Bom tấn xịt – Vậy là một thập kỷ nữa đã trôi qua, một chặng đường không quá lâu nhưng lại là rất dài cho “một thế hệ” game thủ, và dĩ nhiên 10 năm đó cũng là một chặng đường phát triển có kỳ tích, có thất bại của cả ngành game thế giói.
Nếu lần trước bạn đọc đã đến với top 10 game đáng chơi nhất thập kỷ do cộng đồng Hội Mê Game Bản Quyền bình chọn, thì lẽ dĩ nhiên chắn chắn sẽ có luôn những tựa game đáng thất vọng, những “bom tấn xịt” làm ảnh hưởng không nhỏ ngành game và cả game thủ.
Vietgame.asia sẽ cùng bạn nhìn lại những tựa game này, để những nhà phát triển và phát hành phải nhớ rõ những thứ tệ hại họ đã làm ra khiến mọi game thủ phải “ám ảnh” trong suốt cả thập kỷ này nhé!
10. MIGHTY No.9
- Ngày ra mắt: 22/6/2016
- Hệ máy: PC, PS4
- Nhà phát triển: Comcept, Inti Creates
- Nhà phát hành: Deep Silver
- Bình chọn: 1,16%
Khởi động với một tựa game tạm cho là “indie” và được sự hậu thuẫn của đông đảo game thủ trên khắp thế giới bởi Mighty No.9 từng được nhà sản xuất ví như “người kế thừa tinh thần của Mega Man”.
Đặc biệt hơn, đội ngũ phát triển còn có sự góp mặt của chính cha đẻ Mega Man – Keiji Inafune, càng khiến sự khép lại của loạt game Mega Man năm 2014 chỉ là để “dọn đường” cho sự ra đời của Might No.9.
Nhưng thực tế đến khi game ra mắt lại hoàn toàn khiến người hâm mộ phải “choáng váng”!
Bắt đầu bằng những báo cáo phát triển thiếu chuyên nghiệp, gặp nhiều trục trặc, thay đổi nhân sự, cho đến dời ngày phát hành và hàng loạt biến cố không ngớt trong suốt những năm phát triển.
Mà cũng thật lạ là với những con người có kinh nghiệm đầy mình nhưng nhìn dòng thời gian phát triển dài 3 năm của Mighty No.9 cũng đủ thấy nó khó mà ra đời lành lặn rồi.
Người ta mong chờ vào một ngày trở về của Mega Man, với những đột phá trong lối chơi lẫn cả thể loại hành động phong cách “platformer”, nhưng Mighty No.9 chỉ là một bản sao rẻ tiền nhất có thể không hơn không kém.
Lối chơi thì “đạo nhái” Megan Man quá rõ ràng, đến cả cách thiết kế màn chơi cũng y hệt.
Đã vậy, thà “nhái” mà làm tốt hơn đã đành, đằng này lại chỉ toàn những lời quảng cáo sáo mòn và què quặc, lược bỏ hết những tinh túy của tượng đài bất hủ, tính năng mới dư thừa và vô dụng, các con trùm thì lại chẳng khá hơn đám lính loai choai là bao, có chăng chỉ hơn được thanh máu dày hơn, đồ họa xấu xí và gượng gạo.
Điều mà Mighty No.9 khiến game thủ bất ngờ nhất có lẽ lại chính là phần… credit (có thể xem là phần vô dụng nhất) lại còn dài hơn cả chính thời gian người chơi có thể bỏ ra để phá đảo nó!
Bạn có tin được không khi Comcept liệt kê hết tên tất cả những “Mạnh Thường Quân” đã đóng góp tiền phát triển cho Mighty No.9.
Trung bình một người chơi hoàn thành Mighty No.9 khoảng 3 giờ, một số “pro-player” có thể hoàn thành trong hơn 1 giờ, vậy mà cái credit này dài tới gần… 4 giờ!
