Skip to content

Kingdom Come: Deliverance II – Đánh Giá Game

Kingdom Come: Deliverance II

Kingdom Come: Deliverance II – Những năm đầu thế kỷ 20, bộ ba Crysis có thể được xem là “bom tấn đồ hoạ”, “sát thủ phần cứng” đúng nghĩa đầu tiên đánh dấu sự vượt trội của hệ máy PC trong lĩnh vực sức mạnh đồ hoạ so với các hệ máy console truyền thống, dẫn dến bộ công cụ phát triển game CryEngine cũng bùng nổ trở thành một “cú hit” mới cho làng game, kéo theo đó là rất nhiều tựa game được công bố sử dụng bộ engine này.

Trong số rất nhiều tựa game nương theo “sóng triều đồ hoạ” này, Kingdom Come: Deliverance là cái tên chẳng lấy gì làm bắt mắt và được công bố khá muộn so với các tên tuổi nổi bật khác, thậm chí chính tựa game này có một quá trình từ ra mắt bản chơi thử (demo) rồi sau đó phải loay hoay tìm kiếm đầu tư vô cùng dài dòng, dẫn đến thời gian phát triển kéo dài, mãi đến tận năm 2018 mới được chính thức ra mắt.

Mặc dù tựa game vẫn chưa thật sự hoàn thành tất cả những tham vọng đặt ra ban đầu do những hạn chế về nguồn vốn cũng như nhân lực, thế nhưng những gì thể hiện được lại vô cùng ấn tượng, trở thành một trong những tựa game hành động – nhập vai đặc sắc nhất về đề tài hiệp sĩ từng ra mắt, nhận được đánh giá cao từ cộng đồng và mức doanh thu ấn tượng với hơn 500,000 bản bán ra chỉ trong 2 ngày ra mắt đầu tiên.

Trên nền tảng những thành công đạt được và nguồn vốn có phần dư giả hơn, Warhorse Studios đã dồn hết công sức phát triển Kingdom Come: Deliverance II nhằm hoàn thành nhiều ấp ủ còn chưa đạt được với phiên bản đầu tiên.

Tiếp nối thành công của phần đầu tiên, lần ra mắt này liệu có thành siêu phẩm?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Kingdom Come Deliverance II - Đánh Giá Game

Audentes Fortuna iuvat – Vận may dành cho người dũng cảm!

Trong nền văn hoá Phương Tây cổ điển, những câu chuyện hiệp sĩ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn hóa, thậm chí tinh thần của chúng ảnh hưởng sâu sắc đến những tựa game hiện đại trước khi bị “xét lại” dưới lăng kính của phong trào DEI trong những năm gần đây. Có thể kể đến mô-típ hiệp sĩ cứu công chúa đầy quen thuộc trong dòng game Prince of Persia, trong dòng game Mario Bros hay thậm chí tinh thần phiêu lưu của nền văn học hiệp sĩ cũng thấm đẫm trong các dòng game như Uncharted hay Tomb Raider

Tựa game mang ảnh hưởng thì nhiều, có thể kể đến Mount and Blade hay một số dòng game mang màu sắc huyễn hoặc (fantasy) như The Witcher hay The Elder Scrolls, thế nhưng gần như game thủ sẽ rất khó để tìm được một tựa game thực thụ lấy bối cảnh thời kỳ Trung cổ, chủ yếu là do sự thiếu thốn về các tư liệu ở tầng thấp về thời đại này, thậm chí có rất ít các hiện vật khảo cổ cũng chỉ mới được nghiên cứu trong những năm gần đây, đem đến cái nhìn cận cảnh về các cuộc chiến tranh thời kỳ này.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ làm game của Warhorse Studios phải nói là vô cùng xuất sắc trong việc tái tạo lại một Đông Âu trong giai đoạn Hậu kỳ Trung cổ vô cùng chân thực và sống động trong Kingdom Come: Deliverance II, lồng ghép tất cả những gì chân thực nhất vào trong một câu chuyện hiệp sĩ vô cùng ấn tượng, kết hợp với các thủ thuật điện ảnh tạo nên một cuộc hành trình đầy ấn tượng và lôi cuốn người chơi ngay từ những phút giây đầu tiên.

