Skip to content

Sự kiện game 10-2022: Bayonetta 3 và sự “giả dối” từ nữ chính!

sự kiện game 10-2022

Sự kiện game 10-2022 – Đã bước vào những tháng cuối năm, và những thông tin “nóng” của thế giới game bắt đầu ít dần.

Tuy nhiên, tin tức có thể hết, nhưng “drama” sẽ chẳng bao giờ chờ ai. Và biến lớn nhất của tháng vừa qua lại là một cuộc hỗn chiến “online” dính dáng tới Bayonetta 3, cụ thể là chính diễn viên lồng giọng của tựa game này.

Còn chờ gì nữa, hãy cùng Vietgame.asia “hóng biến” qua Top 4 sự kiện game 10-2022 nhé!

1. HELLENA TAYLOR “NÓI LÁO” VỀ MỨC THÙ LAO CHO “BAYONETTA 3”?

Vụ drama này là tâm điểm cực “hot” của thế giới game trong tuần qua.

Tóm tắt lại, Hellena Taylor, nữ diễn viên lồng tiếng cho Bayonetta hai phần trước đã không còn được ký hợp đồng trong Bayonetta 3, mà thay vào đó là Jennifer Hale, một diễn viên lồng tiếng khác.

Ban đầu, Hellena Taylor cho biết cô không trở lại tựa game này với lý do được mời mọc với mức thù lao rẻ mạt là 4000 USD. Cô kêu gọi các game thủ tẩy chay Bayonetta 3, “tỉa đểu” Jennifer Hale và hóa “phật online” khuyên mọi người dùng tiền định mua game làm từ thiện.

Thông tin này được dư luận cực kì chú ý, và ban đầu có phần hưởng ứng lời kêu gọi tẩy chay này.

Tuy nhiên, thành viên ban lãnh đạo của Platinum Gamesbáo chí lại có một câu chuyện khác.

Hideki Kamiya, Phó Chủ tịch của Platinum Games, cho biết Hellena Taylor đã được nhận hợp đồng lồng tiếng với mức thù lao 15000 USD nhưng từ chối.

Jason Schreier, phóng viên của Bloomberg, cho biết đúng là Platinum Games đã thuê cô với giá 3000 USD – 4000 USD, nhưng đó là cho mỗi buổi thu thanh. Có khoảng 5 buổi tất cả, và chi phí dự tính vào khoảng 15000 USD thật. Mỗi buổi thu âm khoảng 4 tiếng, và như vậy, thù lao của Hellena Taylor tính ra vào khoảng 1000 USD/giờ.

Hellena Taylor đơn giản là không thích mức lương này, và đã “vòi” một mức thù lao khác, lên tới 6 con số, cùng với yêu cầu trích phần trăm doanh thu của game.

Platinum Games cũng đơn giản là… “không”! Họ mời một diễn viên khác, và đó là Jennifer Hale. Thậm chí, Platinum Games còn tử tế tới mức mời Hellena Taylor lồng giọng cameo cho game, với mức giá 4000 USD.

Sau khi nhận kha khá “gạch đá”, Hellena Taylor cũng lên đính chính rằng ban đầu cô được thỏa thuận 10000 USD, và chỉ sau khi “mặc cả” lại mới được lên 15000 USD. Cô cho rằng đây là một con số cực kì thấp cho dòng game Bayonetta có tổng doanh thu 450 triệu USD.

Gác lại việc con số thống kê 450 triệu USD được Hellena Taylor “bới ra từ vườn nhà ai” thì ta cũng chưa biết, nhưng nhìn chung, việc Hellena Taylor làm là lợi dụng tình thương của cộng đồng để hưởng lợi. Có lẽ, cô đã có chút “ảo tưởng sức mạnh” rằng vị trí thu thanh là quan trọng nhất của tựa game. Còn thù lao các ban khác như lập trình, marketing, kiểm thử hay kế toán, được bới ở đâu ra thì… cũng chưa biết luôn.

Nhưng sau tất cả, Hellena Taylor quả thật cũng đã góp thành công cho Bayonetta 3. Drama này đã dán tiếp “buff” doanh số của Bayonetta 3, nên có lẽ nhà sản xuất cũng cần cảm ơn cô vì màn “PR miễn phí” này.

Ngành game không phải là một ngành công nghiệp hoàn hảo, và cũng đầy những câu chuyện bóc lột người lao động trong những hãng game lớn.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại: chẳng có ngành công nghiệp nào không bóc lột, và không phải người nào động nào cũng đáng thương.

