Skip to content

Fallout Mùa 1 – Đánh Giá Phim

Fallout Mùa 1

Fallout Mùa 1 – Được sản xuất bởi Amazon Prime, Fallout Mùa 1 là một bộ phim truyền hình phỏng theo dòng game nhập vai nổi tiếng lâu đời Fallout.

Chính thức công chiếu vào ngày 10 tháng tư vừa qua, Fallout Mùa 1 được tung ra “trọn bộ” gồm 8 tập phim, xoay quanh câu chuyện của ba nhân vật chính trong vùng đất hậu tận thế đầy rẫy hiểm nguy.

Liệu bộ phim có truyền tải được cái “hồn” của tựa game Fallout lẫy lừng? Phong cách thích “máu lửa” của nhà Amazon Prime sẽ thực hiện ra sao? Dàn diễn viên liệu có “ổn áp”?

Hãy cùng Vietgame.asia cảm nhận và đánh giá qua bài viết sau đây, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Trung thành cao với nguyên tác

Tuy bộ phim kể một câu chuyện mới, với những nhân vật chính riêng biệt, Fallout Mùa 1 vẫn tạo cho người viết cảm giác rằng “Uầy, đây đúng là Fallout rồi”. Từ kiến trúc và trang phục đặc trưng của Vault-Tec, các món vũ khí mà những nhân vật sử dụng, cho đến các mẫu xe và vật chất của thời kỳ tiền-chiến tranh, tất cả chúng đều sát với những gì mà chúng ta đã thấy qua các trò chơi của thương hiệu Fallout.

Không chỉ dừng lại ở phục trang-phụ kiện, nhiều phân cảnh của bộ phim còn rõ ràng được xây dựng như trên khung sườn của trò chơi vậy. Chẳng hạn, trong tập 1, khi Lucy – một trong những nhân vật chính của bộ phim – giới thiệu về bản thân mình, phân cảnh đã được thể hiện như một đoạn tạo nhân vật và phần hướng dẫn (tutorial) của game, với các kỹ năng mạnh yếu được nêu ra rõ ràng như “tôi mạnh cái này, vừa vừa cái kia”.

Phân đoạn khác là cảnh Maximus, một nhân vật chính khác của bộ phim, chạy đi mua bán trao đổi bằng các nắp chai (Bottle Caps) Nuka Cola trong một thị trấn xây dựng từ đồ lạc xoong, rác kim loại thường thấy trong các game Fallout.

Hay các chi tiết nhỏ đặc trưng của dòng game “lướt” qua nhưng vẫn kiểu “ra hiệu” cho người xem, nhất là người hâm mộ dòng game, theo kiểu “tôi vẫn ở đây nhé, các bạn”: chẳng hạn đề cập con chip xử lý nước bị hư, bức tượng Vault Boy cười nhe răng giơ ngón cái – biểu tượng của dòng game, xuất hiện rải rác trong các cảnh phim thậm chí trong phân đoạn Cooper chụp hình mẫu cho Vault-Tec cũng giơ ngón tay cái tương tự, v.v.

Nói thêm về các nhân vật chính, Fallout Mùa 1 đưa đến cho chúng ta ba nhân vật: Lucy – một cô gái sinh ra và lớn lên trong Vault 33; Maximus – một tân binh của thế lực Brotherhood of Steel; và cuối cùng là Howard Cooper – một thợ săn tiền thưởng, từng là diễn viên trong thời kì tiền chiến tranh nhưng đã bị ghoul hóa.

Ba tuyến nhân vật này tượng trưng cho ba hướng chơi khác nhau của thương hiệu Fallout. Là một người sinh ra và lớn lên từ Vault, Lucy mang nặng ảnh hưởng của nhân vật Vault Dweller (Fallout 1) và Lone Wanderder (Fallout 3). Cách hành xử và đối đáp của cô đậm chất “chính trực” của những người chơi thích giữ điểm “karma” (đạo đức) cao nhất có thể.

Tuy bộ phim kể một câu chuyện mới, với những nhân vật chính riêng biệt, Fallout Mùa 1 vẫn tạo cho người viết cảm giác rằng “Uầy, đây đúng là Fallout rồi”

Fallout series mùa 1

Maximus, là một tân binh của Brotherhood of Steel, dĩ nhiên gợi nhớ đến cho chúng ta các nhân vật chính của tựa game Fallout: Brotherhood of Steel. Maximus là đại diện cho những người chơi có karma trung lập, không phải là người xấu, nhưng sẵn sàng trộm và lừa lọc khi cần thiết để đạt được mục tiêu.

Còn về Cooper, dù chúng ta chưa bao giờ điều khiển ghoul trong các tựa game, vẫn có thể liên tưởng anh là những người chơi không quan tâm đến việc karma thấp, miễn là đạt được mục đích và sinh tồn.

Ngoài ra còn có một nhân vật phụ… bốn chân, quen mặt với các game thủ: chú chó Becgie (Chó chăn cừu Đức – German Shepherd), vốn từng hiện diện xuyên suốt các phiên bản Fallout, trở thành một trong nhiều phiên bản khác nhau của Dogmeat.

Trong phim, “cu cậu” cũng được ưu ái có nhiều “đất diễn”, không chỉ thể hiện tốt kỹ năng tác chiến thuần thục thường thấy của Becgie mà còn thể hiện nhiều biểu cảm thú vị đầy tự nhiên như ngạc nhiên, mừng rỡ hay hung hãn khi có nguy hiểm bất thường xuất hiện.


Fallout series mùa 1

Diễn xuất chắc chắn, đầu tư nhiều mặt!

Không chỉ là một bộ phim trung thành với những yếu tố cốt lõi của dòng game để chiều lòng fan, Fallout Mùa 1 thực sự là một bộ phim được Amazon đầu tư ở nhiều mặt.

Hành trình của Lucy, Maximus và Cooper đan xen với nhau, nhưng các xuất phát điểm khác nhau và câu chuyện cá nhân của họ đã đưa đến cho người xem những mặt riêng biệt về thế giới trước và sau chiến tranh hạt nhân. Và dàn diễn viên đã thể hiện chắc chắn các nhân vật mà mình thủ vai, nhất là ở việc thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhân vật.

Chẳng hạn, cô nàng Lucy do nữ diễn viên Ella Purnell thủ vai, đã thể hiện xuất sắc sự ngây thơ nhưng “tồ” của một “đứa trẻ” đến từ “Vườn Địa Đàng” (Vault) – một nơi sống lý tưởng, chuẩn mực đạo đức được đề cao, lại bị thực tế nghiệt ngã vùi dập sấp mặt! Ngay ở những lúc đang hành động gây cấn lại đứng “cố chấp” rao giảng đạo đức, với những câu nói dài dòng cho đúng “văn phạm”, làm người xem vừa phì cười vừa bực kiểu: thời điểm nào rồi mà còn lớ ngớ thế kia, thể nào cũng ăn “kẹo đồng”!

Fallout series mùa 1

Hay nhân vật Maximus, được Aaron Clifton Moten thể hiện, đã cho thấy một con người dồn nén, đứng ở ranh giới thiện-ác: có sự thiện lương ẩn sâu bên trong nội tâm nhưng hành vi thường nhật khá hèn nhát, và rồi khi bị nén hết cỡ, sự thiện lương đó lại được bộc phát bằng những hành động khá “đen tối”.

Có một phân đoạn Maximus bị tra hỏi về việc có hãm hại đồng đội hay không, anh chàng phủ nhận và chợt hỏi lại: “Tôi có muốn chuyện đó xảy ra, vậy có sai trái không?” đã cho thấy sự đấu tranh giằng co của một người đứng ở lằn ranh của cái thiện và cái ác.

Tuy nhiên, đáng kể nhất có lẽ chính là Walton Goggins trong vai gã ghoul mặt quỷ – Cooper. Một con người vốn có quá khứ khá hạnh phúc, có một cuộc sống “tiêu chuẩn” và sau đó nhiều biến cố xảy ra đã đẩy y trở thành một tên ghoul săn tiền thường đầy máu lạnh.

Phân cảnh mà người viết ấn tượng nhất về anh chàng diễn ra ở tập cuối của bộ phim, trong khoảnh khắc đó, Goggins đã thể hiện rõ sự đau đớn, khó xử và xung đột trong nội tâm chỉ bằng vẻ mặt xác chết cứng đơ, khó có thể diễn tả cảm xúc của mình.

Fallout Mùa 1

Một trong những điểm sáng khác của Fallout Mùa 1, đó là bí ẩn xoay quanh sự độc ác của tập đoàn Vault-Tec. Bí ẩn này được xây dựng vững chắc qua từng tập phim, với độ gay cấn ngày một tăng, để dẫn đến đoạn “plot twist” (tình huống mấu chốt) đầy tính cao trào ở hai tập cuối.

Không chỉ là một bộ phim trung thành với những yếu tố cốt lõi của dòng game để chiều lòng fan, Fallout Mùa 1 thực sự là một bộ phim được Amazon đầu tư ở nhiều mặt

Các manh mối dẫn đến yếu tố “plot twist” này cũng được cài cắm một cách khá tinh tế, không lộ liễu, nhưng sẽ khiến người xem phải ồ lên khi xem lại lần hai.

Fallout Mùa 1

Những phân cảnh hành động của bộ phim được thực hiện khá tốt, chúng thể hiện sự dơ bẩn, nhớp nháp và tận cùng của sự đen tối, vô đạo đức của những cuộc đấu tranh vì sự sống trong một thế giới hậu tận thế không còn luật lệ.

Đây cũng là lúc “thế mạnh” thường thấy trong các phim truyền hình hành động của Amazon Prime được dịp phô diễn hết nấc! Các trận chiến luôn mang đến mức độ bạo lực thô ráp, có những hậu quả “máu me” khiến cho người viết phải rùng mình với hiệu ứng hình ảnh, âm thanh và kỹ xảo. Nếu bạn đã xem qua sô truyền hình siêu anh hùng đen tối, trào phúng – The Boys, sẽ biết được “vị” của nhà Amazon Prime là như thế nào!

Fallout Mùa 1

Có thể nói, với người hâm mộ dòng game, Fallout Mùa 1 là một bộ phim chuyển thể từ game trung thành, sát sao với cái “hồn” của thương hiệu game và có nét riêng tương tự như sô The Last of Us vừa qua của nhà Sony vậy.

Còn với người xem phổ thông, ngay cả khi kiến thức về dòng game của người xem có hạn chế hoặc chưa từng biết, thì Fallout Mùa 1 là một sô truyền hình khoa học viễn tưởng nói về sự sống hậu tận thế rất đáng để xem và dễ xem.

Vàng 9.0

Thay vì chuyển thể một câu chuyện đã được xây dựng trước từ một tựa game, Fallout Mùa 1 đã chọn hướng đi kể một câu chuyện mới trong vũ trụ Fallout, để mở rộng hơn về bối cảnh, sự tích (lore) của trò chơi.

Bên cạnh đó, việc gắn kết mạnh với các yếu tố quen thuộc của dòng game gốc khiến Fallout Mùa 1 là một tác phẩm đáng xem với người hâm mộ thương hiệu.

Ngay cả khi độc giả không biết quá nhiều về dòng game này, thì Fallout Mùa 1 vẫn là một sô truyền hình khoa học giả tưởng dễ xem, dễ hiểu!

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.