Kingdom Come Deliverance II - Đánh Giá Game

Khác với phần đầu tiên đưa bạn vào vai một anh nông nô trong lãnh địa, mò mẫm với các câu chuyện “lông gà vỏ tỏi” trước khi bước lên chuyến lữ hành hiệp sĩ của mình, phần hai này có cách tiếp cận gây sốc hơn rất nhiều khi “ném” người chơi vào tình huống éo le ngay từ đầu game, với những tình tiết gay cấn nhưng vẫn đủ để dẫn dắt giúp người chơi quen thuộc với hầu hết các tính năng của game, biến những bước “làm quen” (turtorial) trở thành một phần của cốt truyện theo một cách vô cùng tự nhiên mà vẫn đầy hấp dẫn, chứ không gượng ép theo kiểu bắt hoàng tử phải “đi cày” để kiếm tiền sửa xe như một số tựa game ra mắt gần đây.

Cách tiếp cận này khiến cho người chơi mới không dễ bị “dội chợ” vì quá nhàm chán như những nhiệm vụ vặt vãnh của phần game đầu tiên, chưa kể đến chúng giúp bạn dễ dàng nắm bắt các chỉ số và tính năng trong game dễ dàng hơn.

Phần mở đầu vô cùng mượt mà này tạo ra ấn tượng vô cùng tốt đẹp với người viết, bởi lẽ với một tựa game lấy đề tài thế giới mở như Kingdom Come: Deliverance II thì một cốt truyện xuyên suốt, có tính nối kết là vô cùng quan trọng, nó khiến các tình tiết và nhiệm vụ rời rạc được xâu chuỗi lại với nhau, khiến cho trải nghiệm game không trở nên vụn vỡ về tổng thể.

Gần như xuyên suốt trò chơi, câu thành ngữ Latin “Audentes Fortuna iuvat” (Vận may dành cho người dũng cảm) sẽ trở thành kim chỉ nam cho cốt truyện chính, khi bạn theo chân Henry từ một anh chàng con của một thợ rèn với cơ duyên làm cận vệ cho Sir Hans trên chuyến hành trình đưa thư, và bước lên lữ trình hiệp sĩ của mình sau một vụ cướp đẫm máu mà theo cách gọi nôm na là… đến cái quần cũng không còn.

Kingdom Come Deliverance II - Đánh Giá Game

Kịch bản được xây dựng theo phong cách của một tựa game nhập vai cổ điển, nghĩa là mạch game được chia ra làm rất nhiều nhánh nhỏ đan xen quấn quanh một trục các diễn biến chính, cho phép game thủ tuỳ ý lựa chọn hướng phát triển của cuộc hành trình theo sở thích của mình.

Cách làm này không mới, nhưng không còn được ưa chuộng nhiều trong làn sóng game… mỳ ăn liền những năm gần đây, nhất là khi một số tựa game bom tấn còn cắt phăng cốt truyện để cắt giảm chi phí, hay xây dựng cốt truyện thuộc loại cho có để tập trung vào chất lượng đồ hoạ và khả năng chơi mạng do đầu tư vào kịch bản tiêu tốn rất nhiều thời gian chăm chút và phát triển.

Thế nhưng cũng chính vì thế mà Kingdom Come: Deliverance II đem đến cho người chơi một thế giới được xây dựng tỉ mỉ với những nhân vật thật sự “sống” trong đó, với phong cách, cá tính và các tuyến cốt truyện riêng biệt có thể tương tác qua lại với nhân vật của người chơi theo nhiều cách khác nhau, để tự do phát triển cuộc hành trình theo cách riêng của mình.

Kingdom Come Deliverance II - Đánh Giá Game

Về một mặt nào đó, có thể nói trải nghiệm của tựa game về đề tài thời Trung cổ này còn mượt mà hơn “siêu phẩm” Red Dead Redemption 2 khi tạo ra một thế giới đủ “mở” cho người chơi có thể tự do tưởng tượng, tự do phát huy bản thân, nhưng cũng “bện” đủ chặt chẽ để khiến cho dù bạn có cố gắng chạy “lệch đường ray” đến đâu đi nữa thì cuối cùng, bạn sẽ được “lái” về đúng tuyến kịch bản gốc, tạo nên một trải nghiệm xuyên suốt đầy hấp dẫn.

Không chỉ có vậy, hệ thống nhiệm vụ phụ là điểm xuất sắc, thậm chí có thể nói là “chói lọi” nếu so sánh với phần lớn các tựa game hiện đại khi sở hữu một lượng lớn các nhiệm vụ đa dạng, ít trùng lặp như nhiều tựa game cố gắng tạo ra không gian mở “giả tạo”, với các phương thức giải quyết đầy tự do bằng một bộ kỹ năng và tính năng đồ sộ theo kiểu game nhập vai truyền thống, mặc sức cho người chơi tưởng tượng cách giải quyết của riêng mình.