Những 4 giờ đấy bạn có tin nổi không?!
Hay là Comcept biết thứ mình làm ra chẳng khác gì “đống chất thải”, nên đành dành hết sự tri ân vào phần credit để những người góp tiền không khỏi chạnh lòng ta?
9. UMBRELLA CORPS
- Ngày ra mắt: 22/6/2016
- Hệ máy: PlayStation 4, PC
- Nhà phát triển: Capcom
- Nhà phát hành: Capcom
- Bình chọn: 2,1%
Trong thập kỷ 2010s này, Capcom có lẽ là nhà làm game có đồ thị phát triển ấn tượng bậc nhất, lúc thì lên voi, lúc thì xuống chó, trải qua không biết bao nhiêu biến cố và khó khăn, những tưởng sẽ phải bán mình cho một gã nhà giàu khác, nhưng rồi lại bùng sáng với một loạt siêu phẩm như Devil May Cry 5, Resident Evil 2 Remake, Resident Evil 7, Mega Man 11…
Nhưng bài viết bom tấn xịt hôm nay là để “khuấy cho nước nó đục”, nên nỗi ô nhục mang tên Umbrella Corps sẽ được vinh dự “xướng tên” một lần nữa.
Và Vietgame.asia xin trích một đoạn mô tả trong bài đánh giá “cây nhà lá vườn” ngay trong đoạn mở đầu game nhé: “Umbrella Corps là một tựa game bắn súng khiến game thủ phải… tháo con chuột tiền triệu của mình để làm cục chặn giấy, bởi vì lối thiết kế mô phỏng camera bằng cần analog bị áp đặt cho chuột khiến cảm giác điều khiển chẳng khác gì cầm… cuộn giấy vệ sinh và cố gắng tự chùi mông mình mà không phải gập người!”.
Đấy, chỉ vậy thôi là đủ thấy Umbrella Corps được làm bởi những con người bê bối như thế nào.
Mọi bài đánh giá nói về Umbrella Corps có thể tìm thấy được những điểm chung của người viết như: ức chế, khó kiểm soát, chửi thề, mặc xác, tiêu chảy, nôn mửa, ngược đãi gaming gear… Mà thôi kể ra những điểm trừ của Umbrella Corps cũng đủ khiến người viết “ung thư” rồi, nên bạn đọc có thể tham khảo thêm trong bài đánh giá của Vietgame.asia nhé.
À mà, lúc đó, còn nghe đâu đó Capcom còn muốn đưa game bom tấn xịt này lên tầm eSports nữa cơ.
Nghe đến đây đã thấy nực cười làm sao rồi!
8. TOM CLANCY’S GHOST RECON: BREAKPOINT
- Ngày ra mắt: 04/10/2019
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Ubisoft
- Nhà phát hành: Ubisoft
- Bình chọn: 2,3%
Một siêu phẩm, một bom tấn hàng chục triệu đô, được quảng bá rầm rộ với mức độ chi tiết trong thiết kế mô phỏng súng ống có thể nói là “vãi” nhất thương hiệu Tom Clancy’s từ trước đến nay, mà nếu so sánh với The Division thì nó còn bỏ xa.
Nếu nói Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint là một trò chơi điện tử ở năm 2019 thì có lẽ đó là một sự xúc phạm, nó giống một trò cười, để game thủ cười vào nó thì đúng hơn.
Ubisoft cũng như Capcom, từng “lên voi xuống chó” và suýt phải bán mình cho Vivendi, nhưng có vẻ như chừng đó chưa đủ để Ubisoft ngại chọc điên người hâm mộ khi mang đến một Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint có nội dung như được viết bởi… một đứa bé lên 6 vừa xem xong một bộ phim Super Sentai dài tập nào đấy rồi trong đầu lóe sáng lên một thứ gì đó “thời sự”, rồi nhồi nhét thêm yếu tố “lựa chọn” vào cho vui.
Sau đó game bắt những game thủ vốn xem súng ống là lẽ sống phải quỳ xuống bởi sự đỉnh cao trong thiết kế “chỉ số” cho những cổ máy giết chóc này, mà có khi đến cả những bộ óc thiên tài đầy màu sắc LSD cũng khó mà nghĩ ra được rằng MP5 xài được đạn 12 Gauge, Barrett M82 dùng đạn .338… Game thủ chỉ biết nhìn đó mà nở nụ cười man dại.
Tom Clancy’s Ghost Recon Wildlands từ lúc ra mắt vốn chẳng là một tựa game đến nỗi tồi, ít ra là với tiềm năng của nó thì việc tốt lên sau các bản cập nhật cũng khá khả thi.
Nhưng đến với Tom Clancy’s Ghost Recon Breakpoint thì chắc đó là một dấu chấm hết cho ý định “sửa chữa” tựa game này, Ubisoft cũng thấy xấu hổ và buộc phải lên tiếng cáo lỗi, cũng như xem xét lại quy trình sản xuất tất cả những dự án đang được thực hiện của họ.
À mà nhắc tới nỗi nhục khiến Ubisoft muối mặt thì chúng ta còn có một cái tên nữa đấy, một bom tấn xịt khác…
7. ASSASSIN’S CREED UNITY
- Ngày ra mắt: 11/11/2014
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Ubisoft
- Nhà phát hành: Ubisoft
- Bình chọn: 2,3%
Có thể nói, việc ra đời của Assassin’s Creed Unity vừa có thể được xem là một mốc son chói lọi của Ubisoft, vừa là một “scandal” thuộc hàng khủng nhất năm 2014 mà sức ảnh hưởng theo hướng tiêu cực của nó đến tận bây giờ vẫn còn rất âm ỉ.
Trước khi ra mắt, Assassin’s Creed Unity được kỳ vọng sẽ là một kiệc tác nghệ thuật đúng nghĩa cả về lối chơi lẫn đồ họa và âm nhạc.
Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng với những game thủ nhà giàu (đủ tiền mua một dàn máy xịn xò), mà thật ra thì cũng chỉ đúng một nửa.
Thứ mà game thủ có được khi mua Assassin’s Creed Unity là một cái ung nhọt khổng lồ, mà khi bạn bắt đầu cầm tay cầm lên và chơi nó, thì hành động đó cứ như cầm kim và chích cho cái ung nhọt đó bung bét ra.
Game đầy lỗi, từ lỗi to đến lỗi nhỏ, từ lỗi đồ họa cho đến lối chơi, từ lỗi thiết kế cho đến kỹ thuật, từ lỗi tối ưu cho đến lỗi “chém gió” cốt truyện phong cách lãng mạng kiểu Pháp.
Assassin’s Creed Unity gần như đánh mất toàn bộ giá trị thật sự của mình chỉ bởi lỗi ngập trùng lỗi.
Assassin’s Creed Unity còn khiến cho cả Ubisoft được một phen hú hồn và gián tiếp đẩy Ubisoft đến sự tuột dốc không phanh về sau bởi sự ảnh hưởng của nó còn khiến giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa doanh số phiên bản sau của dòng game, mà có khi là cả những tựa game khác của Ubisoft.
Nhưng tại sao Assassin’s Creed Unity vẫn là một mốc son chói lọi?
Mặc dù là một phiên bản bị đánh giá tệ bởi nó quá nhiều lỗi và khiến game thủ phải ê chề, nhưng những gì được gửi gắm trong lại biến nó trở thành phiên bản có lối chơi hành động lén lút hay nhất toàn bộ dòng game, vừa đem đến một cuộc cách mạng về đồ họa mà các phiên bản sau này đều được kế thừa.
Cũng nhân sự kiện “BBQ nhà thờ Đức Bà Paris”, Ubisoft đã tặng miễn phí Assassin’s Creed Unity, đến bây giờ giá trị của nó mới được công nhận.
Nó vẫn quá đẹp, vẫn là một “nhân chứng” tuyệt vời cho công tác trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris được chính xác nhất với nguyên bản của nó.
Và cũng đến thời điểm này, người ta mới nhìn lại những gì mà Assassin’s Creed Unity đã làm được, vốn đã bị vùi dập bởi vô số lỗi khiến nó đánh mất giá trị của mình.
Assassin’s Creed Unity là một tựa game đáng chơi, nếu bạn không chơi nó vào thời điểm ra mắt năm 2014.
6. NO MAN’S SKY
- Ngày ra mắt: 09/08/2016
- Hệ máy: PS4, Xbox One, PC
- Nhà phát triển: Hello Games
- Nhà phát hành: Hello Games
- Bình chọn: 2,6%
Để lấy ví vụ cho những vụ chém gió kinh điển bậc nhất trong năm 2016 – năm mà những thảm họa như Mighty No.9, Umbrella Corps cùng tranh tài thì kẻ về nhất chính là No Man’s Sky.
Đến nỗi, nếu xét một cách công bằng, thì No Man’s Sky phải ẵm luôn cả giải nhì và giải ba của Mighty No.9 và Umbrella Corps về “cú lừa ngoạn mục” nhất năm ấy chứ.
Hello Games nói rằng No Man’s Sky sẽ là một tựa game vĩ đại, đa dạng và gần như không hề có sự trùng lặp với hơn 18 tỷ tỷ hành tinh cho người chơi khám phá, lối chơi du hành vũ trụ tuyệt vời.
Với sự phô trương trong quãng bá “chiều rộng” đó mà No Man’s Sky vượt mặt cả Dark Souls 3 và nhiều tựa game ấn tượng trong năm để có tận 213 nghìn người chơi cùng lúc trên Steam đấy.
Dĩ nhiên là cái gì chém gió thì cũng… theo gió mà bay, để lại game thủ với một lô lốc những lời chửi rủa, những cái “downvote” đầy khinh miệt và những bài đánh giá tệ hại ứng với sự vô hồn, rỗng tuếch và thiếu chiều sâu trong thiết kế lối chơi đến “thế giới hơn 18 tỷ tỷ hành tinh” mà Hello Games đã quảng bá.
Thực tế, không hẳn những lời hứa hẹn hay quảng cáo của Hello Games cho No Man’s Sky đều là những lời nói dối.
Chỉ là nó ra mắt không đúng thời điểm, khi mà chưa đạt độ chín mùi mà người chơi muốn có giống với mô tả có cánh của Hello Games trước đây.
May mắn là Hello Games vẫn còn có tí tự trọng, vẫn kiên quyết hoàn thiện đứa con của mình, cho đến thời điểm hiện tại No Man’s Sky tuy vẫn chưa được như kỳ vọng, nhưng nó đã hay hơn rất nhiều so với “trò bịp bợm” hồi năm 2016!
5. MASS EFFECT: ANDROMEDA
- Ngày ra mắt: 21/03/2017
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Bioware
- Nhà phát hành: EA
- Bình chọn: 3%
Bioware từng là một tượng đài sừng sững trong thể loại nhập vai với những cái tên đã đi vào huyền thoại như Neverwinter Nights, Baldur’s Gate, Dragon Age, Star Wars: Knights of the Old Republic… và dĩ nhiên là cả Mass Effect – dòng game thành công bậc nhất của Bioware.
Nhưng cũng sau những thành công vang dội của Mass Effect 3, Bioware lâm vào khủng hoảng với sự đi xuống rõ rệt trong hầu hết các sản phẩm được ra mắt, trong đó có cả Mass Effect Andromeda.
Những tưởng đặt chân lên một chân trời mới mang tên Andromeda với một biên niên sử vũ trụ mới, thì cũng giống như Assassin’s Creed Unity, Mass Effect Andromeda là một ổ dịch của lỗi đồ họa (vì bị ép sử dụng engine Frostbite) và một chất lượng thiết kế lối chơi nửa vời, tiềm năng thì nhiều mà khai thác rất hơi hợt.
Quá đáng hơn, kịch bản – thứ được xem là thế mạnh của Bioware lại là điểm gây thất vọng bậc nhất với chuỗi nhiệm vụ nhàm chán, lê thê và kém chất lượng hơn nhiều so với các sản phẩm trước đây.
Với nhiều game thủ, Mass Effect Andromeda chỉ là một cái bóng của loạt ba phần Mass Effect trước đó đang cố vùng vẫy để thoát khỏi vùng an toàn, nhưng vừa xía ra được một chút thì lại bị hàng tấn lỗi chèn ép cho không còn đường mà sống.
Sự thất vọng đã đáp trả một quả quá ấn tượng cho những ai đặt niềm tin quá nhiều vào Mass Effect Andromeda.
Cũng kể từ Mass Effect Andromeda, EA cũng tiện thể hiện luôn độ máu lạnh của mình khi thẳng tay khai tử luôn dòng game Mass Effect trong tương lai bằng một cách rất thê thảm và đau đớn.
Mà nếu suy xét kỹ, thì phần lớn sự thất bại của Mass Effect Andromeda chủ yếu là do cái thói làm ăn chụp giật của EA, chèn ép nhà phát triển và thiếu lắng nghe từ cộng đồng game thủ.
Sự ra đời của Mass Effect Andromeda, vừa đáng thương, vừa đáng tiếc, khi nó lại là dấu chấm hết đầy ô nhục cho một dòng game nổi tiếng bậc nhất ngành game đương đại.
4. METAL GEAR SURVIVE
- Ngày ra mắt: 18/01/2018
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Konami
- Nhà phát hành: Konami
- Bình chọn: 3,7%
Mặc dù là một nhà phát hành nhiều tai tiếng “có truyền thống” trong ngành game, nhưng kể từ năm 2015, EA đã đánh mất danh hiệu này vào tay Konami bởi những lùm xùm quanh Metal Gear Solid V: The Phantom Pain và ngài Hideo Kojima.
Kết quả, Konami ăn chửi đủ đường, và siêu phẩm Metal Gear Survive cũng bị vạ lây kể cả khi còn chưa thành hình.
Ấy vậy mà Konami cũng vẫn không khiến game thủ thất vọng, cố gắng “dồn damage” vào Metal Gear Survive để làm một cú ô uế siêu to, siêu khổng lồ vào dòng game Metal Gear huyền thoại, và làm người hâm mộ của dòng game này tiếp tục sôi máu!
3 năm sau những di sản mà Kojima để lại trong The Phantom Pain, bạn sẽ tưởng tượng được mình sẽ chơi trò trốn tìm và lén lút với zombie hay chưa? Nếu nó khó tưởng tượng quá thì Metal Gear Survive sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng nhất về thứ lố bịch đó.
Game “xào” lại gần như mọi thứ được tạo ra từ The Phantom Pain nên nếu nghĩa nó ngang tầm chế độ zombie của Call of Duty: Black Ops thì cũng đúng, nhưng chất lượng thì chắp vá hơn nhiều, cho thấy sự lười nhác trong việc thiết kế màn chơi lẫn lối chơi.
Game chỉ cố gắng đẻ ra lắm trò để khiến game thủ mất nhiều thời gian hơn cho cái việc “survive” như cầm máu, nấu ăn, craft đồ… rồi lại ra đường lượm ve chai để tiếp tục câu chuyện của một thằng nhặc rác!
