Skip to content

Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii – Đánh Giá Game

Pirates Yakuza in Hawaii

Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii – Kể từ thành công vang dội của Yakuza 0, nhiều người hâm mộ thương hiệu Yakuza/Like A Dragon đã mong chờ RGG Studio sẽ thực hiện một tựa game cho nhân vật được yêu thích: Goro Majima.

Giờ đây, sau một thập kỷ chờ đợi, ước nguyện ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Nhưng trớ trêu thay, RGG Studio lại chọn đặt Majima vào một bối cảnh không ai ngờ tới: thế giới hải tặc. Có lẽ tất cả chỉ vì chiếc bịt mắt huyền thoại của anh mà thôi.

Thay vì đối đầu với các băng đảng tội phạm tại Nhật Bản hay châu Á, lần này, cuộc hành trình của Majima sẽ đưa anh ra khơi, khám phá vùng biển Bắc Thái Bình Dương và hòn đảo Hawaii đầy biến động.

Với một bối cảnh mới lạ cùng cốt truyện đầy hứa hẹn, liệu Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii có thể mang đến trải nghiệm xứng tầm với những tựa game tiền nhiệm?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài viết sau nhé!

CỐT TRUYỆN

Pirate Yakuza in Hawaii

Câu chuyện của Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii xoay quanh Goro Majima, cựu thành viên cấp cao của Tojo Clan—tổ chức yakuza khét tiếng nay đã tan rã.

Sáu tháng sau sự kiện của Like A Dragon: Infinite Wealth, Majima bất ngờ tỉnh dậy trên bờ biển Đảo Rich, một hòn đảo nhỏ gần Hawaii, trong tình trạng mất toàn bộ ký ức về quá khứ. Được một cậu bé địa phương tên Noah Rich cứu giúp, Majima quyết định tìm cách trả ơn, nhưng điều này vô tình đẩy anh vào vòng xoáy xung đột với những băng cướp biển hoành hành vùng biển Hawaii.

Sau khi đánh bại một hải tặc cấp cao, Majima táo bạo đoạt luôn vị trí thuyền trưởng, chiêu mộ thủy thủ đoàn và lên đường truy tìm kho báu huyền thoại Esperanza. Theo lời đồn đại, kho báu này không chỉ chứa của cải vô giá mà còn ẩn giấu một thần dược có khả năng chữa bách bệnh—thứ Majima khao khát tìm được để giúp Noah chống chọi với căn bệnh hen suyễn.

Hành trình của Majima đưa anh đến những vùng đất xa lạ, đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm và buộc anh phải vận dụng mọi kỹ năng chiến đấu để sinh tồn giữa đại dương bão tố.

BẠN SẼ THÍCH

Giang hồ hay hải tặc?

Trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii, hệ thống chiến đấu của Majima xoay quanh hai phong cách chính: Mad Dog và Sea Dog, đại diện cho hai bản ngã của anh trong tựa game này.

Trước hết phải kể đến Mad Dog, lối đánh đã giúp Majima khắc tên mình vào huyền thoại giới yakuza. Đây là phiên bản cải tiến của phong cách chiến đấu quen thuộc với những ai từng gắn bó với dòng game Like A Dragon.

Ở Mad Dog, khi sử dụng các đòn đánh nhanh, Majima thi triển những cú đấm, đá điêu luyện với kỹ thuật võ thuật thượng thừa, thể hiện sự lão luyện của một chiến binh dày dạn kinh nghiệm. Nhưng khi chuyển sang các đòn đánh mạnh, Majima rút ngay con dao Demonfire trứ danh, vung những nhát chém sắc bén liên hoàn, ra đòn tàn nhẫn như một con thú điên cuồng giày xéo con mồi bằng răng nanh sắc lẹm.

Với chuỗi combo tốc độ cao và sát thương cực lớn, Mad Dog là phong cách lý tưởng cho những trận đấu 1v1, nơi Majima có thể tận dụng tốc độ và sự hung bạo của mình để áp đảo kẻ thù, đặc biệt là những con trùm “trâu bò”.

