Skip to content

Mary Skelter Finale – Đánh Giá Game

Mary Skelter Finale

Mary Skelter Finale Mary Skelter thực ra là một dòng game khá có tiếng tại thị trường Nhật Bản, tuy nhiên không rõ vì sao tựa game này lại không gây được nhiều tiếng vang tại thị trường phương Tây.

Ngẫm lại, thậm chí tựa game như Dragon Quest còn bị “bỏ rơi”, thì việc Mary Skelter, với một mô-típ quái dị và những nhân vật như phiên bản anime của truyện cổ tích Grimm, không tạo được ấn tượng nào cũng không phải không có cơ sở.

Điều này khá đáng tiếc, vì hai tựa game trước đó đều được khen ngợi vì cốt truyện lôi cuốn và lối chơi có chiều sâu,

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu, tựa game cuối cùng trong dòng game, Mary Skelter Finale, sẽ đem lại gì nhé.

BẠN SẼ THÍCH

Cốt truyện tăm tối

Nghe tới hãng Compile Heart, chúng ta thường liên tưởng tới những tựa game có cốt truyện chỉ nhằm mục đích… tấu hài, như bộ game Neptunia chẳng hạn.

Tới mức, chỉ cần nghe tựa game do Compile Heart sản xuất thì nhiều người đã ngầm định hiểu rằng đó là tựa game hướng tới các đối tượng “quý bửu” với những cô nàng nhân vật anime hết sức “moe”, tha hồ cho người chơi tận hưởng… bằng cách này hoặc cách khác.

Nhưng dòng Mary Skelter thì không như vậy!

Đừng hiểu nhầm! Mary Skelter vẫn chứa đầy ắp những cô nàng nhân vật hết sức “moe” và dễ thương, và có lẽ được vẽ đặc biệt nhằm hướng tới đối tượng người chơi “quý bửu”, tuy nhiên thay vì một mạch truyện nhẹ nhàng tình cảm, thì xuyên suốt các tựa game là một không khí áp bức nặng nề, đề cập các giá trị đạo đức bị tụt giảm nghiêm trọng, và đặc biệt nhiều… máu me.

Cốt truyện của Mary Skelter Finale mở ra ngay sau phần True Ending của Mary Skelter Nightmares, khi người chơi giải cứu thành công Otsuu, hồi sinh Little Mermaid cùng đánh bại Jail Nightmare và thoát khỏi ngục tù, chui lên mặt đất.

Đừng vội bỏ đi nếu bạn không hiểu chữ nào trên đoạn văn vừa rồi, vì may thay, Compile Heart đã tốt bụng cung cấp cho người chơi toàn bộ những đoạn cắt cảnh quan trọng của Mary Skelter NightmaresMary Skelter 2 trong game.

Nghĩa là, khi sở hữu Mary Skelter Finale, bạn đồng thời sở hữu luôn hai tựa game đầu trừ phần khám phá hầm ngục và chiến đấu.

Để dễ bề hình dung cho người đọc, người viết xin tóm tắt một cách ngắn gọn nhất: một thành phố không tên bị một lực lượng bí ẩn tên là Marchen xâm chiếm.

Giữa thành phố này là một “Jail”, một vật thể sống đã “nuốt” rất nhiều người và giam giữ và tra tấn họ ở bên trong.

Những người có khả năng chiến đấu chống lại Marchen được gọi là Blood Maiden (những thiếu nữ xinh đẹp lo việc chiến đấu) và Blood Youth (các cậu thiếu niên có khả năng dùng máu mình để hỗ trợ Blood Maiden).

Người chơi sẽ theo chân Jack, Blood Youth đầu tiên, cùng một nhóm Blood Maiden với tên được lấy thẳng từ cổ tích ra như Alice, Red Riding Hood (Cô bé quàng khăn đỏ), Little Mermaid (Nàng tiên cá) v.v. khi nhóm này cố gắng phá hủy Jail và leo lên mặt đất.

Mary Skelter Finale bắt đầu sau kết thúc của Mary Skelter Nightmares (trong khi Mary Skelter 2 là tiền truyện), và tưởng chừng nhóm bạn của chúng ta sẽ tìm được bình an… nhưng chào đón họ là xác chết chất đống, máu đỏ chót vương vãi khắp nơi, một Jail còn to hơn Jail đã giam cầm họ bay lơ lửng trên không, và 4 Massacre Pink, 4 thiếu nữ được đặt tên theo 4 phương pháp hành quyết cổ xưa.

