Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin – Có thể nói, thế giới của Warhammer là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm game để tạo ra các tuyệt tác của riêng mình từ thể loại hành động góc nhìn thứ nhất như Warhammer: Vermintide, bộ ba game chiến thuật kết hợp như dòng game Total War: Warhammer, thậm chí dòng game Warcraft lừng danh cũng là một phiên bản phóng tác được đơn giản hoá của thế giới Warhammer.
Điểm đặc sắc của thế giới Warhammer chính là lượng “lore” (điển tích) được xây dựng vô cùng khổng lồ, với độ tỉ mỉ vô cùng ấn tượng mà mỗi lát cắt trong đó đều có thể được dựng thành một bộ trò chơi, hay một tựa game hoàn chỉnh với một “màu sắc” hoàn toàn khác biệt, tha hồ cho các đạo diễn và biên kịch game phô bày tài năng của mình.
Frontier Developments, nhà phát triển game đến từ Anh Quốc nổi tiếng với dòng game Jurassic World Evolution, cũng chọn cho mình cách tiếp cận tương tự khi chọn lát cắt “Thời đại Sigmar” để xây dựng tựa game chiến thuật của mình với tên gọi Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin.
Dù cùng lấy bối cảnh mới – Thời đại Sigmar (Age of Sigmar), như trong tựa game Warhammer Age of Sigmar: Storm Ground của Gasket Games, thế nhưng đây là một tựa game hoàn toàn mới với hình thức của một tựa game Chiến thuật thời gian thực theo phong cách đội nhóm.
Trong cơn thoái trào của thể loại game này, liệu đội ngũ của Frontier Developments có làm nên “phép màu” cho một thể loại đang trên đà suy thoái với thế giới rực lửa của Warhammer?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
“Chất Warhammer”!
Về tổng thể, điểm sáng nhất trên Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin chính là tựa game này đã thể hiện được cái “chất Warhammer” cả trong thiết kế nhân vật, biên đạo cốt truyện và màn chơi, từ đó khám phá cuộc chinh chiến của Lord-Celestant Sigrun kể từ khi bước chân vào khu vực đầm lầy Ghur để tìm ra di vật có thể phá vỡ thế cân bằng của các thế lực trên thế giới Realm of Beasts, một trong tám thế giới con được sử dụng làm bối cảnh chính trong “Thời đại Sigmar” (đây là thời đại nối tiếp Warhammer Fantasy Battle hay gọi tắt là Warhammer Fantasy – NV).
Khác với nhiều tựa game Warhammer khác thường trình diễn những bối cảnh hoành tráng và rộng lớn, chẳng hạn như Warhammer: End Times – Vermintide lấy hẳn bối cảnh sự kiện Đại Hủy diệt (End Times) diễn ra, tựa game chiến thuật thời gian thực mới của Frontier Developments lại “khởi động” bằng một “lát cắt” rất nhỏ bé.
Thế nhưng cách tiếp cận này lại đem đến một trải nghiệm vi mô tương tự như cách mà các tựa game chiến thuật nhóm (squad-based strategy) như Partisans 1941 hay War Mongrels mô tả lại cuộc Thế chiến lần thứ hai từ một góc nhìn của một nhóm kháng chiến nhỏ, để rồi từ từ, những sự kiện và các cuộc trò chuyện sẽ dần mở rộng bối cảnh của thế giới game theo từng màn chơi.
Nối tiếp sau sự kiện End Times, Thời đại Sigmar mang đến một thiết lập bối cảnh hoàn toàn lạ lẫm, thế giới Mortal Realms, với các fan đã “nhẵn mặt” về Cựu giới (The Old World) của Warhammer Fantasy, khi các phe phái gần như bị “xào bài” lại toàn bộ, với một diện mạo hoàn toàn mới mẻ.
