Last Train Home – Một trong những hệ quả thú vị của việc ngành game toàn cầu phát triển chóng mặt là những mẩu chuyện tưởng như “bị lãng quên” của lịch sử thế giới nay xuất hiện trong game, với những lối kể chuyện đặc thù, mới mẻ mà lại vô cùng hiệu quả.
Từ những người lính du kích Ba Lan dũng cảm trong Đệ Nhị Thế chiến ở Partisan 1941, đời sống thường nhật của ngôi làng Tassing thời Trung Cổ trong Pentiment, đến chuyến phiêu lưu của chàng bần nông Henry tại vương quốc Bohemia trong Kingdom Come Deliverance, đây đều là những tựa game sinh ra từ tình yêu lịch sử quê hương của các nhà làm game, và từ đó người chơi trên khắp thế giới có cơ hội được trải nghiệm một phần lịch sử hào hùng, thú vị hoặc thậm chí là… hài hước của họ.
Last Train Home – do studio Ashborne Games dường như là tựa game tiếp theo trong làn sóng này, khi tựa game theo chân một góc nhỏ bị lịch sử lãng quên ở nước Nga thời cách mạng, trỗi dậy giữa những biến cố lịch sử để mở ra những trang mới cho một trong những quốc gia châu Âu “mới” quan trọng nhất lịch sử đương đại.
Vậy chuyến tàu cuối cùng này có gì đặc biệt? Và hành trình của họ có trót lọt hay không? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trong bài viết này nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Chuyến hành quân cuối cùng
Nước Nga năm 1918 là một thời điểm vô cùng loạn lạc, với phe Bolseviks và phe Bạch vệ tranh giành quyền lực trong suốt 6 năm nội chiến Nga. Đây là một cuộc chiến tranh đẫm máu, khốc liệt và vô cùng phức tạp, phần lớn là vì các phe tham chiến chỉ không có người Nga, mà còn có sự can thiệp của các đế quốc xung quanh, các phe ly khai, và những quân đoàn “chư hầu” của chế độ Sa Hoàng cũ.
Một trong số các “quân đoàn” nước ngoài bị cuốn vào cuộc nội chiến khủng khiếp này là quân đoàn Tiệp Khắc, tham chiến vì nghe theo lời hứa viễn vông của phe Bạch vệ rằng nếu chiến thắng họ sẽ “trao trả độc lập” cho một nước Tiệp Khắc cộng hòa mới. Nhưng chiến sự ngày càng leo thang, và những người lính của quân đoàn Tiệp Khắc ngày càng mệt mỏi vì chiến trận, và đây là cơ hội của họ, vượt qua nước Nga mênh mông, hiểm trở để quay về cố hương trên những chuyến tàu thiết giáp.
Bối cảnh lịch sử của Last Train Home là một mảnh ghép lịch sử vô cùng thú vị nhưng ít ai biết đến. Nhưng thế mạnh của bối cảnh này không chỉ dừng lại ở đó, xuyên suốt game, quân đoàn Tiệp Khắc luôn ở trong tình thế hiểm nghèo, khi không ai cung ứng cho họ thuốc men, đạn dược, thực phẩm và thậm chí là nhiên liệu để con tàu đi tiếp, còn các phe phái chiến tranh xung quanh họ thì nếu không “đạn lạc” thì cũng sẵn sàng chĩa súng về phía họ để cướp tài nguyên hoặc thị uy dân chúng.
Tình thế hiểm nghèo này khiến cho cốt truyện và cơ chế của game rất hài hòa với nhau. Xuyên suốt Last Train Home, người chơi sẽ làm hai hoạt động chính: lái tàu, cử binh sĩ tới những khu vực nhất định để thám thính hoặc dò tìm tài nguyên, nhưng lâu lâu họ sẽ bị chặn đánh bởi thổ phỉ hoặc một trong các phe tham chiến. Lúc này người chơi buộc phải dừng tàu lại và trực tiếp điều khiển quân đương đầu với kẻ thù.