Họ sở hữu sức mạnh vượt xa Blood Maiden của chúng ta vốn đã quá mệt mỏi sau một trận chiến dài lê thê, và dễ dàng nghiền nát tất cả những người phàm còn sống sót khi họ cố gắng trèo ra ngoài miệng hố.

Hikari với sức mạnh thiên thần của mình đã dịch chuyển toàn bộ nhóm Blood Maiden đi ngẫu nhiên khắp nơi để tránh đám Massacre Pink, và cốt truyện của tựa game bắt đầu…

Mạch truyện đầy ắp những bí ẩn, khiến người chơi mong mỏi tiếp diễn mạch truyện để gỡ bỏ những nút thắt

Cốt truyện của Mary Skelter Finale là khá cuốn (nếu bạn ít nhất nắm được đại khái hai tựa game đầu, nếu không thì bạn sẽ hầu như không thể nào nắm được mối quan hệ giữa các nhân vật và diễn tiến mạch truyện).

Mạch truyện đầy ắp những bí ẩn, khiến người chơi mong mỏi tiếp diễn mạch truyện để gỡ bỏ những nút thắt, tìm hiểu những câu trả lời cho, không chỉ sự kiện trong Mary Skelter Finale, mà còn cho toàn bộ mạch truyện của Mary Skelter nói chung.

Tất nhiên, với bản chất một nửa là “visual novel” thì tựa game yêu cầu người chơi phải đọc rất nhiều, và thực sự đôi khi những sự kiện quan trọng cách nhau khá xa và được xen giữa bởi nhiều lời thoại kiểu “filler” dễ khiến nhiều người không quen đọc visual novel nản lòng, tuy nhiên về tổng thể mạch truyện của Mary Skelter Finale có tính gắn kết cao, rành mạch, không kém phần tăm tối và nhiều nút thắt đòi hỏi người chơi cần gỡ.


Nhân vật được phát triển hợp lý!

Với dàn nhân vật khá khủng, nếu để họ nhốt chung một chỗ thì rất khó để phát triển đồng thời tất cả các tuyến nhân vật, do đó Compile Heart đã đưa ra một quyết định hợp lý khi chia nhỏ dàn nhân vật thành các nhóm nhỏ lẻ, và mạch truyện đi theo từng tuyến nhân vật, khiến người chơi dễ dàng nắm bắt tâm lý của từng nhân vật và nhân cách của họ được phát triển một cách đồng đều.

Điều này khiến người chơi dễ đồng cảm hơn với những diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Đã có nhiều trò chơi với dàn nhân vật lớn nhưng lại không thể phát triển đồng đều hết tất cả các tuyến nhân vật, khiến cho có một số nhân vật bị rơi vào quên lãng một cách đáng tiếc (có ai nhớ anh chàng Amarant trong Final Fantasy IX không? Đúng rồi, anh chàng chơi vuốt ấy!).

Do đó, việc Compile Heart có thể khiến người viết nhớ được tên và tính cách của tất cả các Blood Maiden là một sự vui mừng nho nhỏ, vì thực sự hãng này cũng không ít lần đâm vào vết xe đổ, chế bừa bãi ra nhân vật, dùng đúng một hai lần trong câu chuyện rồi… vứt!

Compile Heart đã đưa ra một quyết định hợp lý khi chia nhỏ dàn nhân vật thành các nhóm nhỏ lẻ, và mạch truyện đi theo từng tuyến nhân vật


Mary Skelter Finale

Khám phá hầm ngục và chiến đấu cuốn hút!

Mary Skelter Finale là một game khám phá hầm ngục (dungeon crawler) góc nhìn thứ nhất, một định dạng game có thể nói là khá hiếm gặp trong thời gian gần đây.

Như đã nói ở trên, nhóm chơi sẽ được chia thành nhiều nhóm, và để vượt qua được hầm ngục người chơi phải chuyển liên tục giữa các nhóm, chẳng hạn như nhóm A bị chặn đường, người chơi phải chuyển sang nhóm B để gạt một cái cần nào đó, để nhóm A di chuyển tiếp chẳng hạn.

Điều này thực sự mở rộng tính khám phá của tựa game ra rất nhiều, người chơi không chỉ đơn thuần là đi từ đầu hầm ngục tới đích, mà còn phải cùng một lúc khám phá nhiều phần hầm ngục khác nhau, và cốt truyện cũng theo đó mà tiến triển một cách bất ngờ và không thể đoán trước được.

Tuy nhiên, việc này lại vô hình chung khiến cốt truyện đôi khi bị phân mảnh, và một vài lúc rơi vào trạng thái “bỏ lửng” và người chơi phải chuyển sang đội còn lại giữa chừng.

Rất may là những tình huống bỏ lửng này xuất hiện không nhiều, nên không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trải nghiệm chơi.

Rải rác khắp các hầm ngục là các câu đố mini để người chơi giải, có cái khó cái dễ, và nhiều bẫy rập yêu cầu người chơi sử dụng khả năng đặc biệt của các Blood Maiden để giải.

Mỗi Blood Maiden có một khả năng giải cạm bẫy riêng, như Otsuu thì tàng hình qua cảm biến, hay Alice thì có khả năng đào hang thỏ ra thành một cái… điểm lưu trò chơi. Ai cũng hữu dụng (trừ Charlotte, chẳng biết kỹ năng cô này làm gì luôn), do đó người chơi phải nắm rõ kỹ năng của Blood Maiden để an toàn vượt qua hầm ngục.

Nhìn chung, những bẫy rập và câu đố là khá thú vị, giúp người chơi đỡ nhàm, mỗi tội đôi khi chúng xuất hiện dày đặc một cách quá đáng.

Khi di chuyển trong hầm ngục, người chơi sẽ bắt gặp Marchen và tiến hành chiến đấu.

Có thể nói, cơ chế chiến đấu của Mary Skelter Finale là cơ chế chiến đấu khá phức tạp và có chiều sâu lớn đối với một JRPG.

người chơi không chỉ đơn thuần là đi từ đầu hầm ngục tới đích, mà còn phải cùng một lúc khám phá nhiều phần hầm ngục khác nhau, và cốt truyện cũng theo đó mà tiến triển một cách bất ngờ

Để đi sâu vào cơ chế chiến đấu, nào là cơ chế Phun máu, rồi chế độ Cuồng nộ, rồi chế độ Tàn sát, rồi điều khiển các cô nàng “liếm” nhau… sẽ tốn quá nhiều không gian (mỗi bản hướng dẫn cơ chế trong Mary Skelter Finale đều dài mấy trang giấy), do đó người viết sẽ chỉ nói rằng cơ chế chiến đấu rất phù hợp với những người ưa thích sự phức tạp và khả năng tùy biến nghề nghiệp nhân vật mức độ cao.

Chiến đấu trong game cũng đôi khi khá thử thách, khi người dùng ngoài thanh máu HP và kỹ năng SP thì phải quan sát khá nhiều chỉ số khác nhau: chỉ số máu còn lại của Blood Youth, chỉ số cuồng nộ của Blood Maiden, không cẩn thận thì không khéo người chơi không chết vì quái mà chết vì… cô nàng dễ thương trong đội bỗng hoá thành Blood Skelter và đấm cả đội.

Người chơi cũng có khả năng tự tuỳ chỉnh hầm ngục qua hệ thống Jail Control, cơ bản là “tự làm khó mình” như tắt bản đồ, hay giảm chỉ số để nhận được thêm vàng hoặc kinh nghiệm.


Mary Skelter Finale

Cực kỳ phù hợp cho Switch!

Với một nửa tựa game ở định dạng tiểu thuyết trực quan (visual novel), một nửa là chiến đấu theo lượt, Mary Skelter Finale khi chơi trên Switch cảm thấy vô cùng sướng tay, và việc có thể đọc những đoạn cốt truyện dài ở bất kỳ đâu sẽ đỡ khổ hơn là ngồi lỳ một chỗ trước màn hình TV hay máy tính.

Người viết đã trải nghiệm không ít visual novel trên máy tính, và hãy tin người viết, trừ khi bạn là người cực kiên nhẫn hoặc đam mê visual novel đến cháy bỏng, bạn sẽ ưa việc nằm trên giường đọc visual novel hơn nhiều.

