Skip to content

Metaphor: ReFantazio – Đánh Giá Game

Metaphor Refantazio

Metaphor: ReFantazio – Tuổi thơ của người viết, giống như nhiều game thủ thuộc thế hệ 8X, gắn liền với những tựa game JRPG (game nhập vai kiểu Nhật) kinh điển như Final Fantasy, Fire Emblem (Mộc Đế) hay Dragon Quest nhưng nếu phải kể đến một cái tên để lại dấu ấn sâu đậm nhất thì chỉ có thể là Shin Megami Tensei – một thương hiệu lâu đời nhưng còn ít người biết đến của hãng phát hành Atlus.

Với ý tưởng ban đầu dựa trên kịch bản của tiểu thuyết giả tưởng Digital Devil Saga, tất cả các tựa game “chính tông” Shin Megami Tensei, gồm cả các phần nhánh như Shin Megami Tensei: Devil Summoner đều có điểm chung là bối cảnh u ám, thiết kế nhân vật có phần kỳ dị còn độ khó thì “hardcore” đến mức nhiều người từng ví chúng như những phiên bản “Dark Souls” của thể loại JRPG.

Chính vì vậy mà thương hiệu này cho đến nay vẫn còn khá “kén” người chơi và chưa thực sự bức phá ra khỏi thị trường nội địa. 

Chỉ có duy nhất một dòng game phụ bản (spinoff) Persona, đặc biệt là phiên bản Persona 5, đã tạo nên được bước ngoặt lớn nhờ pha trộn thêm yếu tố “quản lý thời gian” (time management) và tính năng “xây dựng mối quan hệ với các nhân vật” (social simulation).

Thành công của cả Persona 3, 4 và 5 không chỉ đem lại danh tiếng và lợi nhuận khổng lồ cho Atlus cùng đội ngũ phát triển P-Studio (tiền thân của Studio Zero sau này – NV), mà còn định hình nên “chuẩn mực” cho các tựa game JRPG phong cách anime, có lối chơi nhập vai theo lượt cho đến tận ngày nay.

Sức hấp dẫn của Persona lớn đến mức, không chỉ lấn át dòng game “mẹ” mà chỉ riêng Persona 5 thôi cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm “ăn theo” như Persona 5 Striker, Persona 5: Dancing in Starlight, Persona 5 Tactica, Persona 5: The Phantom X, chưa kể đến cả một loạt phim anime chuyển thể và sự xuất hiện dưới vai trò khách mời (cameo) của nhân vật chính Joker trong Super Smash Bros. Ultimate.

Là một “fan cứng” của loạt game này, người viết cảm thấy rất phấn khởi nhưng cũng có chút lo lắng khi cảm thấy Atlus đang… “vắt sữa” quá mức các sản phẩm hiện hữu của họ, mà không mảy may đầu tư cho các dự án mới. 

Điển hình như phần tiếp theo của Persona, Persona 6, đã gần… 8 năm kể từ ngày bản thứ 5 ra mắt rồi nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi gì.

Tuy nhiên Atlus vẫn còn một “quân bài chủ chốt” khác mà họ đã ấp ủ từ rất lâu mang tên Project Re Fantasy, một dự án đặc biệt không chỉ kỷ niệm 30 năm thương hiệu Shin Megami Tensei, mà còn quy tụ bộ ba tài năng đứng sau thành công của Persona gồm: đạo diễn Katsura Hashino, họa sĩ Shigenori Soejima và nhà soạn nhạc Shoji Meguro, hứa hẹn mang đến bước đột phá khi lần đầu đội ngũ này bắt tay vào thực hiện một tựa game mang bối cảnh Trung cổ huyền ảo (epic fantasy).

Dù im ắng suốt một thời gian dài sau khi công bố vào năm 2016, Project Re Fantasy đã bất ngờ trở lại năm ngoái với tên gọi chính thức: Metaphor: ReFantazio, rồi sau đó nhanh chóng đạt cột mốc 1 triệu bản tiêu thụ chỉ trong… ngày đầu tiên lên kệ, trở thành tựa game bán chạy nhất lịch sử của hãng Atlus.

Điều gì đã tạo nên sự bức phá kỳ diệu đấy? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu thực hư, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Một hành trình giàu cảm xúc

Ấn tượng đầu tiên của người viết khi bước vào thế giới lung linh huyền ảo đậm chất giả tưởng sử thi (epic fantasy) của Metaphor: ReFantazio chính là một sự phá cách táo bạo, đúng như vị đạo diễn Katsura Hashino từng phát biểu, ông muốn dự án này hoàn toàn khác biệt với những gì mà ông cùng các cộng sự tại Studio Zero đã từng làm trước đây. 

Không còn theo công thức quen thuộc: kịch bản xoay quanh dàn nhân vật là những học sinh trung học tại Nhật Bản đối mặt với những hiểm họa từ xã hội hiện đại cho đến các thế lực siêu nhiên, Studio Zero vẫn thành công trong việc tạo nên một câu chuyện tinh tế, hấp dẫn, cùng một thế giới được xây dựng vô cùng tỉ mỉ và sống động.

Metaphor: ReFantazio còn mang đến một góc nhìn sâu sắc và trưởng thành hơn khi khai thác vấn đề phân hóa giai cấp, đồng thời lồng ghép khéo léo các phép ẩn dụ (đúng như tên gọi của tựa game, “Metaphor”) để truyền tải tinh tế thông điệp về nạn kỳ thị chủng tộc.

Game lấy bối cảnh tại vương quốc Euchronia, nơi hiện diện của tám chủng tộc với đặc điểm ngoại hình, tính cách và vị thế xã hội riêng biệt. 

Tộc Clemar, với cặp sừng trên đầu cùng tư duy sắc bén, nắm quyền lực chính trị và chiếm đa số trong hoàng tộc nên được xem là tầng lớp thượng tôn. 

Tộc Roussainte, với đôi tai dài vuốt nhọn (na ná như tộc Tiên trong The Lord of the Rings), nổi bật về sức mạnh thể chất, nên nắm giữ các vị trí trọng yếu trong quân đội và hành pháp 

Ngược lại, những tộc yếu thế như Khuyển nhân Paripus hay tộc lai dơi Eugief dù có số lượng đông đảo nhưng lối sống an phận và ngoại hình khác biệt, bị xem là tầng lớp thấp kém và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Sự phân hóa này còn sâu sắc đến mức nhiều người không thể tìm được việc làm, không được trọng dụng trong quân đội, thậm chí còn bị xa lánh và cấm xuất hiện ở những nơi trang trọng như nhà thờ và cung điện hoàng gia.

Câu chuyện mở đầu khi Đức Vua Hythlodaeus V bất ngờ bị ám sát, đẩy toàn bộ vương quốc vào cảnh hỗn loạn. Trong lúc các thế lực triều đình xâu xé tranh giành quyền lực, một sự kiện kỳ lạ đã xảy ra đúng vào ngày quốc tang, khuôn mặt khổng lồ bằng đá của Đức Vua hiện ra giữa bầu trời, vang lên lời tuyên bố tổ chức một giải đấu để tìm người kế vị. Người thắng cuộc sẽ được định đoạt dựa trên sự ủng hộ của dân chúng, không phân biệt địa vị hay sắc tộc, tạo cơ hội cho bất kỳ ai trong vương quốc.

Nhân vật chính (tên do người chơi đặt) là một chàng trai trẻ thuộc tộc Elda, bộ tộc chịu nhiều kỳ thị nặng nề nhất qua nhiều thế hệ vì mang trong mình “vết nhơ” của một loại bí thuật cấm. Để giải cứu người bạn thời thơ ấu của mình, cậu buộc phải giành chiến thắng trong giải đấu tranh vương, mở đầu cho một cuộc phiêu lưu vĩ đại đầy kịch tính.

Xuyên suốt trò chơi, qua từng chi tiết và lời thoại, Metaphor: ReFantazio không chỉ phơi bày những mảng đối lập giữa thế giới tiểu thuyết và hiện thực, giữa khác biệt trong đức tin của mỗi cá nhân mà còn là hành trình khám phá nỗi đau, sự hy sinh và lòng kiêu hãnh, những giá trị cốt lõi tôn vinh chủ nghĩa anh hùng (Heroism), chủ đề trọng điểm của tựa game.

Cũng có thể nói, chuyến hành trình kéo dài hơn 80 tiếng của Metaphor: ReFantazio thực sự khơi gợi nhiều cung bậc của cảm xúc, có những giây phút khiến người viết phải tạm dừng trò chơi để suy ngẫm, đồng cảm với từng nhân vật trong mỗi mảnh ghép câu chuyện của họ.

