Sea of Stars – Vào năm 2020, tiếp nối thành công của The Messenger, Sabotage Studio đã công bố dự án tiếp theo của mình mang tên Sea of Stars thông qua nền tảng gây vốn cộng đồng Kickstarter. Được nhận xét là tham vọng hơn và “khủng” hơn The Messenger tới 4 lần, trò chơi đang dấy lên sự tò mò của những người yêu thích JRPG, nhanh chóng nhận được khoản đầu tư “khủng” từ cộng đồng lên đến 1.6 triệu đô Canada.
Được dự tính ra mắt vào năm 2022, thế nhưng, vì độ lớn của dự án, game đã phải dời lại mãi đến cuối tháng 8/2023.
Xuyên suốt năm nay, mọi người đã có thể thấy và trải nghiệm vô vàn các “bom tấn” cực đỉnh như The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom, Hogwarts Legacy, Baldur’s Gate 3… hiện đang cạnh tranh hết sức “máu lửa” cho ngôi vương “Tựa game của năm”.
Mặc cho sức nóng của Baldur’s Gate 3 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì hai cái tên lớn khác là Starfield và DLC Phantom Liberty của Cyberpunk 2077 cũng ra mắt vào tháng 9, khiến cho “ngày ra quân” của Sea of Stars có thể gặp nhiều khó khăn.
Vậy, liệu một tựa game độc lập như Sea of Stars có đủ sức nặng để cạnh tranh với hàng loạt những cái tên đầy sức nặng trong năm nay?
Hãy cùng Vietgame.asia xem qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
TÁI HIỆN HOÀN HẢO “THỜI HOÀNG KIM” CỦA JRPG!
Lấy cảm hứng mạnh mẽ từ “huyền thoại SNES” Chrono Trigger, Sea of Stars đưa bạn quay trở lại tuổi thơ ngay từ những khung hình đầu tiên xuất hiện màn hình và xuyên suốt quá trình chơi: phong cách đồ họa pixel, lối chơi chiến đấu theo lượt, cốt truyện bao gồm một kẻ xấu muốn phá hủy thế giới và (những) người được chọn,… nhưng lại sở hữu vô vàn những cải tiến hiện đại để khiến cho game dễ tiếp cận hơn, cũng như lược bỏ những “điểm trừ” vốn hiện hữu trong mọi game JRPG.
Đầu tiên, lối chơi của game có thiên hướng giống Super Mario RPG cùng với một vài cơ chế từ Chrono Trigger. Trò chơi sử dụng cơ chế hành động theo lượt tương đối linh động, chúng sẽ chỉ được áp dụng cho nhóm của người chơi. Khi đến lượt, người chơi sẽ được chọn bất kỳ nhân vật nào để hành động trước hoặc sau, tùy thuộc vào tình hình của trận đấu.
Thế nhưng, một nhân vật chỉ được hành động một lần trong một vòng, và chỉ có thể hành động tiếp sau khi mọi người trong nhóm đã hành động. Đối với kẻ dịch, chúng sẽ luôn có một bộ đếm lượt nằm ngay cạnh thanh máu, báo hiệu khi nào chúng sẽ tấn công.
Người chơi sẽ được phép sử 4 hành động: đánh thường, kỹ năng, tuyệt kĩ kết hợp và sử dụng vật phẩm mỗi khi đến lượt hành động.
Đánh thường là cách dễ nhất để tấn công, người chơi mỗi khi sử dụng hành động này sẽ giúp nhân vật hồi 3 MP (để sử dụng kỹ năng) và tạo ra Live Mana (giúp cường hóa đòn đánh thường, tẩm thêm hiệu ứng và gây thêm sát thương). Kỹ năng sẽ cung cấp một số hiệu ứng đặc biệt như hồi máu hoặc gây sát thương phép, nhưng tốn MP để kích hoạt. Tuyệt kĩ kết hợp là những kỹ năng siêu mạnh mà bạn có thể tạo ra giữa các nhân vật được mang vào chiến đấu, tuy không tốn MP nhưng sẽ yêu cầu điểm Combo để sử dụng.
Trong lúc thực hiện các hành động tấn công hoặc phòng thủ, bạn có thể để ý diễn hoạt của nhân vật và bấm nút hành động thêm nữa để cường hóa đòn đánh gây ra hoặc phòng thủ trước đòn tấn công của địch, có phần giống như một số kỹ năng sở hữu QTE trong Yakuza: Like A Dragon. Khi thành công, nhân vật sẽ thay đổi diễn hoạt và một số đòn đánh sẽ trở nên cực kỳ lợi hại, giúp cho những người chơi có khả năng canh giờ được thêm lợi thế trong chiến đấu, bởi đôi lúc chỉ 1-2 sát thương cũng đủ thay đổi hoàn toàn thế cục trận đấu.
“Ngôi sao sáng” của hệ thống chiến đấu không nằm những điều trên, mà nằm ở hệ thống Lock ở trên đầu đối phương. Khi kẻ địch chuẩn bị sử dụng kỹ năng để tấn công, bên cạnh bộ đếm lượt, chúng sẽ tạo ra một thanh chứa nhiều icon trên đầu thể hiện những sát thương nào sẽ giúp khóa chúng lại. Cứ mỗi khi bạn thành công gây ra sát thương được báo hiệu, kỹ năng của địch sẽ yếu đi khá nhiều. Nếu bạn thỏa mãn toàn bộ yêu cầu trước khi bộ đếm ngược về 0, kẻ địch sẽ không chỉ bị khóa chiêu, mà còn mất lượt hoàn toàn. Chính nhờ cơ chế này mà các trận đấu luôn trở nên căng thẳng, bởi bạn sẽ phải tính đường đi nước bước cho hợp lý để giảm thiểu thiệt hại hết mức có thể.
Không chỉ phần chiến đấu đã được cô đọng lại, các nhân vật của bạn cũng có vai trò hết sức rõ ràng, với số lượng kỹ năng “ít nhưng mà chất”: Zale giúp gây sát thương mặt trời và chém; Valere giúp gây sát thương mặt trăng và cùn (blunt), Garl tuy chỉ giúp gây sát thương cùn nhưng lại có khả năng thay đổi vị trí kẻ địch và hồi máu cực cao,… Điều quan trọng là việc xây dựng đội hình ra sao cho phù hợp với từng khu vực, từng trận đánh.
Vì thế, một khi bạn đã quen với hệ thống chiến đấu này, sẽ không có quá nhiều thứ làm khó bạn được, và game cũng không còn mang đến khá nhiều cảm giác bất ngờ nữa.
Thật may thay, Sea of Stars không sở hữu cơ chế đụng độ ngẫu nhiên để tránh gây khó dễ cho người chơi, thế nên, ngoại trừ các trận chiến bắt buộc trong mạch truyện, bạn hoàn toàn có thể tránh những cuộc đụng độ không mong muốn với kẻ địch. Game cũng không quá “cày cuốc” và bắt buộc người chơi phải tiêu diệt thật nhiều quái để có thể đủ sức đánh trùm, bạn chỉ cần đi theo đúng mạch game và phân bố đội hình hợp lý là có thể tận hưởng game một cách thoải mái.
Nếu bạn cảm thấy game quá dễ hoặc quá khó, trò chơi cũng cung cấp khá nhiều thánh tích (relic) mà bạn có thể mua tại các cửa hàng trong lúc chơi, điển hình như: giảm sát thương kẻ địch đi 30%, tự động giúp nhân vật đỡ đòn nhưng giảm hiệu ứng đỡ… Cũng vì thế, Sea of Stars hoàn toàn không yêu cầu bạn chọn độ khó lúc bắt đầu game. Một bước đi cực kỳ thông minh!
Một trong những điểm mạnh khác mà không thể nào không kể đến của Sea of Stars, đó chính là cách thiết kế màn chơi và thế giới hết sức tài tình, phần chơi giải đố tuy đơn giản nhưng cực kỳ hấp dẫn, và sự thỏa mãn mà game mang lại trong quá trình phiêu lưu. Khi khám phá game, người viết hoàn toàn cảm thấy “bóng hình dáng âm” của Golden Sun văng vẳng trong từng ngõ ngách của game.
Các khu vực và hầm ngục phải nói được xây dựng và kết nối với nhau một cách cực kỳ chặt chẽ, đan xen giữa từng khu vực là các câu đố, đôi khi dễ, đôi khi khó, nhưng đều mang lại một cảm giác thỏa mãn mỗi khi bạn giải ra, bởi phần thưởng mà họ đưa ra hoàn toàn tương xứng với mức độ phức tạp của câu đố, có thể chỉ là một cái rương chứa vật phẩm thông thường, đôi khi lại là một mảnh thánh tích cực ngon, kèm một câu chuyện để tạo thêm chiều sâu về lịch sử của thế giới.
cách thiết kế màn chơi và thế giới hết sức tài tình, phần chơi giải đố tuy đơn giản nhưng cực kỳ hấp dẫn, và sự thỏa mãn mà game mang lại trong quá trình phiêu lưu
HÌNH, ÂM MÃN NHÃN!
Bên cạnh việc đã “mài dũa” những công thức thành công của các “bậc tiền bối” JRPG khác, “điểm ăn tiền” của Sea of Stars còn nằm ở sự tỉ mỉ chau chuốt cho từng chi tiết xuất hiện trong trò chơi.
“Khoác lên mình” phong cách pixel art nhằm “tri ân” những tựa game cũ mà vốn đã được hãng thực hiện với tựa game tiền nhiệm, nay hãng đã hoàn toàn đẩy phong cách này lên một tầm cao hoàn toàn mới với Sea of Stars.
Từ những giây phút đầu tiên, game đã có thể “phô diễn” được thế mạnh của mình khi mang đến cho người chơi một thế giới đầy màu sắc, thơ mộng và rất có “hồn” khi mọi khu vực đều có những thiết kế rất tài tình khi có thể thể hiện được vẻ đẹp, đặc trưng và lịch sử riêng của mình, chúng khiến cho bạn phải cảm thấy tò mò mà khám phá từng ngóc ngách của mỗi khu vực.
Không chỉ dừng lại đó, từng chuyển động trong game, từ cách nhân vật chuyển động cho đến những chi tiết nhỏ như cây rung khi gió thổi, hay thậm chí… việc tạo sóng nước khi di chuyển trên mặt nước, tất cả đều được làm hết sức tỉ mỉ và chi tiết. Thậm chí, đến cả việc đánh ánh sáng và đổ bóng trong Sea of Stars cũng được làm hết sức “sang xịn mịn”, khiến cho bạn không thể nào tin nổi đây là một tựa game pixel.
Để so sánh, chính Sabotage Studio cũng xác nhận rằng để cho Sea of Stars được lộng lẫy như thế này, khối lượng công việc của họ đã nhiều hơn gấp bội so với The Messenger, trong đó, họ đã dành ra hàng năm trời chỉ để xây dựng hệ thống chiết xuất đồ họa (render pipeline) phù hợp với tham vọng này. Thật không thể tin nổi!
Không chỉ sở hữu phần “nhìn” ăn tiền, mà phần “nghe” của trò chơi cũng không hề kém cạnh khi có sự góp mặt của Yasunori Mitsuda – người đứng sau hàng loạt những bản nhạc của dòng Chrono và Xeno, bên cạnh nhà soạn nhạc chính Eric W. Brown. Tất cả đều mang trong mình giai điệu JRPG thân thương, vừa quen, vừa lạ, vừa có chút hoài niệm đến tựa game cũ, nhưng cũng hết sức mới mẻ và hiện đại.
từng chuyển động trong game, từ cách nhân vật chuyển động cho đến những chi tiết nhỏ như cây rung khi gió thổi, hay thậm chí… việc tạo sóng nước khi di chuyển trên mặt nước, tất cả đều được làm hết sức tỉ mỉ và chi tiết
BẠN SẼ GHÉT
CỐT TRUYỆN MỜ NHẠT VÀ LÊ THÊ…
Mặc dù phần nghe, nhìn và “cảm” đều đáng được khen, thế nhưng phần nội dung cùng với dàn nhân vật lại chính là “gót chân Achilles” của Sea of Stars.
Tương tự như mô típ của bao tựa game JRPG khác, bạn sẽ được chọn vào vai hai vị Chiến binh Điểm chí trẻ tuổi – Zale và Valere – trên con đường tập luyện nhằm tiêu diệt kẻ xấu. Trong suốt cuộc hành trình của cả hai, họ sẽ được gặp lại người bạn cũ Garl, và những gương mặt mới góp phần giúp đỡ họ hạ gục kẻ ác ma.
Tuy mô tuýp có cũ, song, nghe thì cũng không đến nỗi tệ nếu như diễn biến trong Sea of Stars không lê thê đến mức… buồn ngủ. Bạn chỉ thật sự khởi đầu hành trình sau gần khoảng 3 tiếng với hàng tá các đoạn hội thoại để kể lể về thế giới mà gần như bạn còn chưa thật sự hiểu về nó, nên đọc xong rồi cũng… từ tai này qua tai kia!
Sau đó, bạn sẽ dành phần lớn thời gian chạy vòng vòng và giải quyết những vấn đề không đâu vào đâu, khiến cho người viết… quên bẵng đi mục đích của cuộc hành trình này là gì. Mãi về sau, các tình tiết trong game có trở nên hấp dẫn hơn một chút, nhưng cũng chẳng mấy khá khẩm hơn là bao.
Bên cạnh cốt truyện mờ nhạt, các nhân vật cũng được xây dựng hết sức “một màu” với những câu thoại cực kỳ sượng, đặc biệt hơn khi bọn chúng đa phần đến từ hai nhân vật chủ chốt của game. Dẫu biết Sea of Stars sở hữu tông màu tươi sáng, thế nhưng cả tổ đội của bạn, ai ai cũng đều cực kỳ vui vẻ, tích cực và luôn cố gắng gây cười. Điều này dẫn đến việc bạn rất khó có thể phân biệt được tính cách của từng nhân vật, bởi bọn họ hành xử quá giống nhau.
Không chỉ thế, giữa các nhân vật trong tổ đội, họ không thật sự có quá nhiều sự gắn kết và lý do để tương tác với nhau, do đó, kể cả khi bị đặt trong một tình huống hiểm nghèo, có lẽ bạn cũng không thể nào đồng cảm với những nhân vật này.
Thật đáng tiếc tay, vì Sea of Stars thật sự có tiềm năng để mở rộng hơn thế nữa, bởi phần “bề chìm” của thế giới này đã thôi thúc sự tò mò của người viết hơn cả nhịp truyện chính, từ những mảnh ghép lịch sử và thần thoại của từng địa danh, cách thức hoạt động của từng loại công nghệ/ma thuật, hay những câu chuyện mà bạn được nghe Teaks kể lại khi cắm trại… tất cả thật sự tạo nên một thế giới đầy sống động và hoàn toàn lấn át sự mờ nhạt của mạch truyện chính.
Mặc dù phần nghe, nhìn và “cảm” đều đáng được khen, thế nhưng phần nội dung cùng với dàn nhân vật lại chính là “gót chân Achilles” của Sea of Stars