Call of Duty: Modern Warfare III – Năm 2023, làng game chứng kiến “thương vụ bạc tỉ” của Microsoft mua lại Activision Blizzard, kéo theo đó là hàng loạt các vụ kiện tụng, điều trần khắp từ châu Âu sang châu Mỹ, mà trọng tâm trong đó là dòng game Call of Duty đình đám, kéo theo đó là cả trận chiến cả về pháp lý lẫn trên mạng với Sony trong các cuộc tranh luận chống độc quyền, do một lượng lớn game thủ chỉ chơi duy nhất dòng game này trên các hệ máy đến từ Nhật Bản mà không đụng đến bất kỳ tựa game nào khác.
Mặc dù đã được Activision Blizzard lên kế hoạch cho đến tận năm 2027 từ trước khi “bán mình” rất lâu, thế nhưng phải nói rằng tựa game Call of Duty được lên lịch ra mắt trong năm nay chắc chắn là “phép thử lửa” đầu tiên khi về “dưới cờ” của Microsoft, với vai trò là “con gà đẻ trứng vàng” của hãng này.
Cũng chính vì tình huống này mà Activision Blizzard đã vô cùng nóng vội, thúc đẩy Sledgehammer Games và Treyarch, những studio kỳ cựu của mình, hợp tác rút ngắn tổng thời lượng phát triển của game chỉ trong vòng… 16 tháng để Call of Duty: Modern Warfare III có thể ra mắt kịp vào dịp cuối năm nay, chưa bằng một nửa của các phần game khác (thường vào khoảng 3 năm).
Điều này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng game? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ GHÉT
Một tựa game Call of Duty… lạ lẫm!
Rõ ràng là với một thời gian phát triển bị rút ngắn không thương tiếc, Call of Duty: Modern Warfare III bộc lộ quá nhiều vấn đề khiến cho trải nghiệm của người chơi trở nên vụn vỡ!
Đầu tiên, sau một quá trình tải về và cài đặt dài đằng đẵng (như thông lệ của đa phần game ngày nay – NV) lên đến 124GB, bạn nhấn ngay vào biểu tượng của game trên màn hình chính và được “chào đón” ngay bằng hàng đống các điều khoản sử dụng, tiếp nối sau đó là hàng tá các màn hình tùy chỉnh cho phép người chơi thay đổi độ sáng, ngôn ngữ, thiết lập… trước khi thoát ra ngoài và khởi động lại game.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi bạn đã khởi động và đăng nhập thành công, bạn muốn vào chơi phần chơi Chiến dịch (Campaign) thì ngay lập tức bạn lại bị… đá ra khỏi game trước khi khởi động lại với một giao diện mới.
Điều này cho thấy, về mặt bản chất, hai phần chơi đơn và chơi mạng được phát triển như hai phần mềm độc lập và tách biệt, thiếu sự kết nối giữa hai bên như thường thấy, đem đến một cảm giác thiếu chăm chút và thiếu hoàn thiện cho người chơi.
Đến với phần chơi chính của mục chơi đơn, sau màn chơi có tính dẫn dắt cốt truyện đột nhập vào nhà tù Gulag để cứu tên trùm khủng bố Vladimir Makarov, người chơi sẽ được “ném” ngay vào các màn chơi chính theo dạng “sandbox”, thay vì dẫn dắt cốt truyện tuyến tính theo phong cách truyền thống để xây dựng mạch game theo phong cách một bộ phim điện ảnh thường thấy qua các phần chơi trước đây.
Lúc này, trong cảm nhận của người chơi, Call of Duty: Modern Warfare III tỏ ra vô cùng xa lạ, và thậm chí bộc lộ hết toàn bộ những nhược điểm của mình ra ngoài chỉ sau hơn 30 phút đầu game, khiến cho màn trình diễn về tổng thể của tựa game trở nên hỗn độn và thiếu hẳn sức hút thường có của phần chơi chiến dịch thường thấy trên toàn bộ dòng game.
Gần như tất cả những gì mà đội ngũ sản xuất thực hiện là “ném” bạn và những con Bot vào trong một bản đồ có sẵn với một số nhiệm vụ xuất hiện tuần tự, sẽ yêu cầu bạn đi từ nơi này sang nơi khác, chống lại kẻ thù cứ liên tục được “spawn” (hiện) ra từ khắp các ngóc ngách bằng các màn “tăng viện” cả bằng đường bộ lẫn đường hàng không.
Thế nhưng cũng tương tự một vài tựa game hành động bắn súng dạng “sandbox” không quá nổi trội khác như Just Cause 4, hay Crysis, hệ thống A.I (trí thông minh nhân tạo) của các đối thủ máy được xây dựng quá sơ khai để có thể tự phản ứng với nhiều tình huống khác nhau trong một bản đồ phức tạp.
Chẳng hạn, hầu hết các đối thủ máy chỉ thật sự cảnh giác và tấn công bạn khi màn chơi phát thông báo báo động ở mức đỏ, với những thời điểm còn lại, bạn thậm chí có thể “đạp” hẳn lên những con bot đang mai phục hay đi nghênh ngang phía sau đám lính gác mà chẳng có kẻ nào thèm ngó ngàng đến bạn.
…trong cảm nhận của người chơi, Call of Duty: Modern Warfare III tỏ ra vô cùng xa lạ
Bên cạnh đó, thiết kế màn chơi cũng không còn đơn giản và thuần nhất như các phiên bản trước, giờ đây Call of Duty: Modern Warfare III bị lai tạp giữa hai phong cách “đánh điểm diệt viện” theo kiểu Far Cry 6, và hành động lén lút theo phong cách Hitman nếu bạn cố gắng không gây ra báo động trên diện rộng bằng các loại vũ khí giảm thanh hay phi dao.
Rõ ràng là cả hai phong cách này đều khác biệt rất xa so với những màn chơi được thiết kế chặt chẽ, với các diễn biến đậm màu điện ảnh của các phiên bản trước đây, cũng từ đó, đánh mất đi cảm xúc “ép tim” khi mà các nhiệm vụ và kịch bản liên tục đẩy nhịp game lên cao trào khi gần về cuối mỗi màn chơi theo cách truyền thống!
Thậm chí, nếu như bạn là một người chơi theo kiểu phá cách, thì hầu hết các màn chơi thậm chí còn trở nên nhạt toẹt, chẳng hạn như ở màn chơi Precious Cargo, chỉ với một khẩu súng ngắm bắn đạn nổ trên nóc nhà kho, bạn hoàn toàn có thể “dọn dẹp sạch sẽ” toàn bộ màn chơi mặc kệ đối thủ báo động ầm ỹ, rồi ung dung thực hiện mục tiêu theo phương thức “dễ như ăn bánh” dù đã chọn mức độ khó cao nhất mà chẳng gặp phải bất kỳ chống cự nào rõ rệt.
Ở mặt ngược lại, nếu như bạn chẳng may bị đối phương hạ gục, chẳng có cách nào khác ngoài việc bạn phải chơi lại màn chơi từ đầu, thay vì một điểm lưu tạm (checkpoint) nào đó như ở cách thiết kế màn chơi truyền thống, khiến cho nhiều công sức của bạn trở nên “đổ sông đổ biển”, cũng đủ gây khó chịu nhất định.
Trên thực tế, không phải là Call of Duty: Modern Warfare III không có những điểm sáng trong lối chơi, mà vấn đề chủ yếu nằm ở đội ngũ thiếu sự trau chuốt cần thiết trong việc thiết lập tuyến kịch bản và bố trí của đối thủ máy để tạo ra cảm giác phấn khích cho người chơi.
Rõ ràng nhất là màn chơi đầu tiên “Operation 627”, đội ngũ làm game đã kiểm soát vô cùng tốt khi quy hoạch bản đồ vào những khu vực nhỏ hẹp, đủ để phát huy thế mạnh của mình theo đúng phong cách dòng game Call of Duty, thế nhưng đến các màn chơi sau đó, cách “thả dù” vô tội vạ người chơi xuống một bản đồ dành cho mục chơi mạng theo kiểu Warzone, đã đánh nát toàn bộ những cảm xúc mà màn chơi đầu tiên mang lại.
Cốt truyện nhạt nhòa!
Không chỉ sở hữu một lối chơi vụn vỡ, Call of Duty: Modern Warfare III còn sở hữu một cốt truyện nhạt nhòa, có phần chắp vá với những yếu tố rời rạc, không tạo ra được những đoạn “plot twist” (bước ngoặt) như các phiên bản Modern Warfare trước đây.
Mặc dù lấy “danh nghĩa” của một tựa game Modern Warfare, thế nhưng trên thực tế, dõi theo cả cốt truyện của phần chơi đơn, bạn sẽ chẳng thấy yếu tố “war” xuất hiện theo cách hiểu thông thường.
Tựa game gần như chịu ảnh hưởng của những bộ phim hành động Holywood như Sicario hay Extraction với những cuộc xung đột phi chính thức, cần đến những “người hùng” đứng ra giải quyết vấn đề, chống lại băng đảng khủng bố được vũ trang tận răng.
Thậm chí đội ngũ phát triển game còn “chơi lớn” khi làm hẳn một màn chơi khủng bố “Passenger”, tương tự những gì mà Infinity Ward đã làm với màn chơi “No Russian” hơn chục năm trước đây, thế nhưng cái cách mà màn chơi này thể hiện lại khá vô cảm, không đem đến cảm xúc mạnh và gây sốc với những giá trị ẩn dụ kết nối với các màn chơi khác.
Nếu như bạn còn nhớ, phương thức dẫn truyện trên các phiên bản Modern Warfare gốc ra mắt cách đây hơn 10 năm mang đậm màu sắc tiểu thuyết của Tom Clancy, với những tình tiếc gây sốc ngay từ đầu game, sau đó bóc tách dần dần với những cú “plot twist” giữ đến những giây phút cuối cùng như trong loạt tiểu thuyết “The Sum of All Fear” đã tạo ra sức hút mãnh liệt cho người chơi, thì giờ đây, khi nhìn lại các màn chơi trên Call of Duty: Modern Warfare III, bạn sẽ dễ dàng phát hiện tựa game này được phát triển cốt truyện theo một khuynh hướng hoàn toàn “cơ bắp”.
Cũng chính vì thế mà bạn sẽ rất khó có được một trải nghiệm vừa lòng mãn ý với phần chơi đơn của tựa game này.
Call of Duty: Modern Warfare III còn sở hữu một cốt truyện nhạt nhoà, có phần chắp vá với những yếu tố rời rạc