Ghostrunner 2 – Trên lý thuyết thì Ghostrunner có vẻ là một tựa game hoàn hảo cho những ai “ghiền” hành động. Ghostrunner là hiện thân của lối làm game “tăng động giảm chú ý”, với nhịp độ nhanh gãy cả cổ và những màn chơi dàn trải chặt chẽ với các góc ôm cua chặt, những dốc trượt để tăng tốc, những bức tường chéo chéo kì cục để chạy lên, và tất nhiên là hằng hà sa số kẻ thù dù hơi ngốc ngốc nhưng vẫn khiến người chơi “một cước là nằm”.
Nhưng đó là trên… lý thuyết thôi! Ghostrunner phần đầu tiên dù là một tựa game rất tiềm năng, nhưng những hạn chế nhất định trong thiết kế màn chơi, sự thiếu chỉn chu trong cơ chế và một cốt truyện nhạt nhòa đã khiến cho Ghostrunner không đạt được toàn bộ những tiềm năng mà game vốn có.
Dẫu cho những hạn chế đó, Ghostrunner vẫn khẳng định được sức hút của mình. Với hơn 2.5 triệu bản được bán ra và những gói nội dung được tung ra đều đặn, Ghostrunner trở thành một sản phẩm thành công nhất từ trước tới nay với đội ngũ One More Level.
Dù đây là một thành quả hoàn toàn xứng đáng, Ghostrunner vẫn là một sản phẩm cần rất nhiều sự cải thiện về cả quy mô lẫn chất lượng. Và One More Level đã không để người chơi phải chờ lâu, khi Ghostrunner 2 được bắt tay vào phát triển ngay lập tức, và “trình làng” sau hơn 3 năm phát triển!
Hứa hẹn một phần game nhanh hơn, điên rồ hơn, nhưng cũng chỉn chu hơn và đồ sộ hơn – với những nhân vật vừa mới, vừa cũ, và những cơ chế game chắc chắn sẽ làm người chơi bất ngờ! One More Level dường như đang rất vô cùng tự tin với phần hậu bản này!
Vậy hãy cùng Vietgame.asia hóa thân thành chàng ninja người máy lạnh lùng Jack một lần nữa, xách shuriken và katana lên để xem những lời quảng cáo “có cánh” kia có đúng không nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Sai một ly, đi một dặm!
Về mặt cơ chế chính, Ghostrunner 2 không khác game tiền nhiệm lắm! Người chơi vẫn sẽ được hóa thân thành Jack, một chiến binh người máy với khả năng di chuyển, quan sát và chiến đấu siêu phàm trên con đường trừ gian diệt bạo!
Về mặt di chuyển, người chơi sẽ có những khả năng quen thuộc như lướt về phía trước, làm chậm thời gian để bẻ lái sang hai bên, phóng dây để kéo mình về phía mục tiêu, và quan trọng nhất: chạy tường!
Chạy tường có lẽ là cơ chế được cải thiện rõ rệt nhất so với Ghostrunner phần đầu tiên, khi những pha trượt chân khó hiểu giờ đã không còn nữa. Chàng Jack nhà ta giờ đây bám dính tường một cách dễ dàng và không bị trượt giữa chừng nữa. Quan trọng nhất, game cho người chơi khả năng điều chỉnh góc tiếp cận để việc chạy tường hoàn toàn có thể được người chơi “tùy ý” hủy việc chạy tường.
Người chơi mới có thể sẽ bị “giật mình” khi đáp tường ở những góc độ nhất định và thấy chàng Jack nhà ta ngã nhào, nhưng góc tiếp cận việc chạy tường giờ đây nhất quán hơn nhiều, và chỉ cần trượt chân vài lần là người chơi sẽ quen với việc lựa góc đáp tường cho “chuẩn”.
Sở dĩ việc “hủy” chạy tường quan trọng như vậy vì giờ đây người chơi sẽ có khả năng điều khiển nhịp độ các cuộc chiến được linh hoạt hơn. Như phần một, hầu hết những pha “chém” nhau của chàng Jack là ở trong những đấu trường rộng, đa tầng, và quan trọng nhất được chia phần rõ ràng, với mỗi phần thường có một nhóm kẻ thù với trang bị và vũ khí khác nhau để ngăn chặn chàng Jack nhà ta.
Với tôn chỉ “một cước là nằm”, Jack và hầu hết kẻ thù trong game đều bị hạ gục bởi một chiêu thức duy nhất – điều này khiến cho hầu hết các trận chiến trong Ghostrunner đều xoay quanh việc người chơi xâu chuỗi các hành động chạy-nhảy-lướt-ném phi tiêu-chém-bật tường-phi dây sao cho trơn tru và chính xác nhất có thể.
