Skip to content

Grim Dawn: Forgotten Gods – Đánh Giá Game

Grim Dawn: Forgotten Gods

Grim Dawn: Forgotten Gods – “RPG” (game nhập vai) có thể xem là định dạng nguyên thủy nhất của videogame, khi mà nó hàm chứa tinh túy của hầu hết mọi thể loại game trên đời.

Thực vậy, dù là game hành động trường phái platformer, chiến thuật hay giải đố, không phải người chơi đều đang “nhập vai” vào chính nhân vật mà mình điều khiển đó sao?

Vốn có xuất xứ từ thể loại game “cờ bàn” (table-top), game nhập vai thuở ban đầu có nhịp độ chậm rãi, hầu như tuần tự theo lượt.

Sự lôi cuốn của những pho sử thi thần thoại, những mô hình nhỏ bé tinh xảo, những hạt xúc xắc nhiều mặt đầy ma thuật… là những thứ định hình nên thể loại game hấp dẫn này.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian và sự phát triển, người ta cần một thứ gì đó nhanh hơn, dồn dập hơn, kịch tính hơn – và vì vậy, thể loại game nhập vai “chặt chém” ra đời, với những cái tên khởi thủy như Diablo, Nox, Divinity

Được ví như một tượng đài bất diệt của thể loại nhập vai chặt chém (hack ‘n slash RPG), DiabloDiablo 2 vẫn luôn sống mãi trong lòng của những người mộ điệu thật sự tìm kiếm một tinh hoa của dòng game này.

Không ít những sản phẩm khác muốn nhắm đến cái đích to lớn này, nhưng chỉ có rất ít những kỳ quan thật sự gần đạt đến cảnh giới “tối thượng” đó.

Cùng từ một “lò” sản xuất, Titan Quest ngày trước và Grim Dawn của hôm nay, có thể xem là những người kế thừa đích thực của cái tinh túy Diablo năm xưa đó – nếu không muốn nói rằng chúng có thể sánh ngang, thậm chí vượt qua cả bậc “tiền bối” kia ở một số phạm trù nhất định.

Ra mắt vào năm 2016, Grim Dawn nhanh chóng trở thành một hiện tượng của làng RPG chặt chém bởi sự hấp dẫn trong lối chơi, pho sử thi đồ sộ, và chiều sâu tưởng như vô hạn.

Trong làng video, chuyện một tựa game “sớm nở tối tàn” cũng không có gì là hiếm, nếu không muốn nói rằng đó là một quy luật tự nhiên. Thế nhưng đã gần 4 năm trôi qua mà sức hút của Grim Dawn hầu như chỉ có tăng chứ không giảm.

Với sự ra mắt của bản mở rộng Ashes of Malmouth hồi cuối 2017, người ta ngỡ như Grim Dawn đã đạt đến cực hạn của mình, khi mang lại một giá trị chơi quá lớn với một cái giá quá rẻ – điều mà các hãng game ngày nay đã phớt lờ khi đặt nặng doanh thu hơn đam mê và nhiệt huyết.

Thế nhưng Crate Entertainment chưa bao giờ khiến giới hâm mộ thôi ngạc nhiên, khi mà từ đầu 2018 họ đã công bố ngay một bản mở rộng kế tiếp mang tên Forgotten Gods.

Được hứa hẹn với vô số tính năng mới và những tinh chỉnh đầy uy lực, đến nỗi ngày phát hành bị dời liên tục từ hè 2018 đến cuối 2018, và sau cùng chính thức ấn định vào 28/03/2019 vừa qua – thật sự cộng đồng Grim Dawn toàn cầu đã “nhấp nhổm trên than” đếm từng ngày trong chờ đợi.

Vậy, Grim Dawn: Forgotten Gods có thật sự xứng đáng với những kỳ vọng quá lớn được trao gửi hay không? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ THÍCH

Grim Dawn: Forgotten Gods

VÔ VÀN TÍNH NĂNG MỚI ĐÁNG GIÁ!

