Skip to content

Death end reQuest – Đánh Giá Game

Death end reQuest

Death end reQuest – Đã bao giờ các bạn muốn đặt chân vào một thế giới ảo?

Không phải là chơi VR đâu, mà thực sự đặt chân vào một thế giới khác, nơi bạn có thể sống một cuộc sống thứ hai, với đủ loại huyễn tưởng mà bạn thích, từ trở thành một kiếm sĩ, pháp sư, hay đơn thuần chỉ trở thành công chúa ở vương quốc thần tiên.

Liệu một thế giới ảo đó có đem lại hệ lụy như thế nào?

Tưa game mới nhất của Compile Heart, nổi tiếng với Hyperdimensional Neptunia, sẽ đưa chúng ta tới với World’s Oddysey, và bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia khám phá thế giới ảo của Death end reQuest nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Giấc mơ của mọi lập trình viên…

Người viết bản thân cũng là một lập trình viên, do đó khi bước vào thế giới của Death end reQuest thì người viết lại hơi… ghen tị với nhân vật chính!

Trò chơi sẽ đặt bạn vào vai anh chàng lập trình viên may mắn Arata Mizunashi, khi anh này được vào công ty Enigma, không biết là công ty lập trình kiểu gì mà… toàn gái xinh, từ cô bé thiết kế nhân vật ngoại quốc (nhưng nói tiếng Nhật chắc hơn cả người bản địa) Lydia Nolan, lập trình viên cấp cao Sumika Tomiwa và cô bé lập trình viên “thần đồng” Shina Ninomiya.

Thực tế nghĩ lại, đúng là xuyên suốt Death end reQuest chỉ có mình anh chàng Arata là đàn ông thì phải?! Dù sao thì, khi bước chân vào câu chuyện bạn sẽ được trải nghiệm một “giấc mơ của lập trình viên”, và tất nhiên không chỉ có mỗi “giấc mơ” được làm việc trong văn phòng có nhiều cô gái xinh đẹp.

Bạn sẽ được làm việc trong một đội ngũ những lập trình viên “đỉnh” nhất để làm việc trong một dự án VRMMO cực kỳ tiên tiến (không phải là công nghệ VR như hiện nay, mà na ná kiểu như Sword Art Online vậy, nơi bạn có thể thực sự “hiện thân” trong thế giới ảo) với một hệ thống trí thông minh nhân tạo cũng “khủng” không kém, với khả năng thích nghi và hành xử như con người.

Tuy nhiên, tựa game này, có tựa đề là World’s Oddysey, đã thình lình bị “đóng cửa” sau khi “đầu não” Shina đột ngột mất tích không rõ lý do.

Môt năm sau, Arata lại nhận được một email bí ẩn từ Shina, người lúc này đang bị kẹt trong thế giới ảo của World’s Oddysey và không thể thoát ra được, và thế là cuộc phiêu lưu của Arata và Shina bắt đầu ở cả hai thế giới.

Cốt truyện của tựa game không được kể lại theo mô típ JRPG truyền thống (hiển thị nhân vật và hiển thị lời thoại thông qua “bong bóng” (speech bubble)) mà phần lớn lại được thể hiện thông qua dạng “tiểu thuyết hình ảnh trực quan” (visual novel).

Người chơi thậm chí còn có thể đưa ra quyết định, và quyết định này sẽ ảnh hưởng tới kết cục của mạch truyện.

Compile Heart vốn “chuyên” làm ra những tựa game có cốt truyện nhẹ nhàng như dòng Hyperdimensional Neptunia, nhưng với Death end reQuest, họ quyết định sử dụng một cốt truyện theo hướng kinh dị và khá tăm tối, với rất nhiều cảnh máu me rùng rợn và một mạch truyện xuyên suốt có nhiều nút thắt và bất ngờ.

Death end reQuest vẫn sở hữu một mạch truyện hấp dẫn, hồi hộp và chứa đựng nhiều bất ngờ với một cái kết hoành tráng

Có thể nói là Compile Heart đã tương đối thành công với hướng đi này, khi người viết thực sự bị lôi cuốn vào cốt truyện, và nhập tâm vào dàn nhân vật và làm sao để họ khám phá ra bí mật của thế lực đen tối đứng sau một trò chơi tưởng chừng vô hại.

Ngoài ra, một điểm cộng khác là sự phát triển tính cách của mỗi nhân vật đều được bộc lộ một cách hợp lý, điều mà người viết cảm thấy đang bị mất dần trong những tựa game JRPG gần đây.

