Skip to content

Metallic Child – Đánh Giá Game

Metallic Child

Metallic Child – Nếu bạn là người hâm mộ văn hóa Nhật Bản hoặc đơn giản là một người yêu thích máy móc thì sẽ chẳng xa lạ gì với khái niệm Android (các robot mang hình dáng con người).

Song song với các Mecha (cơ giáp) khổng lồ như Gundam thì các Android cũng có chỗ đứng nhất định trong thế giới game phương Đông, đơn cử như các thương hiệu Nier, Drakengard, hoặc xa hơn một chút thì chúng ta có tượng đài Megaman.

Với lượng fan đông đảo và gần như là một trong những biểu tượng của làng game đương đại thì tất nhiên là thương hiệu Megaman cũng không thiếu những “đàn em” học theo những điều tốt đẹp của mình.

Metallic Child, đến từ STUDIO HG, là một tựa game như thế.

Vậy, “đàn em” này có đủ sức nặng để làm bạn thỏa mãn, hay sẽ bị cái bóng của những người đi trước bẻ gãy ý chí?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Bản hòa âm đầy màu sắc!

Nếu có một nhận xét về cách xây dựng thế giới của Metallic Child thì đại khái là nó… dễ hiểu.

Sau khi hoàn thành khóa “hướng dẫn chơi game” trong khoảng 20 phút thì bạn sẽ được ném thẳng vào mặt toàn bộ những gì mình cần làm từ lúc bắt đầu tới lúc kết game.

Khởi đầu của mọi chuyện là việc bạn cứu Rona – một android chiến đấu thế hệ đầu và giúp cô nàng ngăn chặn “mẹ” của mình – một khoa học gia thiên tài đầy bất mãn với nhân loại và đang cố đâm một con tàu vũ trụ khổng lồ vào Trái đất (còn thực hư ra sao thì game sẽ cho bạn biết vào phút cuối).

Để tiếp cận “mẹ” thì bạn phải chiến đấu với các con trùm, cũng là các Android chiến đấu “cao cấp” hơn Rona.

Bạn có thể chọn trùm mình muốn để chiến đấu, không nhất thiết phải đi theo vòng, một phong cách khá kinh điển dựa theo dòng game Megaman.

Metallic Child được làm theo phong cách anime với các chi tiết được đầu tư khá tỉ mỉ.

Tuy hơi “ăn gian” một số hoạt ảnh như chuyển đổi vũ khí đơn giản chỉ là dùng “ánh sáng thần thánh” hoặc kết liễu là các đoạn phim cắt cảnh lặp lại… nhưng chúng ta có thể xuề xòa các phần đó vì nhịp độ game luôn diễn ra rất nhanh.

Môi trường trong game được làm rất tốt, là một game khóa góc nhìn nhưng Metallic Child không tạo cảm giác bí bách hay cản đường người chơi bằng các khối trang trí dày đặc, mọi thứ đều được sắp xếp một cách hợp lý để người chơi tập trung vào kẻ thù.

Môi trường trong game được làm rất tốt, là một game khóa góc nhìn nhưng Metallic Child không tạo cảm giác bí bách

Các chuỗi tương tác luôn kèm theo các hiệu ứng “đã tai, đã mắt”, đôi khi người viết chăm chăm ném bọn quái yếu máu vào tường chỉ để nhìn chúng bị phá hủy theo cách đã mắt nhất.

Các đoạn hội thoại được lồng tiếng đầy đủ cũng là một điểm cộng với một tựa game độc lập như Metallic Child.


Hầm ngục “có” lối thoát

Không phải ai cũng chịu đựng được việc cày một nhân vật mạnh ơi là mạnh rồi sau đó… bị con quái nhép nào đó tuốt sạch đồ và bắt bạn chơi lại game từ đầu.

Nghe thì có vẻ tự ngược nhưng đó chính xác là công thức chung của dòng game “roguelike”, nơi mà bạn dành hết cả thanh xuân để đánh, chết, đánh, chết, rồi lại chết, rồi lại đánh…

Chính vì cái vòng lặp không lối thoát như vậy nên sinh ra một bộ phận game thủ dù có yêu thích thế giới của những hầm ngục tới cỡ nào thì vẫn không có bất cứ cơ hội nào cho họ tiếp cận cái “dòng game tàn phá sức khỏe” điên rồ như vậy.