Mỗi hoạt động “chính” của game lại yêu cầu những tài nguyên khác nhau, khi lái tàu thì người chơi cần phải để ý tới thực phẩm, nhiên liệu, còn khi chiến đấu thì là thuốc men, đạn dược. Nhưng “điểm chung” lớn nhất của hai hoạt động này đó là “bài toán con người”.
Mỗi binh sĩ trên chuyến tàu hồi hương sẽ có ba chỉ số riêng biệt: thanh máu (HP), tinh thần (morale) và thể lực (stamina), và tùy vào quyết định của người chơi mà chúng sẽ bị “bòn rút” theo cách này hay cách khác.
Đơn cử, nếu người chơi bất cẩn trong chiến đấu, các binh sĩ sẽ bị thương và mất máu, nếu người chơi không đủ thuốc men để chữa thì họ không những sẽ chết dần, mà còn “bào” cả tinh thần của những binh sĩ khác. Cái chết của đồng đội chắc chắn sẽ khiến cho các binh sĩ suy sụp tinh thần nghiêm trọng, và nếu bạn bắt họ làm việc quá nhiều thì việc thiếu hụt thể lực cũng khiến cho việc phục hồi tinh thần khó khăn hơn.
Mặc dù người chơi hoàn toàn có thể tiết kiệm để trao đổi, buôn bán tài nguyên với cư dân địa phương, nhưng những mặt hàng thiết yếu thường xuyên đắt đỏ, và nếu dựa quá nhiều vào cơ chế này thì tình thế chắc chắc sẽ còn “hiểm nghèo” hơn nữa.
Việc những chỉ số này quan hệ khăng khít với nhau còn càng khiến cho việc chơi Last Train Home, đặc biệt là ở những độ khó cao hơn, nặng lòng hơn nữa. Người chơi vì khan hiếm tài nguyên nên phải luôn ép binh sĩ làm việc hết công sức, những cuộc đụng độ lúc nào cũng kết thúc bằng việc đổ máu và bòn rút thêm sức lực của mọi người.
Nhưng khác với những tựa game sinh tồn “nặng đô” như Frostpunk, Last Train Home còn “đánh” vào tâm lý người chơi bằng cách khắc họa những người lính này một cách vô cùng thân mật và tỉ mỉ.
Bối cảnh lịch sử của Last Train Home là một mảnh ghép lịch sử vô cùng thú vị nhưng ít ai biết đến
Gửi Những Người Con Tiệp Khắc Của Một Trăm Năm Sau
Đóng vai chỉ huy mới của quân đoàn Tiệp Khắc sau một biến cố dẫn tới cái chết của người chỉ huy cũ, người chơi dường như bị “đẩy” vào một tình thế khó xử khi bản thân chỉ là một sĩ quan trẻ, thiếu kinh nghiệm trong khi tất cả những binh sĩ dưới quyền bạn luôn hoài nghi và so sánh bạn với người chỉ huy trước.
Xuyên suốt game, người chơi phải vật lộn rất nhiều với niềm tin của những người đồng đội, và tình thế hiểm nghèo trước mắt khiến cho những khó khăn trong game trở nên thật hơn, đáng tin hơn, và nặng lòng hơn.
Càng nặng lòng hơn khi những người lính dưới quyền bạn không phải là những gương mặt vô cảm giống nhau như những tựa game khác, mỗi người lính có một giọng nói riêng, một khuôn mặt riêng, một câu chuyện riêng, một hoài bão riêng về quê nhà, về đất nước Tiệp Khắc mới. Xuyên suốt quá trình game, qua những sóng gió, những đau thương và mất mát của chiến tranh, người chơi sẽ trở nên gắn bó với những người lính này nhiều hơn nữa.
Điều khéo léo nhất mà Last Train Home làm được là xây dựng sự gắn kết đó một cách uyển chuyển và vô cùng tự nhiên bằng sự hài hòa của lối chơi và dẫn truyện.
