Skip to content

Space Hulk – Đánh Giá Game

Space Hulk

Space Hulk là một trò chơi được xây dựng dựa theo một “game sa bàn” (board game) cùng tên, đến từ hãng game của Đan Mạch: Full Control. Đây là một thương hiệu cực kỳ quen thuộc, nhất là với những ai là fan của dòng Warhammer 40,000 của hãng Games Workshop.

Nó được xem là một trong những trò chơi tạo tiếng vang đầu tiên, đem thế giới Warhammer 40,000 đến với giới mê “board game”.

Cốt truyện của Space Hulk rất đơn giản, diễn ra trong một tương lai xa xăm khi mà con người đã vươn mình ra các vì sao.

Đón chờ họ không phải là những cánh hoa hồng, vinh hoa phú quý mà là những thế lực thù địch sẵn sàng đe dọa vị trí độc tôn của loài người trong vũ trụ.

Người chơi điều khiển những Space Marine, chiến binh được cấy gen đặc biệt có sức mạnh vô song, khám phá các bí ẩn bên trong một chiến hạm bỏ hoang (gọi là Space Hulk), đồng thời chống lại giống loài ngoài hành tinh, Genestealer, đang ẩn náu trên đó.

Liệu họ sẽ chiến thắng trở về hay lại ôm thất bại đắng cay? Tất cả tùy thuộc vào bàn tay điều khiển của bạn…

BẠN SẼ THÍCH

Lối chơi có chiều sâu nhưng lại đơn giản

Lối chơi của “game sa bàn” Space Hulk được hãng Full Control tái hiện lại trong tựa game cùng tên của mình.

Người chơi điều khiển những chàng Space Marine trong bộ giáp trụ nặng nề, thực hiện những nhiệm vụ gần như bất khả thi trên chiến hạm bí ẩn với lối chơi theo lượt.

Mỗi nhân vật có 4 điểm AP (Action Point), hay còn gọi là điểm “Hành Vi”, để thực hiện bất cứ hành động: từ đi lại, phòng thủ, canh gác đến tấn công địch.

Bên cạnh điểm “Hành Vi” cho từng người lính, người chơi còn có 6 điểm CP (Command Point), tự hồi theo từng lượt đi để sử dụng lúc… nguy cấp hay cần thực hiện một nước đi chiến lược nào đó mà chẳng may người lính bạn điều khiển đã tiêu hết sạch điểm AP.

Bên cạnh hai yếu tố AP và CP, Space Hulk cũng đưa vào yếu tố may mắn tương tự như phiên bản cờ bàn của nó, đó là đổ xí ngầu.

Ở đây, khi người chơi ra lệnh tấn công một mục tiêu, game sẽ tự đổ xí ngầu cho bạn để tính xem nhân vật có bắn trúng hay là không. Nếu trúng thì chẳng có gì, nhưng nếu không trúng thì bạn chỉ có nước “méo mặt”!

Một cách tạo cao trào thường thấy ở bất kỳ game cờ bàn nào.

Trò chơi đòi hỏi duy nhất ở người chơi khả năng tính toán cặn kẽ để có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo toàn tính mạng cho những Space Marine thân yêu của mình.

Tuy nhiên, cao trào không chỉ sinh ra từ thành công/thất bại của một đòn đánh, trò chơi tạo cao trào bằng cách đem cái yếu tố may rủi trên vào chính vũ khí của nhân vật.

Súng ống trong game có thể bị kẹt đạn sau mỗi lần tấn công, và chỉ có thể hoạt động trở lại khi nhân vật sử dụng điểm AP/CP để gỡ rối!

Thử tưởng tượng, kẻ địch đang tiến gần đến bạn, lần tấn công đầu tiên – hụt, lần thứ hai – cũng hụt nốt, lần thứ ba – kẹt đạn, bản thân của bạn sẽ thấy thế nào?

Bạn sẽ lo vắt tay, vắt trán lên óc chỉ để tính xem làm sao có thể gỡ rối cho nhân vật của mình.

Đây là một trong những tình huống cực kỳ quen thuộc của trò chơi Space Hulk ngoài đời. Và ở đây, nó được thực hiện khá hoàn hảo.

cao trào không chỉ sinh ra từ thành công/thất bại của một đòn đánh, trò chơi tạo cao trào bằng cách đem cái yếu tố may rủi trên vào chính vũ khí của nhân vật


Lột tả được “cái thần” của thế giới Warhammer 40000

Dù chỉ là một trò chơi nhỏ, Space Hulk cũng miêu tả được thành công những đặc điểm đặc sắc của thế giới Warhammer 40,000, mang cái thần không lẫn đi đâu được của nó đến với người chơi trên máy tính.

Thực hiện được điều này nằm ở hai yếu tố.

Thứ nhất là về mặt hình ảnh. Dù rằng trò chơi khoác trên mình một engine đồ họa chỉ nằm ở dạng trung bình, cách lồng ghép các mô hình nhân vật, môi trường, giao diện điều khiển đem lại một bầu không khí bí ẩn, u ám, sặc mùi chiến tranh truyền thống của dòng Warhammer 40,000.

Space Hulk

Thứ hai là âm thanh. Dù cho nó chưa thể so được với Relic Entertainment với dòng game dàn trận bất hủ – Warhammer 40,000: Dawn of War, mặt âm thanh môi trường, lồng tiếng cũng được thực hiện khá tốt, tạo được cảm giác những chiến binh Space Marine di chuyển với giáp trụ nặng nề, sắt đá; loài Genestealer ghê rợn thoắt hiện thoắt ẩn.

Cả hai mặt hình-âm tạo nên một cảm giác khó mà chê được!

Cách lồng ghép các mô hình nhân vật, môi trường, giao diện điều khiển của game đem lại một bầu không khí bí ẩn, u ám!

BẠN SẼ GHÉT

Space Hulk

Lối chơi hay nhưng chưa được thể hiện đúng mức

Space Hulk có một lối chơi đơn giản nhưng sâu (như đã nói bên trên). Tuy nhiên, đây lại chính là “gót chân Achilles” khiến cho trò chơi mất điểm trong mắt người chơi.

Vì sao? Vì hãng game “bưng” toàn bộ hệ thống lối chơi của Space Hulk (game cờ bàn) vào nên cũng khiến người chơi hy vọng, đón chờ cái cảm giác mà mình tự tay tung xúc xắc, quyết định số phận của chiến binh của mình trên máy tính.

Nhưng không, ở đây game tự đổ xúc xắc và hiện kết quả bằng một dòng chữ vô cảm xúc, vô nghĩa! Và đôi khi, điều này cũng khiến cho người chơi cảm thấy mình bị… ăn gian bởi game bởi vì khả năng mà chiến binh của họ bắn trúng địch bao giờ cũng nằm ở mức “1 ăn 4 thua”.

Thứ hai, khi trò chơi sa bàn Space Hulk lần đầu tiên ra mắt, nó được biết đến bởi hệ thống “ẩn”, che đi số lượng chính xác của các đơn vị thù địch trên bàn cờ.

Ví dụ, rađa nhìn thấy địch ở phía sau bức tường nhưng nó chỉ hiện ra một chấm đỏ duy nhất gọi là “blip”. Trên thực tế, trong một “blip” đó có thể có 1 hay 3 tên Genestealer trong đó, và chỉ khi đụng độ, người chơi mới biết được.

Việc này chẳng có ý nghĩa gì nếu như bạn thách đấu với một người bạn nữa… trên cùng một máy tính! Cả đôi bên đều “thấy” quân của nhau rồi.

Vậy thì hệ thống “ẩn” để đó để làm gì nữa?

Space Hulk có một lối chơi đơn giản nhưng sâu. Tuy nhiên, đây lại chính là “gót chân Achilles” khiến cho trò chơi mất điểm


Space Hulk

Lỗi, lỗi và lỗi!

Không chỉ dừng lại ở việc thể hiện chưa tới trong lối chơi, Space Hulk còn mắc thêm một “vết nhơ” – lỗi, dù rằng hãng sản xuất đã tung nhiều bản vá lỗi nhưng đôi khi chúng vẫn khiến cho người chơi bực tức!

Tại sao một trò chơi đơn giản như thế mà họ cũng không thực hiện được hoàn hảo? Đây là câu hỏi mà biết bao fan hâm mộ dòng Warhammer 40,000 muốn có câu trả lời.

Có thể chỉ ra ở vài điểm như: nhân vật chết không rõ lý do, nhân vật đi xuyên qua tường và… đứng đó luôn khiến cho người chơi phải chơi lại màn chơi, nhân vật bắn đạn lên trời nhưng vẫn tính là… trúng, v.v.

Ngoài ra, việc thiết kế giao diện Save – Load cũng là một điểm bức bối.

Dù rằng hãng sản xuất đã tung nhiều bản vá lỗi nhưng đôi khi chúng vẫn khiến cho người chơi bực tức.

Bạn có thể dễ dàng lưu (Save) một điểm chơi nào đó. Nhưng khi muốn nạp (Load) lại, bạn phải làm tới bốn bước: thoát màn chơi, nhấn OK đồng ý, sau đó chọn danh bạ Load, rồi chờ cho game nạp màn.

Tại sao lại thiết kế một giao diện người dùng rối rắm chỉ cho một chức năng hết sức đơn giản (nhưng rất quan trọng) như vậy?

Một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được!

6.0

Về tổng quan, Space Hulk đem đến lối chơi truyền thống của một trong những trò chơi cờ bàn nổi tiếng. Game mang lại cảm giác hồi hộp, xen lẫn thư giãn cho người chơi mỗi khi bị kẻ địch truy đuổi hay chiến thắng một màn chơi khó nhằn.

Các màn chơi cũng đưa ra nhiều thử thách chiến lược thông minh và hấp dẫn cũng là một điểm nhấn của Space Hulk. Tuy nhiên, cách thực hiện của game lại phá hỏng những điểm sáng kể trên. Game lại bị xen kẽ những lỗi và lỗi khiến cho nó chỉ dừng ở mức tạm được.

Thông tin

  • Space Hulk
  • Nhà phát triển
    Full Control
  • Nhà phát hành
    Full Control
  • Thể loại
    Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    15/08/2013
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 3

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows XP SP3/Vista/W7
  • CPU
    2GHz+
  • RAM
    4GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce 9000 / ATI Radeon HD 3000
  • Lưu trữ
    4GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Ryzen 9 5950x AMD
  • RAM
    64GB
  • GPU
    3090 GTX Geforce
  • Lưu trữ
    2TB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Full Control. Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận