BioShock Infinite – Thuở còn thơ ấu, chắc hẳn chúng ta ai cũng từng mơ ước được bay lên bầu trời xanh bao la và chạm lấy những áng mây bềnh bồng.
Chinh phục bầu trời là ước mơ của loài người qua nhiều thế hệ nhưng mãi đến cuối thế kỷ 18, giấc mơ ấy mới phần nào thành hiện thực với hình ảnh những quả khinh khí cầu trôi bồng bềnh trên không.
Trải qua bao nhiêu năm cho đến ngày hôm nay, nhìn chiếc máy bay rẽ tầng mây hạ độ cao qua ô cửa kính, người viết bâng khuâng nhớ về thành phố Columbia nổi trên mây trong tựa game BioShock Infinite, một kiệt tác nghệ thuật của làng game.
BioShock Infinite là phần mới nhất trong loạt game BioShock của Irrational Games và được hãng ấp ủ suốt 5 năm.
Trong thời gian phát triển, Irrational Games không chịu áp lực và được tự do thể hiện ý tưởng.
Với những lợi thế này liệu BioShock Infinite có thể vượt qua cái bóng quá lớn của hai phần trước đó hay không?
BẠN SẼ THÍCH
Columbia, thiên đường trên chín tầng mây
Khác với hai phần đầu, chúng ta được đi dạo trong Rapture dưới đáy biển, BioShock Infinite đưa người chơi lên không trung với một địa danh hoàn toàn mới: Columbia, thành phố lơ lửng giữa bầu trời.
Ngay từ đầu game khi mở toang cánh cửa bước vào Columbia, người chơi sẽ lập tức bị ánh sáng làm lóa mắt và choáng ngợp trước vẻ đẹp kiều diễm của thành phố.
Irrational Games đã khắc họa Columbia mang đậm nét đặc trưng của nước Mỹ giai đoạn đầu thế kỷ 20, từ kiến trúc các tòa nhà đến trang phục của các nhân vật.
Bạn sẽ bắt gặp những con đường lát gạch phẳng phiêu với đèn đường khí đốt, nhà hát, công viên cùng hình ảnh cậu bé bán báo, các quý ông, quý bà lịch lãm…
Tất cả được phủ một lớp bụi vàng óng ánh từ áng nắng chiều hòa cùng tiếng nhạc vĩ cầm réo rắt, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mà khi chơi bạn cứ tưởng như mình đang thưởng thức một bộ phim cổ điển.
Tông màu tươi sáng mà đặc biệt là màu vàng được sử dụng triệt để, đã thổi hồn cho thành phố trở lên vừa lung linh lại vừa cổ kính, quả thật BioShock Infinite là game thể hiện hiệu ứng ánh nắng “ảo” và đẹp nhất mà người viết từng thưởng thức.
Columbia hoa mỹ và giàu sức sống hơn Rapture rất nhiều!
Ở khía cạnh khác, Columbia mang vẻ ngoài xa hoa diễm lệ nhưng bên trong hiểm ác không thua kém gì Rapture.
khi mở toang cánh cửa bước vào Columbia, người chơi sẽ lập tức bị ánh sáng làm lóa mắt và choáng ngợp trước vẻ đẹp kiều diễm của thành phố
Càng đi sâu vào game, bạn sẽ thấy được sự thối nát đằng sau vẻ bọc hào nhoáng của “thiên đường trên không”.
Được thành lập và cai quản bởi Zachary Hale Comstock, nơi đây từng được xem là biểu tượng chính trị văn hóa của nước Mỹ.
Trải qua nhiều biến cố, thiên đường bay này tách ra khỏi nước Mỹ và khuất hẳn sau những tầng mây.
Đó là những vùng đất bay lơ lửng, phương tiện đi lại giữa các khu vực này là phi thuyền và đặc biệt là hệ thống đường ray tàu lượn Sky-line dày đặc.
Người chơi sẽ dùng một vật dụng mang tên Sky Hook có hình dạng như chiếc móc để di chuyển trên thanh đường ray Sky-line và đây là lúc BioShock Infinite thể hiện cách chơi độc đáo của mình.
Hệ thống chiến đấu sáng tạo
Với Sky Hook bạn sẽ dễ dàng đu lên các thanh đường ray và di chuyển nhanh chóng từ nơi này sang nơi khác.
Đặc biệt món đồ này còn là món vũ khí cận chiến tuyệt vời, với khả năng “phi thân” từ trên Sky-line xuống ám sát đối thủ một cách hoành tráng, chẳng kém gì Hidden Blade của loạt game Assassin’s Creed.
Nhân vật chính trong game là Booker DeWitt, cựu đặc vụ của văn phòng thám tử Pinkerton, chứ không phải dạng “chân yếu, tay mềm” như nhà văn Alan Wake.
