Skip to content

Điểm mặt 12 “Game xịt” năm 2022 – Chuyên đề game

game xịt

Game xịt – Một năm 2022 đã trôi qua với hàng tá trò chơi cho anh em game thủ cùng trải nghiệm, một vài trong số đó đã xuất sắc có được một con điểm 10 tròn trĩnh từ đội ngũ Vietgame.asia nhờ vào màn thể hiện vô cùng hoàn hảo, đủ sức đem đến những trải nghiệm đáng nhớ cho người chơi.

Tuy nhiên, cũng có không ít trò chơi lại không được như vậy, thậm chí là có phần gây thất vọng cho người chơi với lối chơi thiếu chỉn chu, những thiết kế “nửa mùa” gây thất vọng cho người chơi.

Vậy đâu là những trò chơi bị “điểm mặt” trong bảng xếp hạng “game xịt” này?

Hãy cùng Vietgame.asia điểm qua 12 “game xịt” trong năm vừa qua nhé!

1. The Tale of Bistun

ĐIỂM SỐ: 5.5

Mở đầu danh sách “game xịt” của năm 2022, The Tale of Bistun hấp dẫn người chơi bằng trải nghiệm văn hóa dồi dào, với những nội dung được lấy cảm hứng từ các câu truyện, nét văn hóa đặc trưng từ Ba Tư.

Tuy nhiên, thời lượng trải nghiệm của trò chơi chỉ kéo dài vỏn vẹn… ba tiếng đồng hồ, cùng những cơ chế được thiết kế vô cùng sơ sài, khó lòng níu giữ người chơi.

2. The Last Oricru 

ĐIỂM SỐ: 5.5

The Last Oricru là một vài cái tên điển hình nhất khi nhắc đến những trò chơi “ăn theo” phong cách Soul-like trong những năm gần đây, thấy rõ nhất qua một loạt cơ chế nâng chỉ số, “bonfire” giữa màn chơi.

Nhưng đáng tiếc là nhóm phát triển từ GoldKnights lại không hề khai thác được triệt để bất kỳ cơ chế nào, lượng lỗi cũng nhiều vô số kể, khiến The Last Oricru trở nên tù túng, dễ gây ức chế cho người chơi trong lúc trải nghiệm.

3. Dying Light 2 Stay Human 

ĐIỂM SỐ: 5.5

Dying Light 2 Stay Human đem đến nhiều cải tiến về lối chơi so với phần đầu tiên, tuy nhiên thì một loạt thay đổi như hành vi của NPC, cùng một vài tính năng khác đã khiến trò chơi giảm dần sự kịch tính.

Mạch truyện cũng không phải là điểm mạnh của Dying Light 2 Stay Human do lối kể rời rạc, dàn nhân vật mờ nhạt, mảng lựa chọn phi tuyến của trò chơi không đem đến những hệ quả lâu dài, phần lớn tạo nên cảm giác khá chắp vá.

4. MONARK

ĐIỂM SỐ: 5.0

MONARK có nền tảng giàu tiềm năng, nhiều tính năng được cải tiến trong phong cách JRPG truyền thống, cùng một chủ đề thú vị, có mối liên kết chặt chẽ với các cơ chế trong game.

Tuy nhiên thì game lại sở hữu đồ họa quá tầm thường, các giao diện, mô hình nhân vật không được chăm chút.

Cùng lúc, lối chơi của game cũng dần bị lu mờ bởi hệ thống tiến trình lỏng lẻo, lộ rõ mặt “cày cuốc” quá mức dẫn đến nhàm chán.

5. MX vs ATV Legends

ĐIỂM SỐ: 5.0

MX vs ATV Legends nổi bật nhờ mảng điều khiển Motorcross có chiều sâu, tuy nhiên thì hai phương tiện còn lại là ATV và UTV lại không nhận được nhiều sự chú trọng từ nhà phát triển.

Nhiều nội dung của game lộ rõ sự sơ sài như giao diện, âm thanh, một thế giới mở trống vắng, cùng hệ thống xe cộ trông như chỉ thay mỗi phần “ngoại trang”.