Mà tưởng thế giới trong Wormhole thế nào, hóa ra nó cũng chỉ toàn là hoang mạc, đổ nát và mãi chỉ có vậy, giao diện góp phần biến thứ trước màn hình của người chơi trở thành một “đống rác” đúng nghĩa, kèm thêm tư tưởng nghĩ rằng: một cái tùy chọn nhân vật cũng có thể móc được của người chơi 10 USD thì rõ là Konami đang có những bộ óc kinh doanh thiên tài hậu thuẫn rồi.
Metal Gear Survive, cái tên mới nhất và có lẽ cũng là cuối cùng của dòng game Metal Gear huyền thoại, chấm dứt chuỗi ngày vinh quang kéo dài 21 năm mà Hideo đã gầy dựng bởi những kẻ độc tài đứng đầu Konami.
Mà với tình hình ngày càng vã như Konami hiện tại thì kể cũng… đáng kiếp thôi!
3. ARTIFACT
- Ngày ra mắt: 28/11/2018
- Hệ máy: PC
- Nhà phát triển: Valve
- Nhà phát hành: Valve
- Bình chọn: 9,1%
Valve – ông hoàng của thế giới game trên PC, ông chủ của chợ game số 1 vũ trụ, được vận hành bởi một vị thánh sống, sáng tạo nên những huyền thoại như Half Life 2, Portal, DotA 2, Counter Strike, Left 4 Dead… lại có một ngày nếm đủ búa rìu dư luận từ cả game thủ lẫn giới phê bình khi tung ra Artifact.
Đa phần sự chỉ trích nhắm vào Artifact không nằm ở lối chơi có phần “nặng về IQ” mà là phong cách tổ chức mua bán và kiếm tiền dựa trên cộng đồng, tương tự như cách Valve làm với DotA 2 hay CS:GO.
Để chơi được Artifact, game thủ phải mua game với mức giá khoảng 500.000VNĐ, sau đó nếu muốn “có cửa” chơi với những Mạnh Thường Quân khác, bạn lại phải dùng một “thẻ bài” super, mega, ultra, ultimate, siêu cấp vũ trụ… là thẻ-tín-dụng, để mua các gói thẻ bài hòng mở ra những lá bài xịn hơn.
Vĩ đại hơn, như cách đã làm với DotA 2 và CS:GO, nếu mở ra một lá bài xịn xò có mệnh giá trên “chợ đen” cao hơn giá bán Artifact, game thủ cũng nhanh chóng bán phắc nó đi để lấy lời.
Xui ở chỗ khác với DotA 2 hay CS:GO, chợ đen không khiến game thủ ở lại bởi chẳng ai muốn ở lại một cái hố đen hút hết tiền của mình cả, vậy là lượng người chơi của Artifact ngày càng tụt giảm thê thảm dù rằng lối chơi của game là đầy tiềm năng.
Artifact cũng là tựa game có tốc độ chết yểu nhanh nhất năm khi chỉ trong vòng 4 tháng, số lượng người chơi cùng lúc giảm từ 60.000 xuống chỉ còn chưa tới… 300 người, và đến thời điểm bài viết này thì số lượng người chơi chỉ còn hơn 100 người mà thôi!
Điều đó giúp Artifact leo hạng rất tốt, và dừng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng bom tấn xịt ngày hôm nay.
2. ANTHEM
- Ngày ra mắt: 22/02/2019
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Bioware
- Nhà phát hành: EA
- Bình chọn: 15,4%
Danh sách bình chọn bom tấn xịt hôm nay có lẽ hơi… không công bằng với những tựa game xếp hạng từ 10 đến 3, bởi hầu hết, chúng chỉ chiếm số phiếu khá ít ỏi, trong khi gần như toàn bộ số phiếu đều được dành cho vị trí số 2 và số 1.
May mắn là Anthem chưa phải là kẻ về đầu, nhưng hạng 2 cũng là đã quá “vẻ vang” cho một tựa game được phát triển ròng rã suốt… 7 năm bởi một trong những nhà phát triển tài năng nhất ngành công nghiệp game – Bioware.
Anthem nối tiếp cú trượt dài của Bioware khi nó gần như nằm ngoài khỏi mọi quy luật cấu thành một tựa game bom tấn.
Xu thế “gà hóa” lối chơi dành cho game thủ console tiếp tục được Bioware sử dụng với mức độ cẩu thả cao khi cố gắng mang đến một trải nghiệm chơi đơn kết hợp trực tuyến.
Anthem là một tựa game tập trung nhiều vào yếu tố chiến đấu, bay, nhặt đồ và một thế giới mở tự do… những thứ vốn chẳng bao giờ là thế mạnh của Bioware, bởi họ giỏi kể chuyện, chứ không giỏi bắn phá, họ giỏi khắc họa nhân vật, chứ không phải nhét tất cả vào một bộ giáp chỉ để bay lượn như Iron Man.
Điều đó khiến chiều sâu của Anthem gần như bằng không, game kém hấp dẫn cả về phần lớn nội dung lẫn lối chơi.
Sự lặp đi lặp lại, vô hồn của thế giới trong game càng khiến những gì to lớn, vĩ đại, đầy chất anh hùng ca, tham vọng… mà họ từng nói về nó thực tế chỉ nằm trong đầu những nhà thiết kế giỏi mơ mộng.
7 năm là một quãng thời gian dài khủng khiếp để phát triển một tựa game (trừ Start Citizen), và nhìn xem thứ gì sau 7 năm đó: nhân sự liên tục rời bỏ dự án, những thành viên cộm cán ra đi, số lượng nội dung hẻo đến mức kì lạ khi đến cả số lượng vũ khí hay các tùy chọn thay đổi bộ giáp còn chẳng quá 10 đầu ngón tay trong khi Anthem lại là một tựa game “looter shooter” cơ đấy!
Ngược lại, nếu cố gắng tìm hiểu cốt truyện của Anthem như một niềm tin le lói thì ôi thôi, chỉ 1 giờ chơi đầu tiên cũng đủ thấy những tình tiết được “dàn dựng” là quá nhảm nhí, quá lố bịch đến độ bạn cứ nghĩ mình đang xem một tập Mighty Morphin Power Ranger (5 Anh Em Siêu Nhân) cách đây mấy thập kỷ cơ.
Thị hiếu của 7 năm trước đã không còn và con đường mà Bioware đang theo đuổi với Anthem gần như là mịt mù.
Destiny và The Division đã là một ví dụ cụ thể, nhưng điều đó không ngăn cản tham vọng mù quáng và sự thui chột của Bioware.
“Cú lừa” cay đắng này đã mang về cho EA một bàn thua khủng khiếp bởi khâu quảng bá quá tốn kém chẳng thể bù đắp, lại phải đổ thêm đống tiền để Bioware tiếp tục… đại phẫu Anthem với hy vọng mong manh rằng game vẫn còn “cơ hội”.
1. FALLOUT 76
- Ngày ra mắt: 14/11/2018
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Bethesda
- Nhà phát hành: Bethesda
- Bình chọn: 59,4%
Và cuối cùng, một siêu phẩm mang tầm vóc vượt xa cả vũ trụ, vượt xa trí tưởng tượng, vượt xa mọi quy luật bất hành văn mà mấy ngàn năm phát triển của con người cũng khó mà giải thích được: bom tấn xịt Fallout 76.
Bethesda có vẻ như đang là “kẻ đốn mạt” còn gấp bội Konami và bỏ xa EA khi họ cố gắng “ăn cướp tiền” của game thủ theo những cách… đê hèn nhất.
Bản chất, Fallout 76 chẳng phải là một tựa game mới, nó chỉ là phần chơi mạng của Fallout 4 được tách ra và gắn cái mác “mới”, với giá bán chạm nóc hòng lừa mọi người hâm mộ của Fallout.
Bethesda còn cố lừa game thủ đặt mua nốt bộ “Collector’s Edition” với giá lên tới tận 200 USD cho một chiếc túi nilon thay cho một túi vải, với lời biện hộ do… thiếu nguyên liệu, và nghĩ rằng “bố thí” thêm 5 USD tiền trong game sẽ khiến những game thủ bỏ ra 200 USD nguôi giận!
Ngoài chiếc túi, Bethesda còn cố bán cho game thủ những chai rượu Rhum đóng mác Nuka Cola với giá 80 USD! Bạn đã thấy chai rượu có giá lên tới vài triệu đồng được đựng trong một cái chai nhựa tương tự một chai nước mắm, có thể bị rò rỉ hay chưa?
À chưa xong đâu, Bethesda còn bán tầm 20.000 cái mũ T51 Power Armor với giá 150 USD nữa!
Và tuyệt vời thay, những ai cố gắng đội cái nón này lên đầu sẽ phải tốn thêm chi phí… điều trị nấm đầu hoặc điều trị hô hấp do nấm ký sinh nữa đấy.
Tiếp tục các chiêu trò móc túi đầy khốn nạn của mình, Fallout 76 còn cả “cash shop” đấy.
Bạn bỏ 60 USD để mua game, sau đó hoảng hồn khi vào game thấy một cái cash shop to đùng, bán 1 cái bảng với giá lên tới 15 USD, bộ đồ Noel giá 16 USD, bộ emoticon 12 USD…
Nhưng đừng nghĩ rằng bạn sẽ “cày” được tiền trong game, bởi sau gần 10 giờ chơi, bạn chỉ có thể kiếm giỏi lắm cũng được 20 Atom, tức chỉ khoảng 0.2 USD.
Số tiền đền bù 5 USD cho cái túi nilon phía trên còn chẳng đủ để thay lớp sơn cho cái Pipboy!
Nếu bạn muốn có một máy chủ (server) riêng để chơi với bạn bè?
100 USD mỗi năm với nhiều ưu đãi trên Cash Shop nhé! Nhưng ngoài cống tiền cho Bethesda ra thì những gì đã hứa đều là… láo toét!
Cũng để tăng tính phụ thuộc vào Cash Shop, Bethesda tiếp tục bán luôn những món đồ có chỉ số “trên trời” để game thủ nhà giàu tha hồ “Pay to Win”.
Đỉnh điểm, dù là một vụ bê bối chấn động lịch sử, nhưng vẫn có những game thủ cố gắng cống hiến tất cả vì Fallout 76, cụ thể là game thủ “undefined7196” với trang web Map76 chuyên tìm lỗi giúp Bethesda, hướng dẫn người chơi mới, tổng hợp tin tức… lại bị Bethesda khóa thẳng cẳng. Map76 cũng từ đó mà dẹp luôn!
Thông tin toàn bộ người chơi trên máy chủ của Fallout 76 cũng bị lộ, nhưng không phải do một tên hacker xấu tính nào tấn công cả, mà chỉ là sự bất tài và vô dụng của Bethesda.
Nhiều game thủ ví Fallout 76 như là một “bãi rác” mà cố đội lốt thành một tựa game, thật sự không có gì là quá đáng cả!
BONUS: TỰA GAME CỦA BẠN?
Do quá áp đảo về số phiếu bầu mà rất nhiều những tựa game bom tấn xịt khác đã bị Fallout 76 cướp mất “ánh hào quang”.
Dù vậy, hẳn bạn đọc cũng đã có cho mình một danh sách riêng bom tấn xịt rồi phải không?
Hãy cùng chia sẻ với Vietgame.asia qua bình luận bên dưới đây, để những ai chưa biết, chưa thử qua, “giẫm phải” những bom tấn xịt này nhé!
Chúc các bạn một thập kỷ mới tràn đầy niềm vui và né sạch những tựa game nói trên nhé!
Let’s Play More!
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game