Lối chơi với cường độ hoạt động và căng thẳng cao với một mạch truyện hiểm nghèo khiến cho người chơi dễ dàng trân quý mọi tương tác với những binh sĩ dưới quyền của mình, dù là trong chiến trận, chỉ huy lái tàu hay đơn giản là trò chuyện giữa những khoản nghỉ.
Cơ chế “chết là mất” (permadeath) khiến cho mọi mất mát của game càng đau xót hơn nữa, khiến cho người viết sẵn sàng đánh đổi rất nhiều để đảm bảo rằng tất cả những người lính đều có thể trở về được nhà, được thấy cố hương và cùng nhau xây dựng một nền cộng hòa mới.
Đến cuối game, khi người chơi cuối cùng nhìn thấy được đường về quê hương trước mắt, giữa những lầm than và khổ cực đã qua, để được trở thành một phần của lịch sử, thì Last Train Home đã thành công trong việc kể một câu chuyện thật phi thường, bằng một phương thức thật gần gũi.
người chơi phải vật lộn rất nhiều với niềm tin của những người đồng đội, và tình thế hiểm nghèo trước mắt khiến cho những khó khăn trong game trở nên thật hơn, đáng tin hơn, và nặng lòng hơn
BẠN SẼ GHÉT
Những Cuộc Chiến “Nửa Vời”
Mặc dù lối chơi quản lý và dẫn truyện của Last Train Home là tuyệt vời và hòa quyện khéo léo như vậy, nhưng cơ chế chiến đấu của game lại không đủ “sức nặng” để đi cùng chúng.
Các nhiệm vụ chiến đấu của game lấy góc nhìn từ trên xuống và cho phép người chơi hành động bí mật, thế nên cảm giác mang lại rất giống những tựa game kinh điển như Desperados, Commandos hay các tựa game mới hơn của hãng MiMiMi như Shadow Tactics. Nhưng điểm giống nhau chỉ dừng lại ở việc game cho lựa chọn đi khẽ, đâm lén và dừng thời gian, thiết kế màn chơi của Last Train Home có phần tương đối tùy tiện để cho phép những cơ chế hành động bí mật, và hầu hết thời gian người chơi chỉ đi khẽ để “xử” vài ba tên lính canh đứng ngoài trước khi bị phát hiện một cách “trớt quớt” trước khi đấu súng với kẻ thù.
Và một khi những cuộc đấu súng xảy ra, vấn đề lớn nhất trong cơ chế chiến đấu của Last Train Home ngay lập tức xuất hiện – đó là AI (trí thông minh nhân tạo) kẻ thù quá sơ sài.
Sẽ có 4 chủng binh sĩ khác nhau để người chơi điều khiển, bao gồm quân y, lính xung kích, lính trinh thám và lính ném lựu. Các binh chủng này đều có trang bị và kĩ năng khác nhau, và có chức năng khác nhau trong chiến đấu, và dù đôi khi chúng mở ra những lựa chọn chiến thuật thú vị, nhưng vì thời gian phản hồi và cách bố trí của kẻ thù quá chậm và quá… ngu ngốc (đứng tơ hơ ra không núp hoặc chạy thẳng vào làn đạn của người chơi), nên những thử thách chiến đấu lập tức tan biến!
Tổ đội lính của người chơi chỉ cần lên 1-2 cấp là đã có thể hoàn toàn áp đảo những toán đông kẻ thù, khiến cho những cuộc đụng độ trong game trở nên đơn điệu, tốn thời gian và nhàm chán, trở thành một “phần nền” có phần thừa thãi so với lối dẫn truyện và cơ chế quản lý tài nguyên tuyệt vời của game.
Thậm chí, việc lên cấp là còn không cần thiết, bởi vì kẻ thù quá chậm chạp và đơn giản nên nhiều khi người chơi chỉ cần cho một toán lính xung kích lao lên cứ điểm là kẻ thù đã… chôn chân chịu chết.
vấn đề lớn nhất trong cơ chế chiến đấu của Last Train Home ngay lập tức xuất hiện – đó là AI (trí thông minh nhân tạo) kẻ thù quá sơ sài.