Starfield – Từ xa xưa nhân loại đã có khát khao được tung cánh bứt phá khỏi bầu trời đêm, vươn mình tới những vì sao cũng giống như tham vọng hiện tại của các hãng game luôn nung nấu cho ra đời một tựa game viễn tưởng có quy mô đồ sộ, trải dài ra tới tận rìa không gian mà người chơi có thể nhập vai vào những nhà thám hiểm tự do khai phá khắp chốn vũ trụ.
Nhiều hãng game đã từng mạnh tay “chi đậm” để thử sức với đề tài thú vị này, gặt hái được không ít thành công cũng như… nếm trải mùi thất bại, có thể kể đến những cái tên nổi trội như Hello Games cùng No Man’s Sky, Obsidian Entertainment với The Outer Worlds hay “bậc thầy gọi vốn” Star Citizen có quá trình phát triển ròng rã hơn 10 năm trời, thu nhận hơn nửa tỷ USD gọi vốn, mà đến nay còn chưa thấy “tăm hơi”.
Chỉ tới khi “ông lớn” Bethesda cũng chính thức nhảy vào cuộc chơi “chạy đua ra vũ trụ” này và trình làng dự mang tên Starfield vào kỳ triển lãm E3 năm 2018, thì mới đáng gọi là một sự kiện làm “chấn động” cả làng game, kéo theo hàng loạt tin tức và đồn thổi khiến người viết cũng hóng hớt từng ngày để được “sờ” tận tay vào tác phẩm này.
Sở dĩ vậy vì Starfield không chỉ được xem như “làn gió mới” giúp Bethesda thoát khỏi cái bóng của những tượng đài lừng lẫy do chính họ tạo dựng nên trong quá khứ, lấy lại niềm tin trong lòng người hâm mộ (sau quả “bom xịt” Fallout 76) mà còn là thương hiệu (IP) mới đầu tiên sau tới tận 25 năm, đồng thời đánh dấu cột mốc lịch sử lần phát hành game độc quyền đầu tiên của hãng sau vụ sáp nhập đình đám về dưới trướng của Microsoft.
Chưa kể, ngay tại thời điểm ra mắt Starfield đã phải gánh chịu “sức ép” rất khủng khiếp từ thành công vượt ngoài mong đợi của tựa game Baldur’s Gate 3 và còn phải cạnh tranh rất khốc liệt với những bom tấn khác trong năm nay như The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom hay Final Fantasy 16 trên con đường hướng tới “ngôi báu” giải thưởng Game Of The Year 2023.
Vậy hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, xem liệu Starfield có tạo nên một “bước đi lớn” cho Bethesda giống như cái cách mà nhà phi hành gia huyền thoại Neil Armstrong đã từng phát biểu khi ông hoàn thành sứ mạng lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng hay không, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Lạc lối giữa chốn thiên hà
Bối cảnh của Starfield làm người viết liên tưởng đến bộ phim Interstellar cùng bài thơ “Đừng chìm dần vào đêm tối” (tựa gốc “Do not go gentle into that good night”) của thi sĩ Dylan Thomas.
Nhân loại trong game cũng phải đối mặt với một thảm họa diệt vong phủ khắp toàn cầu và họ đã tạm gác lại mọi xung đột, cùng chung tay phát triển vượt bậc khoa học kỹ thuật để đạt được bức phá lớn với công nghệ “xuyên không” Grav Drive, biến giấc mơ du hành liên sao trở thành hiện thực đưa con người rời khỏi Hệ Mặt Trời tới định cư tại một hệ sao mới gọi là Settled Systems.
Nhưng đáng tiếc là những tranh chấp lãnh thổ và bất đồng tín ngưỡng vẫn cứ tiếp diễn, kéo nhân loại vào vòng xoáy của chiến tranh mà đỉnh điểm là cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thời bấy giờ là United Colonies (UC) và Freestar Collective (FC) với kết cục đẫm máu đến mức phe UC dù mang nhiều lợi thế cực kỳ lớn mạnh cũng phải nhượng bộ để đi đến một thỏa hiệp chung về hòa bình, cả hai cũng phải bãi bỏ phần lớn các khí tài quân sự mang sức sát thương lớn.
