Skip to content

God Eater 3 – Đánh Giá Game

God Eater 3

Nhận nhiệm vụ, đi đập nhau với vài con quái vật khổng lồ, quay về làng nhận lại nhiệm vụ, đánh con quái đó vài (chục) lần nữa rồi lại quay về làng nhận lại nhiệm vụ… Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng đó là đặc điểm cơ bản của thể loại “săn quái vật” – một trong những dòng game dễ nghiện nhất ở thời điểm hiện tại.

Và đã nhắc tới săn quái vật thì không thể không nhắc tới người đi đầu cho cái phong trào “hành xác” đầy xúc cảm này là anh đại Monster Hunter, cũng như một lốc những người kế nhiệm như là Freedom Wars, Toukiden, Dragon’s Dogma

Vậy, giữa một rừng những “người anh em cùng cha khác ông nội” như vậy, làm sao God Eater có thể tồn tại suốt 9 năm ròng rã và sở hữu cho mình một lượng fan ổn định như vậy? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua phần mới nhất của game mang tên God Eater 3 và xem câu trả lời nhé.


BẠN SẼ THÍCH

ĐẬM CHẤT “GOD EATER”

Là người đi sau, tất nhiên việc God Eater bị đem ra so sánh với Monster Hunter là điều không thể tránh khỏi. Tạo một con đường riêng không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi người tiền nhiệm đã làm quá tốt và tạo ra cái bóng quá lớn. Nhưng cũng thật may mắn vì tựa game của Bandai Namco đã tìm ra chỗ đứng của riêng mình.

Vậy God Eater đã làm thế nào? Thực ra.. đó cũng chẳng phải bí quyết gì kinh khủng lắm, vì nếu chúng ta quay ngược thời gian về thời điểm đó thì chẳng tốn thời gian để nhận ra những gì mà Monster Hunter muốn truyền tải. Về cơ bản thì nó có thể gói gọn lại bằng việc “xách hàng lên rồi thông chết con quái đi”. Chẳng ai thèm quan tâm tới cốt truyện hay những thứ nhỏ nhặt bên lề, tất cả mọi thứ mà một thợ săn lúc bấy giờ quan tâm là đúc đồ và đập nhau với đám quái cao hơn mình 5 cái đầu mà thôi.

Và thế là chính cái việc đó đã mở ra một hướng đi cho God Eater, vẫn là săn quái vật một cách khổ ải, vẫn là cày cuốc ép đồ, nhưng kèm với đó là một hệ thống cốt truyện có chiều sâu xoay quanh những con quái vật trong game.

Vậy chúng ta có gì trong cốt truyện của God Eater ? Có thể tóm tắt như sau, loài người “ăn hành” từ đám Aragami (tên gọi chung của đám quái vật trong game) dẫn đến gần diệt chủng, sau đó là phải đối phó với việc Aragami cổ đại mang tên Nova hồi sinh và một tên bệnh hoạn muốn huỷ diệt cả nhân loại và đem 1000 người lên mặt trăng. Ải Aragami chưa xong thì một căn bệnh lạ tới từ những cơn mưa đỏ (red rain) suýt quét sạch nhân loại một lần nữa. Và rồi bây giờ cảm thấy có vẻ loài người vẫn chưa đủ “nhọ”, God Eater 3 lại mang đến cho bạn cơn tuyệt vọng mới mang tên “Ashlands”.

God Eater 3 đưa bạn tới mốc thời gian 18 năm sau God Eater 2, Ashlands bỗng dưng xuất hiện và nuốt chửng mọi thứ. Ashlands được cấu thành từ tập hợp của các dạng sống rất nhỏ (được gọi là Ashblight) và đặc biệt là chúng vô hình kèm theo đó là tính huỷ diệt rất mạnh. Mọi thứ mà Ashlands đi qua đều hoá thành tro tàn, kể cả đó là Aragami hay con người. Giữa cơn bão đó, thành trì của loài người – FENRIR đã bị huỷ diệt và phân tán thành nhiều nhóm nhỏ biệt lập với nhau. Những người còn sống sót tụ tập với nhau sống dưới các khu vực được gọi là “Port” và phải đấu tranh để sử dụng nguồn tài nguyên ít ỏi.

