Skip to content

Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai – Đánh Giá Game

Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai

Dragon Quest The Adventure of DaiDragon Quest là một trong những “thủy tổ” của JRPG, với sức ảnh hưởng cực lớn.

Tất nhiên, game thành công sẽ sản sinh ra hàng loạt ngoại truyện (spin-off). Một trong những ngoại truyện của Dragon Quest là bộ manga Dragon Quest: Dai no Daibouken, phát hành lần đầu năm 1989 ở Nhật Bản.

Chà, bạn đọc nghe rất lạ tai đúng không? Vậy, “Dấu Ấn Rồng Thiêng” thì sao? Có thân thuộc hơn không?

Chính xác! Dragon Quest: Dai no Daibouken đã được Nhà xuất bản Kim Đồng đem về Việt Nam với cái tên “Dấu Ấn Rồng Thiêng”, và đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều độc giả.

Với một di sản lớn như vậy, Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai đến từ hãng game quen thuộc, Square Enix – có tiềm năng trở thành tựa game “gối đầu tay cầm” của nhiều game thủ!

Vậy, liệu tựa game này có xứng đáng với kỳ vọng không? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu thử xem nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Dấu Ấn Rồng Thiêng, là Dấu Ấn Rồng Thiêng đó!

Kể có khi, nói ra hai chữ Dragon Quest ở Việt Nam nhiều người có thể không biết, nhưng nói Dấu Ấn Rồng Thiêng, chắc hẳn chẳng cần chơi game, nhiều người thế hệ 8X 9X, và thậm chí là 2K cũng sẽ “ồ” lên một cách đầy thích thú!

Người viết cũng là một trường hợp như vậy. Tựa game Dragon Quest đầu tiên người viết được trải nghiệm là Dragon Quest III, hoặc chính xác hơn là Dragon Warrior III vào năm 2008, tuy nhiên người viết đã được đọc Dấu Ấn Rồng Thiêng trước đó tận… 4 năm. Cùng với Doraemon, đó là những cuốn truyện tranh đầu tiên người viết được đọc, và đương nhiên, những kỷ niệm sâu sắc lại có dịp ùa về khi Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai được công bố.

Đối với những game thủ hâm mộ Dấu Ấn Rồng Thiêng, Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai sẽ là một cơ hội “quý hơn vàng” để họ có thể trực tiếp thả mình vào một biển hoài niệm

Nói thực, sau khi chơi Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai, thì người viết nhớ lại bản dịch của Kim Đồng thời đó có vẻ dịch hơi… chém gió. Thực ra tên nhân vật được giữ khá sát với bản gốc: Đai, Pốp, ông Burasu, công chúa Lêôna, chứ không đổi tới mức không nhận ra như Xuka, Xêkô, nhưng tên kỹ năng thì đúng là các nhà biên dịch đã tha hồ “múa”, nào là Án-ma-ni Bát-ri-hồng, rồi tuyệt chiêu toàn “Huhuhu Lalala”.

Mặc dù chỉ nhớ mang máng nội dung cuốn truyện, vì dẫu sao cũng đã 20 năm rồi, nhưng chỉ cần chơi lại từng phần Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai, những mảnh ký ức như được mở khóa, và người viết được sống lại những khoảnh khắc thời cấp 1, khi cùng đứa bạn đóng vai Đai và đại ma vương Đracubin chiến đấu trận chiến cuối cùng.

Đối với những game thủ hâm mộ Dấu Ấn Rồng Thiêng, Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai sẽ là một cơ hội “quý hơn vàng” để họ có thể trực tiếp thả mình vào một biển hoài niệm, nhớ lại tuổi thơ, tự tay cầm kiếm chiến đấu với những địch thủ không tên trên hòn đảo xa lạ…


Trung thành với nguyên tác… tới tận những chi tiết nhỏ!

Người viết đã chơi qua tương đối nhiều tựa game mà được chuyển thể từ anime, manga, có thể kể đến như Naruto, Kimetsu no Yaiba, đại khái là mấy tựa game Bandai Namco rất hay sản xuất.

Bình thường, vì giới hạn kinh phí nên mạch truyện chính trong những tựa game này sẽ bị cắt giảm và tinh chỉnh xuống mức tối đa, thậm chí là… cắt hết chỉ còn mỗi những đoạn đánh nhau mà thôi, thành thử cả tựa game như là một bản tóm tắt hơn là một bản chuyển thể hoàn chỉnh của anime.

Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai dường như được đưa ra một “sứ mệnh” đặc biệt, đó là trở thành một phương tiện truyền thông thứ ba ngoài manga và anime, nơi người chơi có thể trải nghiệm toàn bộ nội dung của bộ truyện Dragon Quest: Dai no Daibouken, hoặc chính xác hơn là bản anime mới ra mắt gần đây, tới từng chi tiết nhỏ nhất.