20 năm sau cuộc chiến có tên gọi “Colony War” đó cũng là khởi đầu chuyến hành trình của người chơi, một thành viên của tổ chức mang tên Constellation, với sứ mạng mà dường như đã bị quên lãng: khám phá bí mật vũ trụ và tìm kiếm sự tồn tại của những nền văn minh khác.
Xuyên suốt hành trình mang nhiều sắc màu ảo diệu này, bạn sẽ được chu du tới những hành tinh cách Trái đất của chúng ta tới hàng vạn năm ánh sáng, hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của các cư dân địa phương, diện kiến từ những tòa công trình hiện đại “ngợp trời” của những công dân thượng lưu UC trên thành phố New Atlantis, cho đến những mảnh đời bất hạnh lầm than tại khu ổ chuột Underbelly nhếch nhác dưới bề mặt thành phố Neon, mọi thứ đều được hãng game xây dựng khá tỉ mỉ và sinh động.
Từ đó thế mạnh nhất của Starfield cũng tỏa sáng với việc thỏa sức “nhập vai” theo đúng tinh thần một tựa “game sandbox” với hàng tá chuỗi nhiệm vụ từ lớn đến nhỏ có thể thực hiện, mà quả thật là cứ đi tới đâu lại thấy chúng… “mọc” lên thêm ở chỗ đấy, nhiều đến mức có lúc người viết phải thấy… “ngộp” khi mở danh sách mục tiêu đã nhận và nhìn thấy còn ti tỉ thứ để làm.
Những mục tiêu này bao gồm từ những tác vụ “phổ thông” kiểu như đi giao vật phẩm, làm người hòa giải cho… ông hàng xóm, dán bích chương cho một cậu nhóc ất ơ, cho tới thú vị hơn như tham gia phỏng vấn vào một tập đoàn công nghệ, trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng được dàn dựng y chang ngoài đời hay “toát mồ hôi hột” với chuỗi tình tiết kịch tích khi đi làm nội gián cho chính phủ thâm nhập vào một đường dây tội phạm liên ngân hà.
Nhiều tình huống ngẫu nhiên và những cuộc chạm trán bất ngờ cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, cả trên không trung lẫn dưới mặt đất, làm người chơi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác có khi chỉ từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, chẳng hạn một lá thư tình cờ tìm được tại một xó xỉnh nào đấy!
Còn lần khác người viết thử hóa thân làm “kẻ xấu” đi quậy phá khắp phố phường, vi phạm vài bộ luật liên bang nhưng ngờ đâu cuối cùng lại được game dẫn dắt đến cánh cửa của tổ chức Crimson Fleet, mở ra cơ hội cho nhân vật trở thành một tay “cướp biển không gian” thứ thiệt (giống như nhiệm vụ ngầm để gia nhập hội kín sát thủ Dark Brotherhood trong Skyrim vậy – NV)
thế giới của Starfield được xây dựng liền mạch, có chiều sâu với kịch bản hợp lý, kho thư viện nội dung đồ sộ bao quát toàn bộ khía cạnh từ văn hóa, xã hội, chính trị cho đến tôn giáo
Nhưng ấn tượng nhất thì phải kể đến một lần người viết “bỏ bê” tuyến truyện, bay lang thang ngoài vũ trụ thì tình cờ phát hiện ra một chiếc phi thuyền cũ kỹ của những cư dân Trái Đất được phóng đi tìm nơi định cư mới từ tận… 200 năm trước và do đã ngủ đông quá lâu nên mọi trang thiết bị hiện hữu của họ trở nên lạc hậu và mất liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Nếu dành thời gian để tìm hiểu vọc vạch mọi ngóc ngách con tàu này bạn sẽ càng nhận ra rất nhiều chi tiết được hãng game “cài cắm” rất thú vị như cuộc sống của phi hành đoàn sau khi “xuyên thời gian” tới tương lai, trước khi họ kịp phát minh ra các phương thức phi hành FTL (Faster Than Light, nhanh hơn vận tốc ánh sáng) hay những vật dụng quen thuộc ngoài đời thật giờ lại trở thành các món “đồ cổ” độc đáo ở thế giới trong game .
Game liên tục gợi mở ra các vấn đề, các nút thắt để người chơi tiếp cận, giải đáp bằng nhiều hướng.
Tổng quan thì thế giới của Starfield được xây dựng liền mạch, có chiều sâu với kịch bản hợp lý, kho thư viện nội dung đồ sộ bao quát toàn bộ khía cạnh từ văn hóa, xã hội, chính trị cho đến tôn giáo.