Là một tựa game đã gần 4 năm tuổi, và tuy sở hữu một nền tảng rất vững chắc và mạnh mẽ, nhưng các nhà phát triển Grim Dawn tại Crate Entertainment hiểu rằng muốn giữ được vinh quang này lâu dài, họ sẽ cần làm thêm nhiều việc nữa chứ không phải chỉ có “ngồi mát ăn bát vàng” như đại đa số các “ông lớn” trong ngành game khác.

Vì vậy, với bản mở rộng Grim Dawn: Forgotten Gods này, ngay từ đầu Crate đã công bố việc họ sẽ tập trung vào mài dũa các khía cạnh chính của Grim Dawn, bao gồm những chỉnh sửa/nâng cấp/bổ sung nhằm nâng cao trải nghiệm của người chơi.

Và cũng như mọi khi, Crate luôn chứng tỏ rằng mình “nói được làm được”, khi họ đã thổi vào Grim Dawn: Forgotten Gods những luồn gió mới vô cùng thanh tân, mát mẻ.

Trước hết, nhằm giải quyết nhu cầu… chứa đồ của người chơi vốn đã trở nên quá cấp thiết khi mà số lượng trang bị từ trước đến nay đã không hề ít, mà Forgotten Gods còn “tống” thêm… vài trăm thứ nữa – Crate đã đưa ra một giải pháp tạm thời, là mở rộng thêm một ngăn chứa thứ sáu cho mỗi nhân vật và thùng đồ chung.

Ban đầu, Grim Dawn chỉ cho bốn ngăn và bản Ashes of Malmouth đã “cơi nới” thêm lên 5 ngăn – thế nhưng với số lượng trang bị “khủng bố” mà Grim Dawn mang lại, việc mở rộng thùng đồ là thực sự cần thiết.

Kế đến là việc mở rộng hệ thống bản đồ sao Devotion của game thêm 9 chòm nữa, gồm 4 chòm lớn và 5 chòm nhỏ.

Devotion là hệ thống mở rộng kỹ năng, cho phép người chơi “gắn” một kỹ năng phụ vào các chiêu tấn công/ phòng thủ của mình, tạo nên vô số hướng xây dựng nhân vật hết sức đa dạng và phong phú.

Với 9 chòm sao bổ sung này, người chơi sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc xây dựng đi theo hướng sát thương Acid + Cold (chòm Yugol) hay hướng đa năng gọi thú/ tấn công (chòm Korvaak)…

Grim Dawn: Forgotten Gods

người chơi sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc xây dựng đi theo hướng sát thương Acid + Cold (chòm Yugol) hay hướng đa năng gọi thú/ tấn công (chòm Korvaak)

Song song với các chòm sao Devotion mới, một lớp nhân vật mang tên Oathkeeper cũng được đưa vào trong Grim Dawn: Forgotten Gods.

Với thân thế vốn là các vệ binh hoàng gia bảo vệ vương triều Korvan cổ đại, lớp Oathkeeper đưa sức mạnh của các nhân vật dùng khiên lên một tầm cao mới, khi mà giờ đây tác dụng của chiếc không không chỉ bó hẹp trong phạm vi đỡ đòn, mà còn dùng để… dộng vào mặt kẻ thù, ném khiên bật tường như Captain America, hay thậm chí là… xoay mòng mòng như thánh Garen trong Liên Minh Huyền Thoại.

Việc xuất hiện thêm vô số trang bị mới, dù để bổ sung cho Oathkeeper hay để đa dạng hóa các lớp nhân vật cũ, cũng đều vô tình khơi lại một “nỗi đau thầm kín” của dân chơi Grim Dawn từ trước đến nay: trang bị theo bộ (đồ Set).

Khi kiếm được 4/5 món và bỏ ra vài tháng mòn mỏi tìm thứ còn lại, hoặc công cuộc săn Blueprint (các cuộn giấy công thức chế tạo nón) trong vô vọng… đã là một thứ gì đó quá đỗi bình thường.