Chắc rằng bạn sẽ khó kìm được nước mắt khi lắng nghe những câu thoại ngây ngô nhưng chất chứa nhiều nỗi đau của cô bé Maria hay nghẹn ngào khi dần khám phá ra sự thật về tấn bi kịch cuộc đời của nhân vật Heismay, một hiệp sĩ chính trực xả thân vì tổ quốc nhưng phải bất lực chứng kiến số phận tàn nhẫn của con trai, chỉ vì gia đình ông là Eugief, một chủng tộc có ngoại hình quá khác biệt. 

Người viết cũng xin mạn phép không “spoil” (hé lộ) thêm về phần nội dung để bạn đọc có thể thưởng thức tựa game một cách trọn vẹn nhất.

chuyến hành trình kéo dài hơn 80 tiếng của Metaphor: ReFantazio thực sự khơi gợi nhiều cung bậc của cảm xúc


Sự giao thoa giữa những giá trị cũ và mới

Cách chơi của Metaphor: ReFantazio là sự pha trộn khéo léo giữa những “chất liệu” quen thuộc đặc trưng mang tính “thương hiệu” của đội ngũ Studio Zero, với những cách tân độc đáo và sáng tạo.

Không khó để nhận ra rất nhiều điểm tương đồng trong lối chơi của game với Persona và cả những phần game chính của Shin Megami Tensei

Chẳng hạn thay vì phải tuân theo một lộ trình thẳng băng như các game RPG tuyến tính (linear) truyền thống, game sẽ cho phép người chơi chọn một ngày cụ thể trên cuốn lịch Calendar để “vượt hầm, cày cấp” (dungeon crawling) hoặc tự do làm việc khác, miễn là đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các mục tiêu trước thời hạn (deadline), thường là các diễn tiến chính trong cốt truyện.  

Ví dụ, nếu bạn quyết định đi “quẩy” hầm ngục vào ban ngày để làm nhiệm vụ hoặc “hốt” ít đồ xịn, cả nhóm nhân vật sẽ cần nghỉ ngơi bù thêm vào cả buổi tối. 

Còn ngược lại, nếu bạn dành thời gian đó tham gia các hoạt động khác như tâm tình với đồng đội, giúp đỡ dân làng, tranh luận trước đám đông hay đơn giản là đọc một quyển sách thì nhân vật chính sẽ có cơ hội phát triển những chỉ số nội tại như Courage (lòng dũng cảm), Eloquence (tài hùng biện) hay Wisdom (trí tuệ).

Các chỉ số này sẽ giúp “mở khóa” mối liên kết với các Follower (những NPC đặc biệt trong game, tương tự các Social Link trong Persona) mang lại lợi ích cực kỳ quan trọng mà người viết sẽ đề cập ở những phần sau.

Đáng nói là thiết kế của Metaphor: ReFantazio không bị giới hạn về mặt không gian và địa lý như các game Persona, thường gói gọn trong một ngôi trường học hay loanh quanh vài con phố. Thay vào đó, bản đồ game mở rộng ra một thế giới khổng lồ với nhiều thành quách, làng mạc, hang động và cả những địa điểm ngắm cảnh thú vị.

Thời gian di chuyển giữa các khu vực này sẽ kéo dài từ một đến nhiều ngày, thông qua thiết bị vận chuyển độc đáo có tên gọi Gauntlet Runner, một pháo đài di động nhỏ gọn gồm đầy đủ tiện nghi từ khu vực hoạch định chiến lược (Round Table), phòng nghỉ, gian bếp cho đến không gian thư giãn. 

Vì vậy, người chơi không chỉ phải cân nhắc giữa việc “cày” cấp, làm nhiệm vụ hay phát triển nhân vật sao cho tối ưu mà còn phải lên kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý khi tiến hành những chuyến đi xa, đặc biệt là khi yếu tố thời tiết cũng có thể gây trở ngại khi nhiều loại quái thú sẽ trở nên hung hãn hơn trong mưa bão.   

Mặc khác, cơ chế chiến đấu của game là sự kết hợp độc đáo giữa lối đánh theo lượt truyền thống (được gọi là Squad Battle) với trọng tâm là khai thác điểm yếu (Weakness) đối thủ để gia tăng lượt đánh với phong cách hành động chặt chém theo thời gian thực hoàn toàn mới.