Lực lượng Stormhost tinh nhuệ của đế chế thần thánh Sigmar, nhân vật chính của cốt truyện, sở hữu hệ thống giáp trụ dày cộm và các vũ khí phép thuật mạnh mẽ, khác biệt hẳn so với phe Empire đã quá quen thuộc với Cựu giới (The Old World) của vũ trụ Warhammer Fantasy, đem đến cho game thủ một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Trong khi đó thế lực bản địa Orruks, kế thừa của thế lực Orcs trong thế giới Warhammer cũ, cũng được thể hiện vô cùng rõ nét với thiết kế và những đặc trưng hoàn toàn mới mẻ, giữ nguyên phong cách bộ lạc nguyên thủy, nhưng có phần… dơ hơn, lại trở thành một đối thủ xứng tầm với phong cách “tác chiến bầy đàn”.
Hay phe Nighthaunt là một thế lực thừa kế của phe Undead trong thế giới cũ, với các linh hồn hung hãn lại có phương thức chiến đấu riêng biệt và mới mẻ…
Qua đó, tất cả những yếu tố dù nhỏ trên chiến trường cũng góp phần “kể” lại câu chuyện của mình để người chơi và các fan hâm mộ thế giới Warhammer Fantasy có thể dễ dàng làm quen với Thời đại Sigmar (Age of Sigmar) sau khi bối cảnh này ra mắt, thay thế cho bối cảnh Warhammer Fantasy mà chúng ta đã quá quen thuộc trong hàng chục năm qua.
Mặc dù tất cả thiết kế đồ họa của Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin đều dựa trên bản quyền của Games Workshop, thế nhưng đội ngũ phát triển game đã có những nét “chấm phá” tạo dấu ấn cho riêng mình khi các thế lực xuất hiện trong game đều thuộc về… những đối tượng chưa từng xuất hiện qua trên các tựa game và “lore” (điển tích) trước đây.
Mặc dù tất cả thiết kế đồ họa của Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin đều dựa trên bản quyền của Games Workshop, thế nhưng đội ngũ phát triển game đã có những nét “chấm phá” tạo dấu ấn cho riêng mình
Những sáng tạo này dù nhỏ, nhưng cũng góp phần tô đậm cá tính độc đáo của các nhân vật anh hùng, từ đó tạo ra bản sắc riêng cho tựa game.
Ngoài các trận chiến, phần lớn thời lượng trong Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin được dành để… kể chuyện với các đoạn cắt cảnh, chủ yếu là cuộc trò chuyện của các nhân vật “anh hùng”, tạo ra khoảng nghỉ liên kết giữa các trận đánh, tạo ra sự liền mạch cho cốt truyện trong mỗi màn chơi.
Phương thức thể hiện này rất đặc trưng cho các tựa game dòng Warhammer bởi nó kế thừa rất nhiều yếu tố của dạng game nhập vai cổ điển.
Các đoạn cắt cảnh này được dựng và lồng tiếng vô cùng công phu với đội ngũ diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, mang đến trải nghiệm mang tính điện ảnh liền mạch xuyên suốt, bên cạnh đó là những bài nhạc nền được trau chuốt đem đến cảm xúc cho những trận chiến.
Nhìn chung, Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin là một trong những tựa game giúp game thủ làm quen và tạo nên ấn tượng ban đầu với các phe phái trong thế giới Warhammer Age of Sigmar mới được ra mắt gần đây.
BẠN SẼ GHÉT
Lối chơi nhạt nhẽo!
Là một tựa game chiến thuật thời gian thực (real-time strategy), Warhammer Age of Sigmar Realms of Ruin lựa chọn cách tiếp cận có phần an toàn khi mô phỏng lối chơi trong tựa game Warhammer 40,000: Dawn of War II ra mắt nhiều năm về trước vốn được đánh giá là thành công nhất trong các tựa game chiến thuật thời gian thực, lấy đề tài Warhammer.
Thế nhưng trên thực tế, màn thể hiện của tựa game này lại có phần nhạt nhẽo do sự tổng hợp của nhiều yếu tố được xây dựng chưa thực sự “tới”.
Đầu tiên, phải kể đến “lối chơi chiếm điểm, cướp cờ” theo phong cách Company of Heroes vốn dĩ phải rất khốc liệt, thế nhưng chúng lại thường bị giới hạn bởi cách thiết kế màn chơi và cách điều khiển mang đậm dấu ấn của cờ bàn (Table top), với các lối đi hẹp liên kết các điểm mút lại với nhau.
