Skip to content

Silent Hill: The Short Message – Đánh Giá Game

Silent Hill: The Short Message

Silent Hill: The Short Message – Ở sự kiện State of Play mới đây, Konami đã công bố một đoạn trailer ngắn cho tựa game Silent Hill 2 Remake của họ.

Tuy nhiên, sau đó Konami đã bất ngờ công bố Silent Hill: The Short Message, một tựa game miễn phí ngắn để “trình làng” những công nghệ mới, và có thể là tương lai của cả dòng game.

Vậy, tựa game mới này có hay không? Tương lai của Silent Hill sẽ ra sao? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé.

CHÚ Ý: Đoạn đánh giá dưới đây SẼ tiết lộ trước nội dung cốt truyện của Silent Hill: The Short Message. Độc giả cân nhắc khi đọc.

BẠN SẼ GHÉT

Đây là Silent Hill?

Silent Hill. Một cái tên vang bóng một thời, khắc sâu vào tâm trí game thủ với những tựa game đình đám, với những quái vật kinh điển tới nỗi… không cần chơi cũng biết như đao phủ Đầu Kim Tự Tháp (Pyramid Head) hay các cô nàng y tá “nóng bỏng” đến… ám ảnh – Bubblehead Nurse.

Khá đáng tiếc, sau từng đó thời gian, và khi Team Silent giải thể, Silent Hill cũng bặt vô âm tín… cho tới khi Hideo Kojima “suýt” hồi sinh lại dòng game với tựa game miễn phí ngắn P.T., và không ít người chơi cho rằng đây sẽ lại là một bình minh mới cho dòng game bị quên lãng này.

Tuy nhiên đời không giống như mơ, dự án Silent Hills bị hủy, Kojima rời đi, và Silent Hill một lần nữa rơi vào Otherworld… cho tới khi Konami quyết định sẽ “remake” (làm lại) Silent Hill 2, và bất ngờ tung ra Silent Hill: The Short Message, một tựa game miễn phí, được giới thiệu như là một bản “demo” cho những gì dòng game này sắp nhận được.

Trở lại với Silent Hill: The Short Message, người viết thừa nhận chỉ mới chơi hai phiên bản Silent Hill, đó là Silent Hill 2Silent Hill 3, tuy nhiên hai tựa game đó đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho người viết với một tuyến truyện căng thẳng, gay cấn, một bầu không khí ghê rợn như có ai đó đang bóp nghẹt lại, và những ám ảnh kinh hoàng mang tính hoang đường không thể lý giải rõ ràng như dòng game hành động kinh dị cùng thời: Resident Evil.

Với Silent Hill: The Short Message, chúng ta có gì? Người chơi vào vai cô bé Anita, theo lời mời của một cô bạn tên Maya để ghé thăm căn chung cư bỏ hoang ở thành phố Kettenstadt – một thành phố nơi biên cương Đức đang trong giai đoạn khó khăn. Mỗi tội, Maya… đã chết (mô-típ rất quen thuộc – NV), nhưng Anita vẫn đều đều nhận được tin nhắn của Maya yêu cầu cô đi tới địa điểm cả hai đều biết, và bất chấp tất cả Anita vẫn đâm đầu vào để tìm kiếm Maya, vén màn bí mật đằng sau những chuyện kỳ lạ này (giống như một tựa game nào đó kết thúc bằng số 2, đúng không?).

Về căn bản, Silent Hill: The Short Message tập trung vào nội tâm nhân vật Anita, Maya và Amelie. Đối với Anita, cô là một cô bé thiếu tự trọng, trầm cảm sau khi tiếp xúc với những sự so sánh và lời lẽ độc hại trên mạng xã hội. Đối với Maya, cô là một họa sĩ trẻ tài năng và triển vọng, nhưng có vẻ như vì nguyên do nào đó (sẽ được giải thích trong cốt truyện) mà cô bé bị cô lập và cũng rơi vào trầm cảm. Còn Amelie, cô là bạn của cả Maya và Anita, cũng là chất xúc tác cho những pha “plot twist” (bẻ lái) của cốt truyện.

Silent Hill: The Short Message chủ yếu khai thác những vấn đề nổi cộm của xã hội hiện tại như bạo lực học đường, trầm cảm tuổi học sinh, tự tử, và cả… đại dịch COVID-19.

Vấn đề nằm ở những chỗ này!

Những tựa game Silent Hill, hay những tựa game kinh dị nói chung, mặc dù có yếu tố về trầm cảm và tự tử đi chăng nữa, thì chúng nhằm để phụ trợ cho những yếu tố kinh dị của game, để người chơi có cảm giác hốt hoảng, bất ngờ, kích thích bản năng sợ hãi.

Còn với Silent Hill: The Short Message, người viết cảm thấy rằng những yếu tố kinh dị của game chỉ để… giáo dục cho người chơi về sự đáng sợ của bạo lực học đường và trầm cảm thì đúng hơn.

Xuyên suốt Silent Hill: The Short Message, tựa game nhắc người viết phải… ba lần rằng, “nếu bạn có ý muốn tự tử hãy gọi tổng đài XXX-XXXX của Mỹ để được tư vấn.”, rồi thì đưa vào nhiều phân đoạn để mô tả lại cảm giác của người bị bắt nạt, với những “bóng ma tâm lý” xung quanh liên tục chửi rủa những lời như “con đ*”, hay “cút mẹ mày đi”, “súc vật”, v.v.

Nghe một lần thì có thể không sao, nhưng game liên tục nhồi nhét những thứ như vậy trong suốt 2 tiếng đồng hồ giống như sợ người chơi không biết nhân vật đang nghĩ gì trong lòng, không biết nhân vật đã trải qua những gì.

Còn đâu những thông điệp bí mật, những câu hỏi mơ hồ mà người chơi tự do hiểu theo cách của mình trong những tựa game trước? Còn đâu những yếu tố nội tâm kinh dị của James Sunderland khi anh bước vào bệnh viện bỏ hoang?

Đó là còn chưa kể tính tình của Anita có phần thiếu nhất quán. Người viết không khỏi bật cười khi cô nàng vừa bị “rượt” té khói, luôn mồm la hét hãy dừng lại đi, cho tôi ra khỏi đây, sau khi thoát khỏi thật thì việc đầu tiên là… mở điện thoại ra tán dóc với Amelie, thậm chí còn không thèm nhắc đến việc mình đang bị kẹt trong toà nhà bỏ hoang với một con quái vật khủng bố.

Có một phân cảnh khi Anita đi dọc theo một hành lang, bỗng nhiên hành lang đó biến thành một bức tường toàn dấu tay người rất ghê. Nếu là người viết trong trường hợp này thì chỉ có co giò chạy thật nhanh, vậy mà cô nàng Anita của chúng ta vẫn bình tĩnh… mở điện thoại nhắn tin rất thản nhiên như không có gì xảy ra cả?!

Tóm lại, mạch truyện của Silent Hill: The Short Message bắt đầu như một bản sao của Silent Hill 2, nhưng giữa chừng tựa game quên mất mình là game kinh dị, thay vào đó tập trung vào việc giáo dục cho người chơi về tác hại của mạng xã hội lên tinh thần và sức khoẻ tâm lý của học sinh, và cuối cùng vội vã đập một hai cú “plot twist” để khẳng định mình vẫn là một tựa game kinh dị!

Nói thật, nếu những tựa game Silent Hill tương lai được bố trí giống Silent Hill: The Short Message, thì người hâm mộ lâu năm có thể… quên dòng game Silent Hill đi được rồi. Hãy gọi nó bằng tên khác, chẳng hạn như Life of Strange: Horror Version được không?

tựa game quên mất mình là game kinh dị, thay vào đó tập trung vào việc giáo dục cho người chơi về tác hại của mạng xã hội lên tinh thần và sức khoẻ tâm lý của học sinh, và cuối cùng vội vã đập một hai cú “plot twist” để khẳng định mình vẫn là một tựa game kinh dị!


Lối chơi tẻ nhạt, lặp lại

Xếp Silent Hill: The Short Message vào thể loại “phim tương tác” cũng chẳng sai, khi xuyên suốt game những gì người chơi cần làm đó là… đi lại quanh khu chung cư, và bấm X để kiểm tra những thứ cần kiểm tra, đọc những thứ cần đọc (nếu không tìm được thứ cần đọc thì game sẽ… khoá cửa cho tới khi bạn tìm ra).

Có duy nhất một câu đố trong toàn bộ quá trình chơi game, và nó cũng chẳng có gì khó khăn cả. Lồng ghép vào những phân đoạn này là những thước phim người thật đóng, giúp người chơi được diện kiến cô bé Maya “bằng xương, bằng thịt”.

Khá buồn cười, có lẽ do diễn viên đóng Maya là người Nhật, nên khẩu hình của những thước phim này khác hoàn toàn lồng tiếng, tạo nên một khung cảnh “dở khóc, dở cười”. Bỏ qua vấn đề này, thì những thước phim này thực ra khá thú vị, được quay tương đối công phu, đem lại một tầng cảm xúc mới cho người chơi.

Nếu chỉ có như vậy thì người viết cũng không có vấn đề gì, nhưng giữa những màn “khám phá” này là những đoạn đuổi bắt, nơi người chơi phải chạy khỏi một con quái vật hoa anh đào dí sát sau lưng, và khi bạn bị tóm thì bạn sẽ phải… chạy lại từ đầu.

Silent Hill: The Short Message

Xếp Silent Hill: The Short Message vào thể loại “phim tương tác” cũng chẳng sai, khi xuyên suốt game những gì người chơi cần làm đó là… đi lại quanh khu chung cư, và bấm X để kiểm tra những thứ cần kiểm tra

Phân đoạn kiểu này lần đầu còn cảm thấy tim đập chân run, nhưng Konami không rõ vì lười, hay bí ý tưởng, mà cho phân đoạn lặp lại tới… 4 lần. Lần đầu thì thấy hơi sợ, lần hai thấy tẻ nhạt, còn tới lần ba và lần bốn, người viết chỉ thấy nhàm chán và khó chịu, chẳng khác gì Dead by Daylight cả. Thậm chí người viết chơi với đám nextbot bên Garry’s mod còn thấy thích hơn.

Đã tẻ nhạt thì chớ, những phân đoạn này còn mất đi yếu tố bất ngờ, khi mỗi lần phân đoạn đuổi bắt chuẩn bị bắt đầu thì điện thoại của Anita sẽ trở nên nhiễu, màn hình trở nên rè rè, và trong đầu người viết lại vang lên “Ah shit, here we go again.”

Ở phân đoạn cuối người chơi sẽ phải lần mò trong một mê cung rộng lớn, đi tìm những bức ảnh “bé như mắt muỗi” rải rác khắp mê cung, và nếu để quái vật tóm được thì sẽ phải… chơi lại từ đầu phân đoạn! Điều này chỉ “thổi bay” những cái gì gọi là sợ hãi, ghê rợn, chỉ còn đọng lại sự bực tức và khó chịu khi chơi game.

Ít nhất thì người viết cũng cảm thấy thiết kế của quái vật hoa anh đào, do chính người thiết kế nhân vật Pyramid Head – Masahiro Ito tạo nên, là rất ấn tượng!

BẠN SẼ THÍCH

Silent Hill: The Short Message

Hình đẹp, âm hay

Về điểm cộng, Silent Hill: The Short Message có một nền tảng đồ họa tương đối đẹp, và đã khắc họa khá tốt bầu không khí của thành phố Kettenstadt: mờ mịt, tăm tối, phủ đầy sương.

Ngoài ra, người viết cũng khá ấn tượng với các khung cảnh khắc họa nội tâm rối loạn của các nhân vật, với những bức tường méo mó, dày đặc những tờ giấy ghi nhớ. Đặc biệt, những bức tường trong các phân đoạn đuổi bắt được trau chuốt tương đối chi tiết: những khung sắt gỉ sét, hay vô số bức tường đầy tai mắt chớp chớp liên tục, v.v.

Silent Hill: The Short Message

Âm thanh của Silent Hill: The Short Message cũng là một điểm cộng, với những nền nhạc tô điểm cho mỗi bước đi của Anita. Đáng tiếc là trong các phân đoạn khám phá không hề có bất cứ biến cố bất ngờ nào xảy ra, khiến những đoạn nhạc này hầu như mất sạch ý nghĩa và chỉ “nghe cho vui tai”.

Silent Hill: The Short Message có một nền tảng đồ họa tương đối đẹp, và đã khắc họa khá tốt bầu không khí của thành phố Kettenstadt: mờ mịt, tăm tối, phủ đầy sương

4.5

Silent Hill: The Short Message có chất lượng hình ảnh  tốt, âm thanh và âm nhạc rất hay, cùng với thiết kế quái vật "chuẩn" Silent Hill.

Đáng tiếc, nhiêu đó là chưa đủ để cứu vãn một cốt truyện nhạt nhòa, chất kinh dị tẻ nhạt thiếu "chất" huyền bí hoang đường của Silent Hill năm nào và chốt hạ bằng một lối chơi lặp lại nhàm chán.



Thông tin

  • Silent Hill: The Short Message
  • Nhà phát triển
    Konami
  • Nhà phát hành
    Konami
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Hành động
  • Ngày ra mắt
    05/02/2024
  • Nền tảng
    PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi KONAMI. Chơi trên PlayStation 5.

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận