Skip to content

Sự kiện game 04-2024: “Cơn sốt” Fallout bao phủ làng game!

Sự kiện game 04-2024 – Lại một tháng nữa lại đến và đi, cũng như bao lần trước, tháng Tư đã cho chúng ta chứng kiến hàng loạt sự việc quan trọng diễn ra trong ngành game từ tốt đến xấu.

Tuy nhiên, có lẽ một điều mà không ai có thể ngờ tới trong tháng Tư vừa qua chính là mức độ cuốn hút của bộ phim truyền hình Fallout cũng như ảnh hưởng tích cực của nó lên toàn bộ dòng game.

Từ việc dòng Fallout tăng lượng người chơi một cách đáng kể đến Take-Two Interactive sa thải 5% nguồn nhân lực, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua top 13 sự kiện game 04-2024 nhé!

1. DÒNG GAME FALLOUT TĂNG LƯỢNG NGƯỜI CHƠI NHỜ PHIM TRUYỀN HÌNH

Kể từ khi bộ phim truyền hình khởi chiếu vào hôm 10/04, dòng game Fallout đã tăng đến tận 200% lượng người chơi.

Trên Steam, trong lúc toàn bộ cộng đồng mạng đang đón nhận “cơn sốt” Fallout trong tháng Tư, Fallout 4 đã tăng gấp 10 lượng người chơi còn Fallout 76 đã tăng gần 8 lần. 

Ở thời điểm bài được viết, thông số cụ thể cho 2 tựa game là như sau:

  • Fallout 4 tăng từ 18.000 người lên 186.746 người
  • Fallout 76 tăng từ 19.161 người lên 72.930 người

Đặc biệt, đây cũng chính là lượng người chơi cùng lúc cao nhất của Fallout 76 kể từ năm 2020.

Bên cạnh đó, Fallout 3 lẫn Fallout: New Vegas cũng đã tăng lượng người chơi một cách đáng kể trong tuần vừa qua:

  • Fallout 3 tăng từ 813 người lên 11.396 người
  • Fallout: New Vegas tăng từ 4.088 người lên 44.890 người

Không chỉ vậy, “làn sóng” này còn có ảnh hưởng tích cực đến các phần đầu tiên của dòng game Fallout:

  • Fallout 1 tăng từ 156 người lên 3.940 người
  • Fallout 2 tăng từ 223 người lên 2.252 người

Thậm chí, mặc dù ở một mức độ nhỏ hơn, phần “ngoại truyện” là Fallout Tactics: Brotherhood of Steel vẫn tăng từ 35 người lên 243 người.

2. FALLOUT 76 THU HÚT ĐƯỢC 1 TRIỆU NGƯỜI TRONG CÙNG MỘT NGÀY

Vào hôm 24/04, Bethesda cho biết Fallout 76, sản phẩm mà từng một thời nhận được rất nhiều sự chỉ trích của dân mạng, đã đạt được 1 triệu người chơi trong cùng một ngày.

Vào năm 2018, tựa game được ra mắt lần đầu và nó nhanh chóng đã phải chịu “cơn mưa gạch đá” từ phía giới phê bình cũng như từ cộng đồng game thủ. Tuy nhiên, thay vì cho “đóng cửa” trò chơi vĩnh viễn thì Bethesda đã quyết tâm lắng nghe lời phê bình của những người chơi và biến nó thành một sản phẩm đáng đồng tiền hơn.

Bethesda đã lên Twitter để chia sẻ rằng trong cùng một ngày, tựa game có đến tận 1 triệu người chơi cùng lúc còn các tựa game Fallout khác thì lại có tổng cộng là 4 triệu người chơi cùng lúc.

Fallout 76 là một sản phẩm “live-service”, điều này có nghĩa là Bethesda sẽ thường xuyên cung cấp thêm nội dung mới thông qua các bản cập nhật. Vào tháng 6 tới, một bản cập nhật sẽ mang đến cho tựa game một khu vực hoàn toàn mới.

Thêm vào đó, hãng còn cho biết sẽ ra mắt thêm nhiều nội dung thú vị khác trong tương lai. Với việc Bethesda ký hợp đồng với vài studio bên thứ ba để hỗ trợ quá trình phát triển, có vẻ Fallout 76 sẽ có một “tuổi thọ” khá là lâu dài.