Kiểu thiết kế này khiến cho hầu hết mọi trận chiến là những màn “đọ sức trâu” về đúng nghĩa, chứ rất khó để người chơi có thể tạo ra các “ám chiêu” cướp cờ mang tính chiến thuật hay các màn quấy rối kinh điển thường thấy do thời gian cướp cờ khá lâu, rất dễ bị đối thủ “bắt bài”.
Trong khi đó, các nhóm quân lao vào chiến đấu với nhau lại đồng nghĩa với việc bạn mất đi quyền điều khiển toán quân này cho đến khi cuộc đấu kết thúc. Mặc dù điều này có thể làm bạn phải chia ra điều khiển nhiều nhóm nhỏ khác nhau thay vì “spam” lính bừa bãi như nhiều tựa game chiến thuật thời gian thực khác, thế nhưng trên thực tế, lượng lính không quá nhiều của màn chơi khiến cho việc điều khiển từng nhóm quân theo chiến thuật chẳng đem lại chút thử thách nào với các fan trung thành của thể loại game chiến thuật thời gian thực.
Mặt khác, trí thông minh nhân tạo (A.I – Artificial Inteligence) của đối thủ máy và các đơn vị quân trong Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin cũng thuộc loại… dưới mức trung bình.
Chỉ qua hai màn chơi đầu tiên, khi đã dần thích nghi được nhịp độ của trận chiến, người chơi kinh nghiệm sẽ dễ dàng “xé chẵn ra lẻ” đội hình của máy bằng cách… dụ từng toán quân riêng lẻ lại gần rồi tiêu diệt, sau đó đóng vững, đánh chắc dần dần chiếm lĩnh bản đồ mà chẳng mất một đơn vị quân nào cả.
Lối chơi quá đơn giản này chỉ có thể được bù đắp trong các chế độ chơi khó hơn khi các đối thủ máy bắt đầu… “chơi cheat” với số lượng đông đảo và mức máu “dày” hơn.
Đó là chưa kể đến việc các đơn vị quân không quá cân bằng khi một số đơn vị quân ở giai đoạn sau game trở nên có phần quá bá đạo mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào, trong khi những đơn vị quân ban đầu dù được “đắp” hàng đống tiền để nâng cấp lại chẳng tăng cường sức mạnh lên bao nhiêu.
Vấn đề này dẫn đến việc các màn chơi mạng trở thành những cuộc “đua” sản xuất các toán quân “late game” nhiều hơn là cố gắng xoay sở với các đơn vị sẵn có, vốn đã trải qua nhiều trận chiến “máu lửa” xuyên suốt từ đầu đến cuối màn chơi.
Cuối cùng, góp phần đẩy chất lượng tựa game này xuống dưới mức trung bình lại chính là một cốt truyện… khá nhạt nhẽo dù cho đội ngũ biên kịch đã cố gắng diễn tả chi tiết nhất có thể các khía cạnh của thế giới Warhammer.
Màn “nhạt nhẽo” đầu tiên có thể bắt gặp ngay trong màn chơi chiến dịch thứ hai khi đòn phản công của phe Orruks vào cuối màn có vẻ hoành tráng, với lượng binh lính đông đảo hứa hẹn một trận chiến đầy cam go, thế nhưng chỉ cần người chơi “đánh hội đồng” tên pháp sư Dankfeer trong vòng “một nốt nhạc” thì tự dưng tất cả binh lính đối phương đều… bỏ chạy tán loạn!
Mặc dù sở hữu rất nhiều đoạn cắt cảnh hội thoại, thế nhưng không có bất kỳ vòng xoắn cốt truyện (plot twist) nào được cài cắm trong game, khiến cho cho các bước tiến đều rất bình thường và gần như không đem lại bất kỳ cảm xúc đáng kể nào cho bản thân người viết.
…trí thông minh nhân tạo (A.I – Artificial Inteligence) của đối thủ máy và các đơn vị quân trong Warhammer Age of Sigmar: Realms of Ruin cũng thuộc loại… dưới mức trung bình