Tuy nhiên, với Grim Dawn: Forgotten Gods mọi thứ đã chấm dứt, khi mà giờ đây NPC Inventor có thể “quay số” một món trong bộ thành một thứ ngẫu nhiên nào đó (cùng bộ hoặc khác) với một cái giá không rẻ – nhưng ít ra hy vọng hoàn tất những bộ đồ “huyền thoại” đã ở gần tầm với hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những cải thiện nho nhỏ khác mà ngồi cả ngày kể cũng không hết, chẳng hạn như hệ thống kỹ năng di chuyển mới giúp cải thiện độ linh hoạt/ khả năng sống sót của người chơi, hệ thống “bỏ qua” độ khó Normal/ Elite và “nhảy” thẳng lên Ultimate…

Có thể nói, Grim Dawn: Forgotten Gods đã hoàn thành trọn vẹn lời hứa của Crate khi muốn nâng tầm trải nghiệm Grim Dawn lên một cấp độ mới.


Grim Dawn: Forgotten Gods

MỘT BƯỚC TIẾN DÀI CỦA ĐỒ HỌA

Có một điều thú vị mà không phải ai cũng biết, đó là tuy bắt đầu phát triển từ năm 2013, nhưng Grim Dawn thật ra được xây dựng dựa trên engine cũ của Titan Quest – một sản phẩm của năm 2005.

Vì vậy, ban đầu Grim Dawn mắc phải rất nhiều vấn đề lớn mà mãi đến hôm nay mới chỉ giải quyết được phần nào, chẳng hạn như việc game chỉ dùng được… một nhân CPU, dẫn đến tụt FPS và “nóng máy”, hoặc các hạn chế do không tương thích với nền DirectX 11…

Vì vậy, có thể hiểu rằng về mặt đồ họa, Grim Dawn khó mà làm được điều gì đó to lớn và hùng vĩ hơn cái giới hạn của một engine cũ kỹ hơn 10 năm tuổi này.

Thế nhưng, đây chính là lúc mà những tay “phù thủy” của Crate vào cuộc, để thực hiện những phép lạ nhằm tạo nên những điều vốn tưởng chừng không thể.

Thực tế, đồ họa Grim Dawn khó có thể nói là xấu, mặc dù bối cảnh u ám và thiết kế môi trường “xúc tu, nanh nọc” đậm chất Lovecraftian không phải ai cũng “nuốt trôi” được.

Với Ashes of Malmouth, Crate đã có nhiều đầu tư về mặt đồ họa khi đưa người chơi đến với Ugdenbog, một khu rừng rậm mang một sắc thái huyền ảo, nơi mà vẻ đẹp hoang sơ lại ngầm ẩn chứa những hiểm nguy chết chóc.

Thậm chí, Crate cũng vô cùng thành công khi tái tạo được một thành phố Malmouth – nơi từng là thủ phủ giàu có và trù phú nhất của đế quốc Erulan, nay sụp đổ và hoang tàn, sục sôi không khí kháng chiến trong sự đe dọa diệt vong của binh đoàn xác chết Aetherial.

Grim Dawn: Forgotten Gods

có thể hiểu rằng về mặt đồ họa, Grim Dawn khó mà làm được điều gì đó to lớn và hùng vĩ hơn cái giới hạn của một engine cũ kỹ hơn 10 năm tuổi

Tuy vậy, những thứ mà Ashes of Malmouth làm được, chẳng qua cũng chỉ là một chút biến thể nhỏ, tận dụng hầu hết tài nguyên đồ họa vốn có từ bản gốc.

Người chơi chấp nhận, vì họ hiểu rằng Crate đã tận lực nhằm mang lại thứ tốt nhất trong điều kiện hạn chế nhất.

Thế nhưng, liệu đây có thật sự là cực hạn của Crate hay chưa?

Đáp án là: KHÔNG.

Với Grim Dawn: Forgotten Gods, Crate đã mạnh dạn tuyên bố rằng trên đời không có thứ gì gọi là cực hạn cả.

