Skip to content

Monster Hunter Wilds – Đánh Giá Game

Monster Hunter Wilds

Monster Hunter Wilds – Trong một giai đoạn dài đầy lận đận của ngành game thế giới, dường như Capcom vẫn… trụ vững và liên tục tung ra những sản phẩm hết sức chất lượng!

Nhìn vào những tựa game gần đây nhất của nhà Capcom, chúng ta có thể thấy một phong độ rất ổn định, đầu tư rất nhiều vào các thương hiệu “dài hơi” như Resident Evil, Ace Attorney, Street Fighter, Dragon’s Dogma 2… cũng như “thử tay” với các thương hiệu mới như Kunitsu-Gami: Path of the Goddess hay Exoprimal.

Với bộ máy đang có “đà” tăng tốc, Capcom còn tiếp tục “nhá hàng” sự trở lại của thương hiệu Monster Hunter, với Monster Hunter Wilds – một game “bom tấn” đúng nghĩa với nhiều cải tiến về công nghệ và đồ họa, đặc biệt là so với Monster Hunter Rise – một bản game “nhẹ ký” hơn cho dòng máy Nintendo Switch.

Nhưng khác với những thương hiệu gần đây của nhà Capcom, Monster Hunter Wilds mang trên mình một trọng trách vô cùng lớn, khi đây sẽ là tựa game “tiếp nối” di sản của Monster Hunter World – sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử của Capcom.

Ngoài việc phải đảm đương di sản khổng lồ đó, Monster Hunter Wilds còn ra mắt vào lúc guồng máy sản xuất game của Capcom đã bắt đầu xuất hiện những cú vấp đầu tiên, khi Dragon’s Dogma 2 gặp nhiều vấn đề về khoản tối ưu trên PC và hai bản thử nghiệm mở (Open beta) đầu tiên của chính Monster Hunter Wilds cũng đã gặp rất nhiều chỉ trích của người chơi về chất lượng đồ họa và tối ưu.

Vậy liệu Monster Hunter Wilds có “kham” nổi di sản khổng lồ đó, hay chuỗi thành công của Capcom sẽ bị ngắt quãng một cách rõ rệt hơn?

Hãy cùng Vietgame.asia xách những vũ khí ngoại cỡ lên và tiến vào vùng Forbidden Lands để tìm hiểu về kẻ kế thừa di sản khổng lồ của nhà Capcom, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Thế Giới Cũ Hoang Dại

Tương tự các bản Monster Hunter trước, Monster Hunter Wilds vẫn xoay quanh hành trình của một thợ săn quái vật lành nghề, đồng hành cùng Hội Thợ Săn để khám phá vùng đất mới và đối đầu với những sinh vật khổng lồ. Thế nhưng, thay vì chỉ là bối cảnh hỗ trợ lối chơi, Monster Hunter Wilds đã tạo ra bước đột phá rõ rệt ở phần cốt truyện, mang đến một trải nghiệm giàu chiều sâu hơn.

Người chơi sẽ theo chân Nata, cậu bé bí ẩn lạc mất gia đình tại Forbidden Lands – “vùng đất cấm” đầy hiểm nguy. Được Hội Thợ Săn giải cứu và nuôi dưỡng, Nata giờ đây lên đường cùng Đơn vị Avis để khám phá nguồn gốc của mình và làm sáng tỏ bí ẩn xung quanh “The White Wraith”, một quái vật huyền thoại gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp vùng.

Không giống các phần game trước, nơi cốt truyện chỉ đóng vai trò “làm nền”, Monster Hunter Wilds tập trung vào một mạch truyện cụ thể với các nhân vật có chiều sâu và dễ bám sát hơn.

Thay vì chỉ giới thiệu sơ lược, mỗi nhân vật trong Wilds đều được phát triển tỉ mỉ, tạo nên một dàn nhân vật phụ sống động. Người chơi sẽ gặp Alma, cô trợ thủ lanh lợi và đắc lực; Gemma, thợ rèn cần mẫn và hào sảng; Olivia, nữ thợ săn can trường, giàu kinh nghiệm; Erik, nhà môi trường học vụng về; và Werner, gã kỹ sư tự cao nhưng không kém phần uyên bác.

Dù dàn nhân vật phụ rất ấn tượng, nhân vật Hunter do người chơi tạo ra vẫn giữ vai trò trung tâm. Capcom đã đầu tư sâu vào hệ thống thiết kế nhân vật, cho phép người chơi tùy chỉnh chi tiết để tạo ra một Hunter thể hiện đúng cá tính của mình – từ ngoại hình đến chất giọng. Điều này khiến nhân vật chính trở nên sống động hơn trong các đoạn cắt cảnh, không còn mờ nhạt như ở các phiên bản trước.

Thay vì là người chứng kiến thụ động, nhân vật của bạn giờ đây là một phần cốt lõi của câu chuyện, tham gia vào nhiều khoảnh khắc quyết định với phần lời thoại riêng phong phú, đa dạng và được lồng tiếng kỹ lưỡng.

Chính sự khắc họa chi tiết và đầu tư chỉn chu này đã khiến cốt truyện của Monster Hunter Wilds trở nên đặc sắc và đáng nhớ. Trò chơi khéo léo truyền tải những chủ đề sâu sắc, từ hành trình tìm về nguồn cội đến cách con người sống hòa hợp với tự nhiên. Thông qua câu chuyện của Nata và những lựa chọn đầy ẩn ý, game đặt ra câu hỏi lớn: liệu “thuận theo tự nhiên” có luôn là con đường đúng đắn nhất?

Monster Hunter Wilds vì thế không chỉ là cuộc săn quái vật hoành tráng, mà còn là một cuộc hành trình khám phá ý nghĩa sống của bản thân và danh hiệu Thợ Săn, cũng như tôn vinh ý chí quật cường của con người trước những thế lực tự nhiên khủng khiếp

thay vì chỉ là bối cảnh hỗ trợ lối chơi, Monster Hunter Wilds đã tạo ra bước đột phá rõ rệt ở phần cốt truyện, mang đến một trải nghiệm giàu chiều sâu hơn


Nhanh hơn, tốt hơn, mạnh hơn

Không giống như hai phiên bản gần nhất là Monster Hunter: World – IceborneMonster Hunter Rise: Sunbreak, vốn nhấn mạnh vào sự cơ động qua các cơ chế mới như Silkbind hay Clutch Claw, Monster Hunter Wilds lựa chọn một hướng đi khác. Thay vì bổ sung những cơ chế chiến đấu hoàn toàn mới, trò chơi tập trung vào việc mở rộng và tinh chỉnh các cơ chế cũ, cụ thể là cải tiến các bộ combo truyền thống và tích hợp một số kỹ năng Switch Skill từ Monster Hunter: Rise.

Sự thay đổi này mang đến cảm giác quen thuộc nhưng không kém phần mới mẻ cho các thợ săn kỳ cựu. Một ví dụ tiêu biểu là vũ khí Long Sword, giờ đây được bổ sung bộ combo “Crimson Slash”, với chuỗi chém dài hơn và nhiều nhát hơn, giúp gia tăng sát thương theo thời gian. Game cũng thêm vào “Crimson Foresight Whirl”, cho phép người chơi né đòn một cách uyển chuyển hơn, và đòn dứt điểm “Spirit Release”, không chỉ hoành tráng mà còn gây sát thương lớn hơn đáng kể.

Về khía cạnh mở rộng, game cho phép người chơi cất kiếm khi phát hiện đòn “Helmbreaker” bị hụt, giúp tránh việc mất thanh spirit một cách vô ích. Ngoài ra, người chơi có thể giữ nút “Spirit Slash” để kết thúc combo chính xác và đúng thời điểm hơn.

Cách tiếp cận này không chỉ dành riêng cho Long Sword mà còn áp dụng trên tất cả 14 loại vũ khí khác trong game. Nếu phân tích từng vũ khí cụ thể thì sẽ phải viết cả một bài dài, nhưng cá nhân người viết rất ấn tượng với những tinh chỉnh dành cho Bow (Cung) và Dual Blades (Song Kiếm) – hai món ưa thích của mình. Những thay đổi này giúp cả hai vũ khí có combo dài hơn, linh động hơn, đồng thời tăng giá trị cho những cú né chính xác bằng các cơ chế “thưởng” hấp dẫn hơn.

Một trong những thay đổi lớn nhất trong Monster Hunter Wilds là việc thay thế hai cơ chế cũ (Clutch Claw và Silkbind) bằng cách mở rộng cơ chế cũ Wound. Khi một quái vật bị trúng đủ sát thương vào một vùng nhất định trên cơ thể, vùng đó sẽ bị thương (wounded), mở ra cơ hội cho người chơi kích hoạt “focus mode” và tung ra một đòn tấn công đặc biệt để dứt điểm vết thương.

Nếu phá được vùng sát thương này, người chơi không chỉ gây sát thương lớn mà còn nhận được những phần thưởng (bonus) quan trọng. Ví dụ, Long Sword sẽ được tăng một mức spirit, Dual Blades sẽ làm đầy thanh Demon, còn Great Sword có thể nối tiếp ngay vào combo True Slash. Những phần thưởng này giúp lối chơi trở nên liền mạch và hào nhoáng hơn, đồng thời tạo nên những pha chiến đấu đẹp mắt và thỏa mãn.

Tuy nhiên, do cơ chế tăng sát thương được tối ưu hóa, quái vật có xu hướng chết nhanh hơn so với các bản trước.

Để cân bằng tốc độ cuộc săn hơn, Monster Hunter Wilds đã tinh giản hệ thống nâng cấp trang bị. “Meta” (Most Effective Tactics Available – chiến thuật hoặc lối chơi hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại – NV) thiên về sát thương nguyên tố và gây trạng thái hơn là sát thương vật lý thuần túy như trong Monster Hunter World.

Vì thế, các bộ kỹ năng phổ biến bây giờ thường tập trung vào việc tăng sát thương mà quái vật nhận vào (Weakness Exploit), tăng chí mạng (Affinity, Critical) hoặc bổ sung sát thương khi thỏa mãn những điều kiện đặc biệt, như kỹ năng Burst hay Flayer.

Những thay đổi này khiến Monster Hunter Wilds trở nên nhanh hơn, dồn dập hơn, và tạo cơ hội cho người chơi tối ưu hóa lối chơi của mình. Với các thợ săn kỳ cựu, đây là cơ hội để tinh chỉnh từng chi tiết nhỏ nhất, nhằm đạt hiệu suất tối đa. Còn với người chơi mới hoặc những ai chưa quen, sự cải tiến về hệ thống thưởng – phạt giúp họ tự tin giao chiến thường xuyên hơn và dễ dàng thử nghiệm các loại vũ khí khác nhau.

Tóm lại, bằng cách tối ưu hóa những cơ chế cũ và để chúng hòa hợp với các cơ chế mới, Monster Hunter Wilds đã tạo ra một trải nghiệm cân bằng giữa tính sáng tạo và tính ổn định. Game vừa tôn vinh di sản của dòng Monster Hunter, vừa mang đến sự tươi mới để thu hút cả người chơi cũ, lẫn người mới bước chân vào thế giới đầy thử thách này.

bằng cách tối ưu hóa những cơ chế cũ và để chúng hòa hợp với các cơ chế mới, Monster Hunter Wilds đã tạo ra một trải nghiệm cân bằng giữa tính sáng tạo và tính ổn định


Thế giới mới dũng cảm!

Forbidden Land trong Monster Hunter Wilds giờ đây mang một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ chưa từng thấy, mở ra những chân trời rộng lớn và đa dạng hơn bao giờ hết. Nếu so sánh với New World của Monster Hunter World, Forbidden Land không chỉ lớn hơn mà còn phong phú hơn, với từng khu vực mang đậm dấu ấn đặc trưng của hệ sinh thái và các con quái vật cư ngụ tại đó. Thế giới trong Wilds một bức tranh kỳ vĩ mà ở mỗi vùng đất, người chơi sẽ cảm nhận được sự sống động, nguy hiểm và nét đẹp riêng biệt.

Từ Winward Plains, nơi những bình nguyên bát ngát kéo dài tít tắp, điểm xuyết bằng các cồn cát uốn lượn trong gió, đến Scarlet Forest rậm rạp, xanh um với sắc đỏ ma mị của những dòng nước, tất cả đều toát lên bầu không khí đầy sức sống nhưng cũng ẩn chứa hiểm họa, cũng như những sinh vật giúp đỡ cuộc săn như Vigorwasp, Thunderbug và những tương tác môi trường như Vinetrap cũng nhiều hơn. Thế giới này không chỉ là phông nền đơn thuần mà thực sự kết nối với cuộc săn. Các loài quái vật được thiết kế để hòa hợp hoàn hảo với môi trường sống của chúng, khiến mỗi trận chiến trở thành một trải nghiệm nhập vai sâu sắc.

