Star Ocean: The Divine Force – Dòng game Star Ocean cũng là một dòng game có tuổi đời khá lâu, bắt đầu với bản đầu tiên vào năm 1996, được tri-Ace phát triển và phát hành bởi Enix.
Cũng đã 6 năm kể từ phiên bản gần đây nhất của dòng, Star Ocean: Integrity and Faithlessness, một tựa game cực kỳ… đáng quên đối với người hâm mộ JRPG nói chung hay Star Ocean nói riêng (như người viết là một fan nhiệt thành).
Những tưởng đó là dấu chấm hết cho dòng game này, tuy nhiên vào năm ngoái Square Enix bất ngờ tung ra trailer cho Star Ocean: The Divine Force.
Thành bại của Star Ocean: The Divine Force, nói không ngoa, sẽ quyết định tương lai của tri-Ace và của cả dòng game.
Vậy, kết quả ra sao? Bài đánh giá sau của Vietgame.asia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trò chơi.
BẠN SẼ THÍCH
Sự trở lại của một dòng game bị quên lãng
Một điều người viết cực kỳ thích thú đối với dòng game Star Ocean là sự pha trộn giữa yếu tố huyễn tưởng thời Trung cổ với yếu tố khoa học giả tưởng. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thời bé người viết đã được tiếp cận với những dòng phim như Star Wars, Star Trek, theo dõi những bước chân của Thuyền trưởng Kirk trên những hành tinh xa lạ, không hề hiện đại.
Khi lần đầu được trải nghiệm Star Ocean 1 trên hệ máy PSP, người viết đã cảm thấy một tiềm năng vô cùng lớn lao, để Star Ocean có thể trở thành “Star Trek game nhưng đồ họa anime”. Chẳng vậy, Star Ocean đã “mượn” không ít những yếu tố từ Star Trek: tên lửa photon, động cơ warp, Liên bang Ngân Hà… Thậm chí, Chỉ thị Chính (Prime Directive – NV), một chỉ thị quan trọng trong Star Trek nghiêm cấm những giống loài cao cấp can thiệp vào sự phát triển tự nhiên của những hành tinh kém phát triển, cũng được tái tạo lại như nguyên mẫu với Hiệp ước Bảo tồn Hành tinh Chưa phát triển, hay UPPP trong dòng game Star Ocean.
mặc dù sự thiếu hụt ngân sách vẫn thể hiện ở đâu đó, nhưng nhìn chung Star Ocean: The Divine Force đã phần nào vực dậy được dòng game
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh với Star Ocean: Till the End of Time trên hệ máy PS2, dòng game này lại bị tụt hậu một cách nghiêm trọng, đỉnh điểm là Star Ocean: Integrity and Faithlessness, một tựa game đáng quên lãng, và là một sự xúc phạm với những người yêu mến Star Ocean.
Do đó, khi Star Ocean: The Divine Force được công bố, người viết cũng gần như… hết hi vọng, vì biết nếu tựa game này thất bại thì đó sẽ là dấu chấm hết cho cả dòng game, mà Square Enix dạo gần đây đang bị phân tán ra làm quá nhiều game, chưa kể Final Fantasy XVI và Final Fantasy VII Rebirth chắc chắn sẽ ngốn phần lớn ngân sách nữa! Vậy làm sao đảm bảo được ngân sách cho tri-Ace làm game?
Thật may, mặc dù sự thiếu hụt ngân sách vẫn thể hiện ở đâu đó, nhưng nhìn chung Star Ocean: The Divine Force đã phần nào vực dậy được dòng game!
Pha trộn giữa huyễn tưởng Trung cổ và viễn tưởng
Như đã nói ở trên, game Star Ocean có đặc trưng là lai giữa huyễn tưởng Trung cổ và khoa học giả tưởng, tất nhiên Star Ocean: The Divine Force cũng không phải ngoại lệ.
Khi bắt đầu câu chuyện, người chơi có thể lựa chọn chơi dưới góc nhìn của Raymond Lawrence, Thuyền trưởng của một tàu chở hàng liên Ngân hà, hay Laeticia Aucerius, công chúa Vương quốc Aucerius của Hành tinh Aster IV, một hành tinh đang ở thời Trung cổ.