Chính vì vậy, khả năng chiến đấu của anh chàng này rất đáng nể!
Với hệ thống Sky-line, chiến trường không chỉ bó hẹp trên mặt đất mà cả ở trên không, với những màn rượt đuổi trên đường ray.
Game cung cấp cho Booker một kho súng khá đồ sộ mang phong cách đầu thế kỷ 20.
Các màn đấu súng trong game tỏ ra rất ác liệt, với số lượng đối rất thủ đông và trang bị hỏa lực cực mạnh.
Đối thủ của Booker cũng khá đa dạng: ngoài bọn cảnh sát thông thường còn có bọn người máy, dị nhân với cách tạo hình rất sáng tạo, mà đặc biệt là Handyman với đôi tay khổng lồ, dáng đi gù lưng trông hệt như khỉ đột Gorilla.
Đối đầu với bọn này chỉ dùng súng thôi thì chưa đủ, vì vậy BioShock Infinite mang đến hệ thống Vigor.
Với hệ thống Sky-line, chiến trường không chỉ bó hẹp trên mặt đất mà cả ở trên không, với những màn rượt đuổi trên đường ray
Giống với Plasmid trong BioShock, Vigor mang đến cho bạn những siêu năng lực như Devil’s Kiss có khả năng giúp Booker phóng ra các quả cầu lửa, Murder of Crows triệu hồi đàn quạ tấn công kẻ thù, Possession điều khiển kẻ thù buộc chúng bắn hạ lẫn nhau…
Đặc biệt các loại Vigor cũng như súng đạn, có thể được nâng cấp ở các máy bán hàng dọc đường để mở ra những kỹ năng mới, mạnh mẽ hơn.
Tổng cộng có 8 loại Vigor kết hợp với súng ống và hệ thống Sky-line sẽ mang lại những pha hành động đẹp mắt và sáng tạo.
Các “phép thuật” này kiếm được rải rác khắp Columbia và cả từ các con trùm nữa.
Các màn đấu trùm được thể hiện rất đặc sắc và để lại cảm xúc khó phai.
Người viết không thể nào quên được cảnh đối đầu với con trùm Zealot of the Lady: trận chiến trong căn phòng ngập tràn giai điệu ai oán của bài nhạc giao hưởng Air on G String (G.Bach), kết hợp với hình ảnh đàn quạ lượn lờ trên không trung đã tạo nên một bầu không khí chết chóc não nề nhưng vẫn đậm chất lãng mạn và nghệ thuật!
Cốt truyện bí ẩn đầy cuốn hút
Câu chuyện của BioShock Infinite bắt đầu khi Booker vốn sống ở dưới mặt đất bị buộc phải đột nhập vào thành phố Columbia, bắt cóc Elizabeth – con gái lãnh tụ Comstock và đưa cô về địa điểm chỉ định.
Một việc vốn không đơn giản lại càng phức tạp hơn khi Elizabeth bị cha mình cầm tù từ nhỏ và được canh gác bởi một con quái vật khổng lồ mang tên: Songbird.
Booker đã hoàn thành được một nửa kế hoạch và trong quá trình phiêu lưu tìm cách trốn khỏi thiên đường, hai người gặp nhiều biến cố và trở nên gắn bó với nhau hơn.
Nghe có vẻ giống kiểu chuyện cổ tích “anh hùng cứu mỹ nhân” rất thường được game và phim ưa dùng, nhưng đó không phải là những điều xảy ra trong BioShock Infinite.
Xuyên suốt chiều dài game, bạn sẽ phát hiện ra sự bất ổn trên Columbia: sự xung đột dẫn tới chiến tranh giữa giới quý tộc cầm quyền The Founders, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tin tưởng mù quáng vào giáo phái của lãnh tụ Comstock và tổ chức Vox Populi (“Tiếng nói của người dân” trong tiếng Latin) đại diện cho tầng lớp lao động.
Booker và Elizabeth vô tình bị cuốn vào và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này.
Toàn bộ BioShock Infinite được che phủ bởi mây mù của những bí ẩn, những tội ác mà phải để ý kỹ từng đoạn hội thoại, từng dữ liệu thu thập được thì mới nhận ra chân tướng sự việc.
Mọi chi tiết trong game đều có mục đích riêng, không thứ gì là thừa thải, ngay cả chi tiết tưởng chừng bình thường như Booker bị chảy máu cam, lễ rửa tội, cuộc khảo sát tung đồng xu… đều có ý nghĩa riêng.
BioShock Infinite sử dụng rất tốt các hình ảnh ẩn dụ mà đặc biệt là hình ảnh con chim và lồng chim liên tục xuất hiện trong game.
