Unicorn Overlord – Có lẽ vì việc chơi game trên hệ máy PC không được ưa chuộng ở nước Nhật mà ta rất hiếm để tìm thấy được một game chiến thuật nào đến từ xứ sở “mặt trời mọc” mang yếu tố thời gian thực (Real Time Strategy – hay gọi tắt RTS), thay vào đó phần lớn sẽ là phong cách dàn trận chia ô đánh theo lượt (Turn Based Strategy – TBS) với nhiều thương hiệu quen thuộc từng gắn liền với tuổi thơ các game thủ Việt thế hệ 8X như Mộc Đế (Fire Emblem) hay Thập Tự Chinh (Brigandine).
Sở dĩ vậy vì dòng game RTS thường có tiết tấu rất nhanh, số lượng đơn vị cần điều khiển lên tới hàng trăm, hàng vạn, nhiều khi choáng ngợp hết cả màn hình đòi hỏi người chơi cần phải dùng đến chuột và bàn phím mới kịp thời đưa ra phương án và xử lý các tác vụ cần thiết trong game, thay vì sử dụng số nút bấm ít ỏi trên tay cầm các hệ máy console.
Nhưng vào năm 2007, một hãng phát triển tại Nhật mang tên Vanillaware đã vượt qua được trở ngại này với tựa game Grimgrimoire trên máy PS2, đem đến sự kết hợp sáng tạo giữa chiến thuật thời gian thực với lối thiết kế màn hình chơi cuộn ngang (2D Side-Scrolling) mà sau này đã trở thành đặc trưng làm nên tên tuổi cho bổn hãng qua những sản phẩm chất lượng khác như Odin Sphere, Dragon’s Crown hay Muramasa: Demon’s Blade.
Và nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác với công ty phát hành ATLUS (nắm quyền phát hành game tại Nhật, trong khi bản quốc tế do SEGA đảm nhận) vừa qua, Vanillaware lại tiếp tục khiến các người hâm mộ “đứng ngồi không yên” khi công bố dự án Unicorn Overlord, một game chiến thuật khác mà kỳ này là sự pha trộn giữa cả hai thể loại RTS với TBS, “nhấn nhá” thêm một chút tính chất nhập vai RPG và lại còn chạy “mượt mà” trên thiết bị cầm tay như Nintendo Switch!
Chỉ nghe qua thôi thì thật khó tin đúng không?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu thực hư sẽ thế nào qua bài đánh giá sau đây bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Phong cách chiến thuật… gây nghiện!
Cho dễ hình dung thì ta hãy liên tưởng tổng thể lối chơi của Unicorn Overlord giống như một khối cầu có độ dày ba lớp, lớp vỏ ngoài cùng là một thế giới mở rộng lớn gọi là World Map với yếu tố “dynamic weather” (ngày đêm và thời tiết thay đổi theo thời gian thực), nơi người chơi có thể di chuyển khám phá khắp từng ngóc ngách tìm kiếm các bí mật được ẩn giấu hay thu thập tài nguyên nằm rải rác để giúp đỡ người dân xây dựng làng mạc, trao đổi vật phẩm.
Sau khi kết thúc Chương 1, người chơi có thể lựa chọn hướng đi tới bất kỳ đâu trên World Map, thậm chí thẳng một mạch tới… trùm cuối luôn cũng được nhưng đương nhiên đó sẽ là thử thách không hề nhỏ, vì những khu vực liên quan mật thiết đến tuyến truyện đều có những chốt chặn với cấp độ cao, dễ dàng “quét sạch” đội hình của người chơi trong một “nốt nhạc” nếu không chuẩn bị thật kỹ.
World Map này có hình thái cũng tương tự bản đồ “tìm đường” thế giới quen thuộc của các game nhập vai phong cách Nhật (JRPG) ngày xưa, có những con “quái” di động chạy tới, chạy lui xuất hiện ngẫu nhiên trên đường thường được khắc họa dưới dạng hình vẽ 2D cổ điển mà nếu nhân vật chính “chạm” vào sẽ kích hoạt cuộc đấu với chúng. (hồi xưa còn được gọi là “chạm trán ngẫu nhiên” – random encounter – NV).