2. TÁC GIẢ CỦA “DISCO ELYSIUM” KHỞI KIỆN CÔNG TY MẸ  ZA/UM

Một drama khác của ngành game cũng đã diễn ra trong tháng qua, tuy có phần kính tiếng hơn.

Đó chính là việc Robert Kurvits, cha đẻ của Disco Elysum, khởi kiện công ty mẹ. Tuy nhiên, phiên tòa sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, nên kịch hay còn ở phía trước.

Nguyên nhân của vụ việc khả năng cao là do bất đồng quan điểm về Disco Elysum, bởi vì trước đó, ba nhà bên kịch và thiết kế quan trọng của game là Robert Kurvitz, Helen Hindpere, và Aleksander Rostov đã bị sa thải khỏi ZA/UM.

Martin Luiga, một nhà sáng lập của Hiệp hội ZA/UM (chứ không phải công ty ZA/UM), cho biết ba nhân vật “cộm cán” trên đã bị buộc thôi việc.

Theo “tin đường phố” thì nôm na là trước sự thành công của Disco Elysum, các nhà đầu tư đã muốn phát triển nó theo hướng… làm tiền hơn. Họ muốn phiên bản tiếp theo tập trung vào “dịch vụ trực tuyến”, nên đã thuê một chuyên gia “tiền tệ hóa”.

Đội ngũ phát triển game chắc chắn không thấy vui, nên họ đã bị phía công ty và nhà đầu tư “đá” khỏi cửa.

Do vậy, một cuộc chiến pháp lý cho tương lai của Disco Elysum đã bắt đầu.

3. MICROSOFT “YÊU-GHÉT” DỊCH VỤ XBOX GAME PASS

Xbox Game Pass là một trong những dịch vụ đăng ký trải nghiệm game phổ biển (nếu không muốn nói là phổ biến nhất) hiện nay.

Tuy nhiên, công ty đã “lỡ” dự báo về độ tăng trưởng của Xbox Game Pass. Cụ thể, công ty kỳ vọng lượng người đăng ký dịch vụ sẽ tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, tức khoảng 30/6 năm 2022. Thế nhưng con số thực tế chỉ đạt 28% tăng trưởng, và đây đã là năm thứ hai liên tiếp công ty “đoán nhầm”.

Và với việc Microsoft đang mong muốn mua lại Activision Blizzard, những thống kê tài chính thiếu khả quan sẽ không phải là một tín hiệu khả quan cho những đơn vị hành pháp trên nhiều quốc gia chấp nhận thỏa thuận không lồ này.

Tuy nhiên, công ty có cách khác để chứng minh tiềm năng của dịch vụ này. Theo những tài liệu mà Hội đồng Kinh tế Quốc phòng Hành chính của Brazil (Administrative Council for Economic Defense, hay CADE) cung cấp, dịch vụ Xbox Game Pass đã mang về 2.9 tỷ USD trên console.

Như vậy, trong năm 2021 Xbox Game Pass đóng góp khoảng 18% doanh số của dịch vụ Xbox (vào khoảng 16.28 tỷ USD), và nếu chỉ tính game và dịch vụ, không tính bán phần cứng của Xbox console, phần trăm đóng góp sẽ tăng lên 30% (của 12.581 tỷ USD).

Như vậy, tuy không đạt được số lượng người đăng ký như dư báo nhưng Xbox Game Pass cũng mang lại một nguồn lợi không nhỏ cho Microsoft, và chắc chắn công ty sẽ còn tìm cách “vắt sữa” dịch vụ này trong tương lai.

4. MINICLIP KHAI TỬ HẦU HẾT CÁC SẢN PHẨM GAME

Với những game thủ thuộc thế hệ 9X thì những tựa game giải trí của Miniclip là một thứ gì đó thật thân thương. Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn.

Công nghệ Adobe Flash Player, “xương sống” của nhiều tựa game Miniclip, đã già cỗi và bị khai tử, thay thế bằng HTML 5. Hơn thế nữa, những tựa game trình duyệt thuở xưa không thể nào “ăn” được các game mobile hiện đại.

Do vậy, tháng vừa qua, Miniclip đã khai tử những sản phẩm web game của mình, trừ 8 Ball PollAgario là hai tựa game còn sót lại cuối cùng vì chúng vẫn có một lượng người chơi nhất định.

Công ty sẽ có đường lối kinh doanh mới trong thời gian tới, và cho dù đó là gì, một khoảng tuổi thơ của 9X đã bị bỏ lại phía sau rồi…


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 4 sự kiện game 10-2022 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 10-2022 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý cùng chúng tôi qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!