Stray, tựa game “hoàng thượng” đang phát sốt trong cộng đồng mạng mấy ngày nay, đặc biệt là các tín đồ “sen” như người viết.
Trong suốt nhiều tháng năm qua, người viết luôn ngóng trong từ những giây phút đầu khi Stray được giới thiệu tại kỳ giới thiệu game của PlayStation khoảng 2 năm về trước.
Stray cũng thuộc chuỗi các game “độc và lạ” được phát hành dưới bàn tay của Annapurna Interactive và phát triển bởi hãng phát triển độc lập BlueTwelve Studio.
Thế nhưng, ngoài yếu tố thú vị ở bé mèo thì Stray có phải là một tựa game hay và xứng đáng để chơi như độ “hot” mà em ấy lan tỏa?
Hãy cùng Vietgame.asia “meow” qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
MEOW MEOW MEOW!
Một trong những đặc điểm thú vị đầu tiên mà nhà phát triển BlueTwelve Studio muốn dành tặng và “đốn tim” các bạn game thủ yêu mèo, đó là một nút bấm cho phép kêu “meow meow” gần như bất kỳ lúc nào.
Đúng vậy, chúng ta không cần phải “nhập vai” vào các bé mèo hoang trong các bản hiệu chỉnh (enhance) của Grand Theft Auto V nữa. Giờ đây, toàn bộ mọi thứ đều được trải nghiệm với bé mèo hoang trong Stray một cách vô cùng dễ thương và khá chi tiết.
Chúng ta có thể tương tác với môi trường như uống nước, đẩy đổ thùng sơn, cào ghế – sàn, phá đám hay thậm chí là cho bé thể hiện sự yêu thương bằng cách chà người vào nhân vật NPC nào đó và phản ứng của các NPC cũng vô cùng đáng yêu.
Chưa kể, nhà sản xuất cũng ưu ái cho thêm rất nhiều chỗ ngủ, thậm chí thưởng trophy cho ai “siêng năng” để bé ngủ… một tiếng.
Nghe qua những điều này, có lẽ với những người chưa từng nuôi mèo thì chẳng có gì hay ho, tuy nhiên ngược lại với những người đã và đang nuôi thì những tương tác nhỏ này đã giúp gia tăng sự cảm và nhận rất nhiều tới quá trình chơi, mang tới nụ cười đầy thư giãn tới chúng ta, để rồi đắm chìm vào ánh mắt của bé mèo phiêu lưu trong một thế giới cyber tăm tối, nhưng vẫn lắp đầy hy vọng và những câu chuyện thú vị để khám phá.
Nhìn chung, câu chuyện chính của Stray không có gì mới mẻ và có thể tóm gọn rằng một hôm nọ, bé mèo nhà ta đang vi vu với đồng bọn, tự nhiên trượt chân và rơi xuống thế giới bí ẩn phía dưới sâu thẳm.
Cuộc hành trình thật sự bắt đầu khi bé nhà ta gặp được người bạn đồng hành robot “B-12” nhỏ nhắn. Xuyên suốt chuyến hành trình, chúng ta sẽ được hiểu sâu hơn về những gì đang xảy ra ở thế giới kỳ lạ này, cũng như tìm được đường về nhà cho bé mèo của chúng ta.
Tuy tuyến truyện không phức tạp, nhưng nhờ vào cách xây dựng màn chơi, gầy dựng thế giới chi tiết thông qua qua các đoạn hội thoại của B-12, cách các NPC sinh hoạt lẫn các mảng ký ức cùng bé mèo hoang nhỏ nhắn, đã tạo nên chiều sâu đầy bất ngờ cho Stray.
nhờ vào cách xây dựng màn chơi, gầy dựng thế giới chi tiết thông qua qua các đoạn hội thoại của B-12, cách các NPC sinh hoạt lẫn các mảng ký ức cùng bé mèo hoang nhỏ nhắn, đã tạo nên chiều sâu đầy bất ngờ cho Stray
MỘT THẾ GIỚI ĐẸP ĐẦY THU HÚT!
Tuy cũng lấy bối cảnh là cyber, nhưng khác với các game to lớn khác thế giới trong Stray nhỏ hơn nhiều – nhưng lại trông bự trong ánh mắt của bé mèo nhà ta, cũng như cách kể và gầy dựng màn chơi tốt đã tạo nên những thời gian khám phá đáng nhớ.
Mảng tìm đường được thiết kế thông minh, nhiều ngõ ngách và được sắp dày đặc nhiều lối đi, tầng lớp dọc nghiêng của các khu nhà ở, từ ngoài tới nội thất. Các bối cảnh được tận dụng triệt để không gian với các môi trường độc đáo thông qua các nền văn hóa được trộn lẫn vừa thân thuộc, vừa mới lạ.
Và quan trọng, mọi nơi người chơi đi qua đều có dụng ý cho lối chơi, chứ không phải chỉ để trình diễn đồ họa vô cùng đẹp mắt của Stray.
Nhắc đến việc xây dựng thế giới một chút, điểm mạnh của Stray đó chính là rất biết cách vận dụng màu sắc cùng sự chỉ đạo nghệ thuật chắc nịch để thể hiện tâm trạng, sự độc đáo riêng của từng nơi đi qua.
Các ánh đèn neon tràn ngập trên các đường phố, hẻm hóc đều được trau chuốt tỉ mỉ. Nhờ phần lớn vào cách đặt sáng, biết cách nhấn nhá màu sắc hài hòa tạo nên được sức hút mãnh liệt trong thu hút ánh nhìn. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng mãn nhãn khi vi vu tại nơi đây.
Phần âm thanh và nhạc nền cũng chính là yếu tố góp sức mạnh mẽ trong lan tỏa sức hút của game.
Tiếng nước róc rách chảy trong các khu vực ống cống lạnh lẽo hay tiếng “nói chuyện” đầy máy móc ngộ nghĩnh của các NPC, hay đôi khi chỉ là nằm nghỉ và nghe chút nhạc nhẹ cũng đủ thư thả. Nhờ vào áp dụng âm thanh 3D nên nếu sở hữu dàn loa tốt hoặc một tai nghe xịn sò một chút sẽ giúp ích được rất nhiều trong gia tăng chiều sâu cảm nhận môi trường mà Stray mang lại.
Phần lớn trong Stray, chúng ta tập trung vào mảng tìm đường, giải đố, làm vài tuyến nhiệm vụ phụ nhỏ và thu thập các “collectable” như ký ức hay các huân chương. Và phần còn lại là đan xen việc tẩu thoát, lẫn trốn các thế lực đen tối và nguy hiểm tại nơi đây.
Bé mèo nhà ta tuy không được nhảy thoải mái như nhiều game phiêu lưu leo trèo khác, nhưng các chỗ được định sẵn để leo trèo sắp đặt khá nhiều, đủ thoải mái ở hầu hết tất cả các chỗ mà chúng ta nghĩ có thể leo được.
Mảng tìm đường lẫn giải đố không hề khó, vừa đủ, được thực hiện tỉ mỉ, logic với tình huống và bối cảnh nói chung, đã giúp việc tìm được các manh mối, khám phá được các khu vực mới và tìm kiếm đủ các collectable đều mang tới cảm giác thỏa mãn.
Stray cũng biết cách liên tục thay đổi mạch chơi để tăng đa dạng, đầy kịch tính ở những khu vực bị nhiễm bởi những sinh vật The Zurks với hình hài trông như các con chấy. Ở thời điểm đầu, hầu hết việc người chơi làm là giúp bé mèo tẩu thoát.
Về sau, bé mèo còn được trang bị “vũ khí” phát sáng tia hồng ngoại để diệt chúng. Tuy các phân đoạn này không khó, nhưng vẫn đòi hỏi sự quan sát và nhanh nhạy vì nếu không cẩn thận người chơi sẽ phải quay trở lại “checkpoint” (điểm lưu tạm) trước đó vì bị …chết. Mà đó chỉ là một trong vài tình huống hiểm nghèo mà bé mèo nhà ta phải đối mặt thôi.
Các màn chơi này vẫn được hãng thể hiện trau chuốt trong lối thiết kế bởi sự đa dạng tình huống diễn ra, đan xen với cả giải đố có phần thót tim nhẹ, tạo được nét chấm phá trong quá trình chơi trong Stray. Điều đó cũng làm người viết thấy vui vì hãng không đi theo xu hướng các tựa “game chill” mà không biết phạt người chơi như Submerged: Hidden Depths hay The Artful Escape.
BẠN SẼ GHÉT
THIẾU THIẾU GÌ ĐÓ?
Thời lượng chơi của Stray ngắn, vừa đủ và khá hợp lý. Nhờ vậy không bị nhồi nhét các “filler” sao cho kéo dài một cách không cần thiết. Thế nhưng, không hiểu vì sao người viết lại cảm thấy… thiếu thiếu gì đó cho tựa game này.
Nhân vật đồng hành cùng bé mèo là B-12 tuy sở hữu những đoạn banter tốt, nhưng cũng chỉ phát ra lời khi gặp các ký ức của mình, hay là trong các đoạn cắt cảnh hoặc nói chuyện với NPC. Còn lại mặc cho mọi hành động gì của bé mèo, B-12 cũng cực kỳ khiêm tốn trong phản ứng.
Và khi ta cảm thấy bắt đầu “thấm” hơn về B-12 thì cũng là lúc Stray kết thúc. Đây có lẽ không hẳn là một điểm trừ, nhưng cũng khá là có cảm giác cô đơn một chút trong nhiều phân đoạn của Stray.
Thú thật, người viết có phần trong mong rằng tuyến truyện của Stray sẽ gây cảm động hơn, nhấn nhá tốt hơn và trên hết là có một cái kết trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, có lẽ phần lớn đến từ cái kết có phần hụt, không đủ sâu và có phần vội vã đã vô tình khiến game chưa đủ chín mùi.
Bên cạnh, việc thu thập các collectable tuy thú vị và cảm giác rất sướng khi tìm đủ. Nhưng ngộ là không có các phần thưởng nào dành tặng cho chúng ta cả (bên cạnh mở khóa được trophy).
Thiết nghĩ, tới cả Journey khi tìm đủ bí mật thì còn được tặng một bộ trang phục trắng như “tộc trưởng” cho nhân vật chính, thì ít ra đội ngũ cũng nên cho bé mèo trang phục hay là thay đổi được màu sắc lông cho thú vị hơn chứ nhỉ?
Chính vì không có yếu tố giữ chân nào ngoại trừ việc nếu bạn là một người muốn hoàn thành 100% trophy thì mới muốn chơi lại, còn không thì không có lý do gì để quay lại với Stray cả.
Tuy có thể hiểu một cách nôm na là được phát triển độc lập, kinh phí ít nên có lẽ không có thời gian phát triển sâu hơn. Nhưng hy vọng một ngày nào đó hãng cũng có thể cân nhắc ra DLC nhằm kéo dài “tuổi thọ” của tựa game.
nếu bạn là một người muốn hoàn thành 100% trophy thì mới muốn chơi lại, còn không thì không có lý do gì để quay lại với Stray