Và rồi bây giờ cảm thấy có vẻ loài người vẫn chưa đủ “nhọ” God Eater 3 lại mang đến cho bạn cơn tuyệt vọng mới mang tên “Ashlands”

Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính của chúng ta (còn gọi là… Protagonist) sinh sống và trưởng thành trong một Port mang tên Pennywort. Tuy đó là một nhà tù đúng nghĩa và thường bắt ép những đứa trẻ trở thành vật thí nghiệm AGE (Adaptive God Eaters – những kẻ diệt thần thế hệ mới). Thế nhưng cũng chẳng có gì đáng nói nếu như một Ashlands “xinh xinh” bất ngờ đổ ập tới và phá huỷ Pennywort. Protagonist cùng những người bạn của mình được cứu bởi Chrysanthenum – một Port nhỏ thuộc sở hữu của Hilda Henriquez. Tại Chrysanthenum, Protagonist đã gặp Phym – một Humanoid Aragami (dạng Aragami tiến hoá mang hình dạng con người). Và sau khi vô tình nhận ra khả năng giải trừ sức mạnh Ashblight của Phym, chuyến hành trình cứu lấy nhân loại của nhân vật chính bắt đầu.

Sơ lược cốt truyện của God Eater 3 là như thế. Game tuy chưa thực sự truyền tải tốt một thế giới hậu tận thế, nơi con người sợ hãi co cụm vào nhau mà sống (con người có vẻ thích nghi khá tốt và sống thoải mái là đằng khác) nhưng game đã làm rất tốt việc toát lên tình cảm gia đình, việc những người trong Port Chrysanthenum quan tâm đến nhau và dám làm tất cả vì mái ấm của mình.

God Eater 3

Và tất nhiên, đã nhắc tới cốt truyện thì không thể không nhắc tới dàn Aragami của chúng ta – những con quái to đùng, bặm trợn và cực kỳ ngầu lòi. Và không nằm ngoài truyền thống – thiết kế Aragami của God Eater 3 vẫn hết sức mãn nhãn. Những Ra, Nuada, Vajra, Ash Storm Anubis… sẽ không làm bạn thất vọng với vẻ ngoài của mình.

Từng con quái sẽ có khả năng riêng của mình với những kỹ năng tối thượng “một chiêu chết luôn” từ God Eater 2 sẽ khiến bạn phải nhanh tay lẹ mắt nếu không muốn nằm xuống quá dễ.

Thiết kế Aragami của God Eater 3 vẫn hết sức mãn nhãn, những Ra, Nuada, Vajra, Ash Storm Anubis… sẽ không làm bạn thất vọng với vẻ ngoài của mình

Kèm theo số lượng Aragami khổng lồ thì số lượng vũ khí kèm theo cũng khổng lồ không kém, với 3 dạng vũ khí chính là vũ khí tầm gần, súng và khiên với khả năng luân chuyển linh hoạt giữa các loại vũ khí. Vũ khí tầm gần lại chia ra làm nhiều loại khác nhau như Short Blade, Long Blade, Charge Spear… với 2 loại vũ khí mới được thêm vào là Heavy Moon và Biting Edge với các liên hoàn chiêu khác nhau.

Các loại vũ khí cũng có thể sở hữu bốn thuộc tính cơ bản là lửa, băng, sét và thần thánh, kèm với đó là các hiệu ứng mù, choáng, tê liệt, độc… Bạn có thể tạo ra một tổ hợp các thuộc tính độc đáo dựa trên trang bị của mình.

