Skip to content

EMMA: Lost in Memories – Đánh Giá Game

EMMA: Lost in Memories

Bóng của Celeste… đó có lẽ là tất cả những gì bạn cần biết về tựa game này.

Giờ đây, thị trường game đi cảnh màn hình ngang trên Steam đã trở nên khá sôi động bởi nó là một cuộc chạy đua. Do thể loại này khá dễ làm và đã có quá nhiều game rồi nên nếu muốn tạo ra được sản phẩm nổi trội, nhà sản xuất phải “động não kiệt xuất” nếu muốn tạo ra những nút nhấn nhá riêng. Chắc chắn để tạo được một tựa game với tầm tuyệt phẩm như Celeste là một thử thách khó, nhưng lục tìm giữa những tựa game “không nổi” cũng có thể gặp nhiều ý tưởng tạo bạo, đặc sắc và đáng trải nghiệm. Không rõ là đáng vui hay đáng buồn nhưng EMMA: Lost in Memories có lẽ sẽ là một trong số những tựa game đấy.

Để so sánh hai sản phẩm một cách hoàn hảo là điều không tưởng, nhưng EMMA: Lost in Memories có đủ sự liên kết với Celeste tới mức đặt chúng cạnh nhau, ta có thể thấy… điểm mạnh nhất của EMMA: Lost in Memories cũng là điểm mạnh nhất của Celeste, và nếu đổi chỗ hai điểm ấy cho nhau, một bên vẫn là tuyệt phẩm, còn một bên vẫn chỉ là sản phẩm.

Vậy điểm mạnh nhất của EMMA: Lost in Memories là gì, và tại sao nó lại không thể đạt tới thành công của Celeste? Hãy để Vietgame.asia trả lời cho bạn qua bài đánh giá sau nhé.


BẠN SẼ GHÉT

PHỤ TRỢ NHẠT NHÒA

Trước khi nói những gì sẽ thích về tựa game này, ta hãy nói tới những điều mà bạn sẽ… không thích, hay ít ra là không cảm thấy ấn tượng, và các mặt đó “chỉ” gồm có: cốt truyện, đồ họa, âm thanh.

Tựa game kể về Emma, một cô gái theo chân một con cú trắng dần bị dạt vào một thế giới “vô thực”. Nhà sản xuất miêu tả cốt truyện là “sự liên tưởng tinh tế tới việc mất trí nhớ”. Đúng thật, bởi khi trải nghiệm xong game, bạn sẽ không nhớ gì về cốt truyện luôn. Toàn bộ nội dung câu chuyện của game được thể hiện dưới dạng chữ nổi lên trên màn hình, và nhìn chung đều xoay quanh việc cô gái theo chân con cú, con cú cứ tiếp tục bay đi, rồi cô gái tiếp tục đuổi theo… Không phải là cốt truyện không có giá trị, nhưng cách cái nó được thể hiện ra thật sự là quá mờ nhạt, khiến người chơi chẳng hề lưu tâm.

EMMA: Lost in Memories

Nói tới mờ nhạt cũng là lúc ta nói về đồ họa của game, và nó mờ nhạt theo nghĩa đen. Game có 2 lớp đồ họa (lớp chính, dùng để phác họa nhân vật, thế giới và những thứ bạn có thể tương tác) và lớp nền (cảnh nền trong game). Nhìn chung, lớp chính của game không có gì phải chê trách , cũng thể hiện được những môi trường, sự vật, đặt tính khác nhau… chưa tới mức tạo được điểm nhấn, nhưng cũng không đáng điểm trừ. Thế nhưng, điều đáng nói là lớp nền. Tất cả các ảnh nền đều là ảnh tĩnh ở độ phân giải khoảng 960×540 nên nếu bạn chơi ở độ phân giải cao, cảnh nào bạn cũng sẽ thấy các “ô vuông” mờ nhạt do ảnh được phóng lên. Đã thế, game chỉ có khoảng 3, 4 kiểu môi trường chính như thảo nguyên cỏ cây, băng giá và động tối. Tóm lại, mặc dù mang cái mác được “vẽ tay” nhưng phần đồ họa cũng không quá đặc sắc.

Cuối cùng về phần âm thanh… bạn có thể tự nhìn thẳng vào thư mục chứa dữ liệu của game và sẽ thấy rằng có đúng 11 đoạn nhạc được dùng trong cả game, và 2,3 đoạn mang âm điệu giống nhau chỉ khác tiết tấu. Thế nên âm nhạc thay đổi không đủ đậm, không đủ nhiều để cho bạn cảm thấy sự ấn tượng.

Nói qua ba mặt này, chắc tới đây các bạn cũng dễ thấy EMMA: Lost in Memories đúng là khó sánh được Celeste. Vẫn biết các mặt như cốt truyện, đồ họa hay âm thanh có thể coi như yếu tố hỗ trợ cho một tựa game đi cảnh màn hình ngang mà thôi, nhưng vấn đề ở chỗ sự kết hợp của nhiều yếu tố phụ trợ cũng cực kì quan trọng. Bạn không thế có một phim Titanic thành công với các vai chính được đóng bởi Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, còn các vai phụ lại được đóng bởi diễn viên hạng 2 hay sinh viên năm nhất. Và điều này quả thực là những gì đã xảy ra với tựa game này:  các yếu tố phụ trợ nhạt nhòa “đi cặp” với một cơ chế chơi truyệt vời.