Tóm lại, mặc dù có thể một số người sẽ không ưa phương thức kể chuyện kiểu tiểu thuyết trực quan (visual novel), Death end reQuest vẫn sở hữu một mạch truyện hấp dẫn, hồi hộp và chứa đựng nhiều bất ngờ với một cái kết hoành tráng.


Death end reQuest

Ác mộng của mọi lập trình viên…

Trò chơi được chia làm hai phần khác nhau, thế giới thực, nơi bạn có thể điều khiển Arata đi khám phá và điều tra những sự việc đã xảy ra, và thế giới của World’s Oddysey, nơi bạn điều khiển Shina với nhiệm vụ duy nhất là phá đảo trò chơi để cô nàng đăng xuất được ra ngoài.

Và các bạn có biết, một lập trình viên thì sợ nhất gì không? Tất nhiên là lỗi (hay còn gọi là “bug”) rồi.

Đen đủi thay, thế giới World’s Oddysey thì lại lúc nhúc toàn bug là bug, và cơ chế chiến đấu của trò chơi này sẽ phải xoay quanh bug (và cách bạn lợi dụng nó).

Về căn bản, chiến đấu trong Death end reQuest là chiến đấu theo lượt, tuy nhiên bạn có thể điều khiển nhân vật di chuyển xung quanh màn chơi trong lượt của mình một cách tuỳ ý.

Tuy nhiên, khác với Dragon Quest XI, nơi mà việc di chuyển này chỉ để… cho vui, thì việc di chuyển và chọn một vị trí thích hợp trong Death end reQuest là cực kỳ quan trọng.

Khi tới lượt, mỗi nhân vật sẽ có thể lựa chọn tới ba hành động được thực hiện tuần tự, và khi thực hiện ba hành động này, tuỳ vào hành động của người chơi thì nhân vật có khả năng thực hiện một cú “knockback” để “bắn” địch đi như bắn bi ve vậy.

Nếu địch bị “bắn” trúng vào nhân vật khác, thì nhân vật này sẽ thực hiện một pha tấn công nối tiếp mạnh mẽ và tiếp tục “bắn” kẻ địch đi xa hơn nữa.

Do đó, việc chọn vị trí và căn chỉnh hướng bắn của địch là rất quan trọng để có thể tối ưu hoá sát thương gây ra cho địch.

Không chỉ vậy, sàn chiến còn rải rác những bug là bug, và việc của người chơi là… gỡ lỗi (hay còn gọi là “debug”), bằng cách tự điều khiển nhân vật đi qua chúng, hoặc bắn kẻ địch qua bug để… debug.

Nếu nhân vật đi qua bug thì nhân vật sẽ mất máu nhưng lại được hồi SP, và có thể được hưởng thêm một số hiệu ứng đặc biệt, và quan trọng là phần trăm lỗi của nhân vật sẽ tăng lên.

Death end reQuest

Nếu phần trăm lỗi của một nhân vât vượt quá một ngưỡng cho trước, nhân vật này sẽ vào chế độ Glitch Mode, thay đổi hoàn toàn diện mạo và mở khoá “tuyệt chiêu”.

Tất nhiên, việc debug không chỉ có như vậy.

Nếu người chơi debug được quá 50% số bug tồn tại trong đấu trường, thì lập trình viên siêu hạng Arata có thể nhúng tay vào từ thế giới thật, và anh chàng này có thể cài mã “ăn gian”, hoặc thậm chí… đổi luôn thể loại của trò chơi thành game bắn súng, hay game đối kháng chứ chẳng còn là JRPG nữa.

cơ chế chiến đấu của Death end reQuest là một cơ chế mà người viết chưa từng trải nghiệm bao giờ, với vô vàn những yếu tố hấp dẫn và những biến số

Death end reQuest

Thực sự, cơ chế chiến đấu của Death end reQuest là một cơ chế mà người viết chưa từng trải nghiệm bao giờ, với vô vàn những yếu tố hấp dẫn và những biến số khiến cho việc chiến đấu trở nên căng thẳng và hồi hộp.

Đơn cử thôi, việc “giẫm” lên bug để debug cũng đã khiến người chơi phải vô cùng đắn đo rồi, liệu máu mình còn đủ không, có đáng để cường hóa địch để đổi lấy vài giọt SP không? Gọi Arata để chuyển sang thể loại gì là hay nhất với quái trùm này?

Quả thực, Death end reQuest có một cơ chế chiến đấu mới mẻ, mở ra nhiều khả năng đa dạng và là một trong những cơ chế chiến đấu của JRPG theo lượt hay nhất trong những năm gần đây.

