Skip to content

The Pathless – Đánh Giá Game

The Pathless

The Pathless – Tựa game được làm bởi đội ngũ Giant Squid, studio từng làm ra tựa game ABZU vào năm 2016.

Sau khi tung ra các đoạn trailer giới thiệu, cảm giác của người viết lúc ấy rất hóng chờ vì phong cách đồ họa game rất giống Shadow of the Colossus, với các quái thú đồ sộ, hùng vĩ.

Vậy thật sự The Pathless có thể mang lại cảm giác như thế khi được tận tay chơi, tận tay khám phá?

Hãy cùng Vietgame.asia xem qua bài đánh giá sau!

BẠN SẼ THÍCH

Tiếng gọi ánh sáng

Câu chuyện của The Pathless diễn ra khá đơn giản, vẫn có cảm hứng từ Shadow of the Colossus nhưng theo một hướng tươi sáng, tuy nhiên không có “cú twist” nào bất ngờ cả. 

Tựa game đưa chúng ta theo bước chân của cô nàng “thợ săn” (Hunter) vô danh tại vùng đất đang bị chìm lẫn trong màn đêm hắc ám.

Chuyến hành trình bắt đầu khi cô phát hiện kẻ đứng đằng sau mọi chuyện và hợp lực với chú đại bàng – hiện thân sau khi một sinh linh thần bí tan biến trước mắt cô.

Bên cạnh cốt truyện chính đơn thuần là diệt trừ bóng tối thường thấy, The Pathless cũng khá đáng khen ở việc tạo chiều sâu hơn nhờ vào cung cấp các tuyến truyện nền nhỏ khi người chơi chịu khó mày mò khám phá tại các khu vực tàn tích.

Các mảnh truyện này cũng khá hay, cho ta biết nhiều hơn về lịch sử của vùng đất, các quái thú trị vì, cũng như những góc độ khác nhau về lý do của kẻ đứng sau toàn bộ mọi chuyện.

Lối chơi của The Pathless được tối giản hết mức có thể.

Vì là một xạ thủ chuyên nghiệp không kém cạnh Hawkeye nhà Marvel, việc người chơi cần làm là chỉ cần giơ cung và bắn khi dấu hiệu đỏ xuất hiện trên các “Talisma” hiện trên đường để tăng thanh “Dash” – thanh này sẽ tụt dần nếu không kịp nạp – hoặc nhắm bắn các trụ lửa, các ô trong các màn giải đố của bản đồ.

Phần thưởng dành cho người chơi trong việc khám phá là thu được các viên ngọc vàng, nâng cấp khả năng phóng cao của Đại Bàng nhà ta.

The Pathless không có cho phép người chơi nhắm bắn tự do như dòng game Tomb Raider hiện đại hay như trong Horizon Zero Dawn.

Mà cũng lâu rồi mới thấy hệ thống Auto này trở lại, làm gợi nhớ tới các tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba thời PS2/tiền PS3.

Điều này cũng phần nào giúp mạch game tương đối mượt khi không bị khựng, đặc biệt trong lúc “phi gió bạt ngàn”.

Khác với các tựa game thế giới mở hiện tại, The Pathless không có bản đồ, người chơi phải bật chế độ giác quan của Đại Bàng lên để nhận thấy các điểm thú vị (được thể hiện bằng màu đỏ), na ná phong cách của các game Assassin’s Creed sau này.

Lối chơi của The Pathless được tối giản hết mức có thể

Xuyên suốt quá trình chơi, người chơi sẽ còn thu thập được các mảnh ghép vàng để mở khóa đủ ba tháp bị niêm phong, khi đủ ánh sáng tại ba tháp này thì chúng sẽ “phân vùng” và mở khóa trùm cho người chơi đuổi theo chinh chiến.

Giant Squid tối ưu hóa mượt mà giữa các khu vực, đặc biệt ứng dụng sức mạnh của PlayStation 5 nên việc di chuyển qua lại giữa các khu vực không bị trồi sụt khung hình, dù đang chạy ở tốc độ cao.

Đồng thời nhờ có ứng dụng tính năng Adaptive Trigger trong việc dương cung, nên phần nào giúp tăng sự trải nghiệm của người chơi hòa nhập hơn.

Nhắc tới trùm, thi thoảng khi bạn đang vi vu mà chưa đối đầu, người chơi sẽ được ngẫu nhiên chạm trán chúng khi bị dính trong vùng lan tỏa đỏ!

Lúc này cô nàng Hunter sẽ tạm bị lạc chú Đại Bàng, và nhiệm vụ của người chơi là lén lút làm sao để tránh khỏi ánh mắt của các sinh vật to lớn này, nhằm tới được nơi mà chú Đại Bàng đang kêu.

Và nếu lỡ xui có bị phát hiện thì cũng đừng lo, The Pathless chẳng phạt nặng nề gì ngoài việc bị mất một vài viên ngọc vàng mà thôi.

Các trận đấu trùm được làm khá ổn, có các lối đánh và cách giải đố khác nhau. Phải công nhận chúng rất hoành tráng và dữ dội, tạo cảm giác hào hứng, khá căng thẳng khi chạm trán ở những giây phút ban đầu!

Và sau đó, game tiếp cận người chơi bằng những khoảng lặng được “rửa sạch” khỏi màn đêm. Lúc này bạn có thể thoải mái khám phá mà không lo bị đe dọa nữa.

Âm thanh là điểm vô cùng đáng khen khác, cũng là điểm nhấn của The Pathless với các bản nhạc thanh bình, đôi lúc có pha một chút “đe dọa” nhưng hòa quyện tốt với môi trường thiên nhiên.

Nhạc nền khi vô trận vô cùng biết cách để gây “òa”, tạo chất xúc tác trong sự hùng hồn của hiệu ứng bắt mắt.

Nhờ vậy, việc vi vu khám phá thế giới của The Pathless trở nên đầy hào nhoáng, hay ít ra là với những khoảnh khắc thoạt đầu.

Thế nhưng…

BẠN SẼ GHÉT

Vui nhưng chưa tới mức ấn tượng!

Đó là cảm giác của người viết sau khi trải nghiệm toàn bộ The Pathless.

Từ phong cách đồ họa tới các diễn giải tình tiết và ngay cả hệ thống lối chơi tiềm năng nhưng chưa thể làm tới.

Hãy nhìn lại một trường hợp tiêu biểu: sự khác biệt thật sự giữa Shadow of the Colossus so với những tựa game “cố gắng” thể hiện theo – mang tới thử thách đúng nghĩa mỗi khi chạm trán với các sinh vật khổng lồ.

Shadow of the Colossus không ngại cho người chơi mất sạch máu hoặc phải thử đi, thử lại hẳn từ đầu vì… lỡ tay chơi ngu, hay gần như chả có gợi ý nào rõ ràng, buộc người chơi phải thử và để ý tinh mắt.

Ngược lại, việc thất bại trong đấu trùm của The Pathless không có hình phạt nào thích đáng ngoài việc chỉ bị hất văng ra khỏi đấu trường… rồi người chơi chỉ việc leo lên lại thế là đấu tiếp!

Vô hình chung khiến độ khó giảm mạnh khi người chơi chẳng cần bận tâm tới màn hình “game over”.

The Pathless

Chưa kể, hãng lại bị “tịt ngòi” trong ý tưởng tại màn cuối cùng khi người chơi dường như “đánh cho vui” đúng nghĩa. Một quyết định khá lạ lùng trong cách thiết kế mà đáng nhẽ phải là trận đấu khó khăn nhất! 

Thiết nghĩ, có cảm giác game hơi giống The Legend of Zelda: Breath of the Wild nếu có ai từng diện kiến Ganon ở hình dạng cuối, trận đấu đó còn dễ hơn cả các trận “mini” boss hoặc khi chinh chiến với các Lynel nữa.

Cảm giác thứ hai mà người viết thấy được ở The Pathless đó là sự nhàm chán khi chỉ nhảy, bắn, né tí, rồi nhảy bắn.

Ban đầu việc di chuyển như vậy khá hay ho, nhưng sự lặp lại và cảm giác “lướt gió” này sẽ nhanh chóng biến mất ở những màn sau do không có đủ sự đa dạng trong địa hình để người chơi “tạo combo” lướt gió. 

Thật hiếm khó có trò nào làm được cảm giác phóng bạt mạng, rồi làm các mẹo trên không trung nhưng vẫn đảm bảo sự thử thách nếu muốn trơn tru như Marvel’s Spider-Man (PS4)Marvel’s Spider-Man Miles Morales đã làm được.

Thậm chí, hệ thống của hai game Nhện này còn tặng một chút điểm kinh nghiệm lẫn thành tích mỗi khi người chơi thực hiện đủ các tư thế này.

The Pathless

Tiếc là ở The Pathless không có gì để khích lệ hay để tăng sự kích thích hơn cho người chơi.

Một cơ chế mà người viết muốn nhắc tới đó là hệ thống Auto ngắm sẵn (không cho phép ngắm tự do) đôi khi bất ổn định, gây khó chịu nhất là trong giải đố.

Hệ thống này mang lại bất lợi ở các vật thể cần bắn gần sát, đôi khi muốn nhắm mục tiêu kế bên nhưng nàng Hunter lại cứ nhắm vào cái cục còn lại, hoặc hệ thống không tự nhắm dù đã cố gắng xoay chuyển camera đúng hướng!

Nhắc đến giải đố, các câu đố cũng không có nhiều sự đa dạng để gây hứng thú hoặc khiến người chơi vắt óc gì cả.

Nhiều lúc đúng nghĩa là “bắn một cái” là xong, còn không thì tìm thùng đồ đặt lên rồi miễn đứng đúng vị trí bắn một phát là tên tự dính các mục tiêu! 

Một lý do khác khiến The Pathless không khơi gợi nhiều cảm giác tò mò khám phá: chỉ đạo nghệ thuật và cảnh vật không thật đặc sắc và đủ độc đáo để khiến người chơi phải mê mệt và muốn tìm hiểu.

The Pathless

Có thể dễ dàng thấy việc “tẩy rửa” vùng đất chỉ mang lại ánh sáng, như thể chuyển đêm thành ngày và cảnh vật không thay đổi là bao. Tính ra, tựa game Prince of Persia 2008 làm việc này còn tốt hơn nhiều! 

Và nếu so với ABZU – tựa game trước đó của Giant Squid lại thể hiện quá tốt, thì The Pathless tuy không xấu nhưng không đủ gây ấn tượng kể cả ở phong cách thiết kế cảnh vật, nhân vật, hay các trùm to lớn.

Còn về tuyến truyện dẫn dắt thì cũng không có gì để nói, thật sự khá là bình thường, không nổi bật, không nhiều cảm xúc và cái kết mang tới làm người viết thấy có phần gấp rút và hụt hẫng.

Người viết cực kỳ ghét cách thiết kế sau khi hết game, người chơi ấn tiếp “Continue” ở màn hình trình đơn (menu) thì sẽ được quay lại… trước nhiệm vụ cuối!

Từ phong cách đồ họa tới các diễn giải tình tiết và ngay cả hệ thống lối chơi tiềm năng nhưng chưa thể làm tới

Cách thiết kế này làm người viết có cảm tưởng mãi mình không được trọn vẹn. Điều tương tự đã xảy ra với Horizon Zero Dawn năm nào.

Tại sao hãng không cho người chơi vi vu sau khi hết tuyến truyện để giải quyết trọn vẹn 100% các câu đố chưa giải ngay hoặc có “New Game+” để bắt đầu lại hành trình với các kỹ năng đã có? 


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Giant Squid
  • Phát hành: Annapurna Interactive
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt : 12/11/2020
  • Hệ máy: PS4, iOS, PC, tvOS, PS5

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A
  • CPU: N/A    
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A    
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI GIANT SQUID – CHƠI TRÊN HỆ PS5

7.5

The Pathless vẫn là một tựa game giải trí tương đối ổn, tuy nhiên không mấy đặc sắc và không thật sự vượt trội so với tựa game trước đó của đội ngũ Giant Squid.
Tựa game có nhiều tiềm năng, nhưng có thể do giới hạn về đầu tư nên chưa thể khai thác hết.
Hy vọng hãng Giant Squid sẽ có thể hoàn thiện hơn cho các tựa game sau này.

Tác giả

Rapon Tran

I love RPG, Action Adventure, Adventure game. Especially hidden indie gems, thanks to them for bringing new lights into gaming industry.

Thảo luận