Điển hình là Lala Barina – một con nhện khổng lồ với chiếc bụng rực rỡ tựa như một bông hồng đỏ máu, ẩn náu trong Scarlet Forest. Khu vực nơi nó sinh sống được phủ đầy những dòng nước đỏ ngầu, những tấm tơ giăng khắp cành cây, tạo nên khung cảnh u ám, huyền bí. Tương tự, Rey Dau – con quái vật mang sức mạnh của sấm sét – trú ngụ tại vùng đá trũng đầy những viên pha lê phát sáng xanh rực, như thể bầu trời giông tố đã đông cứng lại và hóa thành đất.

Chính những chi tiết môi trường này không chỉ khiến mỗi con quái trở nên đáng nhớ mà còn thôi thúc người chơi khám phá các vùng đất mới. Khác với cảm giác lặp lại đôi lúc xuất hiện trong World, Wilds tạo nên động lực tự nhiên để người chơi dịch chuyển và khám phá sâu hơn vào từng ngóc ngách.

Trong thiết kế âm thanh – sử dụng tai nghe không dây Corsair Virtuoso Max Wireless với công nghệ âm thanh lập thể Dolby Atmos, từng cử chỉ nhỏ nhất trong môi trường xung quanh như một bật ngờ thôi thúc người chơi khám phá, đưa thế giới vốn đã rộng lớn của Wilds trở nên thú vị, chìm đắm và chi tiết hơn.

Tuy nhiên, với một thế giới rộng lớn như vậy, việc dò tìm quái vật đôi lúc có thể khiến người chơi nản chí. Để khắc phục điều này, Monster Hunter Wilds cung cấp cho người chơi một người bạn đồng hành đặc biệt: chú chim Seikret. Nhanh nhẹn và trung thành, Seikret không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn có thể tự động dẫn người chơi đến vị trí quái vật hoặc điểm cần thiết, giúp họ tập trung hơn vào trải nghiệm săn bắt thay vì chỉ đơn thuần lần mò tự chạy khắp bản đồ.

Nếu so sánh với New World của Monster Hunter World, Forbidden Land không chỉ lớn hơn mà còn phong phú hơn

Mặc dù Forbidden Land mở rộng đáng kể, số lượng quái vật trong Monster Hunter Wilds khi ra mắt lại ít hơn đôi chút so với Monster Hunter: World (29 so với 30), và đặc biệt không có bất kỳ Cổ Long (Elder Dragon) nào ngoài Gore Magala và một sinh vật được xếp vào loại “Elder Dragon Weapon”. Dẫu vậy, Capcom đã cam kết bổ sung nhiều quái vật thông qua các bản cập nhật định kỳ.

Vào tháng 4, Mizutsune và Zoh Shia sẽ gia nhập đội hình, trong khi Lagiacrus được lên lịch tái xuất vào mùa hè. Vì vậy, việc so sánh dàn quái của Monster Hunter Wilds với Monster Hunter: World ở thời điểm hiện tại có thể chưa thật sự công bằng, nhưng với những gì đã có, Monster Hunter Wilds đã mang lại một cảm giác thỏa mãn nhờ sự cân bằng giữa thiết kế quái vật, tính đa dạng, và độ chi tiết.

Monster Hunter Wilds

Một điểm cộng lớn khác của game nằm ở hệ thống trang bị. Các bộ giáp chế tạo từ quái vật trong Monster Hunter Wilds không chỉ đa dạng mà còn sở hữu thiết kế đẹp mắt, đặc biệt là những bộ giáp từ quái vật mới như Lala Barina hay Arkveld. Đáng chú ý hơn, game cho phép người chơi sử dụng cơ chế Transmog ngay từ “high rank”, cho phép thay đổi ngoại hình của trang bị mà không ảnh hưởng đến chỉ số. Kết hợp với hệ thống tùy chỉnh màu sắc tinh vi, người chơi hoàn toàn có thể biến nhân vật của mình thành một… người mẫu thời trang giữa cuộc săn, gây ấn tượng mạnh với đồng đội hoặc bất cứ ai trong những trận chơi mạng trực tuyến (multiplayer).

