Skip to content

Sự kiện game 1-2022: Microsoft bung tiền tấn mua Activision Blizzard!

su-kien-game-1-2022

Sự kiện game 1-2022 – Thế là Tết năm mới 2022 đã khép lại, thế giới game vẫn có nhiều sự kiện chấn động và thành tựu cực lớn. Ngành game vẫn vươn lên thật mạnh mẽ bất chấp bao bão tố!

Và để “mở bát” cho một năm mới 2022 cũng cực kì sôi động vừa lướt qua chúng ta cách đây không lâu, Vietgame.asia xin điểm lại loạt Top 6 sự kiện game 1-2022 vừa qua bằng một bài viết “nhiều tiền” nhé!

1. MICROSOFT MUA LẠI ACTIVISION BLIZZARD VỚI GIÁ 68.7 TỶ USD

Đầu năm 2022, Microsoft vừa có lời “nhắc khéo” công chúng rằng nhà anh thì cũng không có gì… ngoài tiền.

Công ty vừa tung ngân quỹ mua trọn cả Activision Blizzard với mức giá 68.7 tỷ USD. Đây thực sự là một con số khổng lồ không chỉ trong ngành game mà còn trong toàn bộ lịch sử mua bán và sáp nhập của các công ty nói chung, chỉ thua một vài thương vụ “bạc tỷ tỷ” khác như AT&T mua Time Warner vào 2018 (85.4 tỷ USD) và Disney mua 21st Century Fox vào 2019 (71.3 tỷ USD)

Thỏa thuận này dự kiến sẽ được chốt vào 2023, và khi đó, Microsoft sẽ nắm trong tay hàng loạt dòng game nổi tiếng như Call of Duty, Warcraft, Overwatch, Diablo và nhiều cái tên khác nữa.

2. SONY MUA LẠI BUNGIE VỚI GIÁ 3.5 TỶ USD

Tuy có hơi kém tiền nhưng Sony cũng muốn thể hiện tinh thần “chiến” của mình bằng cách mua lại Bungie. Bungie là nhà phát triển dòng game Destiny cũng như tựa Halo đầu tiên, và thương vụ với Sony được định giá 3.6 tỷ USD!

Phía Sony cũng cho biết Bungie vẫn sẽ tiếp tục là một studio và nhà phát hành độc lập và đa nền tảng, và sẽ đứng “ngang hàng” với các nhà phát triển PlayStation Studios của Sony. Còn Bungie cũng “đảm bảo” cho người hâm mộ của mình rằng những game tương lai của họ sẽ không độc quyền trên PlayStation.

3. ACTIVISION BLIZZARD KHÔNG DỨT LÙM XÙM!

Tháng vừa qua, song hành cùng với thông tin Microsoft mua lại Activison Blizzard là tin về nhân viên ở Raven Software, một nhánh của Activison Blizzard, thành lập công đoàn mang tên Game Workers Alliance.

Công đoàn này được thành lập sau khi có tin Activision Blizzard sẽ cho thôi việc hàng loạt QA Tester (Kỹ thuật viên kiểm thử) và làm ngơ trước những yêu cầu từ phía nhân viên.

Kể cả sau hàng loạt bê bối trong thời gian qua, có vẻ Activison Blizzard vẫn không thể cải tổ được bộ máy quản lý và đãi ngộ nhân viên một cách đúng đắn. Do vậy, việc công ty này được Microsoft “dắt về” cũng là một tín hiệu khả quan.

Với một công ty nổi tiếng như Microsoft, trước khi thỏa thuận mua bán hoàn thành, chắc chắn gã khổng lồ sẽ phải chấn chỉnh lại nội bộ của Activision Blizzard chứ không thể để một liên minh nhân viên tồn tại trong lòng công ty của mình được.

4. STEAM DECK RA MẮT VÀO 25/2

Nói về thiết bị chơi game cầm thay thì có lẽ Nintendo Switch vẫn là cái tên cộm cán nhất… nếu không tính chiếc smartphone của bạn.

Quả thực, sau một kỉ nguyên của những chiếc điện thoại thông minh tràn ngập thị trường, các thiết bị chơi game chuyên dụng cầm tay đã mất dần chỗ đứng. Kể cả một cái tên lớn trong giới console như Sony cũng chẳng mặn mà với mảng kinh doanh này nữa, với chiếc console cầm tay cuối cùng của hãng là PlayStation Vita, ra mắt vào 2011.

Tuy nhiên, bức tranh này có thể sẽ đổi màu, bởi một công ty lớn khác sắp ra sản phẩm cạnh tranh với Nintendo Switch tại mảng cầm tay.

Vừa qua, Valve cho biết chiếc máy chơi game của họ, Steam Deck, sẽ ra mắt vào 25/2.

Công bằng mà nói, Valve không có một lịch sử tuyệt vời lắm với các sản phẩm phần cứng. Máy stream game Steam Link ra mắt năm 2015 đã bị khai tử sau 3 năm bởi một phần mềm có tính năng tương tự. Tay cầm điều khiển Steam Controller không những chẳng gây được tiếng vang mà còn mang về cho công ty một khoản phạt 4 triệu USD.

Tuy nhiên, đây rất có thể là sản phẩm phần cứng đầu tiên từ Valve mà không xịt, bởi nó đã đón nhận rất nhiều nhận xét tích cực từ cộng đồng và các chuyên gia. Hi vọng sản phẩm mới này của Valve sẽ giúp công ty khẳng định vị thế và khuấy động lại một thị trường đã “chững” từ lâu.

5. MỘT TỰA GAME “CRYSIS” MỚI ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Sau những khó khăn về tài chính và phải đóng cửa hàng loạt studio vào năm 2016, công ty Crytek tưởng chừng như đã ở trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, sự ra mắt của Hunt:Showdown và gần đây hơn là bộ sưu tập Remaster của Crysis có vẻ đã dần mang chỗ đứng của công ty trở lại.

Tới giờ, có lẽ Crytek đã cảm thấy mình đủ vững vàng để bước vào một cuộc phiêu lưu mới với Crysis 4. Tuy nhiên sản phẩm vẫn đang ở bước đầu phát triển nên có lẽ bạn phải chờ hơi lâu để được trải nghiệm nó đấy.

6. BATTLEFIELD 2042… FREE TO PLAY!?

Battlefield 2042 là một sản phẩm “thảm họa” tới từ phía EA, và chắc chắn là doanh số tựa game đang… “bắt đáy”. Do vậy, tháng vừa qua, một loạt tin đồn rộ lên về việc công ty sẽ “làm gì đó” với tựa game này.

Mặc dù DICE vẫn đang cố gắng cứu rỗi Battlefield 2042 bằng những bản vá để củng cố game về mặt kỹ thuật, việc khan hiếm nội dụng có lẽ là thiếu vắng lớn nhất của game. Thậm chí số người chơi Battlefield 2042 trên Steam còn ít hơn người chơi Battlefield 5Battlefield 1.

Đối mặt với tình trạng này, tin “đường phố” cho biết có thể EA sẽ “mở khóa” Battlefield 2042 thành một sản phẩm chơi miễn phí, hay ít ra là miễn phí một phần nào đó của tựa game, để thu hút người chơi. Tuy mới chỉ là tin đồn nhưng khả năng cao EA cũng muốn làm gì đó với Battlefield 2042, thay vì để cậu “quý tử” trong dòng game “con cưng” chết ngắc ngoải.


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 6 sự kiện game 1-2022 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 1-2022 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý cùng chúng tôi qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!