Hướng dẫn Rainbow Six Siege – Là tựa game bắn súng, chiến thuật được phát hành chính thức bởi Ubisoft vào năm 2015.
Trải qua bao năm tháng phát triển, tính đến bản cập nhật gần nhất là Operation Ember Rise, Rainbow Six Siege đã có đến 50 nhân vật (Operator) với bộ trang bị và kĩ năng đặc trưng.
Trong Rainbow Six Siege, một bước đi sai lầm cũng có thể nhẹ nhàng tiễn bạn lên bảng đếm số, khiến cho nó khá khó chơi và yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng với đồng đội.
Từ đó, phân chia vai trò trong đội hình là vô cùng quan trọng trong bất kì trận đấu nào, không chỉ giúp người chơi dễ dàng làm quen với game mà còn thuận tiện hơn trong việc thiết lập chiến thuật.
Sau đây là hướng dẫn Rainbow Six Siege cơ bản về 6 vai trò điển hình được phân chia theo kĩ năng và lối chơi cá nhân bên phe tấn công mà bạn nên và phải tìm hiểu nếu muốn “try-hard” nghiêm túc!
1. ENTRY FRAGGER (TẤN CÔNG)
Như bao tựa game bắn súng, mỗi đội hình luôn cần có một người tiên phong, sẵn sàng lao lên trước để mở đường cho đồng đội và hi sinh đầu tiên để đổi mạng cho phe mình.
Đến với Rainbow Six Siege thì vai trò này sẽ có chút khác biệt hơn. Tiên phong đi đầu không có nghĩa là lập tức lao thẳng vào cứ điểm (site) thí mạng.
Một Entry Fragger có nhiệm vụ nhắm vào cửa ra vào, cửa sổ thông với cứ điểm để thu thập thông tin một cách trực quan và gây áp lực cho đối phương, đồng thời phối hợp chờ đồng đội thu thập đủ thông tin mới nổ súng để mở giao tranh.
Người chơi vị trí Entry Fragger nên chọn các Operator có độ linh hoạt cao, di chuyển giữa các khu vực trong thời gian ngắn.
Không vòng vo mà nên tiến lại gần cứ điểm nhất có thể để giữ và chờ đồng đội đi vào. Vì địch thường khá sơ xuất trong giai đoạn đầu game, nên nếu “chắc tay” hơn, bạn hoàn toàn có thể đẩy thẳng vào, thu về cho mình vài mạng đầu tiên, giảm thiểu áp lực cho đồng đội.
Những đặc vụ tiêu biểu: Ash, Blitz, Amaru, Nokk…
2. SOFT BREACHER (PHÁ TƯỜNG MỀM)
Có một thứ làm nên đặc trưng của Rainbow Six Siege, đó là gần như mọi thứ đều có thể phá hủy được.
Từ sàn nhà, tường, cho đến vật thể trong môi trường, nhằm mở thêm lối đi hoặc những góc tạo lợi thế cho các pha đấu súng.
Đến đây, chúng ta sẽ có một nhóm nhân vật chuyên cho việc đó: Soft Breacher.
Soft Breacher là những nhân vật sở hữu kĩ năng phá vật thể mềm tầm gần hoặc tầm xa tùy theo nhân vật.
Nhóm nhân vật này đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giúp phe tấn công chủ động tiến đánh vào cứ điểm hơn qua việc phá các cửa sập, tường…. Đồng thời xử lí các thiết bị của phe thủ từ xa qua những góc bắn mới, tạo thuận lợi hơn cho phe tấn công đẩy vào.
Phụ thuộc vào kĩ năng của nhân vật sẽ phù hợp với công việc khác nhau. Những Operator có thể phá từ xa thường có sức công phá rất lớn chỉ bằng một cú nổ, hiệu quả trong việc tạo lối đi mới, hoặc dùng để “xử lí” thiết bị của phe phòng thủ cũng khá hiệu quả.
Đối với Operator có khả năng phá tầm trung và gần thì có thể tận dụng kĩ năng tốt hơn khi phá cửa sập, tạo các góc bắn mới và chỉ mở lối đi khi thật sự thấy cần thiết.
Những đặc vụ tiêu biểu: Sledge, Buck, Zofia…
3. HARD BREACHER (PHÁ TƯỜNG GIA CỐ)
Trong một trận đấu, mỗi người bên phe thủ sẽ có hai tấm tường gia cố giúp vá những bức tường mềm, cửa sập, làm cho những vật cản này hoàn toàn không thể bị phá hủy bởi kĩ năng của Soft Breacher, Hard Breacher sẽ giải quyết được vấn đề này.
Hard Breacher có khả năng khá tương đồng với Soft Breacher là phá hủy được tường, sàn nhà, cửa sập.