6. Soul Hackers 2

ĐIỂM SỐ: 5.0

Soul Hackers 2 có cho mình một số cải tiến thú vị trong lối chơi, nhưng điều này vô tình làm trò chơi trở nên đơn giản, thiếu sáng tạo, dễ dàng gây nhàm chán cho người chơi.

Mảng khám phá của game cũng khá tuyến tính, với phần lớn thời gian người chơi bỏ ra là để di chuyển trên những hành lang trống vắng, thiếu sức sống, không thực sự tạo được ấn tượng cho người chơi ngoài những hình ảnh đẹp mắt mà game sở hữu.

7. Thần Trùng 

ĐIỂM SỐ: 5.0

Từ những phút đầu trải nghiệm Thần Trùng, trò chơi đã nhanh chóng ập vào mắt người chơi những hình ảnh rất thân quen, cùng những truyền thuyết đậm chất Việt Nam.

Tuy vậy, trò chơi quá lạm dụng những cú hù dọa bất chợt (jumpscare), cốt truyện có tiền đề vững chãi nhưng lại được xử lý quá sơ sài dẫn đến lãng phí tiềm năng của tựa game này.

8. Gungrave G.O.R.E

ĐIỂM SỐ: 5.0

Gungrave G.O.R.E tuy có mảng hành động bắn súng khá đã tay, nhưng ngoài yếu tố này ra thì game lại đơn điệu nến mức nhàm chán.

Thời lượng của game cũng đạt xấp xỉ tám tiếng đồng hồ trải nghiệm, nhưng nhiều màn chơi lại không được trau chuốt, trùng lặp đến mức thừa thãi, dẫn đến chất lượng chung của trò chơi bị giảm sút.

9. Labyrinth Legend

ĐIỂM SỐ: 4.0

Labyrinth Legend có cho mình mảng dẫn truyện nhạt nhẽo đồng hành cùng những câu thoại thiếu sức nặng.

Hệ thống nút bấm của game quá tối giản, chỉ phụ thuộc vào tốc độ “spam” nút của người chơi.

10. Mira

ĐIỂM SỐ: 4.0

Tuy sở hữu lối chơi “Point-and-Click” nhưng người chơi sẽ phải dành phần lớn thời gian trải nghiệm Mira cho việc đọc lời thoại.

Hơn nữa thì các câu thoại này lại có phần gượng gạo, đi kèm một câu truyện quá gấp rút đến mức gần như bạn sẽ khó thể nào hiểu được trò chơi đang kể gì chỉ trong một lần chơi.

11. Martha Is Dead

ĐIỂM SỐ: 4.0

Martha Is Dead cố gắng tạo nên một câu truyện đa chiều chứa đầy bí ẩn bằng những lựa chọn cho phép người chơi điều hướng câu truyện. Điều đáng tiếc là trò chơi đã hoàn toàn thất bại trong cả hai việc xây dựng lựa chọn lẫn mạch truyện.

Qua đó mà khiến cho trò chơi trở nên tuyến tính đến mức nhàm chán, các hình ảnh kinh dị được đưa vào game một cách gượng ép.

12. Puzzle Quest 3

ĐIỂM SỐ: 3.0

Puzzle Quest 3 là một trò chơi “vô hồn”, nhạt nhẽo đúng nghĩa với lối chơi tập trung vào mỗi chỉ số lực chiến, phụ thuộc nhiều vào việc “cày cuốc” của người chơi để tăng sức mạnh.

Chưa kể, cơ chế thưởng của trò chơi lại dựa vào những “chìa khóa” phải bỏ tiền để mua đơn vị tiền tệ trong game, đi cùng nhiều giới hạn vô lý buộc người chơi phải chi thêm một lượng lớn tiền vào trò chơi.


Liệu Vietgame.asia có bỏ lỡ những tựa game nào trong danh sách “game xịt” trong năm vừa qua?

Liệu có tựa game nào bạn cho là nên góp mặt trong danh sách “game xịt” của năm 2022?

Các bạn đừng quên để lại góp ý thông qua bình luận bên dưới nhé!