Lớp tiếp theo sẽ xuất hiện dưới dạng như các phó bản (instance) trong các game MMORPG (nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) mà thay vì hầm ngục thì sẽ là các khu vực chiến trường được dựng lên với quy mô rút gọn từ các địa điểm chính trên bản đồ World Map, các thành quách dựng lên lúc bấy giờ sẽ trở thành những điểm thả quân (Deploy) hoặc căn cứ trọng yếu (Command Post) mà mục tiêu mỗi trận thường là chiếm lĩnh căn cứ hoặc triệt hạ thủ lĩnh của phe đối phương.
Các chiến trường này có góc nhìn “isometric” (từ trên cao xuống) na ná như trong Fire Emblem: Three Houses nhưng cơ chế vận hành thì phải lại giống với dòng game Total Wars của hãng Sega hơn, khi người chơi được di chuyển tự do trong thời gian thực, chỉ khác là mỗi đơn vị được điều khiển không có lính tráng mà được gọi là Squads (tổ đội) bao gồm từ một tới tối đa năm nhân vật, với một đội trưởng (leader) có những đặc tính phụ trợ (ví dụ đội trưởng kỵ sĩ sẽ di chuyển nhanh hơn bộ binh)
Và tại đây ta sẽ bước vào lớp cuối cùng, hấp dẫn và thú vị nhất trong Unicorn Overlord, những cuộc chạm trán trực diện giữa hai tổ đội.
Yếu tố nhập vai được thể hiện ở việc mỗi nhân vật trong Squad có một chỉ số AP (Action Points) và PP (Passive Point) riêng biệt, AP sẽ dùng để ra đòn, xài chiêu còn PP là nội tại được kích hoạt khi thỏa một điều kiện nào đó. Ví dụ lớp nhân vật Vệ Binh (Hoplite) tự động dùng khiên đỡ một đòn cho đồng đội tiêu hao một PP còn thầy phép (Shaman) thi triển phép “debuff” (hóa giải) lên toàn bộ đối phương ngay từ đầu trận sẽ đổi mất hai PP, cứ như thế tổ đội hai bên tuần tự thay phiên ra đòn và dùng nội tại cho tới khi AP của cả hai cạn kiệt, khi đó nếu một bên chưa bị “quét sạch” hoàn toàn thì bên nào có thanh máu (HP) cao hơn sẽ giành phần thắng.
Điểm độc đáo là các cuộc trạm chán (battle) này hoàn toàn được tự động hóa, tức là người chơi ngoài việc bấm tua nhanh hoặc bỏ qua (skip) toàn bộ phần diễn hoạt (animation) thì còn lại… không cần làm gì cả.
Cái hay của Unicorn Overlord chính là nằm ở chỗ phân bố đội hình, sắp xếp trang bị, cân chỉnh vị trí từng lớp nhân vật sao cho hợp lý nhất vì chỉ cần một thông số (stats) “nhỏ nhặt” như Initiative nhỉnh hơn đối thủ một chút, giúp nhân vật có thể ra đòn đầu tiên cũng đã có thể thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu.
Ngoài ra Unicorn Overlord còn có một bảng danh sách tổ hợp lệnh điều khiển AI gọi là “Tactics” tương đối giống như hệ thống Gambits của Final Fantasy XII, tức là thay vì để mọi thứ ở trạng thái mặc định bạn có thể tự thiết lập cho cả đòn đánh và nội tại của từng nhân vật chỉ kích hoạt trong điều kiện cụ thể nào đó. Ví dụ chỉ được xài phép hồi máu khi ở dưới mức 50% HP, phải ưu tiên buff chí mạng lên nhân vật xài cung hay chỉ dùng chiêu phản đòn khi bên tấn công là Kỵ Sĩ, vân vân và mây mây.
Mọi thứ không còn đơn giản ở vài câu “thần chú” thuộc lòng đơn giản kiểu “kiếm khắc rìu, rìu khắc thương” nữa mà mở rộng lên tới cấp số nhân với số lượng lớp nhân vật cực kỳ đồ sộ bao quát mọi khía cạnh: cận chiến, không chiến, tầm xa, phép thuật cho đến cả chủng loại thú cưỡi ngựa, rồng hay bằng mã.
Lúc thì người viết bố trí hai kỵ binh ở hàng đầu làm “máy ủi” càng lướt bộ binh đối thủ, lúc thì để một đấu sĩ (Warrior) lên trước với khả năng công phá giáp, còn dàn hậu có thể bố trí hai cung thủ “bắn tỉa” những mục tiêu bay lượn hoặc thay thành một tu sĩ để vừa buff vừa hồi máu, quả là muôn hình vạn trạng với hàng vạn kết quả có thể kết hợp với nhau mà người chơi có thể nghĩ tới.