Ngoài những cải tiến lớn, Monster Hunter Wilds cũng tinh chỉnh nhiều chi tiết nhỏ để mang lại trải nghiệm mượt mà và hấp dẫn hơn. Từ cơ chế nấu ăn trực quan đến những thay đổi khiến Palico – người bạn mèo trung thành – trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Tất cả những bổ sung, dù nhỏ hay lớn, đều góp phần làm nổi bật lối chơi cốt lõi của dòng game, đồng thời mang đến những cải tiến hiện đại giúp game giữ được độ tươi mới, trọn vẹn hơn.

Nếu Monster Hunter Wilds tiếp tục được cập nhật đều đặn và duy trì sự hấp dẫn trong thời gian dài, không ngạc nhiên nếu nó sẽ vượt qua cả những bản tiền nhiệm, để trở thành tượng đài mới của dòng game Monster Hunter.

Với một nền tảng vững chắc, một thế giới rộng lớn, và một cộng đồng đang ngày càng phát triển, Monster Hunter Wilds chắc chắn đang trên hành trình trở thành một trong những phiên bản đáng nhớ nhất trong lịch sử của thương hiệu Monster Hunter.

BẠN SẼ GHÉT

Monster Hunter Wilds

Tối ưu quá tệ!

Mặc dù hoành tráng và mang trong mình rất nhiều cải tiến như vậy, Monster Hunter Wilds lại “vấp” về khoảng tối ưu hệt như Dragon’s Dogma 2.

Trên PC, game chạy rất tệ nếu không có các công nghệ nâng cấp đồ họa bằng AI như DLSS hay Frame Generation, nhưng nếu quá lạm dụng những công nghệ này sẽ khiến game… mờ căm, liên tục gặp các lỗi như hiển thị vân bề mặt (texture streaming) và giật chớp hình ảnh.

Nhiều thành viên cộng đồng game cho rằng lỗi này đến từ việc lạm dụng công nghệ khử răng cưa từ Capcom, cũng như một số lỗi phân chia phần cứng nhất định – nhưng chính việc không rõ lỗi bắt nguồn từ đâu này khiến cho cộng đồng cực kỳ chật vật trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của game.

Monster Hunter Wilds

Đó là chưa kể những cú “crash” (văng máy) xuất hiện rất ngẫu nhiên, dù cho nhiều khi người chơi đã giải quyết các vấn đề bộ nhớ và đồ họa kỹ lưỡng!

Điều này là một sự cố rất tiếc vì lối chơi của game giờ đây đa dạng, mượt và chính xác hơn bao giờ hết, thế nên phải hy sinh bớt độ mượt để game đẹp hơn là rất không công bằng. Ngược lại, Monster Hunter Wilds lại là một game quá đẹp và giàu chi tiết để có thể hy sinh bớt về mảng đồ họa để đắm chìm vào thế giới một cách hiệu quả hơn, thật là tiến thoái lưỡng nan!

dù hoành tráng và mang trong mình rất nhiều cải tiến như vậy, Monster Hunter Wilds lại “vấp” về khoảng tối ưu hệt như Dragon’s Dogma 2

Vàng 9.0

Monster Hunter Wilds là phiên bản Moster Hunter có nhiều cải tiến nhất về trải nghiệm chơi, với những bổ sung hết sức giá trị trong chiến đấu, một thế giới đẹp hùng vĩ và phi thường, cùng một cốt truyện đặc biệt sâu sắc.

Monster Hunter Wilds đã có thể là phiên bản Monster Hunter xuất sắc nhất hiện nay, nếu không vì những lỗi tối ưu quá nghiêm trọng, cùng lượng nội dung lúc mới phát hành còn nhiều thiếu sót, dù cho những thiếu sót này có thể sẽ được giải quyết trong tương lai.

Thông tin

  • Monster Hunter Wilds
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    28/02/2025
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10, 11 64 Bit
  • CPU
    Intel® Core™ i5-10400 hoặc Intel® Core™ i3-12100 / AMD Ryzen™ 5 3600
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA® GeForce® RTX 2060 Super(VRAM 8GB) / AMD Radeon™ RX 6600(VRAM 8GB)
  • Lưu trữ
    75GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11 Professional
  • CPU
    AMD Ryzen 7 4800H
  • RAM
    32GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 4060
  • Lưu trữ
    Kingston A4000
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên PC.