Ví dụ như để đạt được một món đồ gì đó từ một NPC, bạn có hàng chục cách để đạt được mục tiêu của mình, chẳng hạn như bạn có thể thử thuyết phục đối tượng bằng kỹ năng miệng lưỡi có cấp độ tối đa của mình, làm một nhiệm vụ phụ nào đó giải quyết rắc rối cho đối tượng, dùng vũ lực đe doạ, dùng tiền bạc mua lại, “đánh thuốc” đối tượng, dùng vũ lực để… cướp, hay thậm chí dùng bàn tay “chà đồ nhôm” để thó lấy vật phẩm đó về cho mình. Tất nhiên, đi kèm với mỗi cách giải quyết là kết quả/hậu quả mà phương thức đó đem lại đối với nhân vật của bạn, kéo theo một chuỗi liên hoàn những chỉ số và nhiệm vụ phụ nối tiếp theo đó, rẽ nhánh lối chơi của bạn theo một hướng đi khác biệt, khiến cho mỗi lần chơi lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.

Kingdom Come Deliverance II - Đánh Giá Game

Không chỉ có thế, nhà thiết kế còn cài cắm không biết bao nhiêu là “Trứng Phục sinh” (easter egg) cho người chơi tìm hiểu và khám phá. Chẳng hạn như người đánh giá game đến từ IGN đã tìm được cách biến cuộc hành trình hiệp sĩ của Henry với Sir Hans trở thành một câu chuyện… “Brokeback Mountain” phiên bản thời kỳ Hậu kỳ Trung cổ.

…hệ thống nhiệm vụ phụ là điểm xuất sắc, thậm chí có thể nói là “chói lọi” nếu so sánh với phần lớn các tựa game hiện đại

Có thể nói, thiết kế của Kingdom Come: Deliverance II đạt được độ hoà hợp cao độ giữa lối chơi, kịch bản và kết cấu nhiệm vụ gợi lại cho người viết cảm giác tự do tuyệt vời khi chơi những phiên bản đầu tiên của dòng game Fallout cách đây gần 3 thập kỷ, khiến cho bất kỳ người chơi nào cũng phải chơi đi chơi lại, tiêu tốn hàng trăm giờ để khám phá hết mọi ngóc ngách và bí mật của trò chơi.

Không chỉ có thế, hệ thống AI được nâng cấp vô cùng ấn tượng và logic, thổi sức sống vào thế giới game, buộc người chơi phải chú ý kỹ càng hơn trong hành động của mình.

Chẳng hạn như khi bạn lấm lem và bốc mùi, rất nhiều NPC ưa thích sạch sẽ, đặc biệt là các NPC nữ tỏ vẻ chán ghét và không thèm nói chuyện với bạn, hay như khi bạn vừa đánh nhau về với một bộ giáp trụ đẫm máu, các NPC cảm thấy bị đe doạ nhiều hơn và thay đổi hội thoại so với khi bạn tắm rửa sạch sẽ và đến bắt chuyện với họ một lần nữa, thậm chí một số khu vực/sự kiện đòi hỏi nhân vật của bạn phải có cách ăn mặc phù hợp mới có thể tham dự.

Người viết từng có một trải nghiệm khá nhớ đời khi lén lút công thành với giáp trụ nặng nề trên người, tiếng cọ sát giữa các lớp áo giáp với nhau cũng có thể đánh động NPC lính canh đi tuần.

Thậm chí nếu bạn làm hư hỏng đồ đạc, bắt trộm gà chó của NPC, rất có khả năng NPC sẽ chạy đi… méc lính tuần tra đến trừng phạt bạn, chứ không đơn thuần la hét vớ vẩn cho có rồi vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra khi thấy án mạng giữa ban ngày như các NPC tuy nhiều nhưng toàn “bị thịt” trong Assassin’s Creed Mirage, hay như trong phần đầu của dòng game. Điều này cho thấy đội ngũ phát triển Kingdom Come: Deliverance II đã nhận biết những vấn đề còn tồn đọng hay chưa hoàn thành để cải thiện triệt để, đem đến trải nghiệm cho người chơi tốt hơn hẳn.

Đó là chưa kể nhiều nhiệm vụ ẩn cũng được “giấu” rất sâu trong cách hành xử từ phía NPC này, chỉ có thể được mở khoá với một số điều kiện nhất định, đem đến một số phần thưởng hấp dẫn mà bạn khó lòng có thể bỏ qua được, tất cả đều đủ kích thích để người chơi mò mẫm, khám phá kỹ lưỡng từng ngóc ngách trong thế giới game.

Cuối cùng, thứ kết nối tuyến cốt truyện chính là các đoạn phim cắt cảnh được dựng theo góc nhìn điện ảnh vô cùng ấn tượng mà nếu bạn là người yêu phim ảnh có thể nhận ra nhiều phân đoạn trong Brave Heart, Highlander hay loạt phim Lord of The Rings đem đến kích thích thị giác mãnh liệt cho người chơi, nhất là các phân đoạn chuẩn bị chiến đấu luôn hoành tráng, với các chi tiết nhỏ được tô đậm tạo ra nhiều cảm xúc mạnh mẽ.

Về tổng thể, Kingdom Come: Deliverance II là một màn trở lại xuất sắc hơn hẳn phần đầu tiên, với cốt truyện, lối chơi và cách thiết kế game được đầu tư tỉ mỉ, đủ để đáp ứng kỳ vọng của cả những game thủ khó tính nhất. Hãy tin tôi đi, bạn sẽ “nghiện” ngay khi khởi động game lần đầu tiên đấy!


Hệ thống chiến đấu: Gần với thực tế nhất có thể!

Dĩ nhiên là với một tựa game hành động – nhập vai, mảng “hành động” cũng là một phần vô cùng quan trọng trong Kingdom Come: Deliverance II, và lần này, bạn sẽ bị choáng ngợp với một hệ thống chiến đấu mô phỏng được cải thiện từ nền tảng vốn đã rất tốt trên phiên bản đầu tiên.

Nói thêm một chút về cơ chế chiến đấu mô phỏng trong game cho bạn đọc dễ hình dung, hiện trên thị trường có rất nhiều cách thiết kế chiến đấu, phổ biến nhất là sử dụng các “hit box”, một khung bao vô hình quanh đối thủ để xác định khu vực chịu đòn theo kiểu Dynasty Warriors, Ghost of Tsushima hay God of War, trong đó, động tác của nhân vật thường mang tính… làm màu là chính, miễn là vũ khí của nhân vật chạm được vào “hit box” của đối phương.

Trong khi đó, các tựa game dạng soul-like như Elden Ring, Lies of P hay Steelrising chính là ngoài “hit box”, cơ chế chiến đấu game được bổ sung thêm thanh thể lực (stamina), thời gian ra chiêu (timing) và hướng công kích đơn giản.

Đây cũng là yếu tố chính khiến cho tựa game “bom tấn” Black Myth: Wukong không được xếp vào hàng ngũ các tựa game soul-like, dù các con trùm của tựa game này vẫn “bón hành” cho người chơi không kém gì các tựa game soul-like thứ thiệt.

Thể loại “chiến đấu mô phỏng” trong Kingdom Come: Deliverance II là thứ mà cả các game thủ yêu thích thể loại game hành động nhất cũng sẽ khó bắt gặp trong các tựa game hiện đại.

Nếu có một tựa game nào đó có cách chiến đấu tương tự, có thể kể đến dòng game chiến đấu mô phỏng Mount & Blade, một dòng game mô phỏng chiến tranh Trung cổ vô cùng nổi tiếng, với phương thức chiến đấu thuộc loại khó nhằn, với việc thêm vào yêu cầu điều chỉnh hướng tấn công bằng tay cho game thủ.

Thế nhưng đến với tựa game mới của Warhorse Studios, bạn sẽ bị bất ngờ khi còn phải cân nhắc đến nhiều yếu tố hơn thế.

Có thể kể đến bạn sẽ phải xem xét khoảng cách phù hợp để “tung chiêu” với từng vũ khí riêng biệt, bởi lẽ mỗi thứ vũ khí từ vũ khí nặng dùng hai tay đến vũ khí dùng một tay sẽ có một bộ động tác và “khu vực gây sát thương” khác nhau, thậm chí bạn hay đối thủ có thể tận dụng khoảng cách ra đòn không phù hợp mà “tặng thêm” cho đối phương một cú đạp, cú đấm phá vỡ đòn tấn công kèm theo một chút sát thương nhỏ.