Mary Skelter Finale khi chơi trên Switch cảm thấy vô cùng sướng tay, và việc có thể đọc những đoạn cốt truyện dài ở bất kỳ đâu sẽ đỡ khổ hơn là ngồi lỳ một chỗ trước màn hình TV hay máy tính

BẠN SẼ GHÉT

Đôi khi hầm ngục trở nên khó chịu

Đôi khi, hầm ngục của Mary Skelter Finale sẽ trở nên rất khó để chơi, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có hầm ngục có tông màu quá chói mắt, vàng khè từ đầu đến cuối, thậm chí nhìn lâu hầm ngục này khiến người viết hơi choáng váng và mỏi mắt.

Có hầm ngục thì như Ctrl-C + Ctrl-V vậy, lặp đi lặp lại đến phát buồn tẻ!

Có hầm ngục thì quá lạm dụng bẫy rập như đã nói ở trên. Cảm giác như một nhân viên nào đó ở Compile Heart đã có một ngày tồi tệ, và anh này quyết định cắm bừa bãi bẫy ở khắp nơi trong hầm ngục để người chơi cũng chịu khổ cùng.

Mặc dù về đại khái, việc khám phá hầm ngục vẫn đem lại cảm giác thích thú, nhưng có thể mọi thứ đã tốt hơn nếu không có những hạt “sạn” trên.

Đôi khi, hầm ngục của Mary Skelter Finale sẽ trở nên rất khó để chơi, vì nhiều nguyên nhân khác nhau


Mary Skelter Finale

Đồ họa không tiến triển

So với hai tựa game tiền nhiệm thì đồ họa của Mary Skelter Finale không có tiến triển gì, thậm chí còn có cảm giác hơi thụt lùi.

Có nhiều chỗ độ phân giải của vân bề mặt cảm tưởng như được lấy từ thời game PS2 rồi chắp vá vào vậy! Những nhân vật thì ngoài việc miệng có cử động một chút, mô hình di chuyển lên chuyển xuống một tí, thì không hề thay đổi biểu cảm khuôn mặt, như bức tượng vậy.

Compile Heart sẽ cần cải thiện nhiều hơn mặt đồ họa trong những tựa game tiếp theo của hãng nếu thực sự muốn thu hút và lôi kéo người chơi.

So với hai tựa game tiền nhiệm thì đồ họa của Mary Skelter Finale không có tiến triển gì, thậm chí còn có cảm giác hơi thụt lùi


Mary Skelter Finale

Yêu cầu hiểu rõ các phiên bản trước

Thực ra việc này không lạ, các tựa game hậu bản đương nhiên yêu cầu người chơi hiểu rõ các phiên bản trước. Tuy nhiên, bình thường thì các nhà làm game sẽ tạo ra một đoạn cắt cảnh ngắn, hoặc video ngắn tóm tắt lại sự kiện các phiên bản trước thôi, như Trails of Cold Steel III đã làm.

Với Mary Skelter Finale, nhà phát triển quyết định… vứt nguyên toàn bộ các đoạn cắt cảnh của hai tựa game trước vào một cách rất lười biếng, nghĩa là người chơi xác định bỏ vài giờ chỉ để đọc visual novel mới hiểu được cốt truyện.

Thứ hai, có vẻ như các phần hướng dẫn cũng coi như là người chơi đã biết chơi rồi, vì người viết cảm thấy chúng khá sơ sài và không ghi lại chi tiết nhiều yếu tố.

Chưa kể, đôi khi game còn chẳng thèm hướng dẫn người chơi, cứ thế đẩy người chơi vào chiến đấu với cơ chế mới toanh, biết thì biết không biết thì… khỏi dùng!

đôi khi game còn chẳng thèm hướng dẫn người chơi, cứ thế đẩy người chơi vào chiến đấu

7.5

Mary Skelter Finale có một cốt truyện cuốn và lối chơi có chiều sâu, tuy nhiên với nền đồ họa không có nhiều tiến triển, chỉ dẫn sơ sài và một phần tóm tắt khá lười biếng, tựa game này có vẻ như chỉ phù hợp với người đã từng chơi dòng game và mong muốn biết được đại kết cục.

Thông tin

  • Mary Skelter Finale
  • Nhà phát triển
    Compile Heart
  • Nhà phát hành
    Idea Factory
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    10/09/2021
  • Nền tảng
    PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Idea Factory. Chơi trên Nintendo Switch.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận