Chơi thử Spire of Sorcery – Đã từ rất lâu rồi kể từ khi Harry Potter hay The Lord of the Rings mở ra kỷ nguyên phù thủy.
Tuy không còn cảnh những đoàn người cầm đũa phép và mặc áo chùng diễu hành trên phố nhưng giá trị tinh thần mà nó mang lại vẫn tồn tại mãi đến tận ngày hôm nay với hàng loạt tiểu thuyết, phim điện ảnh đi theo.
Tất nhiên, ngành công nghiệp trò chơi điện tử cũng không ngoại lệ.
Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều những tác phẩm giả tưởng làm về thế giới phù thủy, pháp sư xuất sắc như The Witcher, Trine, Atelier…
Cũng kể về thế giới của các pháp sư đầy quyền năng và thêm vào yếu tố “rouge-lite” thời thượng, bản Chơi thử Spire of Sorcery hiện đang tạo một làn sóng trên Steam.
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu những điều thú vị của “tân binh ngoại hạng” này qua bài viết sau nhé!
1. Thế Giới “Đen Tối”
Cũng như bao tựa game “rouge-lite” khác, bản chơi thử Spire of Sorcery cũng được làm theo tinh thần “để người chơi ăn càng nhiều hành càng tốt“.
Bối cảnh của game cũng phần nào dự báo trước về “số hành” mà bạn sẽ gặp phải trong quá trình khám phá thế giới kỳ diệu này.
Trong vai các pháp sư đã vượt ngục để trốn chạy một tương lai bị thiêu trên cọc hoặc chết rục trong các trại dị giáo, nhưng họ lại không ngờ rằng chạy trốn một vận xui này chỉ là để nhận một vận rủi khác khủng khiếp hơn mà thôi.
Khi bị truy đuổi bởi bọn hiệp sĩ thánh chiến biến chất thì các pháp sư của chúng ta đã nhìn thấy ngọn lửa thiêng của tòa tháp pháp sư huyền thoại, thứ được cho là sẽ cứu rỗi các pháp sư đang trên bờ bị tuyệt duyệt.
Thế nhưng, ngọn lửa thiêng lại phát ra từ phía vùng đất hoang dã (wild land), nơi bọn quái vật hoành hành khắp mọi ngõ ngách.
Điều khiển các pháp sư với các tính cách khác nhau, giúp họ trả thù thế giới khắc nghiệt đang dày vò chính họ và sống sót trên con đường tìm kiếm tháp pháp sư, đó chính là nhiệm vụ mà bạn phải làm trong bản chơi thử Spire of Sorcery.
Chưa bàn đến phần lối chơi, chỉ nói về phần đồ họa thì bản chơi thử Spire of Sorcery đã khiến người viết ấn tượng bởi sự gai góc, nặng nề mà nó mang lại.
Phần hoạt họa của game đi theo phong cách “truyện tranh kiểu Mỹ”, đầy đen tối và bí ẩn, cộng với việc bản đồ rộng lớn nhưng luôn nằm trong trạng thái “mù lòa” sẽ khiến bạn cảm thấy nguy hiểm luôn rình rập khắp không gian.
Tuy là “rouge-lite” nhưng bản chơi thử Spire of Sorcery không chia bản đồ theo dạng hầm ngục hay dạng đi cảnh mà gộp chung chúng lại thành một thế giới rộng lớn với các chương khác nhau (hiện tại là 4 chương), chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ chính là bạn sẽ có đủ điều kiện để qua chương mới.
Các nhiệm vụ (cả chính lẫn phụ) kèm các rương báu/hầm ngục sẽ nằm rải rác khắp bản đồ, người chơi có thể tự quyết định việc đi khám phá để nhanh chóng qua màn hoặc đi “cày” để giúp cho các pháp sư của mình trở nên mạnh mẽ hơn.
Chưa bàn đến phần lối chơi, chỉ nói về phần đồ họa thì bản chơi thử Spire of Sorcery đã khiến người viết ấn tượng bởi sự gai góc, nặng nề mà nó mang lại
Âm thanh môi trường trong game được làm rất tốt, bạn có thể cảm nhận được bọn quái vật đang chuẩn bị tấn công mình bằng những tiếng sột soạt, hay cảm giác đau đớn khi nhân vật lỡ đi qua những khu vực có hiệu ứng bất lợi.
Tuy vậy thì game khá thiếu vắng phần nhạc nền, hầu như chỉ có thứ “giống nhạc” vang lên khi bạn sử dụng phép thuật.
2. Lối Chơi Lôi Cuốn
Đi theo lối chơi theo lượt nhưng bản chơi thử Spire of Sorcery lại vay mượn khá nhiều từ thể loại game… giải đố (puzzle).
Lý do là cách thức tấn công chính của game là phép thuật của các pháp sư, nhưng để sử dụng được phép thuật đó thì bạn phải chọn các mảnh phép và ghép chúng lại theo công thức.
Các pháp sư có thể ghép mảnh phép cho đồng đội của mình, còn nếu tất cả các pháp sư của bạn đều không có mảnh phép mà bạn cần thì bạn có thể sử dụng xúc xắc để đổi các mảnh phép (một cách ngẫu nhiên).
Bạn chỉ có một số lượng cố định các mảnh phép trong người, nếu như đã sử dụng hết thì bạn không thể mở ra thêm dù có cố sử dụng xúc sắc.
Việc sử dụng mảnh phép lẫn đổ xúc xắc cũng sẽ tốn điểm bền bỉ (endurance), nếu vượt quá số điểm sức bền của pháp sư thì bạn sẽ phải nhận án phạt và điều đó sẽ dẫn tới cái chết cho pháp sư của bạn.
Đi theo lối chơi theo lượt nhưng bản chơi thử Spire of Sorcery lại vay mượn khá nhiều từ thể loại game… giải đố (puzzle).
Không chỉ có điểm sức bền mới khiến bạn trả giá đắt, mỗi pháp sư đều có các thang đo sát thương vật lý, độ sợ hãi, đức tin, khả năng miễn dịch…
Chỉ cần một thang vượt ngưỡng thì bạn coi như đã chết một lần và kèm theo một hiệu ứng bất lợi vĩnh viễn, bạn có thể thanh tẩy hiệu ứng bất lợi trước khi bắt đầu chương mới nhưng cái giá phải trả rất đắt.
Mỗi pháp sư đều có cả thảy 3 lần (hoặc 5 lần tùy chế độ) được “làm lại cuộc đời”, nếu vượt qua giới hạn đó thì nhân vật đó sẽ bốc hơi vĩnh viễn.
Hệ thống phép thuật trong game cũng đi từ đơn giản tới phức tạp, các phép thuật mạnh hơn sẽ tốn nhiều mảnh phép để ghép vào hơn.
Sau khi hạ gục quái vật, làm nhiệm vụ hoặc thám hiểm thì bạn sẽ nhận được các nguyên tố để “mở khóa” các loại phép thuật mới.
Tính cách của mỗi phù thủy cũng ảnh hưởng tới phép thuật, nếu vận dụng đúng cách thì nó sẽ tạo thành các chuỗi liên hoàn (combo) khủng khiếp.
Thế nhưng, đôi khi tính cách của họ sẽ gây ra các hiệu ứng bất lợi cho chính người chơi như một số nhân vật sẽ giảm điểm tinh thần nếu tấn công con người hoặc quái vật hình người, một số sẽ giảm sức chiến đấu nếu bạn bắt họ phải vào bếp nấu ăn…
Nhắc đến nấu ăn thì bạn sẽ có một hệ thống nấu ăn, giả kim tương đối hoàn thiện với mục đích là hỗ trợ người chơi trên con đường phiêu lưu.
Đa phần thức ăn và thuốc sẽ có các hiệu ứng khác nhau, bạn sẽ chưa biết được công dụng của chúng trước khi pha chế thành công được một sản phẩm.
Để pha chế thuốc hoặc nấu nước thành công, đôi lúc bạn cần thu thập được nguyên liệu từ quái vật, thế nhưng không phải lúc nào chiến thắng trong một trận chiến cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhặt được đồ.
Bạn còn phải quan tâm mình chiến thắng bằng cách nào nữa, mỗi quái vật khác nhau sẽ có sức chống chịu với các loại phép khác nhau, một số phép thuật sẽ khiến bọn chúng sợ hãi bỏ chạy chứ không thực sự tiêu diệt bọn chúng
Và quái vật bị hạ gục bởi lửa sẽ rớt ra đồ khác với cùng giống loài đó mà bị hạ gục bởi băng.
Ngoài mối nguy từ bọn quái vật thì môi trường cũng là một vấn đề, bạn sẽ gặp đủ thứ từ thiên tai như bão băng hay mây độc tới các tương tác ảnh hưởng tới môi trường như xài phép lửa trong rừng, sạt lở khi chiến đấu trong hang động…
Trong quá trình phiêu lưu, bạn sẽ phải giải quyết các sự kiện diễn ra ngẫu nhiên trên bản đồ, tùy thuộc vào lựa chọn mà bạn sẽ nhận thưởng hay bị phạt.
3. CẢM NHẬN CÁ NHÂN
Tuy chưa phải là bản chính thức nhưng bản chơi thử Spire of Sorcery đã cho người viết thấy sự tỉ mỉ trong cách thể hiện của game.
Nếu bạn là người không quen chơi nhiều thể loại game khác nhau thì thực sự rất dễ bị “ngộp” bởi lượng chi tiết mà bản chơi thử Spire of Sorcery mang lại.
Tuy vậy thì game mang tính lặp lại khá nhiều do cơ chế ngẫu nhiên còn thấp và số lượng phép thuật còn quá ít.
game mang tính lặp lại khá nhiều do cơ chế ngẫu nhiên còn thấp và số lượng phép thuật còn quá ít
Nếu bỏ qua lần chơi đầu tiên còn lóng ngóng thì tới lần chơi thứ hai là bạn đã biết hầu hết các mánh mà nhà sản xuất cố tình “gài” người chơi như đặt bẫy trong các rương báu hay bọn quái vật chỉ có thể hạ gục bằng các chiêu kết hợp…
Một điều khiến game mất điểm nữa là trong phần quảng cáo nhà sản xuất đã nói có thể chiêu mộ thêm pháp sư nhưng người viết không thực sự tìm thấy bất cứ tính năng nào có vẻ là như vậy trong game cả.
Nếu bạn vô tình để một pháp sư của mình ra đi mãi mãi thì gần như nắm chắc phần thua cuộc!
4. KHI NÀO RA MẮT?
Hiện bản chơi thử Spire of Sorcery đang được phát hành trên Steam dưới dạng truy cập sớm (Early Access).
Phiên bản chính thức hiện đang được bỏ ngỏ và sẽ được cập nhật sớm nhất trên trang chủ của nhà phát hành.