Đối lập với Mad Dog, Sea Dog là phong cách chiến đấu hoàn toàn mới, được thiết kế riêng để phù hợp với bối cảnh hải tặc của trò chơi. Ở phong cách này, Majima hóa thân thành một tên cướp biển thực thụ, sử dụng những món vũ khí biểu tượng của thế giới hải tặc như kiếm cutlass, súng hỏa mai và dây móc để nghiền nát kẻ thù.

Pirate Yakuza in Hawaii

Sea Dog đặc biệt hữu dụng trong những trận chiến với số lượng kẻ địch đông đảo, khi hầu hết các cơ chế chiến đấu của nó đều tập trung vào kiểm soát đám đông. Những cú vung kiếm cắt ngang theo đường tròn giúp Majima chém xuyên qua nhiều kẻ địch cùng lúc, trong khi khẩu súng hỏa mai là lựa chọn hoàn hảo để hạ gục những kẻ địch cầm súng rỉa máu từ xa. Đáng chú ý nhất là dây móc, cho phép Majima thu hẹp khoảng cách với đối phương nhanh chóng, gần giống như grappling hook của Batman.

Chưa dừng lại ở đó, Majima còn có thể ném cả hai thanh kiếm của mình như boomerang, khiến chúng cắt xuyên qua hàng loạt kẻ địch yếu ở tầm xa trước khi quay lại tay anh, tạo nên những pha tấn công ngoạn mục và đầy phong cách.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong trò chơi là cơ chế nhảy, giúp người chơi có thể tung hứng kẻ địch trên không

Không chỉ tập trung vào tấn công, Sea Dog còn mang đến khả năng phòng thủ đáng gờm, giúp Majima có thể đỡ đòn từ mọi hướng, hạn chế tối đa việc bị dồn ép khi phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc.

Dù lựa chọn Mad Dog hay Sea Dog, Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii vẫn mang đến cảm giác chiến đấu cực kỳ đã tay với hệ thống combo có tương đối có chiều sâu và những đòn đánh mạnh mẽ, đầy uy lực.

Một điểm nhấn quan trọng khác trong trò chơi là cơ chế nhảy, giúp người chơi có thể tung hứng kẻ địch trên không, gần giống với dòng game Devil May Cry. Việc mở rộng hệ thống chiến đấu lên một chiều không gian mới không chỉ tạo thêm nhiều lựa chọn chiến thuật, mà còn tăng độ hào nhoáng cho những màn hành động mãn nhãn, biến mỗi trận chiến thành một màn trình diễn võ thuật thực thụ.


Pirate Yakuza in Hawaii

Trở thành một thuyền trưởng tài ba

Trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii, yếu tố khám phá biển cả đóng vai trò quan trọng, mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới khi người chơi hóa thân thành thuyền trưởng Goro Majima.

Trên con tàu Goromaru, người chơi sẽ lênh đênh giữa vùng biển rộng lớn bao quanh quần đảo Hawaii, tham gia vào những cuộc săn tìm kho báu, đối đầu với các băng cướp biển khét tiếng và bước vào những trận hải chiến đầy kịch tính. Không chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển, Goromaru chính là “chìa khóa” đưa Majima vào một cuộc phiêu lưu thực thụ giữa đại dương.

Nhằm tránh cảm giác mênh mông vô định, RGG Studio đã chia vùng biển Bắc Thái Bình Dương thành nhiều khu vực riêng biệt, mỗi khu vực xoay quanh một cột mốc quan trọng của cốt truyện. Nằm rải rác giữa những vùng biển này là các ngọn hải đăng – đóng vai trò như điểm quick travel, giúp hành trình trên đại dương trở nên linh hoạt hơn mà không làm mất đi cảm giác phiêu lưu.

Tuy gọi là các khu vực “nhỏ”, nhưng thực tế chúng vẫn có quy mô đáng kể, mang đến cảm giác rộng lớn và đầy ắp nội dung để khám phá. Người chơi có thể tìm thấy vô số hòn đảo ẩn chứa kho báu, đối mặt với những con tàu của băng hải tặc đối địch, hoặc ghé qua các thuyền buôn để trao đổi hàng hóa. Nhờ thiết kế tỉ mỉ này, hành trình trên biển của Majima không tạo cảm giác nhàm chán.

Pirate Yakuza in Hawaii

Nói thêm cơ chế hải chiến, nó được thiết kế khá tỉ mỉ, mang đến trải nghiệm chiến đấu sống động cho người chơi. Người chơi sẽ điều khiển tàu Goromaru, tham gia vào các trận hải chiến kịch tính, sử dụng nhiều loại vũ khí và chiến thuật khác nhau để đối phó với kẻ thù.

Tàu Goromaru được trang bị ba loại vũ khí chính, đó là súng máy ở đầu tàu – dùng để tấn công trực diện, phù hợp khi đối đầu với kẻ thù phía trước – và pháo bên mạn trái và phải – yêu cầu người chơi điều chỉnh vị trí tàu để khai hỏa hiệu quả, tạo ra những loạt đạn uy lực từ hai bên mạn tàu.

Việc điều khiển tàu và sử dụng vũ khí đòi hỏi sự khéo léo, đặc biệt khi phải đối phó với điều kiện biển động, sóng lớn có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của các phát bắn. Người chơi cần linh hoạt thay đổi tốc độ và hướng đi để tìm góc tấn công tối ưu, đồng thời tránh né hỏa lực từ đối phương. Để làm điều này, tàu hải tặc Goromaru đã được trang bị… nitro và khả năng drift, đưa đến cho người chơi cơ hội thực hiện những cú bẻ lái tàu đầy kịch tính.

cơ chế chiến đấu trên biển trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii mang đến trải nghiệm tương đối phong phú và đa dạng

Sau khi làm suy yếu tàu địch, người chơi có thể thực hiện thao tác cập mạn, đưa tàu Goromaru áp sát tàu đối phương để tiến hành cận chiến trên boong. Tại đây, Majima cùng thủy thủ đoàn sẽ trực tiếp đối đầu với kẻ thù, tạo ra những trận đấu đầy kịch tính và thử thách. Kết quả của những trận chiến này ảnh hưởng trực tiếp đến phần thưởng và tài nguyên mà người chơi thu được.

Để đối phó với những thử thách ngày càng khó khăn, việc nâng cấp tàu và quản lý thủy thủ đoàn đóng vai trò quan trọng. Người chơi có thể cải tiến tàu Goromaru bằng cách nâng cấp vũ khí, gia cố thân tàu và cải thiện khả năng di chuyển. Bên cạnh đó, việc chiêu mộ và đào tạo thủy thủ đoàn với các kỹ năng đặc biệt sẽ giúp tăng cường hiệu quả chiến đấu, mang lại lợi thế trong các trận hải chiến.

Tổng thể, cơ chế chiến đấu trên biển trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii mang đến trải nghiệm tương đối phong phú và đa dạng, kết hợp giữa chiến thuật điều khiển tàu và hành động cận chiến, tạo nên những trận hải chiến đầy hấp dẫn và lôi cuốn.


Honolulu và Madlantis – Thiên đường và Địa ngục!

Trở lại từ Like A Dragon: Infinite Wealth, Honolulu tiếp tục là “sân chơi chính” cho hành trình của Majima. Dù không có quá nhiều thay đổi so với lần xuất hiện trước, hòn đảo này vẫn mang đến một trải nghiệm khám phá sôi động, đầy ắp các hoạt động phụ và minigame đặc trưng của dòng game.

Majima có thể hóa thân thành một người giao đồ ăn (shipper), thử sức với những đường đua đầy kịch tính trong go-kart, ngân nga giai điệu bất hủ 24-Hour Cinderella tại quán karaoke, hoặc thậm chí trở thành một thợ săn tiền thưởng để kiếm thêm thu nhập.

Những nhiệm vụ phụ của trò chơi tiếp tục phát huy thế mạnh của dòng game, khi cho phép người chơi tương tác với cư dân địa phương, giúp đỡ họ trong những câu chuyện đầy màu sắc, qua đó góp phần thổi hồn vào thế giới của Like A Dragon. Một số nhiệm vụ còn xoáy sâu vào hậu quả của các sự kiện trong Infinite Wealth, mang đến cảm giác rằng hành động của người chơi trong các phần trước thực sự có tác động đến thế giới này.

Một điểm bổ sung thú vị mà Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii mang đến cho Honolulu chính là khả năng di chuyển linh hoạt với dây móc của phong cách Sea Dog. Nhờ đó, Majima có thể đu mình lên những vị trí cao trong thành phố, mở ra cơ hội khám phá những góc nhìn mới mẻ, chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp, đồng thời săn lùng những kho báu bị lãng quên giữa lòng đô thị sôi động.

Pirate Yakuza in Hawaii

Trái ngược hoàn toàn với thiên đường rực nắng Honolulu, Madlantis – pháo đài nổi của giới hải tặc – là một vùng đất hỗn loạn, dơ bẩn và nguy hiểm. Thành phố ngoài khơi này ngập trong ánh đèn neon mờ ảo, bao trùm bởi một bầu không khí u ám, đúng chất thế giới ngầm.

Tại đây, Majima có thể ghé qua các sòng bạc để thử vận may, tham gia những trận đấu khốc liệt tại Pirates’ Coliseum, hoặc đi chiêu mộ những tên cướp biển khét tiếng để gia nhập băng Goromaru.

Một điểm đặc biệt làm Madlantis trở nên sống động hơn hẳn The Castle trong Like A Dragon Gaiden: The Man Who Erased His Name chính là tính nguy hiểm luôn rình rập. Dù Madlantis được xem là nơi tụ tập của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ đối xử hòa nhã với nhau – Majima vẫn có thể bị các băng nhóm khác tấn công bất cứ lúc nào, nhấn mạnh bản chất bạo lực và vô luật lệ của thành phố hải tặc này.

điểm bổ sung thú vị mà Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii mang đến cho Honolulu chính là khả năng di chuyển linh hoạt với dây móc của phong cách Sea Dog

BẠN SẼ GHÉT

Những điểm trừ đáng tiếc!!!

Dù sở hữu nhiều điểm sáng, Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii vẫn tồn tại những hạn chế trong thiết kế, khiến trải nghiệm đôi lúc trở nên kém trọn vẹn trong mắt người viết.

Trước tiên, chương 2 của game là một bước hụt đáng tiếc. Yakuza/Like A Dragon vốn nổi tiếng với hệ thống nhiệm vụ phụ phong phú, nhưng cách trò chơi lồng ghép chúng vào phần này lại khá vụng về. Thay vì để người chơi tự do khám phá theo nhịp điệu tự nhiên, game liên tục làm gián đoạn tiến trình chính bằng các nhiệm vụ phụ bắt buộc.

Cụ thể, khi cuộc săn kho báu của Majima vừa khởi động, mỗi bước tiến trong cốt truyện lại đi kèm với một lần bị buộc phải rẽ ngang để tham gia các hoạt động ngoài lề. Đáng lẽ đây có thể là một phần bổ trợ hấp dẫn cho hành trình, nhưng thay vì mang lại cảm giác phiêu lưu liền mạch, chương 2 lại khiến hứng thú của người viết dần tụt dốc không phanh.

Không chỉ vậy, cách trò chơi cố tình kéo dài thời lượng một cách khiên cưỡng cũng gây không ít khó chịu. Chẳng hạn, sau khi mở khóa phong cách chiến đấu Sea Dog, thay vì ngay lập tức có thể sử dụng súng – vũ khí mà không ít kẻ địch đã dùng từ trước – Majima lại bị ép vào một nhiệm vụ săn kho báu chỉ để tìm được một khẩu súng tương tự.

Sự lê thê này tiếp tục khi Majima đặt chân đến Madlantis. Để được tham gia đấu trường hải tặc, anh cần sở hữu một con tàu đủ tốt. Để có tàu tốt, anh phải kiếm tiền sửa chữa. Sau khi nâng cấp tàu xong, game lại yêu cầu chiêu mộ thêm thủy thủ đoàn. Rõ ràng, RGG Studio chỉ đang cố kéo dài thời lượng phần chơi chính.

Một điểm trừ khác là hệ thống nâng cấp chiêu thức. Để mở khóa kỹ năng mới, người chơi cần cả tiền mặt lẫn “điểm hải tặc”. Tiền không thiếu nhờ vào nhiệm vụ phụ và minigame, nhưng “điểm hải tặc” lại là một vấn đề khác – chúng chỉ có thể kiếm được thông qua các thử thách cụ thể, đôi khi khá rườm rà và phiền phức.

Hệ thống này vô tình khiến các trận đấu đường phố mất đi giá trị. Trong khi những tựa game trước thưởng kinh nghiệm để nhân vật ngày càng mạnh hơn, thì ở đây, những trận đánh ngẫu nhiên gần như vô nghĩa. Người chơi chỉ nhận được 50~100 USD sau mỗi lần giao chiến, trong khi các chiêu thức nâng cấp lại yêu cầu hàng nghìn đô, kèm theo lượng “điểm hải tặc” không hề dễ kiếm – thứ mà các trận đánh trên đường phố hoàn toàn không cung cấp.

Hệ thống chiến đấu của Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii vẫn rất hấp dẫn, nhưng nó sẽ thú vị hơn nhiều nếu những chuỗi combo đẹp mắt không chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn, mà còn có phần thưởng xứng đáng.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến hệ thống Heat – yếu tố đặc trưng làm nên thương hiệu. Đây là thanh năng lượng tích lũy khi người chơi tấn công kẻ địch, cho phép tung ra những tuyệt chiêu tàn bạo và đầy mãn nhãn khi đã sạc đầy. Dựa trên chuỗi combo, số lượng kẻ địch, tình trạng sức khỏe, hay thậm chí cả vũ khí đang sử dụng, chiêu thức Heat sẽ thay đổi, mang đến những đòn đánh đa dạng – từ mở màn để dọn đường, đến kết liễu đầy uy lực, tạo nên dấu ấn khó quên cho trận chiến.

Đáng tiếc, hệ thống Heat trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii lại chưa đạt đến đẳng cấp của các phiên bản trước. Kho kỹ năng đã phần nào bị thu hẹp, trong khi thanh Heat không thể nâng cấp độ dài, khiến số lần sử dụng luôn bị giới hạn, phần nào giảm sự tự do trong việc tùy cơ ứng biến tạo chuỗi combo của người chơi.

hệ thống Heat trong Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii lại chưa đạt đến đẳng cấp của các phiên bản trước

7.5

Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii là một bước đi táo bạo của RGG Studio khi mang Majima đến với thế giới hải tặc. Tựa game này kết hợp được những yếu tố quen thuộc của dòng Like A Dragon với những cơ chế mới lạ, từ chiến đấu trên biển đến việc quản lý thủy thủ đoàn.

Dù còn một số điểm hạn chế về cốt truyện và  cơ chế chiến đấu, nhưng nhìn chung, đây vẫn là một trải nghiệm đáng giá cho cả người hâm mộ trung thành lẫn người chơi mới. Nếu bạn đã từng muốn thấy Majima trở thành tâm điểm và hóa thân thành một thuyền trưởng cướp biển đầy điên loạn, thì đây chính là cơ hội không thể bỏ qua.

Về phần cốt truyện, Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii không đưa đến một câu truyện khai thác sâu về nhân vật Majima, nhưng cũng không hề tệ. Nó chỉ đơn giản là một cuộc hành trình truy tìm kho báu mang tính giải trí, nên người viết cảm thấy không cần phải đề cập về nó nhiều.

Thông tin

  • Like A Dragon: Pirate Yakuza in Hawaii
  • Nhà phát triển
    Ryu Ga Gotoku Studio
  • Nhà phát hành
    SEGA
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    21/02/2025
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi RGG Studio. Chơi trên PC.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.