Skip to content

Final Fantasy V Pixel Remaster – Đánh Giá Game

Final Fantasy V

Final Fantasy V Pixel Remaster Nếu nói về một tựa game hay bị quên lãng nhất trong dòng Final Fantasy thì chắc chúng ta phải kể tới Final Fantasy V.

Tựa game này đã không được ra mắt tại thị trường quốc tế khi mới ra mắt thì chớ, lại bị kẹp giữa hai tựa game quá mạnh là Final Fantasy IVFinal Fantasy VI.

Cực chẳng đã, khi tựa game này được Square Enix (bấy giờ là Squaresoft) ra mắt trên PS1 vào năm 1999, thì ngay trong tháng đó bị người anh em Final Fantasy VIII “chèn ép” luôn.

Hệ quả là, mặc dù sở hữu một hệ thống nghề nghiệp mà người ta vẫn còn khen ngợi cho tới tận ngày nay, Final Fantasy V chưa bao giờ tìm được lượng người hâm mộ đông đảo như các tựa game Final Fantasy khác.

Dẫu vậy, game vẫn có một lượng nhất định người hâm mộ trung thành, với cuộc thi thường niên “Four Job Fiesta”, khi người chơi được phát ngẫu nhiên 4 nghề và họ sẽ phải hoàn thành Final Fantasy V bằng 4 nghề đó, và chỉ 4 nghề đó.

Liệu Final Fantasy V Pixel Remaster có giúp tựa game này nhận được những gì đáng nhận được? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện nhẹ nhàng, đơn giản mà hoài cổ

Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền tảng đồ hoạ, có vẻ như mạch truyện của những tựa game JRPG nói chung và Final Fantasy nói riêng càng ngày càng trở nên phức tạp, với một thế giới có lịch sử dày cộp, cùng với những nhân vật có tuyến phát triển ngày càng rối rắm.

Không hẳn đây là một điều gì đó tệ hại, tuy nhiên đôi khi cảm giác những nhà phát triển quá cố gắng để làm cho cốt truyện không bị chê là đơn giản, thành ra kết quả là một nồi lẩu thập cẩm chẳng rõ đầu đuôi.

Điển hình như Final Fantasy XIII, vừa mới chân ướt chân ráo vào game thì “ối giời ơi”, người chơi đã bị ngộp thở bởi hàng tấn thuật ngữ mới, l’Cie, fal’Cie, Cie’th, Cocoon… đủ thứ hầm bà lằng tới choáng váng đầu óc!

Nếu bạn đã chán ngấy với lối hành văn rườm rà, hoặc chỉ cần “hoài cổ” thôi, thì Final Fantasy V là một sự lựa chọn vô cùng lý tưởng. Không có nhân vật chính dạng phản anh hùng phức tạp gì, không có những pha “plot twist” phút chót, cốt truyện của Final Fantasy V vô cùng rành mạch, rõ ràng và đơn giản.

Tựa game bắt đầu với cảnh công chúa Lenna và đức vua Tycoon chào tạm biệt nhau khi vua Tycoon cảm giác thấy gió đang yếu dần đi, và ông cần bay tới viên Ngọc Thần Gió để kiểm tra xem có vấn đề gì, báo hiệu một hồi mưa bão sắp đến.

Không lâu sau đó, một viên thiên thạch bự chảng rơi xuống gần thành Tycoon, và khi anh chàng nhân vật chính Bartz tới tìm hiểu thì anh gặp ông già mất trí nhớ Galuf và công chúa Lenna. Và thế là, cùng với cô nàng cướp biển Faris nhập hội không lâu sau đó, cuộc hành trình để bảo vệ những viên Ngọc Thần bắt đầu…

Không có những pha kể chuyện quá khứ rườm rà, không có nhiều “drama” như người anh em tiền nhiệm Final Fantasy IV hay người anh em kế cận Final Fantasy VI, mạch truyện của Final Fantasy V chỉ đơn thuần là cuộc phiêu lưu của những người bạn xuyên suốt các thế giới, với tình bạn nồng ấm làm điểm tựa cho họ giải cứu thế giới.

Có lẽ, mạch truyện này sẽ bị coi là quá đơn giản và dễ đoán so với tiêu chuẩn hiện tại, nhưng khi chơi (lại) Final Fantasy V bản Pixel Remaster, người viết không khỏi có một cảm giác hoài niệm ấm áp dễ chịu, và bằng cách này hay cách khác thực sự nhập tâm vào chuyến phiêu lưu của anh chàng Bartz hết cưỡi rồng rồi cưỡi chocobo đen rong ruổi trên những miền đất mới.

Tuy đơn giản, nhưng cốt truyện của Final Fantasy V không hề thiếu những khoảnh khắc hài hước, hoặc những giây phút đầy cảm xúc, chẳng hạn khi một nhân vật đấu tay bo với trùm cuối… xin phép lược bỏ những đoạn tiết lộ trước nội dung.

mạch truyện của Final Fantasy V chỉ đơn thuần là cuộc phiêu lưu của những người bạn xuyên suốt các thế giới, với tình bạn nồng ấm làm điểm tựa


Hệ thống nghề nghiệp trứ danh

Điểm nhấn của Final Fantasy V không phải là một cốt truyện tốp đầu, mà là hệ thống nghề nghiệp (job system) cực kỳ đa dạng, cho phép người chơi khả năng tuỳ biến chưa từng có trong lịch sử dòng Final Fantasy.

Trong Final Fantasy V, mỗi nhân vật ban đầu sẽ bắt đầu bằng nghề… Freelancer, sau đó khi người chơi tìm ra các viên ngọc thần họ sẽ “mở khóa” được nhiều nghề nghiệp hơn.

Đặc thù ở đây là người chơi có thể hoàn toàn tuỳ ý thay đổi nghề nghiệp của một nhân vật vào bất kỳ lúc nào, và mỗi nghề sẽ có một cấp bậc và điểm kinh nghiệm riêng, khác với cấp bậc của nhân vật đó.

Điểm đặc biệt ở đây là gì? Mỗi nghề sẽ có một kỹ năng cố định và một ô trống. Khi nhân vật nâng cấp một nghề, họ sẽ học được những kỹ năng mới có thể lắp vào ô trống đó, và kỹ năng của nghề này có thể lắp vào ô trống của nghề khác.

Nghĩa là, với số lượng nghề nghiệp đồ sộ (22), và số lượng kỹ năng ô trống của mỗi nghề có thể rất lớn, người chơi có thể tuỳ ý lắp ghép kỹ năng để tạo ra những nhân vật với bộ kỹ năng độc đáo và phù hợp với tất cả các hoàn cảnh.

Ví dụ như bạn có thể tạo ra một hiệp sĩ (Knight) nhưng biết bắn phép Black Magic, hoặc một White Mage không cầm gậy phép để hồi máu mà có thể dùng tay không… đấm vỡ mồm địch, hoặc một Black Mage với Dualcast từ nghề Red Mage để liên tục “bón” Flare cho quái trùm.

Không chỉ vậy, khi một nhân vật đã đạt cấp độ tối đa cho một nghề, thì nghề Freelancer của họ sẽ tự động sử dụng được kỹ năng hỗ trợ của nghề đó mà không cần phải lắp kỹ năng đó vào ô trống (và Freelancer không có kỹ năng cố định và có tận 2 ô trống).

Điều này khiến cho việc tuỳ biến càng trở nên mạnh mẽ hơn khi người chơi đạt cấp độ tối đa cho nhiều nghề, và với một chút sáng tạo họ có thể tạo ra nhiều combo điên rồ, chẳng hạn như combo nổi tiếng Spellblade – Dual Wield – Rapid Fire.

Không có một ràng buộc nào ngoài một số dao động nhỏ về chỉ số giữa các nhân vật, và việc sử dụng chiến thuật nào để đánh quái trùm hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và lắp ghép giữa nghề của bạn, khiến cho chiến đấu không bao giờ trở nên nhàm chán, tha hồ cho người chơi thử nghiệm.

Nhắc đến cơ chế chiến đấu, không có quá nhiều điều để nói khi Final Fantasy V sử dụng hệ thống ATB đã nhẵn mặt với người hâm mộ lâu năm, cung cấp những trận chiến tuy “theo lượt” mà vẫn hồi hộp và căng thẳng khi bạn căn từng thanh ATB để chiến đấu với quái trùm.

Khá tiếc, có vẻ như 4 nghề nghiệp được bổ sung vào bản Final Fantasy V Advance trên GBA – Necromancer, Cannoneer, Oracle và Gladiator – hiện tại chưa có mặt, hi vọng Square Enix sẽ cập nhật thêm trong tương lai.

Điểm nhấn của Final Fantasy V không phải là một cốt truyện tốp đầu, mà là hệ thống nghề nghiệp (job system) cực kỳ đa dạng


Hợp thời đại mới, nhưng không mất gốc cũ

Thực tế, Final Fantasy V đã được chuyển lên Steam trước đó khá lâu, nhưng là một phiên bản nâng cấp đồ hoạ nhìn công nghiệp không thể công nghiệp hơn, vô hình chung lại mất đi phần nào đó tính nghệ thuật 29 năm trước.

Dù sao thì, với một tựa game cổ như vậy, trừ khi Square Enix quyết định đập đi làm lại như Final Fantasy VII Remake, thì những nâng cấp nửa vời như phiên bản trên Steam cũ chỉ làm game trở thành một mớ hổ lốn, cổ điển không tới nơi mà hiện đại cũng không tới chốn.

Có lẽ Square Enix cũng đã nhận ra điều này và thực hiện sê-ri Pixel Remaster, nơi những mô hình nhân vật, mô hình quái vật được bám rất sát phiên bản gốc, có chăng tô thêm chút viền cho đậm lên.

Bám sát phiên bản gốc, kèm với một số cải tiến như tăng độ phân giải, tăng số khung hình/giây, thêm sự sóng sánh cho nước, thêm hiệu ứng đổ bóng cho lá cây… v.v. khiến cho Final Fantasy V thực sự nắm bắt được những dụng ý nghệ thuật của những nhà thiết kế game 29 năm trước, mà vẫn cảm thấy tươi mới và hiện đại.

Chơi Final Fantasy V bản Pixel Remaster khiến người chơi có cảm giác đây không phải là một tựa game cũ, mà là một tựa game hiện đại làm theo phong cách cổ điển.

Đó là chưa kể tới những nâng cấp như chế độ lưu tự động giúp người chơi không bị mất quá trình, “Bestiary” – căn bản là nơi lưu trữ quái vật đã gặp phải, và trình nghe nhạc trong game.

Final Fantasy V thực sự nắm bắt được những dụng ý nghệ thuật của những nhà thiết kế game 29 năm trước, mà vẫn cảm thấy tươi mới và hiện đại.


Âm nhạc vượt thời gian

Nobuo Uematsu được mệnh danh là “Beethoven của làng game”, và Final Fantasy V đã thể hiện được khả năng của ông với những bản nhạc kinh điển như Battle of the Big Bridge hay Home, Sweet Home.

Không chỉ vậy, toàn bộ những bản nhạc đều được thu âm lại theo dạng bản nhạc giao hưởng hoàn chỉnh với chất lượng âm thanh rất cao, thể hiện sự chú trọng của đội ngũ âm thanh trong việc bảo tồn và nâng cấp những bản nhạc trứ danh của Uematsu.

BẠN SẼ GHÉT

Final Fantasy V

Những tàn dư của một thế hệ cũ

Nói gì thì nói, Final Fantasy V về bản chất vẫn là một game đã được ra gần 30 năm trước, và bên trong vẫn còn nhiều tàn dư của một thế hệ JRPG được xây dựng trên những cỗ máy hạn chế (so với thời hiện đại).

Chạm trán ngẫu nhiên đã đỡ hơn nhiều so với Final Fantasy III, nhưng tần suất vẫn khá dày đặc và không có chế độ “tắt chạm trán ngẫu nhiên” như những bản chuyển thể bình thường hay có. Game cũng yêu cầu người chơi đi đi lại lại rất nhiều mà không có “di chuyển nhanh” hay tăng tốc, nên việc này có thể gây khó chịu với người chơi mới chưa quen.

Bản đồ của Final Fantasy V là tương đối rộng, và game không hề chỉ dẫn cho người chơi làm thế nào để tiếp tục mạch truyện, và người chơi buộc phải tự tìm phương hướng của mình thông qua việc trò chuyện với những nhân vật trong các ngôi làng và thành phố.

Đối với những người đã quen với loạt JRPG cổ điển, thì điều này thực tế lại rất hay vì nó cho chúng ta một cảm giác phiêu lưu thực sự, phiêu lưu bằng chính đôi chân của mình, không phải tuân theo một cung đường định sẵn.

Tuy nhiên, với người chơi chưa quen thì Final Fantasy V vô cùng dễ bị lạc, và người chơi có thể phải mò mẫm hàng giờ để đi tiếp cốt truyện. Nếu không cẩn thận thì họ có thể lạc sang chỗ có quái cực mạnh, dễ dàng “quạt chả” cả đội trong tích tắc.

Game cũng tương đối khó với nhiều quái trùm thực sự “quái”, và yêu cầu người chơi phải cày cuốc, không những để thăng cấp mà còn phải cày cả điểm kinh nghiệm cho từng nghề.

Final Fantasy V bên trong vẫn còn nhiều tàn dư của một thế hệ JRPG được xây dựng trên những cỗ máy hạn chế


Final Fantasy V

Phông chữ kỳ quặc!

Không hiểu lắm quyết định của Square Enix là gì khi để một phông chữ “trời ơi đất hỡi” vào trong game, vừa khó đọc vừa không có tính thẩm mỹ gì (hình trên).

Thật may, do bản chất chơi trên PC nên người viết dễ dàng mod được phông chữ thành một phông đẹp và hợp hơn nhiều, như hình dưới đây:

Final Fantasy V

Tuy nhiên, những người dùng iOS và Android, và sau này có thể là PS4, PS5 hay Switch, sẽ phải “chịu trận” với phông chữ này.

Không hiểu lắm quyết định của Square Enix là gì khi để một phông chữ “trời ơi đất hỡi” vào trong game, vừa khó đọc vừa không có tính thẩm mỹ

Vàng 9.0

FINAL FANTASY V Pixel Remaster hoàn toàn nắm bắt được linh hồn của phiên bản gốc, từ đồ họa, âm thanh cho tới lối chơi và hệ thống nghề nghiệp đồ sộ, dễ dàng là phiên bản đáng chơi nhất của tựa game JRPG bị quên lãng này.

Thông tin

  • Final Fantasy V
  • Nhà phát triển
    Square Enix
  • Nhà phát hành
    Square Enix
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    11/11/2021
  • Nền tảng
    Windows, iOS, Android

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 8.1 64-bit / Windows 10 64-bit
  • CPU
    AMD A8-7600 / Intel Core i3-3225
  • RAM
    4GB
  • GPU
    AMD Radeon™ R7 Graphics / Intel® HD Graphics 4000
  • Lưu trữ
    1GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11
  • CPU
    i7-7700HQ
  • RAM
    16GB
  • GPU
    GTX 1060 3GB
  • Lưu trữ
    1TB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Square Enix. Chơi trên PC.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.