BẠN SẼ GHÉT

World’s Oddysey: đơn điệu, rời rạc!

Ngoài việc đọc cốt truyện và chiến đấu, thì bạn có thể khám phá thế giới ảo của World’s Oddysey.

Tất nhiên là bạn không thể đi lại tự do như một tựa game thế giới mở được, mà hầu hết thời gian bạn sẽ phải lần mò trong những “dungeon” (hầm ngục) mà tựa game cho phép bạn khám phá.

Nói thực, việc lần mò trong những dungeon này không đem lại cảm giác thú vị gì!

Cấu trúc của những dungeon này là tương đối phức tạp, lại còn chặn đường tùm lum, yêu cầu người chơi phải tìm những sự kiện đặc biệt rải rác trong dungeon để có thể mở khóa (và đôi khi, yêu cầu người chơi chuyển sang thế giới thực để gỡ một nút thắt nào đó).

Ban đầu thì việc tìm kiếm này có vẻ khá thú vị, tuy nhiên mọi thứ nhanh chóng trở nên vô cùng đơn điệu, không có sự đổi mới hay tiến triển nào.

Hành động dò đường – tìm sự kiện – mở khóa cứ lặp đi lặp lại với những dungeon lại càng ngày càng to khiến cho mạch truyện bị đứt quãng và trở nên rời rạc, chưa kể sự nhàm chán từ việc phải đi tìm khóa khắp nơi liên tục.

Hành động dò đường – tìm sự kiện – mở khóa cứ lặp đi lặp lại với những dungeon lại càng ngày càng to khiến cho mạch truyện bị đứt quãng và trở nên rời rạc

Đấy là chưa kể các dungeon này còn bố trí rất nhiều bẫy, không cẩn thận là bạn sẽ tự nhiên “Game Over” mà vẫn… không hiểu vì sao.

Game lại không có chế độ lưu tự động, do đó lời khuyên là bạn nên lưu càng nhiều càng tốt, vì cái chết bất đắc kỳ tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Death end reQuest

Bản Switch tồi tệ!

Có vẻ như Death end reQuest đã đạt được kha khá cái “nhất” trong lòng người viết, vì quả thực, người viết chưa trải nghiệm tựa game nào có tối ưu… tệ hại như tựa game này trên Switch (một Balan Wonderworld thứ hai đây chăng?).

Ở chế độ tiểu thuyết trực quan thì quả thực những nét vẽ nhân vật là cực kỳ ấn tượng và đẹp mắt, tuy nhiên tới phần khám phá hầm ngục và thế giới ảo thì quá ư “đau mắt”.

Mọi thứ đều mờ ảo, cảm tưởng như người viết đang xem một video với độ phân giải 144p. Rồi mô hình nhân vật còn vỡ toang hoác, môi trường thì như được bóc ra từ game PS2 rồi dán vào vậy.

Đồ họ tệ hại như vậy mà tựa game còn không lết được tới 24 khung hình trên giây chứ chưa nói tới 30, đôi khi cảm giác như đang xem một slide PowerPoint do một sinh viên lười nhác nào đó vội vàng ốp lại với nhau 15 phút trước khi thuyết trình chỉ để cho qua môn vậy.

mô hình nhân vật còn vỡ toang hoác, môi trường thì như được bóc ra từ game PS2

Thời gian nạp game cũng rất lâu, mà không chỉ nạp lần đầu, mỗi lần mở cửa cũng phải xác định hết 5-6 giây mới chuyển được sang màn tiếp theo!

Việc có thể trải nghiệm Death end reQuest ở bất kỳ đâu, đặc biệt là với định dạng chủ yếu là tiểu thuyết trực quan, là môt điểm nhấn hấp dẫn, nhưng với chất lượng đồ hoạ tệ hại như thế này, trải nghiêm của người chơi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng!

7.5

Death end reQuest là tựa game hay nhất của Compile Hearts với một cốt truyện hấp dẫn và lối chơi sáng tạo, tuy nhiên Switch là nền tảng tệ nhất để chơi tựa game này.

Thông tin

  • Death end reQuest
  • Nhà phát triển
    Compile Heart
  • Nhà phát hành
    Idea Factory International
  • Thể loại
    JRPG
  • Ngày ra mắt
    11/06/2021
  • Nền tảng
    PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64-Bit Windows 10
  • CPU
    Intel Core i5 3770 / AMD FX-8350
  • RAM
    8GB
  • GPU
    NVIDIA GTX 660
  • Lưu trữ
    20GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Idea Factory International. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.