Skip to content

Fallen Legion Revenants – Đánh Giá Game

Fallen Legion Revenants

Fallen Legion Revenants là tựa game thứ ba trong dòng game Fallen Legion, được phát triển bởi YummyYummyTummy và phát hành bởi NIS America.

Mặc dù không gọi là quá nổi tiếng hay gì, nhưng Fallen Legion: Sins of an EmpireFallen Legion: Flames of Rebellion cũng đã thu được một lượng “fan cứng” nhất định.

Có vẻ như nhà phát triển YummyYummyTummy đã ra quyết tâm cố gắng đưa Fallen Legion vào bản đồ thế giới với Fallen Legion Revenants.

Hãy cùng Vietgame.asia xem qua thể hiện của trò chơi thế nào qua bài đánh giá sau đây!

BẠN SẼ GHÉT

Fallen Legion Revenants

Cốt truyện rời rạc, tốc độ không đều

Fallen Legion Revenants diễn ra trong một thế giới hoang tàn đổ nát, do một căn bệnh kỳ lạ đã phát tán trong thế giới và biến tất cả mọi sinh vật sống thành những oan hồn tấn công con người, và nhân loại giờ phải cố thủ trong lâu đài Welkin và chết dần chết mòn theo năm tháng.

Lâu đài này được cầm đầu bởi tên độc tài Ivor, một người hết sức độc đoán và tàn nhẫn. Hai nhân vật chính của chúng ta là anh chàng quý tộc Lucien, thành viên của hội đồng quản lý lâu đài.

Người (hay ma) còn lại là Rowena, một nữ tướng đã bị xử tử bởi Ivor, tuy nhiên vì muốn phục thù, minh oan, đồng thời bảo vệ con trai Edwin của mình, Rowena đã hóa thành một oán hồn với khả năng điều khiển Exemplar, và hai người này cùng nhau thực hiện toan tính để lật đổ Ivor.

Với một bối cảnh hấp dẫn và một tiền đề vô cùng khả quan, cốt truyện này có thể đã rất hay, tuy nhiên việc gắn kết giữa các chương trong cốt truyện là vô cùng rời rạc, và đôi khi cảm thấy khá… vô lý.

Dường như nhà phát triển đang cố gắng quá sức để nhồi nhét quá nhiều vấn đề chính trị vào Fallen Legion Revenants, nhưng lại “cắt giảm” rất nhiều đoạn đối thoại quan trọng, mấu chốt để nắm được cốt truyện, thành ra bố cục của mạch truyện bị phân mảnh và trở nên khó nắm bắt.

việc gắn kết giữa các chương trong cốt truyện là vô cùng rời rạc, và đôi khi cảm thấy khá… vô lý

Thực tế, việc làm một tựa game với bối cảnh tăm tối, một thế giới hỗn loạn với một xã hội bị tha hóa cùng cực là một ý tưởng tương đối hay, nhưng rõ ràng YummyYummyTummy hoàn toàn có thể làm tốt hơn là việc đưa quá nhiều yếu tố chính trị vào trong tựa game có thời lượng không phải dài.

Thành thử, người chơi nhận lại được gì?

Một mạch truyện thấy đầu không thấy đuôi, rối tinh rối mù, khó nắm bắt, tóm lại là dường như chỉ xuất hiện “cho có”, thậm chí không đọng lại được thứ gì sau khi người viết đã hoàn thành trò chơi.


Fallen Legion Revenants

Không ra ngô…

Lối chơi của Fallen Legion Revenants được chia ra làm hai nửa: nửa chiến đấu và nửa hội thoại, tìm đồ, giải đố v.v.

Nửa chiến đấu, bạn điều khiển Rowena và những chiến binh gọi là Exemplar – căn bản là những hồn ma mà Rowena gọi dậy – để chiến đấu với quái vật.

Về cơ bản, Rowena và đội sẽ bay ngang trên chiến trường tới khi gặp kẻ địch thì bạn sẽ bị kéo vào một màn hình chiến đấu riêng biệt, khiến cho tựa game có cấu trúc giống như các game di động hay làm, đánh quái từng đợt từng đợt.

Trong màn hình chiến đấu, thực sự thì cũng không rõ là nên xếp thể loại của game là gì, nhưng có lẽ xếp vào loại đánh theo lượt kiểu ATB của Final Fantasy ngày xưa chắc vẫn được.

Có cả thảy bốn nhân vật, bao gồm Rowena và ba hồn ma, mỗi nhân vật sẽ được gán với một nút A, B, X, Y, và khi nhấn nút đó thì nhân vật sẽ thực hiện đòn tấn công của mình (mỗi nhân vật có đúng 1 đòn cơ bản, do đó không cần nhiều nút làm gì).

Mỗi người lại có một thanh ATB có 3 vạch riêng, và mỗi lần tấn công sẽ tiêu tốn 1 vạch (gọi là 1 Action Point trong tựa game này), và thanh này sẽ tự hồi một cách riêng rẽ cho từng nhân vật.

Ngoài ra, mỗi nhân vật còn có thêm một đòn Deathblow, khi người dùng giữ nút R và bấm nút tương ứng với nhân vật đó – trừ Rowena, vì cô không có đòn tấn công vật lý nên sẽ có ba phép thuật được gán vào nút X, ZR+X và R+X tương ứng.

Đòn Deathblow này, ngoài gây sát thương, có khả năng gây những hiệu ứng đặc biệt như xuyên giáp hay kéo đẩy địch tùy theo nhân vật, tuy nhiên thay vì tiêu tốn 1 AP của nhân vật đó, nó lại tiêu tốn mana, một đơn vị dùng chung của cả đội, và mana chỉ hồi khi nhân vật tấn công địch chứ không hồi tự động.

trò chơi này lại rất thích nhét mấy con quái trùm với lượng máu “giời ơi đất hỡi” vào, rồi đắp thêm cho chúng “siêu giáp”

Mấu chốt của trò chơi không nằm ở tấn công (mà thực ra người viết cũng nói hết rồi, tấn công chỉ có như vậy thôi), mà nằm ở cơ chế phòng thủ, khi bạn phải căn nút phòng thủ đúng lúc mà địch tấn công để thực hiện phản đòn, lúc này nhân vật sẽ không những không nhận sát thương mà đòn tấn công còn phản lại địch và gây sát thương cho địch.

Tất cả những điều trên đúc kết lại thành một cơ chế chơi vừa muốn người chơi hành động, phản xạ lại vừa muốn người chơi chơi kiểu “chiến thuật”, đáng buồn là nó lại thất bại ở cả hai đầu: cơ chế phản xạ phòng thủ thì quá bị động, còn cơ chế chiến thuật thì, thực sự mỗi nhân vật có 2 đòn trong đó 1 đòn là cơ bản thì cũng không hiểu là có thể phát triển được như thế nào nữa.

Chưa hết, trò chơi này lại rất thích nhét mấy con quái trùm với lượng máu “giời ơi đất hỡi” vào, rồi đắp thêm cho chúng “siêu giáp” khiến mỗi đòn tấn công của nhân vật chỉ như… mèo cào.

Người chơi chẳng còn cách nào khác là ngồi “spam” nút tấn công để “cấu” giáp của quái trùm dần dần, rồi để khi quái trùm bị vỡ giáp, người chơi có thể “tập kích” địch trong tầm 1 giây, ăn được tầm 10% máu của quái trùm, trước khi giáp của nó hồi đầy lại và vòng lặp buồn tẻ lại bắt đầu.

Không chỉ vậy, quái trùm còn đánh rất đau (nửa thanh máu là chuyện bình thường), do đó người chơi lại cần phải… đứng yên đợi quái trùm tung đòn nhằm dùng kỹ năng phòng thủ phản công, không thì sẽ chẳng có cơ hội nào thắng cả.

Hệ quả là trận chiến vốn đã dài lê thê giờ còn dài hơn, mà vừa dài lại vừa chán, vì chỉ có mỗi từng đấy lệnh lặp lại: tấn công cơ bản, phòng thủ, Deathblow, tính ra thì có thể thêm việc di chuyển quân sang trái hoặc sang phải nữa.