Tất nhiên, việc này có vấn đề (sẽ được bàn tới ở phần kế tiếp), tuy nhiên một lần nữa, đối với những “cạ cứng” của bộ truyện hoặc bộ anime, hoặc chí ít với những người có hứng thú với Dấu Ấn Rồng Thiêng nhưng lại… quá lười đọc/xem, thì Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai lại trở thành một điều kiện lý tưởng để bạn có thể trải nghiệm, chí ít là mạch truyện từ hòn đảo quái thú cho tới sự sụp đổ của lâu đài ma vương.

Nói tóm lại, tựa game này là một bản chuyển thể tương đối trung thành và chi tiết, sẽ không khiến người hâm mộ phải thất vọng vì nội dung bị cắt xén.

Tuy nhiên, người viết sẽ không thể đảm bảo người chơi sẽ không thất vọng, vì những lý do dưới đây…

với những người có hứng thú với Dấu Ấn Rồng Thiêng nhưng lại… quá lười đọc/xem, thì Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai lại trở thành một điều kiện lý tưởng để bạn có thể trải nghiệm

BẠN SẼ GHÉT

Phong cách kể cốt truyện kỳ quặc!

Khi phiên bản anime The Adventure of Dai được ra mắt vào năm ngoái, Square Enix có tung kèm một số trò chơi phụ trợ, có lẽ để “tăng view”, câu sức hút cho phiên bản anime này. Chúng bao gồm Xross Blade (một tựa game độc quyền máy thùng), A Hero’s Bond (một tựa game di động nhưng đã bị ngừng dịch vụ vào đầu năm nay), và Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai.

Lẽ tất nhiên, một tựa game “phụ trợ” anime thì không thể ra mắt 5 năm sau khi ra mắt được, và chính có lẽ khung thời gian quá gấp gáp này đã khiến một số quyết định được nhà sản xuất đưa ra có vẻ… không hợp lý lắm.

Đầu tiên, chắc chắn là phải kể đến phong cách để “tường thuật” lại (vâng, chính xác là “tường thuật” chứ không phải là kể chuyện nữa) của Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai là khá kỳ cục.

Như những tựa game Dragon Quest thông thường, mạch truyện sẽ được kể qua những phân cảnh trong game, khi người chơi tới địa điểm A, địa điểm B, nói chuyện với người C, D nào đó. Tuy nhiên, Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai kể lại câu chuyện bằng… một loạt những ảnh cắt trực tiếp từ bộ anime, rồi… lồng tiếng nhân vật lên trên, hoặc là một đoạn tường thuật của người dẫn chuyện.

Và việc này diễn ra đối với 99% cốt truyện! Hoá ra cả tựa game là một cuốn album dày cộp, chứa đầy những khung hình được cắt ra từ anime, với hi vọng người chơi… nắm đại khái được logic mạch truyện bằng cách theo dõi hình ảnh và đọc “tường thuật”.

Chơi Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai, người viết cứ ngỡ là đang xem một chiếc video recap phim trên YouTube nào đó, tóm gọn lại bộ anime The Adventure of Dai cho người chơi xem.

Chẳng đùa, thậm chí tựa game còn có một… thanh tua lại màu đỏ, với các lựa chọn như: tua nhanh, tua chậm, tua lùi lại vài khung hình, tua tiến lên vài khung hình. Nếu không tập trung, người chơi có khi còn nghĩ mình đang Alt-Tab nhầm sang YouTube lúc nào không hay!

Phương án này thực tế có thể thành công nếu Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai chỉ tóm tắt lại một số sự kiện chính, nhưng chính vì sự “trung thành tuyệt đối” mà người viết đã nêu trên, thành thử tựa game lại trở thành một thứ chẳng rõ mục đích. Nếu đã như vậy sao không cắt hẳn video từ anime rồi dán luôn vào cho gọn? (Chắc có lẽ vì lý do bản quyền từ Netflix chăng?)

“Cay” hơn, là studio hoàn toàn có thể thực hiện một tựa game chuyển thể “trong mơ”, vì một số phân cảnh được dựng bằng engine game lại vô cùng mượt mà, đẹp mắt và nghệ thuật với công nghệ viền cel-shading.

Phân cảnh Đai đấu đầu với Hađôla được tái hiện một cách hoành tráng, đã mắt, rất tiếc chúng chỉ chiếm tí tẹo trong toàn bộ cuốn album dày cộp kể trên.

Có lẽ, lý do là thời lượng và ngân sách phát triển trò chơi quá hạn hẹp đã dẫn tới sự vụ đáng tiếc này.

Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai kể lại câu chuyện bằng… một loạt những ảnh cắt trực tiếp từ bộ anime, rồi… lồng tiếng nhân vật lên trên, hoặc là một đoạn tường thuật của người dẫn chuyện


Dragon Quest The Adventure of Dai

Chế độ RPG gần như không có, chiến đấu lặp lại

Các bạn chê Final Fantasy XVI thiếu “tính RPG”? Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai thậm chí còn cắt bỏ luôn cả tính năng trang bị đồ, không biết vô tình hay cố ý, thành thử dàn nhân vật của chúng ta mặc đúng một bộ trang bị từ đầu tới cuối game – y như manga!

Bù lại, chúng ta có những thứ gọi là Bond Memory, được “cày” ở trong một khu gọi là Temple of Recollection, một nơi gần như là roguelike, khi người chơi leo dần các tháp, đánh quái vật ngẫu nhiên hiện ra và thu thập các mảnh Bond Memory rải rác khắp khu vực.

Nói chẳng ngoa, cấu trúc nhiệm vụ của Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai không khác gì một tựa game di động. Vòng lặp chơi game diễn tiến như sau:

  • Bạn cắm đầu vào “cày” cốt truyện.
  • Tự nhiên vào một nhiệm vụ nào đó gặp một con quái trùm siêu tăng (tank), tới mức chém nó không khác gì “gãi ngứa”.
  • Bạn phải cày lại các nhiệm vụ trước để lên cấp.
  • Sau đó, vào Temple of Recollection cày “đồ”, cụ thể là các Bond Memory có độ hiếm khác nhau.
  • ???
  • Tiếp tục cốt truyện.
Dragon Quest The Adventure of Dai

“Chơi game RPG thì “cày” là bình thường mà!?”, nhiều bạn đọc sẽ nói. Tuy nhiên, “cày” trong RPG là người chơi được tự do khám phá các vùng đất mới, đi loanh quanh trong thế giới, mua thêm trang bị, học thêm phép, chứ nếu vào lại những nhiệm vụ cũ, rồi “cày đi cày lại” cho tới khi đủ cấp, là đặc sệt “mùi” game gacha di động rồi!

Đó là còn chưa kể, để nâng cấp Bond Memory, bạn phải nhặt được… đúng Bond Memory đấy một lần nữa, chẳng khác gì đang chơi gacha cả.

Không những vậy, Temple of Recollection còn… giới hạn số tầng bạn có thể khám phá nếu bạn chưa “cày” xong cốt truyện tới một mốc nào đó, tạo nên một vòng lặp phản hồi vô tận…

Ngoài những màn chiến đấu theo cốt truyện, thì số lượng quái vật trong Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai là ít tới đáng thương, tới mức mà người viết bắt đầu thấy mọi thứ lặp lại y như cũ chỉ sau tầm 3-4 giờ chơi.

Dragon Quest The Adventure of Dai

Một tựa game mà 90% thời lượng là dành cho cốt truyện, vậy mà người viết vẫn cảm thấy lối chơi đơn điệu và tẻ nhạt, thì cho thấy rõ ràng định hướng của tựa game này có nhiều vấn đề!

Nói đi cũng phải nói lại, Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai có một cơ chế chiến đấu “chặt và chém” (hack-and-slash) khá vui nhộn, một số trận chiến quái trùm tương đối gay cấn, và liên tục dùng tuyệt chiêu “Avan Sutôlátsư” để “quạt chả” mọi quái vật trên đường là một cách “đốt thời gian” nhàn nhã, nhưng vậy là không đủ để cứu vãn những sự khó chịu khi chơi Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai.

Một tựa game mà 90% thời lượng là dành cho cốt truyện, vậy mà người viết vẫn cảm thấy lối chơi đơn điệu và tẻ nhạt, thì cho thấy rõ ràng định hướng của tựa game này có nhiều vấn đề!

6.5

Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai có tất cả mọi nguyên liệu để có thể thành công: một cốt truyện "xịn sò" sẵn, một bộ khung game đẹp đẽ, hoành tráng, đủ sức để dựng lên những trận chiến đấu để đời, một di sản của Dragon Quest qua hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, những sai lầm trong định hướng, hoặc cũng có thể do hạn hẹp kinh phí và thời gian phát triển, khiến cho "rồng thiêng" này khó lòng để lại "dấu ấn" trong lòng game thủ.

Thông tin

  • Infinity Strash: Dragon Quest The Adventure of Dai
  • Nhà phát triển
    Square Enix
  • Nhà phát hành
    Square Enix
  • Thể loại
    JRPG
  • Ngày ra mắt
    28/09/2023
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 4, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    AMD Ryzen3 1200
  • RAM
    8
  • GPU
    RTX 470 / NVIDIA® GeForce® GTX 1060
  • Lưu trữ
    15
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    AMD Ryzen 7 5800X
  • RAM
    32
  • GPU
    RTX 3080
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SQUARE ENIX. Chơi trên PC.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận