Ghost Recon Wildlands – Sau một khoảng thời gian dài liên tục vật lộn với những thương hiệu từ mới lẫn cũ, Ubisoft đã dành cả một năm 2016 lặng lẽ với những tựa game của mình trước khi trở lại đánh lớn để vực dậy hình ảnh của ngày xưa.
“Phát súng” mở màn đầu tiên trong năm của gã khổng lồ này là For Honor đã giữ đúng như lời đã hứa và sản phẩm đến tay người chơi được trọn vẹn như mong ước.
Theo đúng dự kiến, “phát súng” thứ hai là Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands đã được “bắn” đi mang theo tham vọng về một tựa game sở hữu quy mô “khủng khiếp” nhất của hãng.
Trở ngược về quá khứ, Tom Clancy’s Ghost Recon là một trong số những rường cột dựng nên “trường thành” Ubisoft vững chắc của ngày xưa, cũng như là vị tướng ít nếm mùi thất bại mỗi khi xung phong ra thương trường.
Tom Clancy’s Ghost Recon Future Soldiers tuy số phận phát triển lận đận và không được nhiều người cũ đón nhận, song hướng đi mới nhấn mạnh vào phối hợp nhóm để lại tiềm năng mà phải đến hiện tại mới chính là thời cơ chín mùi.
Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands cũng là lần đầu tiên dòng game này chọn cho mình một thế giới mở, cũng là sản phẩm hứa hẹn cực kỳ hoành tráng nhất về quy mô, chiến thuật giờ đây đã phải nhường chỗ cho sự tự do, nơi mà những thành viên trong biệt đội Ghost có nhiều “đất diễn” hơn để hoạt động.
BẠN SẼ THÍCH
BOLIVIA – NHÂN VẬT CHÍNH ĐẦY HOA MỸ!
Đối với một gã “khổng lồ” sở hữu những đầu game thế giới mở đình đám như Ubisoft, một khi dồn tận lực để tạo nên một Bolivia làm bối cảnh chính cho Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands thì phần nhiều cũng có thể mong chờ vào một cái gì đó khác lạ so với những sản phẩm khác.
Điểm dễ nhận ra nhất của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands nằm ở chỗ người chơi có thể đi đến bất kì nơi đâu mà tầm mắt có thể hướng đến.
Những rặn núi tưởng như chỉ là cảnh nền thực chất hoàn toàn là nơi để đặt chân đến khám phá, rất nhiều tựa game chọn những khung cảnh cao lút tầm mắt làm nền nhưng ở đây lại là một câu chuyện khác, cảnh trước mặt hoàn toàn là cảnh thật với trùng trùng điệp điệp núi rừng, cây cỏ tạo cho người chơi choáng ngợp ngay lập tức về quy mô.
Không chỉ rộng, đất nước Bolivia còn đa dạng về địa hình khi trải dài từ những khung cảnh rừng núi, đồi trọc đến bể muối, rừng rậm…
Đi đến đâu, các khung cảnh hùng vĩ hiện ra đến đó, thôi thúc máu khám phá chảy khắp châu thân của người chơi.
Thật sự những khung cảnh trong Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands rất đẹp, đẹp một cách chân thực, đầy sức sống cùng vòng tuần hoàn ngày – đêm, nắng – mưa, thậm chí còn có phần trội hơn cả một tựa game cũng cực kì thỏa mãn về phần nhìn là Just Cause 3.
Nói không ngoa, chính đất nước Bolivia mới là nhân vật trung tâm của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands, nhất là khi vai trò của bốn anh chàng Ghost hay bè lũ Santa Blanca còn hơi mờ nhạt.
Điểm dễ nhận ra nhất của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands nằm ở chỗ người chơi có thể đi đến bất kì nơi đâu mà tầm mắt có thể hướng đến
Bolivia của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là chốn “rừng thiên nước độc” nơi mà chỉ có những kẻ không sợ chết mới dám đặt chân tới, vì ẩn trong cảnh yên bình là cả một mạng lưới ngầm của tổ chức Santa Blanca.
Nếu chỉ tính riêng những nhiệm vụ chính, một khoảng thời gian dài từ 30 đến 40 giờ đồng hồ đang chờ đón bạn, mỗi nhiệm vụ sẽ “chặt” đi từng chiếc vòi mà con bạch tuộc El Sueno cùng bè lũ của mình bám chặt và điều hành những hoạt động phi pháp trên cả đất nước.
Thực hiện những nhiệm vụ phụ mang lại lợi thế về mặt hỗ trợ vì được gọi xe, thả pháo, tăng tiếp viện… từ lực lượng nổi dậy.
Một cái hay nữa nằm ở chỗ mỗi nhiệm vụ của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands mang tính “mở” nhất định.
Trái với những tựa game kiểu như Tom Clancy’s The Division vốn gò ép người chơi vào một kịch bản dàn trải, ở đây ta có nhiều cách khác nhau để hoàn thành công việc xử lý mục tiêu.
Hơn nữa, mỗi nhiệm vụ thường được thể hiện theo dạng “chay” ít sử dụng cắt cảnh lẫn chuyển cảnh, chỉ cần đến nơi và cần vài thao tác nhanh gọn là nhập cuộc, khiến cho game trở nên liền mạch một cách tự nhiên.
Để khám phá Bolivia theo cách toàn vẹn nhất thì chỉ có thể chơi cùng những người bạn hiểu ý của mình, đối với Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands đây là con “dao hai lưỡi”.
Nếu có những chiến hữu tâm đầu ý hợp, mọi thứ trơn tru không vấn đề gì, ấy vậy mà khi đi cùng những người lạ, đặc biệt là những kẻ… không biết nghe lời thì tựa game này trở thành nguồn cội của sự ức chế.
Lối chơi tự do của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands khi gặp phải những kẻ lạ tự động trở thành những mảnh đất hỗn loạn.
Người này bảo, người kia không nghe mà nhiệm vụ đôi khi lại yêu cầu phối hợp nhóm, thành thử việc thất bại là chuyện đương nhiên.
Chưa kể tình trạng kẻ đi lén lút chỗ này, người thì lại lao đầu ra giữa thanh thiên bạch nhật để rồi tử nạn chung cũng không phải điều hiếm gặp.
SỰ TỰ DO MỚI MẺ
Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands là phiên bản đầu tiên của dòng Tom Clancy’s Ghost Recon đi theo hướng thế giới mở, khác với các bậc đàn anh vốn chú trong chiến thuật trong không gian hẹp.
Tính chiến thuật vẫn còn được giữ lại và tiết chế vừa đủ để người chơi không thoải mái áp dụng đòn đánh phủ đầu bên cạnh đề cao tính tự do trong mọi nhiệm vụ.
Cũng phải nhắc đôi chút về quá khứ rằng dòng Tom Clancy’s Ghost Recon nổi danh với độ “khó xơi” thuộc vào diện cực hạng, với đỉnh điểm là hai bản game Tom Clancy’s Ghost Recon Advanced Warfighter vẫn còn vang danh như là hai trong số những tựa game hay nhất mà Ubisoft từng cho ra lò.
Độ khó truyền thống của Tom Clancy’s Ghost Recon nằm ở tính chiến thuật nặng nề và sự tính toán chi li trong từng bước, Tom Clancy’s Ghost Recon Future Soldiers đã mạnh dạn chấp nhận rủi ro thay đổi điều này, để rồi hiện tại khi đàn em chọn cho mình thế giới mở, tính chiến thuật đã được thay thế bằng sự tự do.
Tự do của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands thể hiện ở chỗ mỗi khu vực đều có thể đột nhập từ nhiều hướng khác nhau, tạo ra nhiều cách khác nhau để đến được mục tiêu.
Bạn không nhất thiết cứ phải lén lút đi vào trại, lao vào xả súng hay đứng trên cao làm thiện xạ cũng là những cách không hề tồi.
Quan trọng nhất vẫn là kề vai nhau để phối hợp một cách nhịp nhàng nhất bởi chỉ cần bị phát hiện thì kết quả sẽ rất phiền phức khi chi viện được cử tới.
Sử dụng thiết bị cũng là một cách, đặc biệt nhất vẫn là Drone khi không chỉ dùng để đánh dấu mục tiêu mà còn mở rộng ra, trở thành một vũ khí lợi hại vừa gắn được thuốc nổ vừa dùng làm mồi nhử đánh lừa tầm quan sát của kẻ địch.
Chưa kể là những món đồ hữu dụng khác nếu được nâng cấp lại trở nên hiệu quả theo những cách rất riêng.
Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands cũng thể hiện sự đa dạng của mình qua hệ thống súng ống đồ sộ đủ làm hài lòng bất kì ai, trải dài với súng trường, súng máy hạng nặng, súng ngắm…
Giống với Tom Clancy’s Ghost Recon Future Soldiers, hệ thống tùy chỉnh súng ống chi tiết đến “tận răng” đã được giữ lại, có điều việc độ súng theo ý muốn của mình không còn dễ dàng như trước.
Vì sao?
Vì súng ống và các bộ phận được đặt rải rác trên khắp diện tích lãnh thổ của Bolivia và vị trí của chúng chỉ hiện ra khi người chơi tra khảo những kẻ nắm giữ thông tin.
Nếu như chỉ chú trọng vào nhiệm vụ, bạn chắc chắn sẽ chỉ sở hữu một số lượng súng rất ít ỏi và bằng cách thiết kế này, Ubisoft một lần nữa đã kích thích ham muốn tìm kiếm của lạ từ phía người chơi.
Tự do của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands thể hiện ở chỗ mỗi khu vực đều có thể đột nhập từ nhiều hướng khác nhau, tạo ra nhiều cách khác nhau để đến được mục tiêu
Như nhiều tựa game lớn gần đây của Ubisoft, Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands cũng không cho người chơi mạnh từ đầu, mà bắt phải nâng cấp dần dần thông qua bảng kĩ năng.
Game một lần nữa khuyến khích người chơi chu du vì bên cạnh điểm nâng cấp còn có thêm 4 chỉ số phụ nữa được lấy từ những thùng đồ là Food, Comms, Gasoline và Medication.
Ngoài ra, các hoạt động ngẫu nhiên trên đường đi cũng có thể giúp tăng một lượng kha khá các chỉ số phụ này.
BẠN SẼ GHÉT
NHỮNG SỰ LẶP LẠI
Bạn còn nhớ khuyết điểm chí mạng của Tom Clancy’s The Division chứ?
Không biết vô tình hay cố ý mà “đứa con” được sinh ra ở Paris, Pháp lại đi vào vết xe đổ của người anh ra đời tại Malmo, Thụy Điển.
Vậy khuyết điểm rốt cuộc là gì?
Đó là những nhiệm vụ lặp đi lặp lại quá nhiều lần, được thiết kế theo khuôn mẫu của một công thức.
Không mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều này, một chuỗi các nhiệm vụ cứ lặp lại bao gồm đột nhập lấy thông tin, bắt gã này, hạ tên kia, trộm một cái gì đó…
Kể cả nhiệm vụ chính lẫn phụ, sự đa dạng gần như không có, dẫu cho bản đồ được phủ kín với tần số nhiệm vụ dày đặc.
Một thế giới rộng nhưng cốt lõi lại kém đa dạng thì liệu có đủ để hấp dẫn người chơi lâu dài?
Khó đấy!
Những ai đã từng trải nghiệm Tom Clancy’s The Division ắt sẽ nhận ra sự tương đồng.
một chuỗi các nhiệm vụ cứ lặp lại bao gồm đột nhập lấy thông tin, đột nhập bắt gã này, đột nhập hạ tên kia, đột nhập để trộm một cái gì đó…
Kẻ thù trong Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands cũng thật sự làm người ta phải lắc đầu ngao ngán.
Điểm qua điểm lại được bao nhiêu loại?
Chung quy vẫn chỉ quy về hai dạng: lũ Santa Blanca và bọn Unidad, cả hai đều chỉ cần mất vài viên đạn là đủ “tiễn lên đường”, những bọn giáp dầy kiểu như trong Tom Clancy’s The Division để cho thêm tí mùi vị khác lạ cũng không có.
Đây là điều hết sức đáng trách vì với một tựa game mà tốn không dưới vài chục giờ đồng hồ mà quanh đi, quẩn lại chỉ chạm trán hai loại nhưng chung một cách diệt thì còn đâu hứng thú để tiến lên đối đầu với những thử thách nữa?
