Skip to content

Dragon Star Varnir – Đánh Giá Game

Dragon Star Varnir

Dragon Star Varnir – Nổi tiếng với những cái tên như Hyperdimension Neptunia hay Record of Agarest War, Compile Heart là một cái tên khá nổi trong làng game JRPG.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm của Compile Heart đều đặt “gái xinh” làm trọng, còn các yếu tố như cốt truyện, lối chơi, đồ họa thì là phụ đạo.

Với một loạt các tựa game đánh mạnh vào “fan service” (phục vụ fan) như vậy, sẽ thật là khó để nhìn nhận một sản phẩm của Compile Heart nghiêm túc.

Dragon Star Varnir là một trong những sản phẩm mới nhất của hãng, và chắc không ít người nghĩ rằng nó sẽ đi theo lối mòn “fan service” của Compile Heart.

Điều đó… quả không sai!

Tựa game được xây dựng theo kịch bản một chàng nhân vật chính với sức mạnh hay tiềm năng đặc biệt, chiến đấu cùng những cô gái xinh đẹp.

Nghe tới đây, các bạn đã thấy “quen quen” chưa?

Nhưng một cách nào đó, sau hơn 13 năm kinh nghiệm làm game, nhà sản xuất đã quyết định rót thêm… “não” vào tựa game này.

Do vậy, bên cạnh trải nghiệm “fan service” cố hữu đó, Dragon Star Varnir thực sự có gì đó giá trị, nổi cộm, đặc sắc, tạo ra một sản phẩm điểm nhấn trong “đại gia đình” của Compile Heart.

Vậy Dragon Star Varnir mang tới điều gì nổi trội?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau nhé!


BẠN SẼ THÍCH

CỐT TRUYỆN ĐẦY NÚT THẮT

Thông thường, với các tựa game JRPG “fan service”, cốt truyện không phải là yếu tố gì đó được đầu tư quá nhiều.

Câu chuyện thể hiện rõ từ đầu, với một phe tốt, một phe xấu, và nhiệm vụ của phe tốt là đánh bại phe xấu.

Cùng lắm là tới cuối cùng, có một thế lực thứ ba “xấu hơn” nhảy ra mà thôi.

Thế nhưng Dragon Star Varnir đã “tạo sóng” bằng cách thoát khỏi kịch bản nhàm chán này.

Tựa game theo chân 4 phe.

  • Phe Rồng là các sinh vật tàn ác, và cũng là hầu hết kẻ thù trong game
  • Phe Phù thủy là phe của các nhân vật chính, căm ghét và muốn tiêu diệt Rồng.
  • Phe Kị sĩ muốn tiêu diệt cả Phù thủy lẫn Rồng để bảo vệ vương quốc, nên là thế lực trực tiếp đối đầu với phe Phù thủy
  • Phe Raven, nôm na là cũng tiêu diệt Rồng nhưng với ý định riêng, còn mặc kệ phe Phù thủy

Với cấu trúc phe phải thế này, bạn có trút hết IQ cũng không thể tính toán được dòng chảy cốt truyện từ đầu, và đó chính là điều đặc trưng nhất khiến cho Dragon Star Varnir nổi bật.

Chưa kể cốt truyện có kha khá những nút thắt, những lời nói dối để đảm bảo bạn khó đoán được dòng chảy của nó lâu nhất có thể.

bạn có trút hết IQ cũng không thể tính toán được dòng chảy cốt truyện từ đầu

Những tựa game JRPG tương tự thường có nhiều phần kết, với phần kết True End là điểm đến hoàn hảo nhất, thì Dragon Star Varnir cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là tựa game không quá đánh đố bạn trong việc hướng tới True End, và dường như nó muốn bạn phải đạt được True End thì mới là thành công.

Do vậy, một chút mách nước là nếu bạn muốn thực sự trải nghiệm câu chuyện theo hướng hoàn mỹ nhất, bạn cần đảm bảo hai việc:

  • Không được để nhân vật chính Zephy “hóa điên”
  • Không được để bất kể chuyện gì xảy ra với 3 bé phù thủy

Để Zephy không hóa điên thì ở những câu hỏi hai lựa chọn dọc theo cốt truyện, bạn chỉ cần chọn phương án nào tốt bụng, cảm thông, đượm tình cảm hơn là được.

Còn để bảo vệ 3 bé phù thủy… điều đó là dành cho bạn khám phá nhé, nhưng cũng không quá khó khăn đâu!


LUỒNG GIÓ “MAY MẮN”

Dragon Star Varnir là một game theo lượt, với sàn đấu được chia làm 3 tầng: thấp-vừa-cao.

Bạn có thể thoải mái di chuyển nhân vật lên xuống giữa các tầng để có đội hình phù hợp và tấn công quái vật theo ý đồ của mình.

Bạn có thể sử dụng các đòn tấn công vật lý bình thường hoặc kĩ năng đặc biệt (sẽ tốn SP).

Ngoài ra, có những lệnh khác như đổi nhân vật, phòng thủ, chạy trốn, dùng đồ… nói chung là khá căn bản trong game JRPG. Do vậy, sẽ không tốn quá nhiều thời gian để bạn làm quen với hệ thống chiến đấu.

Tuy nhiên, giữa các khả năng của nhân vật thì tấn công vật lý bình thường được thiết kế để… khá là “phế vật” nên bạn có lẽ không muốn dùng quá nhiều.

Còn động tới kỹ năng đặc biệt lại phải tốn SP để hạ hết máu con quái vật. Nói chung cả hai lựa chọn chiến đấu này đều không lý tưởng.

Dragon Star Varnir

Và thế là điểm đặc sắc nhất trong lối chơi của tựa game bắt đầu tại các khả năng Devour.

Những kĩ năng này cho phép bạn “ăn thịt”, xử gọn hầu hết các kẻ thù trong game, trừ trùm, kể cả khi chúng còn máu, thậm chí đầy máu.

Và chính chúng mang tới một luồng gió khác lạ cho Dragon Star Varnir.

Khả năng thành công của Devour phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kĩ năng cụ thể mà bạn có, điểm yếu của đối thủ và lượng máu còn lại.

Do vậy, cách chơi lý tưởng là bạn phải cố gắng đánh cho đối phương xuống còn ít máu, rồi dùng Devour… hoặc không.

Sẽ có những kĩ năng bị động đảm bảo khả năng thành công của chiêu Devour ở một mực tối thiểu nào đó, như 20% chẳng hạn, và bạn sẽ muốn tận dụng điều này.

Với 3 nhân vật trên màn hình và mỗi nhân vật có 20% khả năng Devour thành công thì với mỗi 3 lượt Devour, bạn có 48.8% tỉ lệ triệt hạ một con quái thú bất kì.

Như vậy, bất kể sức mạnh kẻ địch, với 3 lượt tấn công của nhân vật, bạn có non nửa cơ hội triệt hạ bất kì kẻ thù nào… một tỉ lệ không tệ.

Đương nhiên, tỉ lệ vẫn là tỉ lệ, và cũng có một số yếu tố khác ảnh hưởng, nên nếu bạn “đâm đầu” vào Devour ấy mà không có bất kì tính toán gì thì bạn cũng khó sống lắm.

Bạn cần phải biết cân bằng giữa làm những gì chắc chắn, mang tính chiến thuật, như tăng máu chẳng hạn, với làm những gì liều lĩnh, có tỉ lệ, như Devour.

Đồng thời, game mở ra khá là nhiều lựa chọn để bạn chinh phạt những quái vật mạnh mà không cần cày cuốc quá nhiều. Nói nôm na, bạn sẽ phải “chơi liều khôn” hơn là “chơi cần cù”.

Điều này mang tới một cảm giác mới, bởi chiến thắng được những kẻ thù hung mạnh, nhưng không theo mô-tip chơi truyền thống là đập hết sạch máu nó.

bạn sẽ phải “chơi liều khôn” hơn là “chơi cần cù”

Chưa hết, dùng những kĩ năng Devour là việc bạn phải làm để giúp nhân vật mạnh lên, bởi “ăn”quái vật thành công sẽ mang lại cho nhân vật dùng chiêu Dragon Core của quái vật tương ứng.

Bạn cứ tưởng tượng Dragon Core như cây kĩ năng vậy. Mỗi quái vật có một Dragon Core riêng, và mỗi Dragon Core có các hệ thống ô cộng chỉ số hay “mở khóa” kĩ năng khác nhau.

Do vậy, bạn sẽ muốn triệt hạ những con quái mạnh để trang bị cho nhân vật những Dragon Core với kỹ năng xịn, và Devour sẽ cho phép bạn làm điều này mà không thực sự phải “cày cuốc” quá nhiều.

Hơn thế nữa, với Dragon Star Varnir, bạn cũng không thực sự muốn tốn thời gian nhiều đâu, vì bạn càng dành thời gian tại các khu vực chiến đấu, càng lơ là 3 bé phù thủy (đã nói ở trên) thì càng dẫn tới… những điều không hay sẽ xảy ra, và bạn sẽ mất đi True End!

Nói tóm lại, một điểm nhấn trong cơ chế chơi của game là phong thái chiến đấu “liều nhưng có não”, kết hợp chớp thời cơ may rủi với tính toán chiến thuật.


BẠN SẼ GHÉT

VẪN ĐẬM CHẤT “FAN SERVICE

Một cốt truyện khó đoán và một cơ chế chơi “tư duy hên xui” tạo nên một sản phẩm khá đặc sắc trong “dàn hợp xướng” của Compile Heart.

Tuy nhiên, tới cuối cùng, tựa game vẫn được xây dựng kèm mục đích “fan service”, nên nó vẫn chưa thể “trổ hết tinh hoa”.

Về mặt nhân vật, tựa game đầu tư cho những khung hình 2D “mạnh” hơn nhiều so với thế giới 3D.

Tại sao ư?

Dragon Star Varnir

Bởi trong những khung hình 2D, tựa game thể hiện rõ nhất các nhân vật, đường nét, sự tươi tắn, hấp dẫn, biểu cảm… Đồng thời, các nhân vật hầu như toàn nói chuyện trong những khung hình 2D.

Còn thế giới 3D của game gần như để cho trải nghiệm hành động, phiêu du và chiến đấu.

Và chỗ nào thể hiện được “fan service” nhiều thì được đầu tư để cuốn hút thôi.

Phần đồ họa 2D của game cực kì sống động, đẹp mặt, gần như không có gì để chê bai. Nhưng phần đồ họa 3D lại không có gì đó đặc sắc, khá là trung bình, nếu không muốn nói là lạc hậu so với công nghệ bây giờ.

Cảnh nền cũng chẳng nhiều, không đặc sắc, lặp đi lặp lại giữa các khu vực.

Đương nhiên, công bằng mà nói thì làm đồ họa 3D đẹp khó hơn làm đồ họa 2D đẹp nhiều, nhưng nói chung mảng 3D thực sự là khía cạnh mà Compile Heart cần đầu tư thêm.

Dragon Star Varnir
phần đồ họa 3D lại không có gì đó đặc sắc, khá là trung bình, nếu không muốn nói là lạc hậu so với công nghệ bây giờ

Về mặt âm thanh, tựa game có những bản nhạc nền khá du dương, phụ trợ cho hổi thoại và chiến đấu.

Tuy nhiên, nó có một điểm trừ khá nổi cộm, là đôi lúc các nhân vật nói ra tiếng, còn đôi lúc thì không, tức là bạn chỉ có đọc chữ. Thực sự làm mất đi tính đồng bộ trong trải nghiệm!

Cuối cùng, tựa game cũng lồng không ít chi tiết tình cảm giữa các nhân vật khá là gượng vào cốt truyện… Bình thường, điều này cũng không có gì đáng chê trách vì nhiều tựa game tương tự cũng vậy rồi.

Nhưng Dragon Star Varnir có một cốt truyện khá sáng tạo và có sự nhấn nhá, bất ngờ, và việc thêm “tình cảm sướt mướt” để cho có “fan service” này quả thật cũng gây “ngang ngang”.

Tóm lại, nếu Compile Heart bớt đầu tư vào “fan service”, và dành nỗ lực của họ “đắp” vào các mặt khác để xây dựng một sản phẩm hoàn thiện hơn thì Dragon Star Varnir sẽ là tựa game “nặng kí”.

Nhưng ít ra thì sản phẩm này cũng đặc sắc hơn nhiều so với những tựa game cùng loại rồi.

Tựa game là một bước đi theo hướng tích cực nên hi vọng Compile Heart có thể phát huy điều này trong tương lai.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Idea Factory, Compile Heart
  • Phát hành: Idea Factory International
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 08/10/2019
  • Hệ máy: PC, PlayStation 4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 64-bit
  • CPU: Intel i5 2.3GHz or AMD A9 2.9GHz equivalent
  • RAM: 4 GB
  • VGA: ATI Mobility Radeon HD 5xxx, 1GB VRAM 5000
  • HDD: 11 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16GB
  • VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
  • SSD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI IDEA FACTORY

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Một bước đi đúng hướng có lẽ là tất cả những gì quan trọng để mô tả về tựa game này. Dragon Star Varnir không phải là một sản phẩm quá đặc sắc, nhưng xét với những tựa game cùng thể loại, cùng nhà sản xuất thì nó thực sự mang lại điều gì đó giá trị trong cốt truyện và lối chơi, chứ không phải chỉ có 90% "fan service".

Tác giả

Thảo luận