3. PHIM TRUYỀN HÌNH FALLOUT THU HÚT ĐƯỢC 65 TRIỆU NGƯỜI XEM

Vào hôm 30/04, Amazon cho biết phim truyền hình Fallout đã thu hút được 65 triệu người xem trong vòng 16 ngày kể từ khi khởi chiếu.

Con số này cũng biến bộ phim trở thành tác phẩm được xem nhiều thứ hai trên khắp lịch sử hoạt động của Amazon Prime Video và là tác phẩm được xem nhiều nhất kể từ khi The Lord of the Rings: The Rings of Power khởi chiếu vào năm 2022. 

Theo báo cáo đến từ trang Variety, phim truyền hình Fallout được xem nhiều nhất bởi người lớn từ 18 tuổi đến 34 tuổi, với 60% lượng khán giả nằm ở Hoa Kỳ.

Mặc dù bộ phim truyền hình đã thu hút được 65 triệu người xem, Amazon vẫn chưa chia sẻ cụ thể cách hãng tính lượng người xem cũng như thời lượng họ xem phim.

Đặc biệt, chỉ vài ngày sau khi bộ phim truyền hình Fallout khởi chiếu, Amazon đã nhanh chóng “bật đèn xanh” cho mùa 2.

4. DOANH SỐ FALLOUT 4 TĂNG 7500% Ở CHÂU ÂU NHỜ PHIM TRUYỀN HÌNH

Ngay sau khi bộ phim truyền hình khởi chiếu, Fallout 4 đã tăng 7500% doanh số và trở thành sản phẩm bán chạy nhất khắp toàn bộ châu Âu.

Dựa theo thông tin đến từ GSD (tức theo dõi hoạt động buôn bán game các thị trường châu Âu), trong tuần lễ kéo dài từ ngày 08/04 đến ngày 14/04, doanh số của Fallout 4 đã tăng 7500% và nhanh chóng chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các game bán chạy nhất tuần ở toàn lục địa này.

Tựa game được bán phần lớn trên PC, tức tương đương 69% tổng doanh số với phần còn lại ở trên console (PlayStation và Xbox). Tuy nhiên, một điều cần ghi nhớ chính là sản phẩm đồng thời cũng có mặt trên dịch vụ Game Pass với PlayStation Plus Extra và dữ liệu từ 2 dịch vụ đó lại không được ghi nhận bởi GSD.

Trong cùng tuần lễ đó, Fallout 76 đã chiếm lấy vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng, Fallout: New Vegas ở vị trí thứ 9 và Fallout 3 ở vị trí thứ 10.

Ra ngoài danh sách top 10, chúng ta có thể thấy Fallout Classic Collection nằm ở vị trí 43, Fallout 2 ở vị trí 57 và Fallout ở vị trí 70.

5. FLAMING FOWL CÔNG BỐ GAME MỚI, TẠM GÁC TỰA GAME LẠI VÀ SA THẢI NHÂN VIÊN… CÙNG LÚC

Flaming Fowl (hãng phát triển Fable FortuneGloomhaven) vừa qua đã bật mí dự án mới có tên: Ironmarked

Tuy nhiên quái lạ thay, cùng lúc công bố dự án, hãng còn cho biết tựa game… sẽ tạm thời bị hủy, cũng như xác nhận luôn là studio đã phải thực hiện… sa thải hàng loạt.

Flaming Fowl được thành lập vào năm 2016 bởi các cựu thành viên của Lionhead Studios (hãng phát triển Fable, Black and White). Trong bài viết trên Steam gần đây, hãng đã hé lộ tựa game mới mang tên Ironmarked – “một game RPG theo lượt với khả năng chơi cộng tác từ 1 đến 3 người” – cũng như cho ra mắt bản demo của dự án đó.

Mặc dù vậy, vẫn trong cùng bài viết đó, studio đã phải chia sẻ một vài tin buồn về sản phẩm mới, và tình trạng hiện tại của hãng.

“Không may thay, vì hiện đang thiếu vốn đầu tư nên chúng tôi buộc phải thu nhỏ quy mô công ty và tạm biệt những nhân viên tài năng của mình.


Tuy đây là một quãng thời gian khó khăn và buồn bã cho mọi người, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào về những gì mình đã làm ra được và muốn chia sẻ nó với mọi người. Chúng tôi cũng mong rằng với bản demo này, chúng tôi có thể giúp những người bị ảnh hưởng kiếm được việc làm mới bằng cách phô trương tài năng của họ trong dự án.”

– Flaming Fowl

Trong buổi phỏng vấn với trang VGC, CEO của Flaming Fowl là Craig Oman đã chia sẻ thêm thông tin về hoàn cảnh hiện tại của công ty.

“Chúng tôi phát triển tựa game được hơn 1 năm. Chúng tôi thậm chí còn có một hãng phát hành, nhưng họ đã quyết định rút lui vào tầm tháng 6 năm ngoái và chúng tôi đã phải tự dùng tiền của mình để hoạt động kể từ tháng 8. Từ lúc đó, chúng tôi đã đưa ý tưởng cho hàng loạt hãng phát hành nhưng họ đều nói rằng: ‘tựa game nhìn rất tốt, đội ngũ phát triển nhìn cũng rất tốt nhưng hiện tại thì chúng tôi không có nhu cầu ký thêm bất kỳ game nào’.


Ngay sau khi chúng tôi hoàn thành Gloomhaven, chúng tôi đã ký hợp đồng phát hành cho Ironmarked. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các hãng phát hành khác nhau. Tuy nhiên khoảng một năm rưỡi trôi qua, khi chúng tôi quay lại nói chuyện với những hãng đưa ra các lời đề nghị này thì họ lại bảo đang tìm kiếm những dự án như thế này nữa.”

Việc không tìm được nguồn vốn đầu tư đã khiến cho studio phải thực hiện một đợt sa thải nhân sự lớn và thu nhỏ quy mô một cách đáng kể. Oman cho biết trước đó hãng phát triển có tổng cộng tầm 30 nhân viên nhưng giờ đây con số này đã giảm xuống còn chỉ… 9 người.

Về phía quyết định cho ra mắt bản demo của Ironmarked, mặc dù giai đoạn phát triển của tựa game đã chính thức bị “đóng băng”, Oman chia sẻ rằng ông chỉ muốn thế giới biết về sự tồn tại của nó.

“Tôi đã làm trong ngành game từ rất lâu rồi, và có không ít lần mà một dự án tạm thời bị ngừng quá trình sản xuất và không bao giờ được tiếp tục. Tôi không muốn nó [Ironmarked] trở thành một trong những tựa game mà không bao giờ được ra mắt chính thức và chỉ có một vài người biết đến nó.”

Dựa theo thông tin từ bài viết trên Steam của Flaming Fowl, hãng mong rằng cộng đồng game thủ sẽ chơi thử bản demo và đưa nó vào danh sách mong ước trên Steam. Khi số lượng người đưa sản phẩm vào danh sách mong ước trở nên đủ lớn, hãng sẽ có thể dùng thông số này để đưa cho các hãng phát hành xem với mong muốn là nhận được vốn để tiếp tục thực hiện dự án.

Trong lúc chờ điều đó xảy ra, các thành viên còn lại trong đội phát triển sẽ tập trung vào việc thực hiện một tựa game chiến thuật nho nhỏ khác do họ tự bỏ tiền ra đầu tư và bản thân studio cũng quyết định sẽ cho ra mắt tựa game này vào cuối năm.

6. BETHESDA FRANCE BỊ ĐÓNG CỬA

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm 1.900 nhân viên trong mảng game mà hãng đã nêu ra vào đầu năm nay, Microsoft có vẻ đã quyết định đóng cửa hoàn toàn Bethesda France – chi nhánh Pháp của Bethesda.

Dựa theo thông tin từ nhiều cá nhân trên mạng, công ty đã đóng cửa sau 12 năm hoạt động lâu dài. Thêm vào đó, những nhân viên từng làm việc tại đây cũng đã lên Twitter để chia sẻ cảm nhận về việc bị sa thải.

Đặc biệt, quản lý cộng đồng (Community Manager) cho Bethesda France đã đăng những lời sau lên Twitter:

“8 năm cuộc đời của tôi cống hiến cho Bethesda France, 8 năm đầy những cuộc gặp gỡ, những kỷ niệm và những cơ hội hiếm có mà tôi sẽ không thể nào quên được.