Ta có thể hình dung như trong Persona, các mục tiêu di động xuất hiện trên đường đi có thể bị “gõ đầu” mai phục, kích hoạt một trận đánh theo lượt, thì ở đây bạn sẽ có thể tấn công chúng trực tiếp với nhiều loại binh khí khác nhau, mỗi loại có diễn hoạt (animation) đánh khác nhau. Nếu đối thủ có cấp bậc (level) thấp hơn nhân vật của người chơi thì sẽ tự động bị tiêu diệt ngay lập tức và điểm kinh nghiệm dùng các vật phẩm rớt ra từ kẻ thù vẫn được nhận đầy đủ.

Nhờ thế mà người viết tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc “dọn cỏ” những đám “tiểu yêu lâu la” yếu ớt trên bản đồ, tập trung vào những mục tiêu trọng điểm hơn, chưa kể còn được thêm nhiều lợi ích khác như hồi phục được điểm MP hay nhân đôi số Reeve (đơn vị tiền tệ chính trong game).

Các mục tiêu di động cũng sẽ di chuyển linh hoạt hơn, thỉnh thoảng còn ẩn nấp và chủ động phục kích người chơi mà nếu không né tránh kịp thời thì sẽ bị chúng đánh úp (Ambush), mất đi lượt đánh đầu tiên trong Squad Battle.      

Một cải tiến đáng chú ý khác là khi tiến hành Squad Battle, nhân vật có thể được sắp xếp theo hàng (Row) ở trước và sau, mang lại những lợi ích chiến thuật như tăng cường hoặc giảm thiểu khả năng gây và nhận sát thương vật lý, hay một số loại phép thuật chỉ có thể thi triển từ hàng sau.

Nhưng điểm nổi bật nhất, tách biệt hoàn toàn Metaphor: ReFantazio khỏi các sản phẩm tiền nhiệm chính là hệ thống nghề nghiệp (Job) Archetype, tương tự như trong dòng game Fire Emblem hay các game Final Fantasy cổ điển.

Thay vì triệu hồi “đệ” để tung chưởng hoặc xài phép thuật, giờ đây mỗi nhân vật có thể tự trang bị một nhóm nghề riêng, từ cơ bản như Chiến binh (Warrior), Pháp sư (Mage), Xạ thủ (Gunner), đến những nghề cao cấp hơn như Võ sĩ đạo (Samurai), Tướng quân (General), hay Nhẫn giả (Ninja).

Mỗi Archetype sẽ có bảng kỹ năng và trang bị riêng biệt, và khi nhân vật đã thành thạo (Master) một Archetype nào, họ có thể luân chuyển (Inherit) một vài kỹ năng đó sang một nhánh Archetype khác, tạo ra nhiều khả năng xây dựng (build) nhóm nghề linh hoạt và thú vị, như Sát thủ (Assassin) có thể xài cả các chiêu dùng súng tầm xa của Xạ thủ và cả phép debuff chả hạn.  

Một số Archetype sẽ tự “mở khóa” theo tuyến truyện, còn lại thì phần lớn người chơi sẽ cần kết giao với các Follower (như người viết có đề cập), để có thêm những lựa chọn xịn sò và “bá đạo” hơn.

Đặc biệt, Archetype sẽ không bị giới hạn cho một nhân vật nào. Ví dụ, nhân vật Hulkenberg khởi đầu với Archetype Hiệp sĩ (Knight) khi gia nhập nhóm nhưng người chơi có thể ngay lập tức chuyển sang hệ phép hoặc biến cô thành một Healer để chuyên hồi máu, hỗ trợ đồng đội. 

Sự linh hoạt trong việc chuyển đổi và xây dựng bộ kỹ năng các Archetype chính là yếu tố then chốt để vượt qua các thử thách trong game. 

Ví như có một lần người viết hùng hổ bước vào hầm ngục mà các nhân vật toàn thuộc hệ “đánh chay” (Slash, Pierce, Strike) mà đâu ngờ đám quái vật bên trong lại trang bị sẵn phép kháng sát thương vật lý, thế là cả đội bị “ăn hành” cho sấp mặt mà không làm gì được. 

Nhưng sau khi quay về thành “chữa lành”, nghiên cứu kỹ điểm yếu của bọn chúng qua các tay môi giới thông tin (Information Broker) và bố trí lại đội hình thật chuẩn chỉ, thì chuyến quay lại sau đó lại đơn giản như… dạo chơi.  