Nhưng đấy chỉ là cho tới khi “rougelite” ra đời.

Cũng lấy cái sườn là một thế giới đầy rẫy quái vật và các hầm ngục nối tiếp hầm ngục thế nhưng, rougelite “dễ thở” hơn người anh em cùng cha khác ông nội của mình rất nhiều khi bạn vẫn giữ hầu hết mọi thứ đã cày cuốc của nhân vật, dù cho bạn có lỡ sẩy chân một chút.

Và nếu bạn là một người chơi hệ “khổ lâu quá nên sướng không quen” và nghĩ rougelite sẽ thiếu chiều sâu hơn so với rougelike, Metallic Child sẽ thay đổi ấn tượng của bạn!

Metallic Child sở hữu phong cách Hack ‘n Slash (chặt và chém) khá… tàn bạo.

Lượng quái vật rất đông và khối lượng các phím cần nhấn nhiều hơn những gì người viết nghĩ, sơ sơ là bạn đã có nhảy, né, đỡ đòn (với sword and shield), tấn công thường, tấn công mạnh, kỹ năng…

Và tuy chỉ chọn chế độ thường (normal) nhưng chất lượng kẻ địch lại không thường chút nào, từ khi bắt đầu với những con quái nhem nhép thì người viết đã phải kết hợp nhuần nhuyễn chuỗi liên hoàn (combo) mới có thể bảo toàn được lượng máu để qua ô hầm ngục tiếp theo.

Nếu bạn là người mới làm quen với thể loại này thì tốt nhất nên chọn các chế độ dễ hơn hoặc tập combo đánh thường kết hợp với kéo/quăng để phá thế phòng thủ của kẻ địch.

thường xuyên để ý tới việc né hoặc đỡ đòn hơn là dùng kỹ năng hoặc đánh mạnh vì nếu mất tập trung một giây thôi là bạn phải trả giá khá đắt đấy!

nếu bạn nghĩ rougelite sẽ thiếu chiều sâu hơn so với rougelike, Metallic Child sẽ thay đổi ấn tượng của bạn!

Sau khi hạ gục kẻ địch thì bạn sẽ nhận được chip và core dùng để nâng cấp sức mạnh cho Rona (cô bé nhân vật chính của chúng ta), các nâng cấp sẽ theo thể thức ngẫu nhiên và sẽ mất khi bạn chết (nên hãy cố sống nhé).

Để tạo thành một chuỗi nâng cấp phù hợp với lối chơi của mình thì bạn cũng phải tốn kha khá chất xám và thời gian để cân nhắc các lựa chọn.

Nhưng tất nhiên, với những người chơi theo trường phái “thấy đồ hiếm là chọn” thì nhân vật của bạn vẫn sẽ mạnh lên thôi, nhưng người viết không ủng hộ việc đó lắm đâu, nhất là giữ việc chọn core cấp C tăng đánh thường cho vũ khí và một core cấp A cho một kỹ năng bạn không bao giờ đụng tới nó rất khác biệt đó.

Và trên hết là đôi khi các core sẽ có các tác động tiêu cực kèm theo như giảm tốc độ đánh để tăng sức mạnh hoặc giảm tốc chạy để tăng chỉ số…

Nhưng đồng thời thì một số nâng cấp bất lợi có thể tăng cấp thành “super core” để xóa bỏ giới hạn nhân vật.

Metallic Child

Vũ khí trong game chia ra làm ba nhóm chính là búa, kiếm khiên và găng tay, một số vũ khí đặc biệt sẽ được mở ra trong bản đồ như thiết giáp hay súng phóng lựu.

Mỗi loại vũ khí sẽ có kỹ năng đặc biệt khác nhau và bạn có thể mở vũ khí mới bằng chip nhưng hãy cẩn thận vì bạn không thể giữ lại vũ khí cũ (trừ các loại vũ khí dùng 1 lần).

Các màn đấu trùm cũng là một điểm sáng trong game.

Có khoảng 8 con trùm chính (tính luôn cả “mẹ” là 9), mỗi con sẽ có một kỹ năng đặc biệt khác nhau với phong cách chiến đấu khác nhau.

Tất nhiên đã gọi là “trùm” thì chúng chiến đấu cũng rất “trùm”, mỗi con là một thử thách rất đáng nhớ, khó chịu nhất (với người viết) có lẽ là Graver, con trùm này có khả năng sử dụng các chiêu AOE (chiêu thức diện rộng) chiếm gần 1/3 bản đồ hoặc hơn để ép góc người chơi và tấn công bằng các pha “thiết đầu công” rất thấm máu.

Một số con trùm còn thay đổi cả môi trường chiến đấu quen thuộc của bạn, ví dụ như Gigantic khiến cho cuộc chiến trở thành một trận đối đầu màn hình ngang, hoặc Flyra (trong phần phụ chương) sẽ khiến cuộc chiến như phiên bản thu nhỏ của một tựa game bắn phi thuyền.

Phần thưởng sau khi hạ gục trùm khá là đáng khi bạn sẽ có được khả năng đặc biệt của con trùm đó

BẠN SẼ GHÉT

Metallic Child

Niềm vui chỉ diễn ra một lần!

Đa phần những tựa game rougelite/rougelike đều có giá trị chơi lại rất cao.

Thế nhưng, rất tiếc là Metallic Child lại không được như vậy.

Lý do cho việc đó đầu tiên là cốt truyện của Metallic Child, nó thẳng đuột và chẳng có 1 nút thắt mở nào cả, không như các tựa game cùng thể loại, ví dụ như Hades, luôn lấy việc sống chết để tiết lộ cốt truyện, bạn thất bại hay chiến thắng thì cốt truyện của game lại càng mở ra sâu rộng hơn.

Metallic Child thì mọi thứ tuyến tính hơn, cốt truyện của game cũng đã có sẵn ở đấy, sau khi hạ gục Magna (trùm cuối của game) và xem cảnh chia ly hơi buồn thì sau đó là… hết, không còn gì quan trọng để bạn khám phá nữa.

Metallic Child

Tạm bỏ qua hạn chế của cốt truyện thì thứ vốn dĩ là ưu điểm của game là “nhịp độ cao” đồng thời cũng là rào cản vô hình khiến game thủ không muốn quay lại game lần nữa.

Cơ bản là sau khi tìm ra được “công thức phá đảo” của riêng mình thì bạn sẽ rơi vào cái vòng lặp “đã làm, làm và sẽ làm” y chang như những gì mình đã thực hiện trong những lần trải nghiệm game đầu tiên, vì dù có tăng thêm độ khó thì bọn quái hay kể cả trùm cũng chỉ tăng chỉ số chứ kỹ năng của chúng vẫn giữ nguyên.

Một điểm trừ không đáng có là không hiểu vì sao nhưng người viết không thể nào kết nối tay cầm với Metallic Child, dù đã thử cả Xbox lẫn PS và bật game ở chế độ Big Picture.

Cơ bản là sau khi tìm ra được “công thức phá đảo” của riêng mình thì bạn sẽ rơi vào cái vòng lặp “đã làm, làm và sẽ làm” y chang như những gì mình đã thực hiện trong những lần trải nghiệm game đầu tiên

7.5

Metallic Child tuy còn vài thiếu sót nhưng là một tựa game hành động tốc độ cao rất phù hợp để xả stress trong giai đoạn dịch dã căng thẳng này.

Thông tin

  • Metallic Child
  • Nhà phát triển
    STUDIO HG
  • Nhà phát hành
    CREST
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    15/09/2021
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-Bit
  • CPU
    Intel Core i3-3330 / AMD Ryzen 3100
  • RAM
    8GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 750 / AMD Radeon R7260X
  • Lưu trữ
    3GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-Bit
  • CPU
    Intel Core™ i7-8700
  • RAM
    32GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 1660 6GB
  • Lưu trữ
    Kingston A400
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VietGame.Asia. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận