hơn đôi chút so với mức 5126 của phiên bản MSI RTX 2060 Super Gaming X ra mắt hồi cuối năm 2019 mà thôi.
Phải nói rằng phép thử này được phát triển đầu tiên tương thích với kiến trúc Turing và các nhân RT Core của NVIDIA, thế nên không khó để nhận ra ưu thế của “đội xanh” trong những thử nghiệm này. Nó cũng cho thấy rằng các game sử dụng công nghệ này đã ra mắt cho đến hiện tại sẽ có kết quả tốt hơn khi chơi trên ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming hơn là AMD RX 6700 XT.
Thế nhưng trong tương lai, khi các hệ máy console đời mới như PlayStation 5 và XBOX Series X đều hỗ trợ công nghệ hình ảnh tiên tiến này thì vấn đề tương thích game sẽ được giải quyết triệt để hơn, điển hình là một số tựa game vừa được ra mắt trong thời gian gần đây.
Thử nghiệm trên thực tế với CPU hàng đầu AMD Ryzen 9 5900x cùng bo mạch chủ Gigabyte AORUS X570 Master với khe PCI Express thế hệ thứ 4, các tựa game đều có thể hoạt động vô cùng trơn tru ở mức thiết lập cao nhất và độ phân giải Full-HD.
Dễ dàng thấy được khi thử nghiệm với các tựa game thực tế, các tựa game sử dụng phép dựng hình DirectX11 truyền thống như Far Cry 5, Borderlands 3 hay Gears 5 chứng kiến sự cân sức hay vượt trội đáng kể của AMD RX 6700 XT so với phiên bản ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming.
Một điều đáng nói là hai tựa game được “thửa riêng” cho “nhà AMD” như DIRT 5 và God Fall chứng kiến một xu hướng vượt trội ấn tượng dù đã mở hiệu ứng Ray Tracing ở mức tối đa. Trong khi đó ngược lại, Shadow of The Tomb Raider vốn được tối ưu cho công nghệ của “đội xanh” thì ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming đạt được ưu thế vô cùng rõ rệt.
Điều này cho thấy hiệu năng của các game sử dụng công nghệ Ray Tracing chịu nhiều ảnh hưởng đến từ nhà phát triển game có chịu bỏ công sức tối ưu hoạt động trên nền card đồ hoạ hay không mà thôi.
Về tổng thể, AMD RX 6700 XT cho thấy một sức mạnh vô cùng ấn tượng, đủ sức so sánh với các đối thủ có sức mạnh ở tầm cao cấp hơn hẳn. Đây là một tiến bộ vượt trội của thế hệ card đồ hoạ đời mới với kiến trúc RDNA 2 đến từ AMD so với các đối thủ của mình.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NÓNG, TRÌNH ĐIỀU KHIỂN CHƯA ỔN ĐỊNH!
Phải nói rằng mặc dù sở hữu thiết kế khá ấn tượng, nhưng AMD RX 6700 XT phiên bản tham chiếu có mức nhiệt không phải quá lý tưởng.
Khi thử nghiệm với bài test FurMark, mẫu card đồ hoạ đời mới của AMD đạt đỉnh ở 97 độ C, vẫn chưa chạm ngưỡng báo động của card đồ hoạ AMD nhưng cũng khá nóng so với mặt bằng nhiệt độ card đồ hoạ nói chung.
Điều đáng mừng là dù nhiệt độ tổng thể ở mức cao, nhưng mẫu card đồ hoạ này không gặp phải hiện tượng giảm xung nhịp (throttling) như trên phiên bản Sapphire Pulse RX 5600 XT 6G trước đây.
Cuối cùng, mặc dù phiên bản trình điều khiển thử nghiệm sử dụng trên card đồ hoạ AMD RX 6700 XT đã có những cải thiện vượt bậc so với trình điều khiển ra mắt sớm trên AMD RX 6800 trước đây, thế nhưng người viết vẫn bắt gặp một số lỗi nhỏ.
Chẳng hạn như phần đổ bóng rất dễ làm cho tốc độ khung hình trồi sụt thất thường, phần đổ bóng hay gặp nhiễu hạt (noise) như trên tựa game God Fall, hay gặp nhiễu vật thể (artifact) như trên tựa game Total War Three Kingdoms. Đây là những vấn đề nhỏ, rất dễ được AMD sửa chữa trong bản ra mắt chính thức sắp tới.
GIÁ THAM KHẢO
N/A
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game