Khoảng độ từ giữa game trở đi, nếu chịu khó “cày” cả nhiệm vụ chính lẫn phụ để tăng thanh điểm Renown tượng trưng cho danh tiếng của toàn binh đoàn lên thứ hạng B trở lên, thì người chơi sẽ còn được thăng cấp (Promote) nhân vật lên một lớp (Class) cao cấp hơn mà tới thời điểm này thì người viết thực sự đã “ngốn”… hàng chục giờ “vò đầu bứt tóc” chỉ để tinh chỉnh tất tần tật mọi thứ, nhằm cho ra những phương án tấn công và phòng ngự tối ưu nhất.
Nhưng cảm giác ngay sau đó được nhấp một ngụm trà “chill chill” thưởng thức những tổ đội của mình “ban hành” cho đối thủ thì phải nói là quá… phê!
Bạn cũng không cần phải quá lo lắng vì việc bài binh bố trận hay thiết lập chiến thuật thực chất rất đơn giản và dễ tiếp cận, game thậm chí cung cấp nhiều đội hình mẫu có sẵn công thức để người chơi tham khảo và áp dụng, chưa kể còn có thể điều chỉnh cấp độ khó của trận đấu vào bất kỳ thời điểm nào.
Cũng phải dành lời khen cho đội ngũ phát hành Unicorn Overlord khi “mạnh dạn” cho người chơi thỏa sức “vọc vạch” và tự tay cảm nhận sản phẩm thông qua một bản demo chơi thử kéo dài lên tới… 5 tiếng mà còn không bị giới hạn hay cắt xén bớt nội dung nào cả.
Điều này mang về hiệu quả rất tích cực, chí ít là trong trường hợp của người viết vì chỉ cần một lần thử qua cơ chế chiến thuật của tựa game đã khó mà… dứt ra được!
Cái hay của Unicorn Overlord chính là nằm ở chỗ phân bố đội hình, sắp xếp trang bị, cân chỉnh vị trí từng lớp nhân vật sao cho hợp lý nhất
Dàn nhân vật hùng hậu
Game lấy bối cảnh tại vùng đất Fevirth thơ mộng, nơi cư ngụ của nhiều chủng tộc cùng các sinh vật thần thoại chung sống mang đậm sắc màu diệu kỳ huyền ảo (high-fantasy) ta thường được thấy trong các bộ tiểu thuyết như The Lord of the Rings hay A Song of Ice and Fire (từng được HBO dựng thành phim Game Of Thrones).
Người chơi sẽ theo chân chàng hoàng tử Alain xây dựng lực lượng Giải Phóng Quân (Liberation Army) giành lại ngai vàng từ tay Hoàng Đế Galerius, kẻ từng thực hiện mưu đồ đảo chính đánh chiếm vương quốc Cornia khiến anh phải lưu đày xa xứ từ mười năm về trước.
Công bằng mà nói thì Unicorn Overlord có phần cốt truyện chỉ ở mức gọi là tạm được, thậm chí nhiều tình tiết còn có phần dễ đoán nhưng sự kết dính và mối tương quan, tương khắc giữa tuyến nhân vật hùng hậu mới chính là điểm nhấn tạo nên giá trị khác biệt cho tựa game.
Để thực hiện lý tưởng của mình thì việc đầu tiên Alain cùng các cận thần phải làm là “chiêu binh mãi mã” mà người chơi sẽ có hai hình thức để thực hiện: một là thuê (phải nói là mua đứt luôn thì đúng hơn – NV) các tay lính đánh thuê ở những thành trì Fort chiếm được trên bản đồ World Map nhưng phần lớn còn lại là đến từ tuyến truyện, thông qua những lựa chọn hội thoại mang tính quyết định của người chơi.
Những lựa chọn này sẽ xuất hiện xuyên suốt game từ nhiệm vụ chính lẫn phụ và có ảnh hưởng bối cảnh về sau giống như các nhiệm vụ trong The Witcher 3 chứ không đơn giản là chỉ chọn lựa “cho có”, thậm chí đôi lúc chúng có phần… đánh đố người chơi khi một vài nhân vật NPC còn biết… bịp bợm hoàn cảnh gia đình khó khăn để cầu xin được tha mạng.
Như có lần người viết tống giam một tên đạo tặc khét tiếng vào ngục giam thì hắn dễ dàng tẩu thoát rồi quay lại báo thù sau đó, còn lần khác tha mạng cho một tên “đầu gấu” thì về sau lại được hắn giúp đỡ vượt qua vùng sa mạc hiểm trở, đã vậy còn kết nạp được thêm bạn và chị gái của gã vào binh đoàn.
Đáng nói là người chơi có thể thu phục được tới hơn… 70 nhân vật, từ đủ chủng tộc nằm khắp mọi nơi trên World Map, mỗi nhân vật còn có những sự kiện riêng biệt gọi là Rapport Conversation, dần “mở khóa” sau khi để họ chiến đấu trên chiến tuyến trong cùng chung một đơn vị Squad, khá giống cơ chế “bắt cặp” trong Fire Emblem: Three Houses.
Độc đáo hơn cả là Alain còn có thể trao… nhẫn cưới (Ring of the Maiden) cho một nhân vật mà người chơi yêu thích, biến giấc mơ lựa chọn “waifu” (vợ ảo) của nhiều tín đồ game anime trở thành sự thật.
Và nếu tất cả bấy nhiêu vẫn chưa đủ sức thuyết phục thì chắc chắn chất lượng hình âm của Unicorn Overlord sẽ dễ dàng khiến bạn phải “gục ngã”.
phần cốt truyện chỉ ở mức gọi là tạm được, thậm chí nhiều tình tiết còn có phần dễ đoán nhưng sự kết dính và mối tương quan, tương khắc giữa tuyến nhân vật hùng hậu mới chính là điểm nhấn tạo nên giá trị khác biệt cho tựa game
Vẫn là phong cách thiết kế nhân vật anime 2D quen thuộc sắc sảo, bắt mắt cùng thiết kế hậu cảnh (background) được chăm chút rất ấn tượng, từ cảnh tượng thảo nguyên trải dài xanh mướt trên vùng lãnh thổ Cornia, sa mạc cằn cỗi Drakengard cho tới cánh rừng thiêng ma mị Elheim luôn mang lại những cảm giác mới lạ, phấn khích cho người viết khi lần đầu được đặt chân đến.
Chưa kể mỗi địa điểm trên còn được phụ họa bằng những bản nhạc nền chuyên biệt thay đổi theo ngày và đêm, lúc thì du dương trầm lắng lúc thì hào hùng rừng rực khí thế, thật sự là những dấu ấn đặc trưng của đội ngũ phát triển tại Vanillaware không thể lẫn đi đâu được.
BẠN SẼ GHÉT
Độ thử thách chưa cao
Cũng bất ngờ là ở độ khó cao nhất (Expert) thì Unicorn Overlord vẫn chưa thật sự khiến người viết phải “xây xẩm” như một số tựa game chiến thuật 2D khác.
Một phần vì cơ chế phân định thắng bại nằm ở cách biệt thanh máu HP giữa hai bên ở cuối mỗi cuộc đấu, chứ không cần phải quét sạch hết đội hình đối phương ngay một lúc, nên nếu người chơi dựa vào đó để kết hợp với một số bảo bối (item) thì có thể nghĩ ra được nhiều mánh khóe để… gian lận!
Cụ thể, tại khu vực đấu trường (Coliseum), người viết đã hạ gục được cả đội đương kim vô địch khi họ có cách biệt lớn hơn tới… 20 level (cấp độ), mà nhờ đó giành được nhiều phần thưởng xịn sò, tận dụng làm ưu thế lớn về sau.
Điểm khó chịu duy nhất khi tăng bậc độ khó thường là bị giới hạn quá nhiều về thời gian di chuyển ở những khu vực chiến trường rộng lớn, hy vọng hãng game sẽ có thể khắc phục bớt phần nào qua các bản cập nhật về sau.
Chưa kể, dù phần lớn binh chủng có sự cân bằng nhất định từ đầu game nhưng càng về gần cuối, khi người chơi sở hữu trong tay một số lượng kha khá nhân vật với trang bị “bá đạo” thì cán cân sức mạnh có sự phân hóa đáng kể, một số lớp lính như Vanguard tỏ ra yếu thế khi bộ kỹ năng không mang lại nhiều giá trị so với những lớp cao cấp khác.
Điểm khó chịu duy nhất khi tăng bậc độ khó thường là bị giới hạn quá nhiều về thời gian di chuyển ở những khu vực chiến trường rộng lớn