Việc tạo ra các chuỗi chiêu “hoa hết cả mắt, gãy hết cả tay” đã thành đặc sản trong God Eater và nó sẽ còn “điên rồ” hơn nữa với hệ thống Brust Arc hoàn toàn mới trong God Eater 3. Việc chém một hồi sau đó mất tích luôn con Aragami là chuyện… hoàn toàn bình thường.


BẠN SẼ GHÉT
God Eater 3

VẪN… ĐẬM CHẤT “GOD EATER”

Cốt truyện “có vẻ hay” – đã có, dàn nhân vật nội tâm – đã có, vậy chúng ta cùng tới những phần “đậm chất God Eater” tiếp theo nào và tèn ten… một tên nhân vật chính bị câm (hoặc thôi thì kiệm lời cho nó chính xác). Thật đáng khen cho Bandai Namco khi họ có thể tạo ra một cốt truyện với một nhân vật chính thậm chí chẳng nói được một lời và kéo dài tới tận 6 phần game (có một chút ngoại lệ trong đoạn cuối phần Burst nhưng chúng ta cứ tạm lờ nó đi). Tất cả những gì mà nhân vật chúng ta có thể làm khi đối thoại với những nhân vật khác là cười, chào, gật đầu, chọn những lựa chọn được đề ra và thế là hết.

Về căn bản, những lựa chọn có sẵn thôi cũng tạm gọi là nói cũng được, nhưng việc game mất công cho ra hẳn một bảng lựa chọn giọng nói cho nhân vật chính nhưng ngoài việc ố, á, ứ, í… trong lúc đánh nhau ra thì thật là ba chấm…

Chức năng Install Skills cũng là một niềm đau. Bạn nhặt được một chiêu hiếm nhưng sau trận đánh bạn nhận ra chiêu đó không hợp với vũ khí lắm nên muốn thay chiêu khác vào, và vấn đề là… không có cách nào đổi những chiêu với nhau cả. Hoặc là bạn phải huỷ chiêu cũ đi hoặc là nó sẽ kẹt ở đó mãi mãi. Vậy nên việc cầm kiếm cùi gắn chiêu thu thập vật phẩm cấp cao để tìm đồ, sau đó bị ăn hành bởi mấy con quái nhép hay ngày xưa ngu dại gắn ngọc tấn công cấp cao lên thanh kiếm ghẻ là điều không thể tránh khỏi.

Tất cả những gì mà nhân vật chúng ta có thể làm khi đối thoại với những nhân vật khác là cười, chào, gật đầu, chọn những lựa chọn được đề ra và thế là hết

Một điều nhỏ nữa không vừa lòng đối với riêng bản thân người viết chính là việc hiện sát thương của vũ khí. Tuy nó thuận tiện cho việc tính lượng sát thương gây ra, nhưng với số lượng hiệu ứng chiêu thức đã hoa hết cả mắt lại phải nhìn thêm mấy con số nhảy liên tục, thì tắt hiện sát thương cũng là một lựa chọn có lợi cho việc nhìn kỹ chuỗi chiêu của bạn hơn là “cố đấm ăn xôi” ghì mắt vào mấy con số (nó cũng quen mắt hơn với những ai là người chơi những phần game trước). Một số đoạn sẽ bị tụt khung hình, tuy rất nhỏ và ít nhưng cũng gây nên một sự khó chịu nhẹ, nhất là đối với dòng game yêu cầu phản ứng nhanh như God Eater 3.

THÔNG TIN

  • Sản xuất: SHIFT
  • Phát hành:Bandai Namco
  • Thể loại: Hành Động
  • Ngày ra mắt: 8/2/2019
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Nintendo Switch

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4

7.5

God Eater 3 là một tựa game tốt với cái tên mà nó đang mang, thế nhưng việc giữ nguyên những thứ cốt lõi không phải lúc nào cũng gây ấn tượng tốt. Nhưng nếu bạn là một người yêu thích thể loại săn quái vật với tiết tấu nhanh kèm một cốt truyện đậm chất anime thì God Eater 3 là một lựa chọn không hề tồi.

Tác giả

Thảo luận