Cũng chẳng ra khoai!

Nửa còn lại của tựa game, bạn điều khiển anh chàng Lucien đi lại trong lâu đài Welkin, trò chuyện với người sinh sống trong lâu đài, tìm một số vật phẩm quan trọng và đưa ra một vài quyết định.

Có vẻ như tựa game muốn đi theo con đường dẫn truyện kiểu “tiểu thuyết hình ảnh trực quan” (Visual Novel), khi Lucien có thể trò chuyện và lựa chọn một số lời nói hoặc hành động có thể ảnh hưởng tới kết thúc của cốt truyện.

Ngoài ra, đôi khi người chơi cần phải giải một số câu đố, như làm thế nào để có thể lén lút tiếp cận nhà kho mà không ai biết (nếu bạn đã chơi Ghost Trick: Phantom Detective thì những phân cảnh giải đố sẽ na ná như vậy).

Fallen Legion Revenants

có lẽ là phần hay nhất của cả Fallen Legion Revenants, là lúc Rowena đang chiến đấu thì màn hình đột ngột chia làm đôi

Khá đáng tiếc là số lượng nhân vật hạn chế (chưa kể còn ít lời thoại và ít thời gian “lên sóng”, khiến cho người viết không hề có ấn tượng gì về các tuyến phát triển nhân vật phụ), lâu đài thì tương đối nhỏ hẹp, do đó việc khám phá lâu đài và tìm người nói chuyện cũng dần dần mất đi sự thích thú, và dường như chỉ để “đánh dấu” lại người này nằm ở vị trí nào cho phần tiếp theo mà người viết sắp giới thiệu.

Phần tiếp theo này, cũng có lẽ là phần hay nhất của cả Fallen Legion Revenants, là lúc Rowena đang chiến đấu thì màn hình đột ngột chia làm đôi, và bạn sẽ được điều khiển Lucien để thực hiện một số việc chính trị, như nói chuyện với người cần nói, bỏ phiếu bầu, hoặc phá hoại thứ gì đó, trong một khoảng thời gian ngắn.

Những việc mà Lucien làm trong khoảng thời gian này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới trận chiến đang diễn ra ở “đầu cầu” Rowena, do đó sẽ giúp cho người chơi cảm nhận được một sự gấp gáp và hưng phấn nhất định.


BẠN SẼ THÍCH

Fallen Legion Revenants

Thiết kế đồ họa

Thực ra thì cái này người viết cũng không chắc rằng tất cả mọi độc giả có thích không, vì dẫu sao mảng này là một mảng đặc sệt mùi ý kiến cá nhân, nhưng người viết thấy rằng phong cách đồ họa của Fallen Legion Revenants tương đối đẹp, dễ nhìn và bắt mắt.

Mặc dù thế giới được phủ bởi một tông màu xám nhằm thể hiện sự tang tóc và bệnh hoạn, tuy nhiên trong lâu đài, màu sắc lại đối lập, tươi tắn với nhiều mảng màu phối hợp khá hài hòa.

Nhân vật, cả hình ảnh trong game và hình chân dung, đều được phác họa một cách chi tiết, tỉ mỉ và tương đối đẹp, nhưng không kém phần độc và lạ.

Có lẽ việc thưởng thức phong cách đồ họa này phần nào giảm bớt “nỗi đau” mà việc trải nghiệm trò chơi mang lại.

phong cách đồ họa của tựa game là tương đối đẹp, dễ nhìn và bắt mắt

3.5

Với một cơ chế chiến đầu tẻ nhạt lại còn gây ức chế, kèm với một cốt truyện thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, có lẽ Fallen Legion Revenants không chỉ thất bại trong việc khẳng định tên tuổi dòng game Fallen Legion trên thế giới, mà còn hủy luôn những gì hai dòng game tiền nhiệm đã xây dựng được.

Thông tin

  • Fallen Legion Revenants
  • Nhà phát triển
    YummyYummyTummy
  • Nhà phát hành
    NIS America
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    16/02/2021
  • Nền tảng
    PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi NIS AMERICA. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.