Bạn cũng sẽ phải cân nhắc cả loại giáp mà đối thủ và bản thân mặc để có thể ra đòn với mức sát thương tốt nhất. Chẳng hạn như giáp xích (chain mail) chịu chém tốt nhưng chịu đâm kém, trong khi đó giáp tấm chịu đâm tốt hơn giáp xích nhưng chịu đập lại kém so với giáp da.

Với cách thiết kế này thì mỗi trận chiến đấu tay đôi đều là một quá trình đòi hỏi người chơi không chỉ nhanh tay lẹ mắt, mà còn phải có óc quan sát để đưa ra quyết định tốt nhất trong khoảnh khắc.

Quá trình cận chiến khá “chua” này sẽ dẫn tới một hệ luỵ khác là nhiều người chơi có khuynh hướng thích sử dụng nỏ hay thậm chí là súng kíp để có thể dễ dàng hạ gục đối thủ hơn, nhất là khi các đối thủ trong giai đoạn sau đều “bọc giáp” khắp người, và lúc này bạn sẽ phát hiện ra rằng, các vũ khí tầm xa cũng được mô phỏng thực tế không kém, từ thời gian nạp tên, tầm bắn, đường đạn/tên bay, đến lực xuyên phá… đều tuân thủ chặt chẽ theo các loại vũ khí thời kỳ này.

Cách mô phỏng vũ khí tầm xa trong Kingdom Come: Deliverance II thực đến mức, bạn có thể đi tìm một số thành luỹ mà lính phòng thủ chủ yếu sử dụng cung tên, chọc cho họ tấn công bạn rồi núp sau tấm chắn bằng gỗ, chắc chắn “chiêu thuyền cỏ mượn tên” học được từ Gia Cát Lượng này có thể mang đến cho bạn một số lượng mũi tên mà bạn có thể đem bán lấy tiền tiêu vặt rủng rẻng.

Để làm được điều này, dội ngũ phát triển game đã phải mời các chuyên gia vũ khí thời Trung cổ làm cố vấn, lấy số liệu cụ thể trên các sản phẩm phỏng chế để có thể đem đến lối chơi mô phỏng chân thực nhất.

Phương thức thiết kế chiến đấu mô phỏng thực tế này gián tiếp nhắc nhở người chơi rằng nhân vật của bạn cũng chỉ là một “người” trong dòng lũ cuồn cuộn của lịch sử, chứ không phải một người hùng có thể “cân” cả một đạo quân xoay chuyển thời cuộc như nhiều tựa game hành động khác, nhất là trong các trận chiến công thành khi phải đối mặt với các cỗ máy chiến tranh có sức sát thương khủng khiếp.

Chỉ có lòng dũng cảm và mưu trí mới có thể dẫn dắt bạn đi đến hết hành trình hiệp sĩ dài dằng dặc của mình, mở khoá các kết thúc khác nhau và đạt được cảm giác thành tựu khi hoàn thành tựa game.

Có thể nói, cả hai mặt nhập vai và chiến đấu đều được hoàn thiện vô cùng duy mỹ, đem đến cho người chơi một cảm giác mượt mà từ đầu đến cuối, thậm chí ngay cả những người không quá ưa thích thể loại này trong nhóm thử nghiệm của chúng tôi cũng khó mà ngưng chơi được.

Thể loại chiến đấu mô phỏng trong Kingdom Come: Deliverance II là thứ mà cả các game thủ yêu thích thể loại game hành động nhất cũng sẽ khó bắt gặp trong các tựa game hiện đại

Bạch kim 10

Mặc dù vẫn còn một vài lỗi kỹ thuật (bug) nhỏ, nhưng sự chăm chút, tận tuỵ của đội ngũ phát triển Kingdom Come: Deliverance II trong cả cốt truyện, lối chơi và chiến đấu đã đem đến cho game thủ một màn trình diễn ngoạn mục, một bữa tiệc thực sự dành cho những người yêu thích thể loại game hành động - nhập vai, và cũng là một viên ngọc quý hiếm hoi đưa người chơi đến với các cuộc phiêu lưu hiệp sĩ hậu kỳ Trung đại.

Thông tin

  • Kingdom Come: Deliverance II
  • Nhà phát triển
    Warhorse Studios
  • Nhà phát hành
    Deep Silver
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    04/02/2025
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-bit
  • CPU
    Intel Core i7-13700K / AMD Ryzen 7 7800X3D
  • RAM
    32GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce RTX 4070 / AMD Radeon RX 7800 XT
  • Lưu trữ
    100GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Deep Silver. Chơi trên PC.