Skip to content

Resident Evil 4 Remake – Đánh Giá Game

Resident Evil 4 Remake

Resident Evil 4 Remake – Trong trào lưu “Remaster, Remake, Reboot” nổi lên một vài năm trở lại đây, có không ít những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp game đã tự “chôn vùi” bản thân với những màn quay lại đầy tệ hại như Warcraft III: Reforged, Crysis Remastered hay Dark Souls Remastered khiến các nhà phát triển game dập tắt luôn ý định cho ra mắt các phiên bản tiếp theo nhằm “hồi sinh” các tựa game này.

Nhìn chung, với rất nhiều tựa game xưa cũ được “tút tát” và đổ bộ thị trường trong suốt thời gian qua, đa phần trong số đó đều không gây ra quá nhiều hứng thú với các nhóm game thủ trẻ, khiến cho phần lớn các studio chỉ xem đây là một biện pháp “kiếm thêm” từ các tựa game cũ mà không đầu tư quá nhiều tài chính, chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Capcom, nhất là sau khi hãng game đến từ Nhật Bản này thu được nhiều “trái ngọt” từ các phiên bản làm lại của dòng game Resident Evil lừng danh.

Sau hai phần thứ hai và ba được làm lại với phong cách hành động góc nhìn thứ ba đầy mới mẻ, phá vỡ công thức hành động và giải đố được “sao chép” từ dòng game Alone in The Dark trên các phiên bản nguyên gốc, người hâm mộ bắt đầu kỳ vọng đến bản làm lại cho phần thứ tư của dòng game, nhất là khi thông tin này bị rò rỉ qua một diễn viên lồng tiếng hồi cuối năm 2021.

Resident Evil 4 có thể xem như phiên bản game thành công nhất trong cả dòng game, thậm chí “sức sống” của nó vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay khi không ít các modder tìm cách “mông má” cho tựa game ra mắt đã gần 20 năm này bằng đủ các bản cập nhật cả về chất lượng vân bề mặt, hiệu ứng đổ bóng và thậm chí là các mô hình với độ chi tiết cao “chuẩn 4K”, đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn của các game hiện đại.

Chính vì thế, dù được mong đợi khá nhiều, thế nhưng Resident Evil 4 Remake cũng là một thử thách không nhỏ dành cho Capcom khi phiên bản được ra mắt lần này mang theo trong mình sứ mệnh vượt qua được cái bóng của phiên bản gốc trước đây, để giành lại vinh quang cho riêng mình.

Vậy phiên bản làm lại này có đủ sức đáp ứng mong đợi của cộng đồng hâm mộ?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Resident Evil 4 Remake - Đánh Giá Game

Khác biệt đến từ sự chăm chút trong từng chi tiết!

Nếu đem so sánh với các tựa game hiện đại ngày nay, Resident Evil 4 là kết quả của một quá trình phát triển vô cùng kỳ quặc: vừa lâu dài, lại vừa ngắn ngủi vội vã, vừa trau chuốt, lại vừa thô sơ đầy sạn mà phải cần rất lâu sau đó, nhiều yếu tố mới được “bổ lấp” nhưng vẫn đầy “sống sượng”, đặt ra vấn đề cho những nhà phát triển phiên bản Resident Evil 4 Remake lần này.

Nói thêm một chút về quá trình phát triển game kỳ lạ này để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi bài đánh giá, cũng như hiểu biết thêm đôi chút về lịch sử của dòng game trong tương quan phát triển của thể loại game hành động theo phong cách Kinh dị Sinh tồn (Survival Horror) này.

Resident Evil không phải là cái tên khai sinh cho phong cách game Kinh dị Sinh tồn, mà ở thời điểm ban đầu, đó chỉ là một “phép thử” của Capcom trong quá trình học hỏi dòng game Alone In The Dark vô cùng trứ danh nửa đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tạo ra một tựa game với nền tảng đồ họa 3D đầy mạnh mẽ cho dòng console mạnh nhất thế hệ thứ 5: Sony PlayStation .