Nhưng thậm chí tốt hơn bởi Hard Breacher có thể “đục nát” một tấm tường gia cố chỉ trong vài giây, khiến cho các nhân vật này là mục tiêu “trừ khử” hàng đầu của phe thủ.
Hiện tại, Hard Breacher là nhóm nhân vật duy nhất có thể phá được tường gia cố. Với khả năng bá đạo như vậy, việc sống sót của vai trò này được ưu tiên hàng đầu.
Người chơi nên hạn chế các pha giao tranh và thu thập thông tin rồi mới di chuyển vào tòa nhà, luôn đảm bảo tận dụng triệt để kĩ năng trước khi lao vào các cuộc đấu súng.
Những đặc vụ tiêu biểu: Thermite, Hibana, Maverick.
4. INTEL GATHERER (THU THẬP THÔNG TIN)
Với một tựa game đặt nặng tính chiến thuật như Rainbow Six Siege, thông tin chiếm vai trò rất quan trọng vì chỉ cần nắm được vị trí của địch là sẽ giúp tăng tỉ lệ thắng của đội bạn lên gấp bội.
Intel Gatherer có vai trò gần giống với hỗ trợ nhưng có phần bị động hơn khi yêu cầu bạn phải giao tiếp thường xuyên với đồng đội.
Những thông tin vai trò này đem lại sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ bị móc lốp, chủ động kiểm soát khu vực hoặc nhận biết được vị trí đặt thiết bị của địch để dễ dàng phá hủy.
Người chơi vai trò này cần nắm rõ một lượng kiến thức về bản đồ, thông tin bên phe thủ nhằm đưa ra báo cáo (call out) một cách cụ thể và chính xác hơn.
Đồng thời, một Intel Gatherer nên chủ động tìm và diệt địch có ý định móc từ phía sau hoặc phá hủy thiết bị của phe phòng thủ, nhằm tạo thuận lợi cho đồng đội chiếm điểm.
Những đặc vụ tiêu biểu: Jackal, Montagne, IQ…
5. CROWD CONTROL (KHỐNG CHẾ)
Vai trò này bao gồm các nhân vật có kĩ năng đặt bẫy, gây choáng, quấy rối… nói chung là tạo ra các hiệu ứng bất lợi gây khó khăn, cản trở, tạo áp lực trực tiếp lên kẻ địch.
Cách hoạt động và lợi ích của mỗi kĩ năng là khác nhau. Nhưng về mặt chung thì các hiệu ứng mà nó gây nên thường ép kẻ địch đứng yên hoặc rời khỏi vị trí hiện tại.
Đây là nhóm nhân vật vô cùng hữu ích cho những đợt tấn công có quy mô, chặn đường lui của đối thủ.
Phần lớn các nhân vật trong nhóm này thường có số lần sử dụng kĩ năng khá ít ỏi (2-4 lần).
Nếu thiết bị thuộc dạng đặt được (deployable) thì nên để những nơi địch có thể chạy về cứ điểm giúp câu thêm một lượng nhỏ thời gian và làm lộ vị trí của họ, đối với dạng kích hoạt thì tùy vào tình huống sẽ tăng tỉ lệ thành công cho các pha chiếm site hoặc đặt máy gỡ bom (defuser).
Những đặc vụ tiêu biểu: Nomad, Ying, Lion, Gridlock…
6. SUPPORT (HỖ TRỢ)
Support khá quan trọng trong Rainbow Six Siege khi trực tiếp hỗ trợ những vai trò còn lại, tạo thuận lợi cho họ sử dụng kĩ năng hoặc nắm vị trí hậu phương bắn yểm trợ đồng đội từ xa.
Khi cả đội đang gặp nguy hiểm, Support sẽ có trọng trách cứu vãn tình thế.
Phụ thuộc khá nhiều vào kĩ năng mà mỗi nhân vật sẽ hỗ trợ được cho các vai trò khác nhau như phá hủy thiết bị điện tử giúp Hard Breacher dễ dàng đục tường, vô hiệu hóa hoặc giảm tầm nhìn của kẻ địch mở đường cho Entry Fragger đẩy vào….
Với lượng trang bị ổn định, Supporter có thể tận dụng nó để yểm trợ giúp đồng đội, tránh được những pha “móc lốp” hay đặt máy gỡ bom lúc phe ta đã chiếm được cứ điểm.
Trái ngược với Entry Fragger, người chơi vị trí này nên cân nhắc đi theo đồng đội mọi lúc có thể.
Sử dụng kĩ năng một cách hợp lí và lắng nghe những người chơi khác để xoay chuyển kịp thời trong các tình huống bất lợi.
Những đặc vụ tiêu biểu: Thatcher, Glaz, Capitão…
Như vậy 6 vai trò điển hình của phe tấn công trong Rainbow Six Siege đã được phơi bày, hẹn gặp lại các bạn trong bài hướng dẫn Rainbow Six Siege tiếp theo về phe thủ.