Ở giai đoạn đầu, người chơi phải bước vào một căn phòng ma mị gọi là “Akademia” (nếu bạn đọc nghe thấy quen thì đúng vậy, đây là một phiên bản khác của Velvet Room đấy – NV) để chỉnh sửa, trang bị Archetype nhưng về sau khi đã kết giao được với nhiều Follower thì không chỉ có thể thực hiện điều này tại bất kỳ đâu, mà còn kết hợp được nhiều Archetype với nhau trong trận đánh để thi triển những kỹ năng hợp lực (Synthesis Skill), có thể khiến kết thúc lượt đánh sớm hơn nhưng bù lại, gây sát thương cực lớn hoặc “debuff” trạng thái xấu lên đối phương trên diện rộng.   

Sự linh hoạt trong việc chuyển đổi và xây dựng bộ kỹ năng các Archetype chính là yếu tố then chốt để vượt qua các thử thách trong game


Hoàn hảo ở hầu hết các khía cạnh

Ngoài chiều sâu trong lối chơi và một cốt truyện hấp dẫn thì đội ngũ phát triển Metaphor: ReFantazio còn rất chăm chút vào những chi tiết khác giúp tăng cường trải nghiệm chơi.

Người viết có thể dành hàng giờ trước màn hình chỉ để ngồi đọc những thông tin trong một quyển bách khoa toàn thư (Memorandum), tìm hiểu thêm về bề dày lịch sử (Lore) hay những chi tiết thú vị như văn hóa riêng của từng bộ tộc, hoặc lịch vạn niên ở vương quốc Euchronia chỉ có duy nhất 5 ngày trong một tuần.  

Các kẻ thù quen thuộc trong thế giới của Shin Megami Tensei như thiên thần, ác quỷ hay các á thần khét tiếng trong các câu truyện thần thoại của nhiều quốc gia cũng được thay thế bằng các sinh vật đặc trưng trong các tiểu thuyết huyễn tưởng (fantasy) như quỷ lùn Goblin, thây ma Undead hay chằn tinh Ogre, thú vị hơn nữa là những con trùm được gọi là “con người” (Human) nhưng mang dáng vẻ kỳ quái và khổng lồ, gợi cho người viết liên tưởng đến các Titan trong bộ anime Attack on Titan (về nguồn gốc của chúng, xin được giữ bí mật để bạn đọc tự khám phá).

Metaphor: ReFantazio

Độ khó của game cũng được cân bằng hợp lý, không quá khắt khe đến mức khiến người chơi dễ “ngộp” như các tựa game Shin Megami Tensei “chính thống”, nhưng cũng không nhẹ nhàng “tình cảm” như Persona 5.

Ở cấp độ Normal, người chơi vẫn sẽ cần tối ưu tổ đội và các nhóm nghề Archetype, tăng điểm (stats) hợp lý cho nhân vật chính cũng như khai thác triệt để điểm yếu của đối thủ, nếu không việc “vỡ trận” hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, còn những cấp độ khó cao hơn như Hard hay Regicide thì thật sự độ khó đạt luôn đến tầm… “Dark Souls” thật đấy!

Metaphor: ReFantazio

Một yếu tố khác cũng khiến người viết không khỏi bất ngờ là dưới bàn tay điệu nghệ của “phù thủy” âm nhạc Shoji Meguro, các giai điệu chủ đạo trong game sử dụng tới dàn hợp xướng kết hợp với tiếng tụng niệm cổ ngữ, vừa độc đáo, vừa lạ lẫm nhưng lại vô cùng “bắt tai”, đối lập hoàn toàn với những thể loại Hip-Hop, J-POP hay Jazz trong Persona 3,4,5 trước đây.

Metaphor: ReFantazio cũng là một trong số ít game JRPG mà người viết khuyên bạn đọc nên thiết lập lồng tiếng Anh (English Audio). Không chỉ để giảm tải việc đọc phụ đề, mà còn vì bối cảnh của trò chơi được diễn ra tại các địa điểm mô phỏng theo vương quốc Anh và các diễn viên lồng tiếng đã thể hiện rất tốt chất giọng địa phương, cùng nhiều tiếng lóng tại đây mà phiên bản tiếng Nhật có thể không truyền tải hết được.