Tính đa tầng của màn chơi khiến cho số lượng hành động mà người chơi phải xâu chuỗi thêm phần đa dạng và phức tạp hơn, vì giờ ngoài việc bị bắn chết, chém chết, người chơi còn phải lo việc không bị… té chết nữa.
Tất cả những điều trên khiến Ghostrunner trở thành một tựa game tương đối thử thách. Người chơi có thể sẽ “chết tới hàng trăm lần” chỉ trong một màn chơi thậm chí còn chưa tới 20 phút, vì với Ghostrunner 2, tất cả mọi thứ đều nhanh hơn rất nhiều. Đặc biệt là với cách Ghostrunner 2 thiết kế kẻ thù.
Chúng hầu hết chỉ là những kẻ thù đánh tầm gần, tầm xa đơn giản, với những kẻ thù đặc biệt hơn có tầm ảnh hưởng của đòn đánh rất rộng hoặc yêu cầu người chơi phải phản đòn chúng một cách chính xác để loại khỏi vòng chiến.
Nhưng đừng để sự đơn giản của chúng đánh lừa, đội ngũ One More Level đã rất khéo léo trong việc phân bổ chúng cẩn thận xuyên suốt đấu trường để chủ động “trừng phạt” việc người chơi chơi chậm lại hoặc lơ là.
Lối tư duy thiết kế này cũng được One More Level áp dụng vào các thử thách di chuyển trong game. Các thử thách này sẽ khiến người chơi “bay nhảy như chim” và “đu dây như người nhện” giữa những công trình kiến trúc không tưởng. Chúng thường yêu cầu người chơi phải quan sát và nhận diện môi trường một cách cẩn thận để lựa chọn điểm đáp hay tiếp nối bằng một hành động di chuyển chính xác, có độ trùng lặp rất thấp, cũng như rặt những cái “bẫy” để tiễn những người chơi chậm tay chậm mắt “đi đời” chỉ trong một nốt nhạc!
Những điều trên cộng thêm với tầm nhìn giới hạn ở góc nhìn người thứ nhất khiến cho nhiều game thủ chết “tức tưởi” vì tiếp đất sai hay lỡ mất một kẻ thù – Ghostrunner 2 là một game vô cùng khó, và người chơi có thể sẽ phải “chết lên, chết xuống” hàng trăm lần chỉ trong một màn chơi trên dưới 20 phút.
Nhưng cách Ghostrunner 2 giờ đây được trau chuốt hơn về mặt cơ chế gốc, trải nghiệm “chết đi sống lại” của game được cải thiện rất nhiều, các thử thách và đấu trường cũng phức tạp hơn để người chơi luôn có lựa chọn thay đổi hướng tiếp cận mỗi lần chết, giảm thiểu tối đa sự ức chế.
Tính đa tầng của màn chơi khiến cho số lượng hành động mà người chơi phải xâu chuỗi thêm phần đa dạng và phức tạp hơn
Tân trang toàn diện!
Nhưng sự tút tát lại những cơ chế gốc không phải là điểm mạnh duy nhất của Ghostrunner 2. Đội ngũ One More Level không chỉ đơn giản là “sửa sai” với hậu bản này, mà còn phát triển lên những điểm phần đầu game làm tốt nhất.
Ngoài những nâng cấp quen thuộc như đỡ đòn dễ hơn, ném phi tiêu dễ trúng và ít năng lượng hơn, Ghostrunner 2 còn mang lại những kĩ năng và nâng cấp hoàn toàn mới để người chơi thêm phần “chết chóc” và linh động hơn, ví dụ như khả năng tốc biến tới kẻ thù bị phi tiêu làm choáng, kĩ năng bật nhảy ngược ra sau, kĩ năng hãm hoặc tăng quán tính sau khi bật nhảy rồi chém kẻ thù.
Cả những tay mơ của tựa game lẫn những vị “thánh nhân” đều có những lựa chọn vô cùng giá trị để khiến trải nghiệm chơi hoặc là dễ thở hơn, hoặc là có độ tùy chỉnh cao hơn.
Phản ánh điều này, Ghostrunner 2 không chỉ đơn giản là “ném” về phía người chơi những đấu trường rộng hơn, đa tầng hơn hay những thử thách di chuyển phức tạp hơn, mà còn thêm vào đó những loại kẻ thù mới, và quan trọng nhất là những con “trùm” đúng nghĩa.
Suicide Squad: Kill the Justice League áp dụng “live service” chả khác nào đi vào vết xe đổ của nhiều hãng game lớn
Những con trùm trong Ghostrunner 1 có cảm giác như những câu đố nhiều hơn là những cuộc chiến đúng nghĩa, còn trong Ghostrunner 2 người chơi sẽ thực sự đọ kiếm với những con trùm khó nhằn, với lối di chuyển và chiến đấu tạo cảm giác tương đồng với những con trùm nức tiếng trong Dark Souls, nhưng tất nhiên là đơn giản đi phần nào vì những hạn chế nhất định của góc nhìn người thứ nhất.
Nhưng sự bổ sung ấn tượng nhất mà Ghostrunner 2 mang lại chính là chiếc… xe máy! Khoảng hơn 2/3 thời lượng game, chàng Jack nhà ta sẽ được trao cho một chiếc xe máy để đu ngoạn những khu vực rộng hơn của game. Với khả năng bắn đạn, chém quái, leo tường và tốc độ thần sầu, chiếc Cyberbike không đơn giản là một món “đồ chơi” với Jack, mà còn là một công cụ đắc lực cho tựa game để mang lại những phân đoạn tốc độ vô cùng ấn tượng!
Bên cạnh đó, Ghostrunner 2 cũng mở rộng ra những phân đoạn thú vị nhưng còn thiếu đất diễn trong phần một như không gian mạng Cybervoid đầy kì thú hay những công trình kiến trúc không tưởng để người chơi leo trèo bay nhảy.
Tất cả những điều trên đã khiến cho Ghostrunner 2 có cảm giác như một tựa game hoàn chỉnh hơn nhiều so với phần một, với hầu hết tiềm năng bị bỏ lỡ này được tận dụng tối đa.
BẠN SẼ GHÉT
Cốt truyện… sai điểm rơi!
Tuy nhiên, vẫn còn một chỉ trích lớn từ phần một mà Ghostrunner 2 vẫn chưa thể nào giải quyết ổn thỏa được – đó là cốt truyện. Ở phần một của game gặp vấn đề trong việc truyền tải thông điệp, cũng như xây dựng nhân vật và thế giới một cách hợp lý vì những hạn chế về kịch bản.
Thời lượng game cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn khi game quá ngắn, không cho người chơi nán lại những địa điểm thú vị của game đủ lâu.
Rất đáng khen cho đội ngũ One More Level vì họ đã tiếp nhận những chỉ trích này và tập trung hơn vào việc phát triển cốt truyện, môi trường. Giờ đây Jack sẽ tương tác với một dàn nhân vật đa dạng hơn, thú vị hơn, thế giới game cũng rộng hơn, và chia thành nhiều phần với phong cách nghệ thuật rất đặc trưng, ví dụ như không khí cyberpunk của The Tower, hoang mạc hậu tận thế của The Outside, những công trình kiến trúc kì vĩ, đồ sộ của The Church và không gian kì ảo Cybervoid.
Nhưng sự đa dạng này có vẻ như đã làm đội ngũ làm game bị “giãn ra” rất nhiều, bằng chứng là việc thế giới game có vẻ như bị lơ là về mặt tiểu tiết. Trong suốt quá trình chơi, người chơi sẽ để ý những vật phẩm, biển hiệu và không gian kiến trúc lặp đi lặp lại rất nhiều, và với việc những đấu trường và thử thách di chuyển của game trở nên rộng mở hơn, Ghostrunner 2 không thể “giấu” hoàn toàn được sự trùng lặp tiểu tiết đó.
Người dễ tính tới đâu cũng sẽ phải gãi đầu gãi tai khi một tấm biển hiệu, một chiếc ô tô lặp lại tới… hàng chục lần trong thành phố! Khiến cho Ghostrunner 2 là một game thú vị khi nhìn xa, nhưng lại nhàm chán khi nhìn gần, và rất tiếc là người chơi phải “nhìn gần” rất là nhiều.
Cốt truyện game cũng bị “sai điểm đáp”, khi nhiều nhân vật quen thuộc như Zoe thì bị lơ là, còn những nhân vật như Kira và Kevin thì lại thiếu đất diễn quá nhiều. Có lẽ đội biên kịch của game nên tập trung vào các nhân vật và cốt truyện sẵn có hoặc bị bỏ ngỏ từ phần một để phát triển lên, thay vì ôm đồm quá nhiều thứ mới, khiến cho cốt truyện game có cảm giác không thực sự cân xứng với nhau.
Điều này rất đáng tiếc vì thế giới game lại một lần nữa cho ta thấy rất nhiều tiềm năng, nhưng lại được giải quyết hoặc giới thiệu một cách rất qua loa.
vẫn còn một chỉ trích lớn từ phần một mà Ghostrunner 2 vẫn chưa thể nào giải quyết ổn thỏa được – đó là cốt truyện