Thậm chí đến mô hình của chúng thì cũng chỉ có vài kiểu lặp đi lặp lại.
Nếu như Tom Clancy’s The Division có Dark Zone cùng nhiều trang thiết bị được thiết kế theo hướng nhập vai đủ để tạo cho động lực để người chơi “cày cuốc”, thì người em của hiện tại lại không sở hữu những điều đó.
Điều này không thể trách cứ đội ngũ phát triển vì lối đi của cả hai là khác nhau, nhưng như thế cũng đồng nghĩa rằng động lực để bạn tiếp tục gắn bó với Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands sau khi hoàn thành nội dung chính sẽ không còn được bao nhiêu, nhất là khi các hoạt động phụ cũng chẳng mấy đa dạng.
MỘT SẢN PHẨM CHƯA HOÀN THIỆN…
Ubisoft chắc chắn đã tốn không biết bao nhiêu tiền của dành cho Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands nhưng thành thật mà nói, tựa game này vẫn mang lại cho người chơi cái cảm giác về một sản phẩm chưa được hoàn thiện một cách chỉn chu nhất.
Phải khâm phục “gã khổng lồ” nước Pháp đã cất công thiết kế nên một Bolivia hùng vĩ và tuyệt đẹp, nhưng điều đó chỉ là cái mã nằm ở khung cảnh, còn bên trong thì lại vô hồn trống rỗng.
Sự sống của Bolivia diễn ra một cách nghèo nàn và máy móc, người dân di chuyển loanh quanh mà không hề có cảm giác của một thực thể “sống” biết phản ứng lại những hành động của người chơi.
Một bức tranh cho dù có đẹp cách mấy đi chăng nữa, đó cũng chỉ là cảnh “tĩnh” và Ubisoft Paris đã thất bại trong việc đưa vào đó một xã hội thật sự chuyển động theo vòng quay của sự sống.
Bên cạnh đó, hệ thống vật lí của Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands cũng tệ hại và kệch cỡm không kém.
Khoan nói đến những chiếc xe có khả năng leo địa hình bất kể chủng loại, thì các chuyển động cơ bản nhất như xe đâm vào ai đó, cháy nổ, va chạm, phản ứng khi đạn bắn vào người… đều thua xa so với các tựa game khác cùng nhà của Ubisoft được ra mắt gần đây mà rõ ràng nhất là phép đối chiếu qua Watch Dogs 2.
Có thể một Bolivia quá rộng lớn đã bắt buộc hãng phải hy sinh những thứ khác để giảm tải cho các hệ máy hiện tại chăng?
Tiếp nữa, trí thông minh nhân tạo (A.I) của game cũng là một vấn đề cực kì nhức nhối.
Kẻ thù tuy đông, hung hãn, bắn rát nhưng lại rất ngờ nghệch và máy móc.
các chuyển động cơ bản nhất như xe đâm vào ai đó, cháy nổ, va chạm, phản ứng khi đạn bắn vào người… đều thua xa so với các tựa game khác cùng nhà của Ubisoft được ra mắt gần đây
Chúng thường xuyên hô hào, chạy loạn xạ mà không có bất kì đường lối nào cụ thể.
Đôi lúc lại ngây thơ không nhìn thấy người chơi đang chạy vòng vòng trước mặt mà chỉ mới đó thôi lại bắn trúng ở khoảng cách cực xa.
Thậm chí, đôi khi người viết còn không hiểu có phải vì bị hối thúc trong quá trình phát triển hay không mà hãng lại cẩu thả ban cho những gã kia siêu năng lực “không tưởng”, như quăng lựu đạn đến một vị trí cao hơn đầu chúng cả 40m mà không sai một li.
Nếu dành thời gian chu du, rất dễ để người chơi nhận ra những điểm chưa hoàn thiện của tựa game này, có thể kể qua như: tên lửa bắn ra va vào mặt đất… không nổ, camera hoạt động một cách kì cục kém linh hoạt, xe được gọi tới thả thẳng xuống từ không trung, người dân đi đường đột ngột xuất hiện…
Một lần nữa phải nhắc lại câu hỏi: có phải quy mô của Bolivia đã làm hại đến chính Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands?
Có lẽ là vậy!