Một trang sách đang được lật và nó ảnh hưởng đến rất nhiều người.”

Chi nhánh ở Pháp có tổng cộng 15 nhân viên, nhiệm vụ của nó chủ yếu xoay quanh việc phát hành và marketing tại khu vực này. Bởi vì vậy, việc Bethesda France bị đóng cửa có vẻ sẽ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai cũng như lịch trình phát hành game của Microsoft.

Hiện tại, nhiều trang báo chí lớn trên mạng chẳng hạn như Insider Gaming đã gửi mail đến Microsoft để xin lời bình luận nhưng đến giờ vẫn chưa có bất kỳ ai nhận được phản hồi.

7. EMBRACER GROUP TÁCH THÀNH 3 CÔNG TY RIÊNG BIỆT

Embracer Group vừa qua đã công bố kế hoạch tách bản thân thành 3 công ty – Asmodee, Coffee Stain & Friends và Middle-earth Enterprises & Friends.

Mỗi công ty sẽ được ghi nhận là một thực thể riêng trên Nasdaq Stockholm.

Là một phần trong quá trình tách, Embracer đã ký kết một thỏa thuận tài chính mới (thông qua Asmodee) có trị giá 900 triệu Euro. Hãng cho biết số tiền thu được từ thỏa thuận này sẽ giúp hãng “trả khoản nợ hiện có và giảm đòn bẩy (Leverage) trong phần còn lại của Embracer Group”.

Asmodee sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò hãng phát hành cũng như nhà phân phối cho các tựa game cờ bàn, game đánh bài và game cờ bàn điện tử. Hãng sở hữu tổng cộng 23 studio.

Về phía Coffee Stain & Friends, hãng sẽ tập trung vào game PC, game console và game di động – bao gồm “những game miễn phí được thúc đẩy bởi ý kiến của cộng đồng người chơi, game LiveOps và game indie/AA”.

Hãng sẽ hoạt động theo 2 bộ phận là bộ phận phụ trách phát triển sản phẩm chất lượng cao (Premium) và bộ phận phụ trách phát triển game miễn phí (Free-to-play). Bộ phận phát triển game chất lượng cao gồm có Coffee Stain, THQ Nordic, Ghost Ship, Tuxedo Labs, Tarsier, Amplifier Game Invest,…

Cuối cùng, Middle-earth Enterprises & Friends sẽ có vai trò phát triển và phát hành game AAA cho PC và console. Đồng thời, hãng cũng nắm giữ bản quyền cho thương hiệu The Lord of the Rings cùng với bản quyền cho hàng loạt dòng game lớn như Tomb Raider, Dead Island, MetroKingdom Come: Deliverance.

Những studio hoạt động dưới trướng của hãng gồm có: Crystal Dynamics, Dambuster, Eidos Montreal, Flying Wild Hog, Tripwire, Vertigo Games, Warhorse Studios và 4A Games.

Trong lá thư gửi đến cổ đông, Lars Wingefors (CEO của Embracer Group) cho biết quyết định tách tập đoàn thành 3 công ty sẽ giúp hãng thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh hơn.

“Không có chỉ duy nhất một cách để kinh doanh, nhưng một vài mô hình kinh doanh lại  giống nhau và một số khác lại không. Đối với trường hợp của doanh nhân, mọi thứ cũng tương tự như thế. Tham vọng của mỗi người có thể giống nhau nhưng cách tiếp cận lại khác.


Sự khác nhau về hoạt động kinh doanh của Asmodee, Coffee Stain & Friends và Middle-earth Enterprises & Friends là vô cùng lớn nhưng không chỉ vậy, sự khác biệt về chiến lược tiếp cận thị trường và hồ sơ kinh doanh cũng thế. Bằng cách tiếp tục mài dũa điểm mạnh của mình và hợp tác khi thấy hợp lý, tất cả công ty này sẽ đều có tương lai xán lạn ở phía trước.”

Sau nhiều năm bỏ tiền ra để “thâu tóm” các studio phát triển game, Embracer cho biết vào tháng 05/2023 rằng một thương vụ trị giá 2 tỷ USD để bị hủy ngay phút chót – khiến cho hãng phải thực hiện kế hoạch cải tổ từ đầu đến đuôi.

Đến nay, kế hoạch này đã hoàn tất và nó dẫn đến 1.400 người bị mất việc làm và 29 dự án chưa được công bố bị hủy.Nhiều studio đã bị đóng cửa bởi kế hoạch cải tổ, chẳng hạn như Volition, Campfire Cabal và Radical Design. Một số khác như Gearbox EntertainmentSaber Interactive lại bị bán.

8. TAKE-TWO INTERACTIVE SA THẢI 5% NGUỒN NHÂN LỰC

Take-Two Interactive cho biết hãng sẽ sa thải khoảng 5% nguồn nhân lực của mình cũng như hủy một số tựa game.

Theo lời của hãng, nguyên nhân dẫn đến quyết định này là để tiết kiệm 165 triệu USD mỗi năm. Hội đồng quản trị của Take-Two đã nhanh chóng xét duyệt quyết định này, đồng thời cũng kêu gọi hãng tìm kiếm thêm “sự hiệu quả” trong hoạt động kinh doanh để tăng tỷ suất lợi nhuận.

Trong năm 2025, Take-Two sẽ phát hành sản phẩm quan trọng nhất của mình – Grand Theft Auto 6, tức dự kiến sẽ mang lại doanh thu ở mức hàng tỷ USD. Bản trước là Grand Theft Auto 5 đã thu được 1 tỷ USD chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào năm 2013.

Chúng ta không biết cụ thể số lượng người bị ảnh hưởng là bao nhiều nhưng chúng ta biết là tính đến tháng 03/2023, Take-Two Interactive có khoảng 11.580 nhân viên làm việc toàn thời gian nên lượng nhân viên bị cho thôi việc có thể là tầm 600 người.

Take-Two bật mí kế hoạch cắt giảm nhân sự lần này sẽ tốn hãng tầm từ 160 đến 200 triệu USD, bao gồm 120 đến 140 triệu USD liên quan đến việc hủy một vài dự án game đang trong quá trình phát triển.

Cuối cùng, hãng cho biết kế hoạch này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2024.

9. KONAMI SẼ TĂNG LƯƠNG CHO NHÂN VIÊN TRONG NĂM 2025

Trong thông báo được đăng gần đây, Konami cho biết hãng sẽ tăng mức lương cơ bản cho các nhân viên hiện tại cũng như tăng lương khởi điểm cho những sinh viên mới tốt nghiệp vào tháng 03/2025.

Cụ thể, mức lương cơ bản hàng tháng cho các nhân viên đang làm việc tại Nhật sẽ tăng lên 5.000 Yên, tức tương đương khoảng 33 USD. Nếu tính theo cả năm thì số tiền được tăng sẽ là 60.000 Yên.

Hơn nữa, Konami đồng thời cũng sẽ nâng mức lương khởi điểm từ 295.000 Yên lên 300.000 Yên đối với phần lớn các công ty và vị trí của hãng.

“Trong hơn 50 năm kể từ khi được thành lập vào năm 1969, tập đoàn Konami đã tham gia vào việc tạo ra các hình thức giải trí mới bằng cách cung cấp những sản phẩm và dịch vụ sáng tạo nhằm mục đích nắm bắt được đỉnh cao của làn sóng hiện đại.


Nguyên nhân đằng sau khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong việc chế tạo ra những sản phẩm này nằm ở chính nguồn nhân lực của chúng tôi, và chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tạo ra sự đổi mới nhờ nguồn lao động đa dạng của mình.” 

Về kế hoạch tương lai, hãng cam kết sẽ đạt được sự tăng trưởng bền vững trong 10 năm tới bằng cách “giữ vững nguồn nhân lực đa dạng, tận dụng tối đa tài năng của nhân viên và tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng”.

Vào thời gian này năm ngoái, Konami cũng đã tăng lương nhân viên một lần đồng thời công bố luôn kế hoạch mở rộng chi nhánh ở Osaka.

Mặc dù số tiền được tăng lần này không đáng kể như việc Capcom tăng 25% tiền lương cho nhân viên, bất kỳ thông báo tăng lương nào cũng là một tin vui so với hàng loạt trường hợp cắt giảm nhân sự đang diễn ra trong ngành.

Trong những năm vừa qua, nhiều nhà phát hành tại Nhật Bản cũng đã bắt đầu tăng lương cho nhân viên của mình. Đặc biệt, thủ tướng Fumio Kishida còn phải kêu gọi các công ty tại Nhật trả tiền cho nhân viên nhiều hơn trong lúc sự lạm phát tiếp tục gia tăng trong nền kinh tế.

10. GEARBOX PUBLISHING ĐỔI TÊN THÀNH ARC GAMES

Sau khi Take-Two Interactive công bố mua lại Gearbox Entertainment, Gearbox Publishing (trực thuộc Embracer) mới đây vừa cho biết hãng đã đổi tên thành Arc Games.

Hãng đã bật mí thông tin này trên mạng xã hội và chia sẻ như sau:

“Chúng tôi vẫn là đội ngũ các game thủ đầy nhiệt huyết mà đã mang đến cho các bạn những thương hiệu lớn […]. Chúng tôi vô cùng phấn khởi để cho các bạn trải nghiệm những trò chơi còn tuyệt vời hơn nữa như Gigantic: Rampage Edition, Hyper Light Breaker cùng với các dự án chuẩn bị được công bố trong năm 2025 và sau đó.”

Là một phần trong thương vụ trị giá 460 triệu USD giữa Take-Two Interactive và Embracer Group, Take-Two sẽ sở hữu Gearbox Software, Gearbox Montreal và Gearbox Studio Quebec. Không những thế, hãng cũng sẽ nắm giữ bản quyền cho dòng Borderlands, Tiny Tina’s Wonderlands, Risk of Rain, Brothers in Arms, Duke NukemHomeworld.

Về phía Embracer Group, hãng vẫn giữ được Gearbox Publishing (giờ đây đã bị đổi tên thành Arc Games). Ngoài ra, hãng đồng thời cũng giữ lại Cryptic Studios (Neverwinter Online, Star Trek Online), Lost Boys Interactive cùng với Captured Dimensions.

11. RELIC ENTERTAINMENT SA THẢI 41 NHÂN VIÊN

Không lâu sau khi “chia tay” Sega, Relic Entertainment giờ đây đã phải thực hiện một đợt sa thải hàng loạt.

Nhờ sự hỗ trợ của một nhà đầu tư từ bên ngoài (External Investor), Relic công bố vào tuần trước rằng hãng sẽ trở thành một studio độc lập sau khi rời khỏi “mái nhà” của Sega. Relic được nhiều người biết đến nhờ Company of Heroes, dòng game chiến thuật lấy bối cảnh trong Thế Chiến Thứ Hai đã tồn tại được gần 20 năm nay.

Trong bài đăng trên LinkedIn gần đây, chúng ta biết hãng đã phải thực hiện một đợt sa thải lớn.

“Sau khi thông báo về việc Relic Entertainment trở thành một studio độc lập vào tuần trước, hôm nay chúng tôi lại có tin buồn. Sáng hôm nay, chúng tôi đã chia sẻ thông tin với các nhân viên về việc cắt giảm nhân sự.


Sa thải nhân viên không phải là một quyết định dễ dàng, và nó đã được ra mới mục đích đảm bảo Relic có cơ hội tồn tại cao nhất trong một ngành càng ngày càng có nhiều biến động. Điều này hoàn toàn không phản ánh mức độ chuyên môn, niềm đam mê hay tính cách của những nhân viên bị ảnh hưởng.


Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với những người bị ảnh hưởng để cung cấp các gói trợ cấp thôi việc, phúc lợi mở rộng và lựa chọn hỗ trợ thôi việc.


Đến những người mà chúng tôi phải chào tạm biệt, chúng tôi vô cùng xin lỗi vì mọi thứ phải đi đến chừng này. Chúng tôi cảm ơn các bạn vì những gì các bạn đã làm cho studio cũng như cho các dự án, và chúng tôi chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất.”

Tuy bài viết không tiết lộ con số cụ thể nhưng thông tin từ trang Game Developer cho thấy đợt sa thải lần này đã ảnh hưởng đến tận 41 người.

Những năm gần đây là một quãng thời gian khó khăn đối với những ai làm việc trong ngành, với tình trạng nhân viên bị sa thải, studio bị bán hoặc đóng cửa diễn ra thường xuyên và dường như không có dấu hiệu chậm lại.

Đặc biệt, có thông số cho thấy năm 2023 đã có đến hơn 10.000 người đã bị mất việc làm và 8.000 người đã bị sa thải chỉ trong vài tháng đầu tiên của 2024.

Việc Relic Entertainment sa thải 41 nhân viên đồng thời cũng diễn ra không lâu sau khi Sega công bố cắt giảm 240 việc làm toàn cầu.

12. ĐỒNG SÁNG LẬP NINJA THEORY RỜI KHỎI STUDIO

Vào đầu tháng Tư, chúng ta được cho biết Tameem Antoniades – Đồng Sáng lập của Ninja Theory – đã không còn làm việc tại studio.

Ông đã rời khỏi studio trước khi Senua’s Saga: Hellblade II ra mắt chính thức – tức dự kiến sẽ lên kệ vào ngày 21/05 sắp tới.

Trang Polygon đã nhận thấy sự vắng mặt của Antoniades khi họ ghé thăm hãng phát triển vào đầu tháng.

Không lâu sau lần thăm đó, một đại diện của Xbox đã phải xác nhận rằng ông không còn làm việc tại studio nữa. Chúng ta không biết cụ thể Antoniades đã rời khỏi công ty vào lúc nào, nhưng chúng ta biết ông đã có đóng góp cho Senua’s Saga: Hellblade II trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển.

tameem-antoniades-dong-sang-lap-ninja-theory-roi-khoi-studio-tin-game

Thêm vào đó, lý do ông rời khỏi Ninja Theory cũng là một ẩn số.

Tameem Antoniades đã thành lập nên Ninja Theory cùng với Dom Matthews, Mike Ball và Nina Kristensen vào năm 2004. Trong suốt 20 năm kể từ đó, hãng đã thực hiện hàng loạt dự án lớn như: Heavenly Swords, Enslaved: Odyssey to the West, DmC: Devil May CryHellblade: Senua’s Sacrifice.

Vào năm 2018, Microsoft đã mua lại Ninja Theory để củng cố lượng sản phẩm “first-party” của mình.

Hiện tại, cả Ninja Theory lẫn Microsoft vẫn chưa chia sẻ nguyên nhân Tameem Antoniades rời khỏi công ty.

13. ASCENDANT STUDIOS TẠM SA THẢI PHẦN LỚN NHÂN VIÊN

Ascendant Studios, hãng phát triển Immortals of Aveum, có vẻ đã sa thải tạm thời (Furlough) phần lớn nguồn nhân lực của mình.

Thông tin này đến từ trang LinkedIn của Kris Morness (một cựu nhân viên tại công ty) và nó cũng đã được xác nhận bởi Nicole Carpenter (phóng viên cho trang Polygon).

Ascendant Studios đã sa thải tạm thời phần lớn nhân viên của họ. Tôi thật sự không thể hình dung điều đó như thế nào bởi vì nó còn tệ hơn cả việc bị cho thôi việc.” – Kris Morness

Đối với những ai không biết, sa thải tạm thời là một hình thức nghỉ việc bắt buộc và nhân viên thường không được trả tiền trong quãng thời gian nghỉ. 

Mặc dù trên giấy tờ thì ghi là những nhân viên đó vẫn còn việc làm và họ dự kiến sẽ phải quay lại làm việc ở một thời điểm nào đó trong tương lai, nó đồng thời cũng có nghĩa là những người bị ảnh hưởng sẽ không đạt đủ điều kiện để nhận một số quyền lợi quan trọng như trợ cấp thôi việc (Severance).

Carpenter đồng thời cũng cho biết như sau:

“Điều này cũng hoàn toàn khớp những gì tôi được cho biết về hãng phát triển Immortals of Aveum – rằng phần lớn nhân viên gần đây đã bị sa thải tạm thời.

Tôi không thể xác nhận một con số cụ thể, và bản thân Ascendant vẫn chưa phản hồi các yêu cầu bình luận.” – Nicole Carpenter

Immortals of Aveum, sản phẩm đầu tay của Ascendant Studios, đã ra mắt trên PS5, Xbox Series X/S và PC vào tháng 08/2023.

Chỉ sau đó 1 tháng, hãng đã phải cho thôi việc gần một nửa lượng nhân viên.


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 13 sự kiện game 04-2024 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 04-2024 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!