Bạn không thế có một phim Titanic thành công với các vai chính được đóng bởi Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, còn các vai phụ lại được đóng bởi diễn viên hạng 2 hay sinh viên năm nhất

BẠN SẼ THÍCH
EMMA: Lost in Memories

THẾ GIỚI THOÁNG MƠ HỒ

Lúc bạn bắt đầu chơi cũng là lúc thế giới dần biến mất.

Không gian được chia thành những màn nhỏ, biến mỗi màn chơi thành những câu đố mà bạn phải vượt qua. Emma có ba khả năng đặc biệt, nhưng nhiều khi bạn không thể sử dụng được cả ba trong một màn. Các màn chơi sẽ có sự giới hạn về khả năng nào bạn được dùng. Và để tăng thêm phần thử thách, các màn chơi sẽ có những chiếc lông chim, đòi hỏi bạn phải lấy chúng trước khi qua màn. Do vậy, mỗi màn chơi là một cuộc xoay sở tìm đường khác nhau. Và cơ chế đặc biệt nhất cũng là điểm nhấn của EMMA: Lost in Memories chính là khi bạn chạm vào một bệ đứng, một hình khối nào đó thì nó sẽ mờ dần theo chiều và tốc độ nhất định.

Do mọi thứ bạn tiếp xúc sẽ dần tan biến nên bạn không bao giờ có cơ hội “sửa lỗi” một khi đã lỡ nhịp. Sai một ly thôi cũng có nghĩa làm lại từ đầu. Hơn thế nữa, bạn qua được màn chơi chỉ là thử thách phụ, và đó luôn là con đường “trải hoa hồng”, nhưng qua màn với chiếc lông vũ… đó mới là câu đố thực sự.

EMMA: Lost in Memories
EMMA: Lost in Memories

Rơi… rơi… rơi… trên lộ trình tới ánh sáng vàng cuối đích, bạn có thể sẽ hi sinh hàng chục lần liên tiếp chỉ để qua một màn chơi. Bạn sẽ thất bại, thất bại liên tục, nhưng sẽ rất khó để bạn từ bỏ, bởi cứ mỗi lần “ngã xuống”, bạn sẽ nhìn lại và thấy rằng chỉ cần mình cố một chút nữa thôi, mình sẽ làm được. Và cứ thế, những màn chơi sẽ cuộn chặt lấy bạn từ bao giờ không hay. Đồng thời, lượng thử thách trong game cũng khá nhiều tầm khoảng 150 màn chơi khác nhau, gồm các màn chơi theo cốt truyện và những màn chơi thêm trong mục Memory Chest.

Nếu đã từng trải nghiệm Celeste, bạn sẽ thấy khuôn hình của tuyệt phẩm này trong EMMA: Lost in Memories. Cả hai đều thiết kế màn chơi theo những thử thách nhỏ gọn, đòi hỏi sự chính xác cao độ, cho bạn chết như rạ mà vẫn “kìm hãm” bạn tiếp tục ở lại game. Hơi đáng tiếc, động tác điều khiển nhân vật trong EMMA: Lost in Memories không được nhạy như trong Celeste, và nếu chơi bằng bàn phím bạn sẽ không có nút LB hay RB, dẫn tới không đổi độ khó trong Memory Chest được. Cả hai vấn đề này đều có thể được cải thiện nhờ cập nhật đơn giản nên cũng không phải vấn đề quá lớn.

Vấn đề quá lớn nằm ở chỗ như đã nói, EMMA: Lost in Memories có một cơ chế tuyệt vời, nhưng những yếu tố khác quá mờ nhạt. Bạn không thể tìm thấy một cốt truyện cuốn hút, những bản nhạc du dương hay muôn vàn môi trường đặc sắc trong EMMA: Lost in Memories như bạn đã thấy trong Celeste. Và điều tưởng chừng tốt nhưng lại làm mọi thứ tệ hơn, đó là cơ chế của game sẽ gợi nhớ tới Celeste rất rất nhiều.

Cuối cùng, EMMA: Lost in Memories không phải là một sản phẩm yếu kém hay gì đó tương tự. Cơ chế chơi của game khá tuyệt vời, và các mặt khác, tuy không thể tạo nên điểm nhấn nhưng cũng không phải đáng chê… chỉ đáng tiếc rằng Celeste đã tồn tại! Đây là sản phẩm bằng hoặc vượt tên EMMA: Lost in Memories về tất cả mọi mặt. Đơn giản là đừng trải nhiệm tựa game này nếu bạn chưa chơi hoặc không có ý định chơi Celeste.

Cơ chế chơi của game khá tuyệt vời, và các mặt khác, tuy không thể tạo nên điểm nhấn nhưng cũng không phải đáng chê… chỉ đáng tiếc rằng Celeste đã tồn tại!
EMMA: Lost in Memories

THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 32-bit         
  • CPU: Intel Pentium G2020   
  • RAM: 4 GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 210
  • DirectX: 11
  • HDD: 128 MB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: MSI Rx Vega 56 Airboost
  • SSD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SANDBLOOM STUDIO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Không phải bạn yếu, chỉ là đối thủ của bạn quá mạnh thôi! EMMA Lost in Memories vẫn là một tựa game cuốn hút, đáng trải nghiệm. Tuy những yếu tố phụ đạo khá nhạt nhòa nhưng cơ chế chơi cũng thừa sức "gây nghiện"... chỉ là cơ chế ấy sẽ gợi sự liên tưởng tới một tựa game khác, mà tựa game khác đó đáng tiếc lại là tuyệt phẩm.

Tác giả

Thảo luận