Với đồ họa đẹp, cốt truyện được dẫn dắt vô cùng ấn tượng mở ra một “vũ trụ game” hoàn toàn mới mẻ và đầy lôi cuốn, Resident Evil vụt sáng trở thành cái tên tiêu biểu cho dạng game Kinh dị Sinh tồn thời bấy giờ, nhất là trong bối cảnh Infogrames, “cha đẻ” của dòng game Alone In The Dark ngập tràn trong các nguy cơ về tài chính và buộc phải dừng dòng game này vô thời hạn, từ sau phiên bản thứ ba ra mắt vào năm 1994.

Resident Evil 4 Remake - Đánh Giá Game

Sự thành công ngoài mong đợi này khiến Capcom thấy được một “mỏ vàng” mới trong ngành công nghiệp game, khiến cho hãng liên tục “vắt sữa” thương hiệu và lối chơi này trong suốt những năm cuối của thế kỷ XX, với ba phần chơi chính của loạt game Resident Evil, dòng game “ăn theo” bộ phim Công viên kỷ Jura (Dino Crisis) của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, và thậm chí là ra mắt cả một dòng game Kinh dị Sinh tồn về thời Chiến quốc Nhật Bản, với tựa game: Onimusha: Warlords.

Đó là chưa kể đến vô vàn các tựa game “lấy ý tưởng” khác từ những dòng game này, được hình thành dưới dạng các game Arcade (hay còn gọi là máy điện tử thùng/xèng) dễ bắt gặp ở các trung tâm thương mại và siêu thị thời bấy giờ như Resident Evil: Survivor, hay Dino Stalker… được làm ra với kinh phí thấp.

Việc “vắt sữa” liên tục các thương hiệu mới của mình trong một thời gian quá ngắn cũng khiến cho người hâm mộ bắt đầu mất kiên nhẫn, lượng bản game bán ra sụt giảm, và thậm chí là một số cải tiến lại trở thành “cải lùi” như trong Dino Crisis 3, biến tựa game này thành “thảm họa” để rồi dập tắt luôn ý định của Capcom trong việc vực dậy Dino Crisis trong những năm sau đó.

Bên cạnh đó là sự ra mắt của các máy chơi game console thế hệ thứ sáu như Nintendo GameCube, Sega DreamCast và Sony PlayStation 2, với sức mạnh đồ họa 3D được tăng cường mạnh mẽ hơn, đã mở hướng đi mới cho thể loại game hành động/bắn súng và thôi thúc Capcom phải tiến hành “cách tân” cho các dòng game của mình nếu không muốn bị đào thải.

Chính vì thế mà đội ngũ làm game tại Capcom, mà đứng đầu là đạo diễn lừng danh Shinji Mikami (“cha đẻ” dòng game và cũng là đạo diễn của loạt game The Evil Within sau này) đã tiến hành rất nhiều các thử nghiệm, với liên tục bốn phiên bản chơi thử khác nhau được phát hành nội bộ nhằm tích hợp thể loại game hành động/bắn súng đang thịnh hành. Quá trình này tiêu tốn gần ba năm trời, kể từ sau kết thúc quá trình phát triển của phần ba hồi đầu năm 1999.

Resident Evil 4 Remake - Đánh Giá Game

Một trong số đó lấy cảm hứng từ các màn thách đố “chỉ chơi dao” rất thịnh hành thời bấy giờ, cho phép nhân vật chính có thể choảng nhau thoải mái với đủ các loại quái vật với súng và kiếm. Bản chơi thử này sau đó bị từ chối sử dụng cho dự án Resident Evil 4, thế nhưng vẫn được một nhóm phát triển khác đảm nhiệm dẫn đến sự ra đời của dòng game hành động huyền thoại Devil May Cry.

Quá trình phát triển tựa game này chỉ được khởi động lại và thống nhất ý kiến sau khi một nguyên mẫu lối chơi được lựa chọn vào đâu đó giữa năm 2002, thậm chí Shinji Mikami chỉ có… ba tuần để tạo ra cốt truyện cho tựa game, và tổng thời gian phát triển sau đó cũng chỉ kéo dài hơn một năm, một con số vô cùng ấn tượng với một tựa game thuộc loại “bom tấn” có sức ảnh hưởng vượt thời gian và định hình lại cả khái niệm “Kinh dị Sinh tồn” như Resident Evil 4.

Được phát triển gấp gáp trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy, dĩ nhiên là tựa game tồn tại khá nhiều “sạn”, chẳng hạn chỉ riêng về cốt truyện, cho đến tận ngày nay rất nhiều game thủ vẫn cười cợt về chuyện Chính phủ Mỹ gửi nhân viên đặc vụ đi giải cứu con tin chỉ với… một khẩu súng lục, một số nhân vật phụ gần như chỉ được xây dựng lâm thời như Luis Serra và Đại úy Krauser sở hữu các tuyến cốt truyện lỏng lẻo thiếu xây dựng, liên kết với các phiên bản khác, hay thậm chí là anh chàng bán hàng xuất hiện theo một cách đầy vô lý, mặc nhiên đi lại trong một khu làng tràn đầy quái vật…

Resident Evil 4 Remake - Đánh Giá Game

Tất nhiên, với quán tính suy nghĩ và thậm chí là lối tư duy của các game thủ những năm đầu thế kỷ XXI, thì nhiều vấn đề trong này đều không quá đáng chú ý để có thể làm “mất vị” cho một siêu phẩm, thế nhưng khi mang chúng đến một thế giới game của 20 năm sau đó thì những vấn đề này lại có phần gây khó chịu!

Mặc dù phần nội dung trên đây có phần dông dài, thậm chí có thể gây chán cho một số bạn đọc, thế nhưng hiểu được nó, bạn mới thấy được nỗ lực để Resident Evil 4 Remake có thể vượt qua cái bóng của phiên bản này chắc chắn không đến từ việc can thiệp trực tiếp vào một lối chơi đã được nghiên cứu, nghiền ngẫm và thử nghiệm rất nhiều lần như với cách mà studio đã làm trong sự thành công của Resident Evil 2 Remake trước đây, mà nó phải đến từ việc “lấp hố” những vấn đề tồn tại, dù là nhỏ nhất, của phiên bản gốc theo một cách vô cùng tỉ mỉ, để tạo ra sự logic liền mạch và những cảm xúc kinh dị mãnh liệt hơn.

những thay đổi về cốt truyện và lối chơi của Resident Evil 4 Remake là rất nhỏ so với phiên bản gốc, thế nhưng những yếu tố nhỏ này lại khiến cho tựa game được “thăng hoa” khá nhiều

Về mặt này, đội ngũ phát triển đã tiến hành vô cùng cẩn thận theo đúng phương châm “cái gì không hỏng thì đừng sửa” với hàng loạt các thay đổi nhỏ, thậm chí đem lại tính logic và cả cảm giác mới mẻ cho game thủ, kể cả những người đã quá “nhẵn mặt” phiên bản nguyên gốc như người viết.

Ngay từ phần mở đầu đầy tính “tự sự” của Leon S. Kenedy trên con đường đi tìm kiếm cô nàng con gái “rịu” tổng thống – Ashley Graham, đội biên kịch đã thêm thắt một vài chi tiết nhỏ, nhưng tạo nên những thay đổi lớn và mang tính tích cực hơn rất nhiều so với phiên bản gốc.

Chẳng hạn như hành trình bị “bắt lính” của Leon và quá trình huấn luyện cùng với Đại úy Krauser để “nhá hàng” nhân vật này, liên kết chặt hơn với Chiến dịch Javier trong phần game Resident Evil: The Darkside Chronicles ra mắt năm 2009, hay việc Ashley mất tích tỏ ra không quá rõ ràng và nhiệm vụ “bảo mẫu” của Leon chỉ đơn giản là đi tìm kiếm cô nàng theo một nguồn thông tin tình báo mơ hồ, chứ không phải là một “nhiệm vụ giải cứu con tin” khỏi một giáo phái kỳ lạ và những kẻ cuồng tín.

Tương tự như vậy, trong suốt thời lượng game người chơi sẽ bắt gặp rất nhiều sự thay đổi nhỏ, nhưng cũng phải nói rằng về tất cả những yếu tố cốt lõi, Resident Evil 4 Remake gần như không có khác biệt là bao so với phiên bản gốc ra đời gần 20 năm trước đây.

Có thể thấy điều đó trong phương thức mà nhóm đem đến những thay đổi trong cách tiếp cận tính cách nhân vật Ashley Graham theo hướng hiện đại hơn, trưởng thành hơn, và thậm chí có phần quyết đoán hơn hẳn phong cách “bánh bèo” trong phiên bản gốc, hay trò chơi cũng dành nhiều “đất diễn” hơn cho “nhân vật phụ” Luis Serra, biến anh chàng từ một nhân tố “làm nền” đúng nghĩa trong phiên bản gốc, trở thành một nhân vật quan trọng có nhiều ảnh hưởng trong suốt hành trình của Leon.

Resident Evil 4 Remake - Đánh Giá Game

Một số phân cảnh cũng được thay đổi sao cho phù hợp logic thông thường hơn, chẳng hạn như cảnh dân làng “đóng cửa thả chó” El Gigante sẽ không cần phải “hy sinh” quá nhiều người để thể hiện sự điên cuồng khi nhiễm Plagas, hay cảnh phi công Mike sau khi hỗ trợ Leon phá hủy một cứ điểm của đơn vị lính đánh thuê có liên quan với Los Iluminados thì bị đám Novistador tấn công gây rơi máy bay, thay vì bị trúng một phát đạn RPG-7 từ khoảng cách cực xa trên phiên bản gốc…

Tất nhiên, thời gian lên đến gần 20 năm cùng hàng tá các phiên bản cả chính thức lẫn ngoại truyện cũng đủ “chất liệu” để nhóm phát triển game tùy tiện thêm thắt cũng có thể “bổ toàn” những khuyết điểm từ phiên bản gốc, thế nhưng cách mà một tác gia chuyên viết truyện kinh dị và khoa học viễn tưởng “bén duyên” ngành game như Matthew Costello xử lý lại vô cùng khéo léo và tinh tế.

Gần như những fan đã “cày nát” nhiều lần tựa game ra mắt hồi 2005 có thể tìm thấy sự quen thuộc vốn có trong từng diễn biến màn chơi, khi những diễn biến chính đều được bảo tồn nguyên vẹn chứ không bị cắt xén đến cụt ngủn như với phiên bản Resident Evil 3 Remake, trong khi đó, những thay đổi trong cốt truyện dù nhỏ hay lớn đều vô cùng mượt mà, thôi thúc người chơi tiếp tục dấn thân vào chuyến hành trình để khám phá những khía cạnh đầy mới mẻ trong cốt truyện.

Có thể nói, sự thành công lớn nhất của Resident Evil 4 Remake, cũng giống như Dead Space hay The Last Of Us Part 1, nằm ở chỗ bảo lưu gần như nguyên vẹn cốt truyện gốc của mình, với những hiệu chỉnh nhỏ mà thôi.

Không chỉ có cốt truyện, rất nhiều chi tiết khác cả về đồ họa lẫn lối chơi trong game cũng được chăm và bổ sung chút theo một cách vô cùng tỉ mỉ, thêm thắt cho một lối chơi có phần đặc sắc trên phiên bản ra mắt hồi 2005, chẳng hạn như Leon có thể đỡ dao khi gặp cưa máy của Chainsaw Man (thậm chí là dùng dao đánh văng một vài… viên đạn súng máy), hay sử dụng lựu đạn lóa khi đeo… kính đen có thể giúp bạn dễ dàng hạ gục một con Regenerator mạnh mẽ.

Bên cạnh những lựa chọn nho nhỏ như cứu con sói khỏi bẫy rồi được trả ơn trong màn đấu trùm El Gigante, hay bắn vào tháp chuông nhà thờ để kết thúc sớm màn rượt đuổi của cả khu làng giai đoạn đầu game (đây vốn là cái “bug” nhỏ trong phiên bản nguyên gốc nhưng khá thú vị nên được giữ nguyên sau các bản cập nhật)… thì đội ngũ phát triển game cũng thêm vào một số bí mật nho nhỏ khác như nhiệm vụ phụ… ném trứng vào bức hình của Salazar trong Chapter 12 để nhận được phần quà lưu niệm từ anh chàng thương nhân bí ẩn.

Những Trứng Phục sinh này, một mặt nào đó là một sự thôi thúc game thủ lao vào mò mẫm, thử nghiệm và tìm kiếm những bí mật trong suốt quá trình chơi, tuyệt vời hơn nữa, ẩn trong đó có thể là những “achievement” (thành tựu) thuộc loại cực hiếm trên các hệ thống phần thưởng (trophy) của cả console và PC khiến bạn có thể dễ dàng khoe với bạn bè, một điều chưa từng có trên phiên bản gốc gần 20 năm trước.

Nhìn chung, những thay đổi về cốt truyện và lối chơi của Resident Evil 4 Remake là rất nhỏ so với phiên bản gốc, thế nhưng những yếu tố nhỏ này lại khiến cho tựa game được “thăng hoa” khá nhiều, ngay cả với các fan hâm mộ “cứng” của dòng game.


Chất lượng hình – âm ấn tượng!

Mặc dù người viết có phần “phấn khích” với những thêm thắt nhỏ trong cốt truyện và lối chơi của Resident Evil 4 Remake, thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chất lượng đồ họa và âm thanh trong game cũng giúp nâng trải nghiệm kinh dị cho game lên một tầng cao mới.

Khác với bản gốc có hạn chế về mặt kỹ thuật có khuynh hướng tăng sáng cho hầu hết các cảnh game, phiên bản mới ra mắt đầu năm 2023 được thiết kế hoàn toàn trên nền RE Engine, với tông màu và phong cách đồ họa có phần tăm tối như trong Resident Evil Village, từ đó tạo ra một bầu không khí có phần u ám hơn rất nhiều, phù hợp cho một chuyến phiêu lưu kinh dị.

Đó là chưa kể rất nhiều bản đồ được thiết kế lại, với các công trình bị phân nhỏ thành nhiều phòng có không gian tăm tối và chật hẹp hơn rất nhiều so với phiên bản gốc, đó còn là cái cách mà đội ngũ thiết kế tăng cường rất nhiều “vật trang trí” có phần máu me, tạo ra áp lực tâm lý với người chơi, cũng khiến cho trải nghiệm game có phần “thô” hơn và “dơ” hơn, chứ không quá “hiền” như trên phiên bản gốc.

Sử dụng RE Engine tương tự như hai phiên bản làm lại trước đây cũng có nghĩa là góc nhìn của Leon khá hẹp, chỉ nhỉnh hơn chút xíu góc nhìn thứ nhất được giới thiệu lần đầu tiên trên Resident Evil 7: Biohazard, điều này cũng đem đến áp lực lớn hơn cho người chơi, nhất là ở các phân cảnh tối tăm với các màn hù dọa theo kiểu “Jump-scare” khiến cho người chơi khó lòng chuẩn bị về tâm lý hơn.

Đó là chưa kể đến ánh sáng được điều phối vô cùng tốt trong mỗi khung cảnh, đặc biệt nhờ vào công nghệ dò tia Ray Tracing khiến cho môi trường trở nên chân thực hơn.

Từ đó, gần như tựa game đã tìm lại những giá trị nguyên bản của riêng mình như với phần game đầu tiên, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của dòng game Kinh dị Sinh tồn Alone In The Dark, khi sử dụng nhịp nhàng bóng tối và các nguồn sáng lập lòe để khơi gợi nên nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất trong lòng mỗi người khi lang thang trong bóng tối.

Các quái vật cũng đều được thiết kế lại với thiết kế chân thực hơn, có phần gớm ghiếc hơn, nhưng những người chơi quen thuộc của dòng game hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm của chúng.

Phần âm thanh của Resident Evil 4 Remake cũng được làm lại hoàn toàn mới cả về phần lồng tiếng, lẫn các bài nhạc nền với chất lượng vô cùng ấn tượng, phù hợp với hình tượng nhân vật và môi trường màn chơi.

Đáng chú ý, có thể thấy giọng lồng tiếng cho Ashley có phần trưởng thành hơn, chín chắn hơn, quyết đoán hơn hay Luis Serra chỉ “lông bông” ở một vài phân đoạn trào phúng đúng chỗ, thay vì cứ tỏ ra không đáng tin cậy như trên phiên bản gốc.

quá trình xây dựng lại toàn bộ cả về mặt đồ họa và âm thanh đã thổi một “luồng gió mới” vào một Resident Evil 4 cũ kỹ, đem đến cho người chơi một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ

Phần nhạc nền mới mẻ hoàn toàn do Kota Suzuki đảm nhiệm. Tuy không tham gia vào dự án viết nhạc cho phiên bản gốc, ông vẫn là nhạc sĩ đứng sau thành công của hầu hết các tựa game do Capcom sản xuất trong 20 năm trở lại đây, và vì thế, nếu bạn yêu thích phần nhạc nền có phần rờn rợn của Resident Evil Revelation 2 hay không khí sôi động trong Devil May Cry 5 thì bạn sẽ chẳng có gì phải phàn nàn với chất lượng nhạc nền trong tựa game này.

Về tổng thể, quá trình xây dựng lại toàn bộ cả về mặt đồ họa và âm thanh đã thổi một “luồng gió mới” vào một Resident Evil 4 cũ kỹ, đem đến cho người chơi một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, dù cho bạn là “fan ruột” của tựa game này trước đây.

BẠN SẼ GHÉT

Một vài vấn đề rất nhỏ!

Phải nói rằng Resident Evil 4 Remake là phiên bản có thể xem như thành công nhất trong các phiên bản làm lại (remake) về dòng game này từ trước đến nay, thế nhưng nếu “vạch lá tìm sâu” thì bạn vẫn tìm thấy một vài vấn đề rất nhỏ đáng phàn nàn về tựa game này.

Chẳng hạn như phiên bản trên nền PC của tựa game khá không ổn định, rất dễ phát sinh lỗi “Fatal D3D Error (25)” gây văng game đột xuất trong quá trình chơi.

Có rất nhiều người đã phàn nàn về lỗi này trên nền tảng Steam và cũng có rất nhiều các hướng dẫn làm sao để có thể hạn chế được vấn đề này, nhưng có vẻ chúng có liên quan nhiều đến các thiết lập đồ họa và việc tối ưu chúng như thế nào.

Đáng kể nhất là một vài người cho rằng các card đồ họa đến từ AMD có độ tương thích tốt hơn card đồ họa của “đội xanh”.

Cuối cùng, ý tưởng đánh dấu X màu vàng lên tất cả các thùng gỗ có thể phá hủy được tỏ ra khá kỳ dị mà theo ý kiến riêng của người viết, nó phần nào phá hỏng không khí mày mò của người chơi.

Tuy vậy, đó là một vấn đề khá nhỏ tùy thuộc vào cảm nhận riêng của từng game thủ riêng biệt.

nếu “vạch lá tìm sâu” thì bạn vẫn tìm thấy một vài vấn đề rất nhỏ đáng phàn nàn về tựa game này

Vàng 9.5

Resident Evil 4 Remake là phiên bản có thể xem như thành công nhất trong các phiên bản làm lại (remake) về dòng game này từ trước đến nay nhờ vào những thêm thắt nhỏ trong cốt truyện, chất lượng đồ họa và âm thanh vượt trội gợi lên được không khí kinh dị cần có của dòng game này.

Thông tin

  • Resident Evil 4 Remake
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    28/03/2023
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 64bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 3600 / Intel Core i7 8700
  • RAM
    16GB
  • GPU
    AMD Radeon RX 5700 / NVIDIA GeForce GTX 1070
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11
  • CPU
    Intel Core i7 8700
  • RAM
    16GB
  • GPU
    MSI RX 480
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Capcom. Chơi trên PC.