Ngay cả với một engine cũ kỹ không còn chỗ phát triển thêm, họ vẫn tạo nên được kỳ quan với Grim Dawn: Forgotten Gods – một đế chế cổ xưa hùng mạnh từng là đỉnh cao của khoa học kỹ thuật lẫn ma pháp, từng được ban ơn bởi ánh sáng tối thượng của thần mặt trời Korvaak, nay bị vùi sâu trong lớp cát nóng cháy của một vùng sa mạc chết chóc.

Crate đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi kiến tạo nên một thứ gì đó hoàn toàn thoát khỏi cái khuôn phép cũ của mình.

Không còn những chái nhà gỗ xập xệ chắp vá của những thành phố bị dịch bệnh Aetherial tàn phá, không còn không gian tối mù đầy tàn tích trong Hư Không giới (The Void), cũng chẳng còn những hầm mộ lạnh lẽo âm u dưới lòng đất đầy bọn xương xẩu Undead nữa…

Với Grim Dawn: Forgotten Gods, thứ người chơi được chiêm ngưỡng là những biển cát vàng trải sâu mênh mông vạn dặm, nơi vùi lấp những bức tường đổ nát của một đế chế đã mất.

Những pho tượng khổng lồ bị cát bụi bào mòn, những đền thờ vùng vĩ với những bức phù điêu được điêu khắc tỉ mỉ, những ốc đảo xanh mượt và làn nước trong xanh hiếm hoi giữa lòng sa mạc… tất thảy đều được tái hiện một cách kỳ ảo, với những nét chấm phá tinh tế và tỉ mỉ.

Thật sự, với Forgotten Gods, Grim Dawn dường như đã lột xác thành một thứ gì đó hoàn toàn khác, tựa như một “Grim Dawn 2”, chứ không còn là một tựa game đã gần 4 năm tuổi nữa.

BẠN SẼ GHÉT

Grim Dawn: Forgotten Gods

CỐT TRUYỆN HỜI HỢT, THIẾU CHIỀU SÂU

Từ trước đến nay, Grim Dawn chinh phục người chơi không phải chỉ bằng hệ thống chiến đấu đầy chiều sâu hay đồ họa độc đáo, đặc sắc – mà còn ở pho sử thi đồ sộ với những vị thần hùng mạnh, những đế chế vĩ đại, và những mối quan hệ đan xen chồng chéo sặc mùi chính trị giữa các phe phái.

Việc theo dõi các đoạn hội thoại và đọc những mảnh giấy cũ ghi chép lại lịch sử trong Grim Dawn có thể xem là một cái thú khá đặc thù, khi mà người chơi tựa như đang tự mình đắm chìm trong dòng chảy thời gian vô hạn trong vũ trụ Grim Dawn vậy.

Thế nhưng, với bản mở rộng Grim Dawn: Forgotten Gods này, người chơi khó có thể tìm thấy những trải nghiệm thú vị tương tự được, khi mà cốt truyện lần này lại vô cùng hời hợt và nông cạn.

Grim Dawn: Forgotten Gods chỉ là một phiên bản “ngoại truyện”, không liên quan gì đến cốt truyện chính vốn tạm chấm dứt khi người chơi đã tiêu diệt xong tà thần Loghorrean của tộc C’thonian cũng như Theoden Marcell, tay sai đắc lực của Hội đồng Ngũ Trụ của tộc Aether, giải phóng thành phố Malmouth khỏi ách thống trị của các thế lực tà ác.

Ngay từ cách dẫn truyện, người viết đã cảm thấy một sự hụt hẫng vô cùng to lớn khi mà hầu như chẳng hề có một sự “bôi trơn” nào giữa hai thế giới này cả.

Một vị sứ giả (The Emissary) tự nhiên xuất hiện trước cổng các thành phố, bảo người chơi rằng “hãy về team em”.

Và thế là BÙM, a lê hấp, người chơi xuất hiện ngay tại thành phố đầu tiên của Grim Dawn: Forgotten Gods chỉ bằng một cái búng tay, bị bắt chọn một trong ba phe của Tam Đại Vu Thần để gia nhập.

với bản mở rộng Grim Dawn: Forgotten Gods này, người chơi khó có thể tìm thấy những trải nghiệm thú vị tương tự được, khi mà cốt truyện lần này lại vô cùng hời hợt và nông cạn

Tại đây, trên nền đất của vương triều Korvan cổ đại, một cuộc chiến ất ơ giữa liên minh của Tam Đại Vu Thần (The Three Witch Gods) nhằm chống lại một tổ chức tà ác đang muốn hồi sinh ác thần Korvaak để phá hủy thế giới, đang diễn ra và người chơi bị ném vào đó một cách sỗ sàng và “ngang xương” hết mức có thể.

Điều thú vị nhất, đó là dù khi kiếm được hầu hết các cuộn giấy tại đây, hay chơi xong nhánh nhiệm vụ chính cùng các nhiệm vụ phụ của Grim Dawn: Forgotten Gods, người chơi vẫn như đang “đi trong sương mù”.

Vẫn còn đó vô số câu hỏi chưa có câu trả lời, mà lại còn nảy sinh ra thêm một lô một lốc các “thắc mắc biết hỏi ai” khác.

Chẳng hạn như rốt cuộc Ulzuin là ai, giữ vai trò gì trong công cuộc lật đổ Korvaak? Solael, Dreeg, và Bysmiel có quan hệ gì với Korvaak, và tại sao phải đảo chính để chiếm quyền cai trị cõi Eldritch? Korvaak và Empyrion có quan hệ gì với nhau không…

Sự thật thì những đoạn hội thoại cùng các NPC cũng không giúp ích được gì nhiều, ngoài chuyện đại diện mỗi phe đều ra sức “tán dương công đức” của vị thần mà mình đang thờ phụng, hoặc yêu cầu người chơi đi tìm cái này, đi giết con nọ… mà hầu như chẳng hề có một mối liên quan cụ thể nào.

Đến sau cùng, người chơi cũng chẳng biết sự thật Korvaak từng là thần gì, tại sao bị phản bội, ai nói dối ai nói thật, vương triều Korvan sụp đổ vì đâu…

Có thể nói, Grim Dawn: Forgotten Gods là bản mở rộng có cốt truyện “chưng hửng” nhất từ khi Grim Dawn ra mắt tới nay, với một hệ thống nhiệm vụ… tào lao cùng những đoạn sử thi lan man, lạc đề hết mức có thể.

Và tuy bản đồ của Grim Dawn: Forgotten Gods được thể hiện khá chi tiết và đẹp mắt, thế nhưng cái cách mà Crate “cắt dán” nó vào bản đồ chính của Cairn thực sự nhìn hết sức rẻ tiền và “đau mắt”!

Bạc 8.5

Về cơ bản, Forgotten Gods có thể xem là một phần nội dung có rất nhiều giá trị quý giá đối với cộng đồng hâm mộ Grim Dawn. Với vô số cải tiến, nâng cấp, cùng “lớp áo” đồ họa xuất sắc mới, Forgotten Gods xứng đáng chiếm một vị trí trong những thứ phải mua khi quyết định gia nhập môn phái “cày” Grim Dawn. Tuy nhiên, phần cốt truyện vừa ngắn vừa “lởm” đã để lại một vết đen “khó chịu” trong pho sử thi của dòng game vĩ đại này, vốn nổi tiếng là sâu sắc và lôi cuốn. Thôi thì, cũng chỉ đành tự an ủi “không ai là hoàn hảo” mà thôi.

Thông tin

  • Grim Dawn: Forgotten Gods
  • Nhà phát triển
    Crate Entertainment
  • Nhà phát hành
    Crate Entertainment
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    27/03/2019
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows Vista / Windows 7 / Windows 8 / Windows 10
  • CPU
    x86 2.3GHz (Intel 2nd generation core i-series)
  • RAM
    2GB
  • GPU
    512MB NVIDIA GeForce 6800 / ATI Radeon X800
  • Lưu trữ
    5GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • Lưu trữ
    Samsung 950 Pro 256GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Crate Entertainment. Chơi trên PC.