“Chất liệu Bethesda” tuy lạ mà quen!
Cơ chế chiến đấu của game có thể chia ra làm hai phần riêng biệt, bắn súng truyền thống và bắn phi thuyền.
Phần đầu tiên, bắn súng, chiếm phần lớn thời lượng trong Starfield thật sự mang đúng ý nghĩa “truyền thống” vì nó cũng… không khác biệt quá nhiều so với các tựa game bắn súng FPS khác trên thị trường.
Bạn có thể mang vác theo cùng lúc rất nhiều hỏa lực từ súng ống sử dụng đạn công phá, lựu đạn cho đến các loại bắn phá bằng tia laser hiện đại hơn với mặt bằng chung đều có lực bắn và độ phản hồi rung, giật được thể hiện khá tốt nhưng chỉ tiếc là lại không có những tính năng độc đáo kiểu như làm ngưng đọng thời gian rồi ngắm bắn từng mục tiêu riêng biệt như hệ thống V.A.T.S trong dòng game Fallout.
Về sau người chơi còn mở khóa được thêm những siêu năng lực đặc biệt có cơ chế gần giống như những “tiếng hét” Dragon Shout kinh điển của tựa game The Elder Scrolls V: Skyrim, tuy nhiên để tránh “spoil” nội dung game thì người viết sẽ không đề cập nhiều đến chi tiết này.
Bù lại, phần “độ” súng của Starfield được đầu tư rất chất lượng, bạn sẽ tha hồ “chế cháo” tấn tần tật đủ loại linh kiện từ nòng súng, hãm thanh, ống ngắm, báng súng, băng đạn, tay cầm cho tới cả thay đổi chế độ bắn (tự động, bán tự động), đổi màu áo (skin) giúp mang lại những “hương vị mới” thay vì chỉ nhăm nhe vào so sánh các chỉ số công, thủ của chúng.
Ngoài ra, khi kết hợp với hệ thống điểm kỹ năng (skills) đạt được mỗi khi thăng cấp thì game cũng mang lại thêm nhiều lựa chọn để người chơi phát triển (build) nhân vật, hướng tới nhiều cách tiếp cận mục tiêu linh hoạt.
Chẳng hạn nếu bạn đã từng đam mê phong cách… xạ thủ theo kiểu “núp lùm” xài cung trong Skyrim thì hãy yên tâm là trường phái “lén lút, thập thò” (Stealth) này vẫn được hãng game cực kỳ ưu ái với nhiều đường xây dựng nhân vật nổi trội mang tới cảm giác thỏa mãn, tiêu biểu như việc tăng đối đa điểm vào kỹ năng Concealment sẽ giúp nhân vật có thể đứng từ xa bắn tỉa với mức sát thương tăng gấp 4 lần, rồi cộng thêm với “buff” Sniper Certification (tín chỉ bắn tỉa) tăng thêm 50% sát thương khi dùng ống ngắm nữa thì đúng là “ối dồi ôi” luôn!!!
Tuy nhiên, người chơi sẽ cần hoàn thành một tác vụ nào đấy để mở khóa các cấp bậc tiếp theo của phần lớn kỹ năng, ví dụ như để nâng cấp kỹ năng Weight Lifting (mang đồ nặng) mở rộng thêm hành lý thì người chơi cần phải chạy một quãng đường bao nhiêu cây số theo yêu cầu.
Còn ở khía cạnh chiến đấu còn lại, đấu phi thuyền trên không gian thì Starfield mang lại cảm giác arcade đơn điệu nhiều hơn là mô phỏng (simulation), với hầu hết các điều khiển chính trên con tàu như tăng tốc, bay lượn đều được tinh giản xuống mức tối thiểu vào vài nút bấm.
Nếu không có chênh lệch về cấp độ (level) thì phần lớn thời gian người chơi chỉ cần tập trung điều tiết tốc độ bay và rê hồng tâm bám đuổi theo mục tiêu là có thể yên tâm hạ gục được con mồi, những việc khác như khóa mục tiêu hay bật lá chắn năng lượng game sẽ đảm nhận hết cho bạn.
Nhưng có cái hay là thay vì bắn hạ, người chơi còn có thể chủ động phá hủy động cơ rồi tiếp cận và đổ bộ lên khoang lái tàu địch, “mần gỏi” những hành khách cứng đầu bên trong rồi tịch thu luôn phương tiện, sung quỹ tàu địch vào bộ sưu tập tàu bay của mình.
Mà đã nhắc tới “xế bay” thì người viết phải dành nhiều lời khen ngợi cho đội ngũ phát triển, vì phần tùy biến phi thuyền trong Starfield chi tiết và hấp dẫn đến mức có thể xem nó như là một game độc lập luôn vậy.
Người chơi sẽ có vô vàn sự lựa chọn để hô biến chiếc tàu của mình thành muôn hình vạn trạng theo… đúng nghĩa đen, tất cả các bộ phận từ nhỏ như tên lửa, súng ống, bệ phóng cho tới buồng lái, khoang hành khách, kho chứa đều có thể ráp nối vào nhau như những khối lego hay nếu bạn từng chơi The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom thì có thể hình dung nó sẽ gần giống với tính năng Ultrahand, giúp người chơi tự do sáng tạo đủ mọi tạo vật theo trí tưởng tượng.
Cuối cùng, cũng không thể không nhắc tới “đặc sản” thế giới mở của Bethesda với việc đi “loot” (gom nhặt) hàng tá các nguyên vật liệu, tài nguyên và “ngốn” rất nhiều thời gian để phục vụ cho các công tác nghiên cứu trên cỗ máy Research Lab, giúp mở khóa thêm những món “đồ chơi” mới, nâng cấp linh kiện “chó lửa”, và cả để mở rộng, xây dựng một căn cứ riêng biệt.
phần “độ” súng của Starfield được đầu tư rất chất lượng, bạn sẽ tha hồ “chế cháo” tấn tần tật đủ loại linh kiện
BẠN SẼ GHÉT
Hụt hẫng!
Nếu xét về quy mô thì rõ ràng thế giới trong Starfield không hề nhỏ, thậm chí nếu theo hãng game từng tuyên bố thì nó có tới hơn 1000 hành tinh trên 100 Thiên hà được tạo dựng ngẫu nhiên (procedural generated) để người chơi tự do khám phá, nhưng thật chất tất cả màn chơi trong đều chỉ gói gọn trong những “chiếc hộp” và được kết nối với nhau thông qua các màn hình nạp (loading screen) mà thôi.
Hãy thử tưởng tượng toàn bộ không gian sâu thẳm của vũ trụ, những vùng trời rộng lớn khả kiến từ dưới mặt đất đều tồn tại một bức tường “vô hình” ngăn cách người chơi mà dù nếu có bung sức đạp ga con tàu Frontier cỡ nào thì nhân vật vẫn sẽ bị “mắc kẹt”, đứng yên lại một chỗ.
Nói cách khác, bạn sẽ không tìm thấy những trải nghiệm chuyển tiếp mượt mà, choáng ngợp khi bay ra bay vào vũ trụ và vượt qua khỏi tầng bình lưu trên bề mặt của các hành tinh như trong No Man’s Sky hay Elite Dangerous đâu, thay vào đó sẽ là những cửa sổ trình đơn (menu), một tá màn hình nạp game (loading), vài đoạn cắt cảnh.
Chưa kể những hành tinh ngẫu nhiên mà người viết tình cờ đặt chân lên được thì phần lớn cũng mang lại cảm giác trùng lặp về cấu tạo địa hình, thưa thớt các sinh thực vật và quan trọng nhất là… game không có một phương tiện di chuyển đường bộ nào cả!
Nhiều lúc quãng đường đi thám hiểm tới các địa điểm mới nó xa và nhàm chán đến mức người viết chỉ mong có được một chiếc xe Mako vượt địa hình trong dòng game Mass Effect hiện ra nhưng chắc chỉ còn cách… chờ cộng đồng mod game “ra tay” mà thôi.
Rồi cũng trớ trêu khi Starfield lấy bối cảnh về tương lai nhưng lại “xào nấu” lên một giao diện game và trải nghiệm người dùng (UI/UX) cực kỳ… lạc hậu, từ bố cục tổng thể cho đến phương thức vận hành, vừa rối rắm lại chả chả hề thân thiện.
Starfield lấy bối cảnh về tương lai nhưng lại “xào nấu” lên một giao diện game và trải nghiệm người dùng (UI/UX) cực kỳ… lạc hậu
Bấm, bấm và bấm, nút này tới nút khác, vào rồi lại thoát ra, từ cửa sổ trình đơn (menu) này nhảy qua tới cửa sổ khác, đó là ấn tượng của người viết suốt những giờ đầu của game với những tác vụ hết sức cơ bản như kiểm tra một món đồ vừa “loot” được, chuyển vật phẩm tới hành trang khác cho tới những thứ to tác hơn như thay đổi lộ trình bay, hạ cánh xuống địa điểm nào đấy…
Phải mất gần chục giờ chơi nữa thì người viết mới vô tình phát hiện ra có nhiều phương thức di chuyển hiệu quả, tiết kiệm nhiều thời gian hơn như bật chế độ Hand Scanner để hiển thị chuỗi mũi tên điều hướng tới mục tiêu gần nhất, khó hiểu là việc này lại không được game đề cập tới hay có gợi ý trong hướng dẫn (Tutorial) nào cả.
Những phiền hà kể trên cộng với việc phải xem đi, xem lại các đoạn cắt cảnh không “skip” (bỏ qua) được (lúc cất, hạ cánh) còn tuyến truyện thì khởi đầu chậm rãi làm có lúc người viết thấy… buồn ngủ!
Mãi đến khi hoàn thành xong một nhiệm vụ trọng điểm, là bước ngoặt khởi xướng các sự kiện chính trong game thì mọi thứ mới dần dà bắt nhịp và dần trở nên hấp dẫn hơn!
Vũ trụ đầy… “sạn”
Tuy Starfield cũng có một hệ thống bạn đồng hành (Companion) như Skyrim và Fallout, với tên gọi Crew (phi hành đoàn) với mỗi NPC có kỹ năng cùng cấp bậc riêng biệt góp phần phục vụ cho hành trình của người chơi mà thoáng nghe qua thì cũng “oách” nhưng theo người viết, ngoài một vài nhân vật chính yếu trong tuyến truyện thì còn lại hầu hết đều… rất nhạt nhòa và thừa thãi.
Một số nhân vật Crew có lẽ chỉ để “làm nền” cho căn cứ thêm “xôm” hay điền tên vào các tàu bay phụ cho “đẹp” đội hình, chứ còn khi lâm trận thì chúng sẽ thành… gánh nặng nhiều hơn là hữu ích.
Đơn giản vì A.I máy điều khiển vẫn còn là “căn bệnh trầm kha” chưa có lời giải của Bethesda, các nhân vật phụ trợ vẫn không có khái niệm “lén lút” và thích làm “bia đỡ đạn” nhiều hơn là tìm chỗ ẩn nấp trong những tình huống chí mạng.
Vài tình tiết vô lý khác nữa như game có nhiều khu vực rất rộng nhưng lại không hề có một tấm bản đồ cụ thể nào cả, còn khi muốn dịch chuyển nhanh vượt thiên hà mà khoảng cách quá lớn thì game sẽ báo phi thuyền của bạn chưa đủ “sức bật” (Grav Jump), tuy vậy chỉ cần bạn mở một địa điểm nào đó đã từng khám phá lên thì cho dù xa tới tận chân trời cũng chỉ cần một nút nhấn và bùm, nhân vật đã “tốc biến” tới nơi, chả có sự tương quan và logic gì cả!
Người viết cũng có những trải nghiệm tồi tệ khi Starfield tối ưu hiệu năng còn rất kém trên hệ máy PC, đặc biệt là ở giai đoạn mới phát hành. Với cấu hình có card đồ họa 3060, CPU i7-12700, 32GB RAM nhưng khung hình game vẫn trồi sụt liên tục rất “đuối” chỉ ở thiết lập trung bình Medium và người chơi bắt buộc phải chạy game trên ổ cứng SSD, nếu không tình trạng giật, lag sẽ càng khủng khiếp hơn tới mức không thể chơi được!
Tuy vậy, cũng phải dành lời khen cho đội ngũ phát triển của Bethesda khi Starfield hầu như có rất ít bug (lỗi) nghiêm trọng hoặc nếu có cũng chỉ là vụn vặt, chấp nhận được, một thử thách không hề nhỏ với những game có quy mô thế hoành tráng như vậy.
Starfield tối ưu hiệu năng còn rất kém trên hệ máy PC, đặc biệt là ở giai đoạn mới phát hành