Hai mạch truyện này thực chất là một, tuy nhiên Laeticia và Raymond đôi khi sẽ tách nhau ra, và việc lựa chọn này sẽ giúp người chơi có động lực “cày” lại game để xem phe kia đang làm gì.
Mỗi cốt truyện sẽ có những cảnh kết thúc khác nhau, do vậy việc chơi lại sẽ là bắt buộc đối với những người chơi theo đuổi sự “hoàn mỹ”.
Đầu game, Raymond trên chiếc tàu chở hàng Ydas của mình đang chở hàng như thường lệ, thì bất ngờ bị tấn công bởi Chiến hạm Astoria, chiến hạm “khủng” nhất của Liên bang Ngân hà.
Tất nhiên là tàu chở hàng thì không thể “solo” được với chiến hạm, hệ quả là tàu Ydas bị phá hủy, Raymond và đồng đội phải bỏ tàu bằng những kén thoát hiểm bắn vào trong vũ trụ. Anh chàng đen đủi đã rơi xuống hành tinh Aster IV, một hành tinh kém phát triển, hiện tại mới chỉ đang ở thời kỳ Trung cổ với kiếm, cung và áo giáp.
Ở đây, Raymond đã gặp Laeticia, một cô công chúa dễ thương của Vương quốc lân cận, và Raymond đã đồng ý đồng hành cùng công chúa, để giải quyết những vấn đề của hành tinh này, trong lúc đi tìm lại những người bạn của mình, và vén màn bí mật đằng sau tất cả.
Về tổng thể thì có thể nói cốt truyện của Star Ocean: The Divine Force rất… đậm chất Star Ocean cổ điển, và thế có lẽ là tốt hơn dành cho tựa game này.
Chính sự an toàn này đã cho phép tựa game tập trung tốt hơn vào những diễn biến tâm lý của các nhân vật
Nghĩa là, chúng ta sẽ không được trải nghiệm một tựa game có cốt truyện ly kỳ, đầy những khúc cua, sẽ không có những tình tiết khiến người chơi phải “bật ngửa”, thậm chí là đôi lúc tựa game còn khá dễ đoán. Tựa game hầu như theo một lối mòn rất an toàn của JRPG, với một mạch truyện bình bình, thẳng đuột như những JRPG đại chúng ở thập niên 90 tới 2000.
Tuy nhiên, đối với người viết, đây có lẽ là một điều tốt. Người viết thà chơi một tựa game JRPG an toàn, để gặp gỡ những nhân vật mới, để sự phát triển nhân vật diễn ra một cách tự nhiên, sự liên kết giữa các thành viên trong tổ đội được hình thành một cách hợp lý, còn hơn là một cốt truyện “lẩu thập cẩm”, nhồi nhét nhân vật, cố gắng tỏ ra là nhiều bất ngờ nhưng thực tế là hết sức phi lý như Star Ocean: Integrity and Faithlessness.
Chính sự an toàn này đã cho phép tựa game tập trung tốt hơn vào những diễn biến tâm lý của các nhân vật, giữa một bên là người của hành tinh kém phát triển, một bên là người “văn minh” hơn. Người viết đặc biệt thích thú với những đôi mắt to tròn và cử chỉ ngạc nhiên của Laeticia khi lần đầu được tiếp xúc với những công nghệ như tàu du hành vũ trụ, máy tính, robot, điện thoại liên lạc từ xa, v.v.
Sự “lệch pha” này, sự tương tác giữa những nhân vật trong tổ đội, sự phát triển nhân vật một cách hợp lý, đã tạo nên một tổ hợp kỳ lạ thôi thúc người viết tiếp tục mạch truyện để chứng kiến thêm những diễn biến sẽ xảy ra với Raymond và những người bạn.
Dẫu vậy, cốt truyện của Star Ocean: The Divine Force thực sự cũng phải dành cho người… kiên nhẫn! Nếu mức độ hấp dẫn của cốt truyện có thể đo bằng máy được, thì nó chính xác như là… nhịp tim vậy: một khoảng lặng dài, sau đó “bụp” một phát, cốt truyện và tốc độ mạch truyện được đẩy lên tới đỉnh điểm, vô cùng hấp dẫn, sau đó lại xuống thành một khoảng lặng dài khác.
Mặc dù “nhịp tim” của Star Ocean: The Divine Force có “đập” nhanh hơn khi càng về cuối game, tuy nhiên những người không chơi quen JRPG có thể dễ dàng bỏ cuộc với vài giờ đầu.
Cơ chế chiến đấu nhanh và lôi cuốn
Khác với một cốt truyện “truyền thống”, Star Ocean: The Divine Force đã xây dựng nên một cơ chế chiến đấu hoàn toàn mới, loại bỏ hoàn toàn thanh MP và thay bằng thanh AP có thể tự hồi trong trận đấu, giống như Tales of Arise.
Mỗi kỹ năng sẽ tốn một lượng AP nhất định, và khi hết AP người chơi sẽ phải nghỉ một chút để AP hồi phục lại. Ban đầu mặc định mỗi nhân vật chỉ có 5 AP, nhưng lượng AP này dễ dàng tăng lên tận… 15 bằng một vài cơ chế trong chiến đấu đặc biệt.
Mỗi nhân vật sẽ có thể cài đặt 3 kỹ năng vào một chuỗi combo, và khi bấm nút tương ứng, những nhân vật này sẽ thực hiện chuỗi combo đã được chỉ định. Người chơi còn có thể cài vật phẩm vào chuỗi combo này, khiến vật phẩm đó được sử dụng nhanh hơn nhiều so với bình thường.
Tuy nhiên, điểm sáng nhất trong chiến đấu là D.U.M.A, con robot đồng hành với Raymond và những người bạn. Trong chiến đấu, khi người chơi sử dụng kỹ năng họ sẽ tích luỹ điểm Vanguard Assault, hay VA, sau đó sử dụng điểm VA này để kích hoạt D.U.M.A và lao tới địch với tốc độ cao.
Khi lao tới địch như vậy, người chơi có thể bất ngờ đổi hướng để “blindside” địch, một cơ chế từ bản Star Ocean: The Last Hope, khiến địch bị choáng và “đơ não” một lúc. Nhờ vào cơ chế D.U.M.A này, chiến đấu trong Star Ocean: The Divine Force không chỉ đơn thuần là chạy quanh quanh, sử dụng kỹ năng, quay ra đợi hồi AP rồi quay vào, mà đã trở thành một màn chiến đấu bay lượn tốc độ cao, vô cùng cuốn hút.
Người chơi không chỉ phải “nghĩ” chiến thuật như một tựa game JRPG thông thường, mà còn phải nhanh tay đưa ra những quyết định tức thời khi đang lao vun vút trong không trung. Điều đó khiến người viết đánh giá cơ chế chiến đấu của Star Ocean: The Divine Force là một trong những cơ chế chiến đấu hấp dẫn nhất của dòng game.
chiến đấu trong Star Ocean: The Divine Force không chỉ đơn thuần là chạy quanh quanh, sử dụng kỹ năng, mà đã trở thành một màn chiến đấu bay lượn tốc độ cao, vô cùng cuốn hút
Âm nhạc du dương
Âm nhạc của Star Ocean: The Divine Force được soạn nên bởi Motoi Sakuraba, một nhà soạn nhạc có tiếng với tác phẩm trong Super Smash Bros. Ultimate, Tales of Arise hay Valkyrie Elysium, do đó không ngạc nhiên khi tựa game sở hữu nhiều bản nhạc rất chất lượng.
Những cánh đồng bao la, các rặng núi hiểm trở, những bờ biển sóng rì rào, hay cả không gian rộng lớn, tất cả đều được tô điểm khá tốt nhờ những bản nhạc ấn tượng, dạt dào cảm xúc tới từ Motoi.
tất cả đều được tô điểm khá tốt nhờ những bản nhạc ấn tượng, dạt dào cảm xúc tới từ Motoi
BẠN SẼ GHÉT
A.I. “đần độn”
Cơ chế chiến đấu của Star Ocean: The Divine Force lẽ ra là rất hay, hấp dẫn, tuy nhiên đã bị kéo tụt lại vì hệ thống A.I. của đồng đội, mà người viết không còn từ gì khác để miêu tả ngoài hai chữ “đần độn”.
Không dưới chục lần người viết tận mắt thấy cô bé hồi máu dễ thương của chúng ta, mặc dù toàn là kỹ năng tầm xa, lao ngay vào dưới chân một con quái trùm có kỹ năng vật lý siêu mạnh nhưng bị hạn chế tầm đánh, để rồi bị “quạt chả” không thương tiếc trong sự ngỡ ngàng của người chơi.
Dường như không có một đường lối chi tiết nào để A.I. hoạt động một cách hiệu quả cả, người chơi không có khả năng tuỳ chỉnh bất kỳ hành vi nào ngoài những mệnh lệnh rất chi là mông lung như “tập trung đánh vào con này” hoặc “tản ra, chia để trị”.
Đôi lúc người viết phải chuyển hẳn sang chơi nhân vật chuyên hồi máu chỉ để giữ cho cả đội sống sót, khi mà họ cứ “lao như thiêu thân” vào những đòn phạm vi lớn của quái trùm.
Điều này thực sự đã kéo trải nghiệm của người viết đi xuống một cách cực kỳ rõ rệt, khi việc A.I “chơi ngu” lặp lại quá nhiều dẫn đến sự ức chế trong lúc chơi.
Cơ chế chiến đấu của Star Ocean: The Divine Force lẽ ra là rất hay, hấp dẫn, tuy nhiên đã bị kéo tụt lại vì hệ thống A.I. của đồng đội, mà người viết không còn từ gì khác để miêu tả ngoài hai chữ “đần độn”
Mô hình nhân vật quá “nhựa”
Những mô hình nhân vật của Star Ocean: The Divine Force cảm thấy quá “nhựa”, không hề cảm thấy tự nhiên, và đôi khi còn hơi… đáng sợ!
Điều dễ thấy nhất là cử động của các nhân vật không hề tự nhiên mà cứng ngắc, các khớp hoạt động rời rạc, không hài hòa. Tiếp theo là biểu cảm khuôn mặt của nhân vật cũng được xử lý rất tệ, và dường như tri-Ace cũng bỏ luôn vụ “lip-sync” môi nhân vật cho khớp với lời thoại, mà nhân vật chỉ mấp máy môi để biểu thị là “tôi đang nói”.
Khá kỳ lạ là phần tóc của các nhân vật dường như được… tập trung tút nhiều nhất, với những cử động tương đối… tự nhiên, khi từng lọn tóc được diễn hoạt (animate) một cách độc lập.
Những mô hình nhân vật của Star Ocean: The Divine Force cảm thấy quá “nhựa”, không hề cảm thấy tự nhiên, và đôi khi còn hơi… đáng sợ!
Cảm giác “thiếu kinh phí”!
Chơi Star Ocean: The Divine Force, người viết đã nghĩ tới việc hãng phát triển “thiếu kinh phí” nhiều lần, với nhiều bằng chứng rõ rệt.
Những cánh đồng rộng lớn nhưng cảm giác trống trải, thưa thớt, nhiều mảng vân kết cấu (texture) có chất lượng kém rõ rệt so với phần còn lại, và đặc biệt một vài chi tiết cuối mạch truyện có vẻ hơi quá vội vàng.
Mặc dù game chơi trên PS5 ở chế độ “Hiệu năng”, nhưng đôi khi game vẫn bị giật cục, tụt FPS (khung hình) rất khó chơi.
Ngoài ra, phông chữ bé tí là một vấn đề rất lớn, khi người viết phải… kê sát ghế lại gần màn hình thì mới có thể đọc được một vài dòng thoại.
Người chơi chắc chắn sẽ gặp thêm nhiều trường hợp như vậy xuyên suốt trải nghiệm chơi game, phần nào đó sẽ làm giảm đi độ hấp dẫn của trải nghiệm.
Chơi Star Ocean: The Divine Force, người viết đã nghĩ tới việc hãng phát triển “thiếu kinh phí” nhiều lần, với nhiều bằng chứng rõ rệt