BioShock Infinite là tập hợp các câu hỏi chồng chéo và kết game cũng bằng một câu hỏi
Đặc biệt hơn thế giới trong BioShock Infinite là thế giới đa chiều mà bạn và Elizabeth có thể di chuyển qua lại giữa các chiều không gian này.
Mối liên hệ giữa Booker và Elizabeth rất phức tạp và căng thẳng chứ không đơn giản như bạn nghĩ.
Cặp song sinh nhà Lutece xuất hiện liên tục trong game và đưa ra các câu nói mù mờ, khiến cốt truyện càng thêm phần bí ẩn.
Mục đích thực sự của Columbia là gì?
Vai trò thực sự của Comstock?
Điểm cuối của cuộc hành trình là gì?
BioShock Infinite là tập hợp các câu hỏi chồng chéo và kết game cũng bằng một câu hỏi.
Mỗi người chúng ta trong quá trình chơi sẽ xâu chuỗi những sự kiện và có những câu trả lời khác nhau cho riêng mình, tuy nhiên có một điểm chung đó là khởi nguồn cho mọi bí ẩn, cũng như chìa khóa cho mọi câu trả lời chính là nhân vật Elizabeth.
Người bạn đồng hành cá tính!
Đóng vai trò là người bạn đồng hành, Elizabeth tỏ ra rất hữu dụng khi với khả năng bẻ khóa, lượm các vật dụng cần thiết cho Booker, mà đặc biệt là khả năng kích hoạt, du hành qua chiều không gian thứ hai.
Nếu chỉ có bấy nhiêu, có lẽ cô nàng cũng chỉ được xếp loại NPC (nhân vật phụ) lẽo đẽo đi theo hỗ trợ nhân vật chính nhưng không, Elizabeth mới là “nhân vật chính” của BioShock Infinite.
Elizabeth được tạo nên từ bốn người phụ nữ ngoài đời thực: một diễn viên mô phỏng chuyển động (motion capture), một diễn viên lồng tiếng, gương mặt cùng khả năng biểu lộ cảm xúc của diễn viên cosplay người Nga và một nhà thiết kế tính cách nhân vật.
Bốn con người này đã thổi hồn và tạo nên một nhân vật sống động bậc nhất trong thế giới game: Elizabeth.
Trong game, Elizabeth có những phản ứng rất “người” và luôn đưa ra những lời bình phẩm đối với các diễn biến trong game như lần đầu gặp Booker, Eli tự vệ rất quyết liệt, nhưng lại vô tư nhảy múa với đám đông, hay cảm giác sốc tột độ khi lần đầu để đôi tay mình “nhúng chàm”… cùng với giọng lồng tiếng quá xuất sắc lẫn khả năng diễn đạt cảm xúc xuất thần qua đôi mắt, Elizabeth sẽ còn khiến bạn “mất ăn, mất ngủ” dài dài.
Người viết rất thán phục cách Irrational Games thể hiện quá trình trưởng thành của Eli: từ một chú chim non trong lồng cho đến khi xổ cánh bay ra bầu trời, để rồi đau đớn nhận ra sự nghiệt ngã của thế giới bên ngoài
Những câu bông đùa hay hờn dỗi, ánh mắt ngây thơ cùng nụ cười hồn nhiên luôn văng vẳng bên cạnh, để rồi game đột nhiên tước mất Eli ra khỏi tầm tay của bạn.
Một sự hụt hẫng, nghẹn ngào dâng trào thôi thúc người chơi và Booker lên đường tìm lại niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, để được nghe lại những câu trách móc của nàng mỗi khi bạn không chịu tiến về phiá trước.
với giọng lồng tiếng quá xuất sắc lẫn khả năng diễn đạt cảm xúc xuất thần qua đôi mắt, Elizabeth sẽ còn khiến bạn “mất ăn, mất ngủ” dài dài
BẠN SẼ GHÉT
Chưa đủ sức thách thức người chơi
BioShock Infinite đi theo phong cách game bắn súng cổ điển: máu và giáp không tự hồi mà phải “ăn” thức ăn mới có thể hồi máu, tuy nhiên điều này chỉ làm game… bớt dễ mà thôi!
Thực phẩm trong game xuất hiện nhan nhản khắp nơi và thậm chí… cả trong thùng rác nữa!
Chắc chắn bạn sẽ ngán ngẩm, lắc đầu khi thấy cảnh Booker lục thùng rác và ăn ngấu nghiến những thực phẩm tìm được, bất chấp gương mặt kinh sợ của Elizabeth!
Đối thủ của Booker luôn xuất hiện với số lượng áp đảo, được “vũ trang tận răng” nhưng lại chẳng biết phối hợp với nhau và đa phần chỉ là bọn cảnh sát quèn rất dễ tiêu diệt.
Trong khi đó, các đơn vị thực sự mạnh như Boy of Silence, Handyman… lại ít khi xuất hiện và bọn này lại có nhiều điểm yếu rất dễ “bị bắt bài”.
Nói về “yếu tố” súng ống, BioShock Infinite “thiếu sinh khí” trầm trọng khi game dùng phong cách hoạt họa để dựng hình, khiến các khẩu súng bỗng trở nên giống… đồ chơi, chưa kể độ nảy khi đấu súng cũng được làm rất giả tạo!
Cũng may là tiếng súng đanh, chắc thể hiện khá ổn, đã gỡ gạc được phần nào.
Đạn dược trong game được cung cấp rất dồi dào, có thể rơi ra từ người đối thủ, mua từ các cỗ máy bán hàng/nâng cấp xuất hiện thường xuyên và hiện diện trong các thùng, hộp, v.v. ở các vị trí trực quan chứ không được giấu kỹ như trong hai phần đầu, vô tình làm game mất đi hứng thú khám phá và đồng thời cũng giảm đi không ít thách thức cần có.
Còn các siêu năng lực Vigor?
Sau khi được nâng cấp sẽ khiến Booker như “siêu nhân” và đối thủ lúc này chỉ là “đàn cừu”.
Số lượng Vigor thì nhiều nhưng thật sự hữu dụng chẳng bao nhiêu khi từ đầu tới cuối game, người viết hầu như chỉ dùng hai ba loại Vigor là cũng đủ “áp đảo” chiến trường (khá giống với trường hợp các món vũ khí của Kratos trong loạt game God of War).
Khi so sánh với một game cũng kết hợp giữa vũ khí và phép thuật như Dishonored, thì rõ ràng BioShock Infinite lép vế hoàn toàn về sự đa dạng trong phong cách chiến đấu.
Nói thẳng thắn thì Vigor không ấn tượng bằng hệ thống Plasmid gầy dựng nên tên tuổi của BioShock.
Các pha bắn súng vốn đã “thiếu máu lửa” lại được nàng Elizabeth xinh đẹp làm “nguội” bớt khi cô nàng rất hăng hái cung cấp các ụ súng, vũ khí, vật chắn… lấy từ thế giới song song.
Nhiệt tình quá đâm ra phá hoại, kết hợp với các yếu điểm kể trên khiến cho độ khó của BioShock Infinite chỉ ở mức trung bình và khó lòng làm vừa lòng các tay súng cứng cựa!
Ngoài ra, hệ thống đường ray Sky-line tuy sáng tạo thật đấy nhưng đôi lúc nó làm người chơi mất phương hướng và rất dễ gây chóng mặt, chắc chắn bạn sẽ chọn chiến đấu trên mặt đất thay vì vừa đu, vừa bắn.
Còn nhớ trong BioShock 1 & 2, hình ảnh Big Daddy rất ấn tượng và trở thành biểu tượng của dòng game, sang đến BioShock Infinite bạn sẽ không tìm được một kiểu nhân vật như thế.
Những Handyman, Motorized Patriot hay thậm chí Songbird, chưa đủ tầm để so sánh với “tượng đài” Big Daddy, cả về độ ấn tượng, lẫn mức độ “trâu bò”.
BioShock Infinite tuy hay thật nhưng lại đánh mất quá nhiều giá trị truyền thống của dòng game BioShock, có lẽ vì vậy tên game là BioShock Infinite thay vì Bioshock 3 chăng?
Khung cảnh game quá tươi sáng, thơ mộng cùng nhạc nền du dương đã “giết chết” cái không khí kinh dị đặc trưng của hai phần đầu.
Thật sự mà nói thì BioShock Infinite là game thuần hành động chứ không còn chút kinh dị nào cả.
Các màn giải đố vốn xuất hiện rất nhiều trong hai bản đầu nay được rút ngắn tới mức tối đa và lại chẳng ấn tượng.
Câu đố hay nhất game có lẽ là về cái lồng chim (C-A-G-E) nhưng đáng tiếc là Eli “hào phóng” giải dùm bạn luôn rồi.
BioShock Infinite tuy hay thật nhưng lại đánh mất quá nhiều giá trị truyền thống của dòng game BioShock, có lẽ vì vậy tên game là BioShock Infinite thay vì Bioshock 3 chăng?
THÔNG TIN
- Sản xuất: Irrational Games
- Phát hành: 2K
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 25/03/2013
- Hệ máy: PC, PlayStation 3, Xbox 360
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows Vista/W7/W8
- CPU: Intel Core 2 DUO 2.4 GHz | AMD Athlon X2 2.7 GHz
- RAM: 2 GB
- VGA: ATI Radeon HD 3870 | NVIDIA 8800 GT | Intel HD 3000
- HDD: 20GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC IMAGE MEDIA & AMD HỖ TRỢ – CHƠI TRÊN HỆ PC