Độ khó của game cũng được cân bằng hợp lý, không quá khắt khe đến mức khiến người chơi dễ “ngộp” như các tựa game Shin Megami Tensei “chính thống”

BẠN SẼ GHÉT

Metaphor: ReFantazio

Đồ họa chưa tương xứng

Không thể phủ nhận Metaphor: ReFantazio có định hướng nghệ thuật xuất sắc, nổi trội ở khâu thiết kế 2D, từ các giao diện UI/UX, màn hình nạp (loading screen) cho đến đường nét chân dung của các nhân vật, tất cả đều mang dấu ấn tài hoa của họa sĩ Shigenori Soejima.

Tuy nhiên, đồ họa 3D của trò chơi lại chưa thực sự tương xứng, dù có lợi thế sử dụng lại engine phát triển từ Persona 5 (theo phân tích từ kênh kỹ thuật nổi tiếng Digital Foundry – NV), một tựa game vốn ra đời từ thời đại… PS3.

Minh chứng rõ ràng nhất là khi nhân vật của người chơi di chuyển trong các khu vực ngoài trời, nhiều hạn chế kỹ thuật bắt đầu bộc lộ: tính năng khử răng cưa gần như không hoạt động, dẫn đến hiện tượng các góc cạnh nhìn từ xa lấp lóa gây khó chịu và nhức mắt, còn hiệu ứng bóng đổ và bề mặt vật liệu (texture) ở nhiều khu vực vẫn còn rất thô kệch.

Metaphor: ReFantazio

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất lại nằm ở việc tối ưu hiệu năng khi khung hình (fps) game trồi sụt liên tục kể cả khi camera ở trạng thái tĩnh.

Và có lẽ do vòng đời sản xuất của Metaphor: ReFantazio kéo dài quá lâu, mãi từ khi dự án Project Re Fantasy mới bắt đầu “thai nghén”, nên không chỉ chất lượng hình ảnh mà diễn hoạt (animation) của các nhân vật 3D cũng có phần tụt hậu so với một bản game bản làm lại gần đây của Atlus, sử dụng nền tảng engine Unreal 4: Persona 3 Reload.

Metaphor: ReFantazio

Một điểm đáng tiếc khác mà có lẽ nhiều người hâm mộ, bao gồm cả người viết, sẽ thấy hơi hụt hẫng: game không có lựa chọn xây dựng mối quan hệ lãng mạn (Romance) với các nhân vật, nghĩa là nhân vật chính của người chơi chỉ có thể mãi mãi làm… “bạn tốt” với các “waifu” như Hulkenberg hay Catherine mà thôi.

Cũng cần lưu ý với bạn đọc rằng giống như nhiều tựa game JRPG đánh theo lượt khác, phần mở đầu của Metaphor: ReFantazio có nhịp độ chậm rãi, với nhiều đoạn hội thoại và cắt cảnh kéo dài, có khi hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ là để… xem phim. Điều này có thể khiến những ai yêu thích phong cách RPG phương Tây hoặc game có tiết tấu nhanh, cơ chế chiến đấu thời gian thực (như dòng Tales của Bandai Namco) sẽ cảm thấy không phù hợp.

vấn đề nghiêm trọng nhất lại nằm ở việc tối ưu hiệu năng khi khung hình (fps) game trồi sụt liên tục kể cả khi camera ở trạng thái tĩnh

Bạch kim 10

Đối với người viết, đồ họa không phải là yếu tố quan trọng nhất khi trải nghiệm một tựa game JRPG. Thay vào đó, cốt truyện cuốn hút, dàn nhân vật được xây dựng có chiều sâu, lối chơi đa dạng, và âm nhạc sống động mới là những giá trị thực sự tạo nên sức hấp dẫn của thể loại này.

Metaphor: ReFantazio thì gần như hoàn hảo ở mọi khía cạnh đã đề cập, đưa người chơi vào một hành trình giàu cảm xúc, mỗi nhân vật, mỗi phân đoạn đều để lại ấn tượng sâu sắc đến khó phai.

Có lẽ đã rất lâu rồi mới có một tựa game JRPG mang lại một trải nghiệm đặc biệt như vậy!

Thông tin

  • Metaphor: ReFantazio
  • Nhà phát triển
    ATLUS
  • Nhà phát hành
    SEGA
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    03/10/2024
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi SEGA. Chơi trên PlayStation 5.