Skip to content

10 hãng phát triển game tài năng nhưng “bạc mệnh”

10 hãng phát triển game tài năng nhưng "bạc mệnh"

Hãng phát triển game – Cuộc chơi nào rồi cũng có hồi kết, nhưng không phải cái kết nào cũng làm thỏa lòng tất cả mọi người mà thậm chí nó còn khiến cho hàng triệu con tim nuối tiếc…

Ngành công nghiệp game là một môi trường khắc nghiệt, mang tính cạnh tranh cao và không ngừng thay đổi.

Nó đã sản sinh ra nhiều nhà làm game vĩ đại, trong đó không ít người có công thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành game, khiến cho trò chơi điện tử không chỉ đơn thuần là một thứ giải trí phù phiếm, mà còn trở thành một môn nghệ thuật thỏa mãn tất cả các giác quan của con người.

Nhưng oái ăm thay, cũng chính sự khắc nghiệt đã khiến cho nhiều nhân tài buộc phải “dứt áo ra đi”.

Có người vẫn đang miệt mài theo đuổi niềm đam mê của mình, có người thì đã “trút bỏ” mối “lương duyên” của mình với game, nhưng dẫu có thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ đều nhớ đến họ như là những con người tài ba đã mang đến cho chúng ta những “món ăn tinh thần” tuyệt hảo!

Sau đây hãy cùng Vietgame điểm qua 10 hãng phát triển game “yểu mệnh” nhất trong làng game.

Họ đã tạo nên những dòng game danh tiếng, họ sở hữu những người hâm mộ trung thành, và họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ như là những con người đã cho ra đời những tựa game mà chúng ta luôn ấp ủ một niềm yêu mến sâu đậm!

10. BIZARRE CREATIONS

  • Năm hoạt động: 1988 – 2011
  • Trụ sở: Liverpool, Anh quốc
  • Game nổi bậtProject Gotham Racing, Blur

Những người đam mê thể loại game đua xe chắc hẳn không thể nào không biết đến Project Gotham Racing.

Được coi như là một trong những tượng đài của thể loại đua xe bán mô phỏng (semi-simulation racing), sánh ngang với những Colin McRae, Grid, F1 hay Need For Speed Shift, Project Gotham City đã gây dựng nên danh tiếng của hãng game Anh quốc: Bizarre Creations.

Sau đó hãng còn “lấn sân” sang nhiều thể loại game khác như bắn phi thuyền với Geometry Wars hay hành động góc nhìn thứ ba với The Club, rồi quay lại với thế mạnh của mình là Blur vào năm 2010.

Vào năm 2007, Activision mua lại Bizarre Creations với giá 107,4 triệu USD nhưng bản quyền dòng game Project Gotham Racing vẫn thuộc về tay Microsoft. 

Bizarre Creations chính thức bị đóng cửa vào tháng 11/2010, chỉ 8 tháng sau khi sản phẩm cuối cùng của họ là James Bond: 007 Blood Stone được phát hành.

Bizarre Creations đã phải nói lời chia tay sau 17 năm gắn bó với ngành công nghiệp game.

Những người hâm mộ vẫn đang mong muốn một hậu bản của Project Gotham Racing nhưng không rõ liệu dòng game này sẽ đi đâu về đâu nếu như nó không được nhào nặn bởi những người “cha đẻ”?

không rõ liệu dòng game Project Gotham Racing sẽ đi đâu về đâu nếu như nó không được nhào nặn bởi những người “cha đẻ”?

Những thành viên của Bizarre Creations đã lập nên những studio mới và đều có mục tiêu riêng của mình.

Hy vọng họ sẽ tìm kiếm được thành công cho tương lai.

09. EA BLACK BOX

  • Năm hoạt động: 1998 – 2013
  • Trụ sở: Burnaby, Canada
  • Game nổi bật: Need for Speed: Most Wanted, Skate

Đâu là phiên bản xuất sắc nhất của dòng game Need for Speed?

Chắc hẳn 90% câu trả lời sẽ là Need for Speed: Most Wanted.

EA Black Box đã đưa dòng game Need for Speed lên đến đỉnh cao với những phiên bản Underground, Hot Pursuit 2 Most Wanted.

Cũng chính họ đã “tái định hình” thể loại đua xe arcade bằng những màn rượt đuổi giữa các “quái xế” và bộ phận thực thi pháp luật; độ xe hấp dẫn và những cuộc đua “nghẹt thở”, khiến cho giấc mơ của những người hâm mộ loạt phim Fast & Furious trở thành hiện thực.

Mặc dù vậy, sau phiên bản Need for Speed: Carbon vào năm 2006, phong độ của EA Black Box dần xuống dốc khi mà những hậu bản sau này như Need for Speed: ProStreet, Need for Speed: UndercoverNeed for Speed: The Run đều là những cái tên đáng thất vọng!

Sau hàng loạt biến động về nhân sự, cuối cùng vào tháng 4 năm 2013, EA chính thức đóng cửa EA Black Box và giao toàn quyền phát triển dòng game Need for Speed dành cho Ghost Games.

Hàng loạt người hâm mộ đã bày tỏ sự nuối tiếc dành cho EA Black Box và cũng giống như trường hợp của Bizarre Creations, nhiều người hoài nghi về tương lai của dòng game Need for Speed.

Phiên bản Need for Speed Rivals của Ghost Games không thực sự xuất sắc và các tín đồ trên hệ máy PC đã bị dội một “gáo nước lạnh” bởi chất lượng tồi tệ của bản port trên hệ máy PC.

Có lẽ chỉ còn mỗi Criterion Games mới có thể tiếp bước EA Black Box mà thôi.

Hàng loạt người hâm mộ đã bày tỏ sự nuối tiếc dành cho EA Black Box

08. TERMINAL REALITY

  • Năm hoạt động: 1994 – 2013
  • Trụ sở: Lewisville, Texas, Hoa Kỳ
  • Game nổi bật: Ghostbusters: The Video Game, Terminal Velocity, Spy Hunter: Nowhere To Run

“Game ăn theo phim” luôn là một khái niệm dễ khiến cho người ta… tránh xa, bởi vì lịch sử ngành game đã ghi nhận đa số những tựa game ăn theo phim thường không có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, số lượng game phá vỡ quy luật này không phải là ít, tiêu biểu nhất có thể kể đến là Chronicles of Riddick: Escape from Butcher Bay của Starbreeze Studios hay X-Men Origins: Wolverine của Raven Software.

Nhưng đó mới chỉ là những cái tên “lẻ tẻ” và những nỗ lực của Terminal Reality có thể khiến cho nhiều người bất ngờ!

Khởi đầu cùng với The Blair Witch Project vốn không được đánh giá cao, Terminal Reality bắt đầu “lên level” với Æon Flux, một tựa game (bất ngờ thay) có chất lượng khá dựa trên một bộ phim… tồi và sau đó đạt được thành công với Ghostbusters: The Video Game – tựa game dựa theo bộ phim viễn tưởng kinh điển của đạo diễn Ivan Reitman.

Mối lương duyên giữa game và phim của Terminal Reality càng trở nên thú vị hơn khi nhìn vào danh sách những tựa game của họ: dòng game BloodRayne được chuyển thể thành 2 bộ phim… siêu tồi được đạo diễn bởi Uwe Boll (về danh tiếng của vị đạo diễn này, Vietgame xin mời bạn đọc tự tìm hiểu) mặc dù có sự xuất hiện của diễn viên “lão làng” Ben Kingsley; Spy Hunter: Nowhere To Run là phần tiếp theo của dòng game Spy Hunter và có sự xuất hiện của Dwayne “The Rock” Johnson.

Theo kế hoạch ban đầu, Spy Hunter: Nowhere To Run sẽ được dùng để quảng bá bộ phim cùng tên, nhưng sau đó bộ phim lại bị hủy bỏ nên tựa game được phát hành với vai trò là một sản phẩm riêng biệt.

Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với Terminal Reality khi sản phẩm cuối cùng của họ – The Walking Dead: Survival Instict lại trở thành một sản phẩm “ăn theo phim” chất lượng kém.

thật đáng tiếc bởi vì sản phẩm cuối cùng của Terminal Reality lại là một tựa game thất bại toàn diện ở mọi mặt

Mặc dù được tiếp sức bởi hai diễn viên Norman Reedus và Michael Rooker đến từ loạt phim truyền hình cùng tên, The Walking Dead: Survival Instict đã không thể thoát khỏi “cái dớp” đen đủi mà Terminal Reality đã né tránh thành công kể từ năm 2005.

Cánh cửa đã đóng lại sau 18 năm, và thật đáng tiếc bởi vì sản phẩm cuối cùng của họ lại là một tựa game thất bại toàn diện ở mọi mặt.

07. TEAM BONDI

  • Năm hoạt động: 2003 – 2011
  • Trụ sở: Sydney, Australia
  • Game nổi bậtL.A Noire

L.A Noire đã khiến cho Team Bondi tiêu tốn đến 7 năm để hoàn thành và dĩ nhiên, khoảng thời gian đó đã được đền đáp xứng đáng: tựa game nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng game thủ, đạt điểm số cao từ các trang đánh giá game uy tín, trở thành tựa game bán chạy nhất ở Mỹ vào tháng 5 năm 2011!

Những tưởng Team Bondi đang có một tương lai sáng lạng phía trước thì studio bất ngờ… giải thể chỉ 5 tháng sau khi L.A Noire được phát hành.

Trái với đa số trường hợp xuất hiện trong danh sách này, sự tan rã của Team Bondi là điều tất yếu sau khi hãng vướng vào một vụ bê bối liên quan đến điều kiện làm việc tồi tệ của nhân viên, dẫn đến mâu thuẫn giữa các cá nhân trong nhóm.

Vào tháng 6 năm 2011, một nhóm bao gồm các cựu thành viên của Team Bondi lập nên trang web lanoirecredits.com, nêu ra 100 cái tên đã bị lược bỏ hoặc bị liệt kê sai lệch trong phần credit của L.A Noire, sau đó dẫn đến hàng loạt những bằng chứng khác cho thấy Team Bondi đã bóc lột sức lao động của một số nhân viên.

Chủ tịch hiệp hội phát triển trò chơi điện tử quốc tế IGDA – Brian Robbins, cho biết “một số nhân viên đã báo cáo làm việc 12 tiếng mỗi ngày, điều đó không thể nào chấp nhận được”.

sự tan rã của Team Bondi là điều tất yếu sau khi hãng vướng vào một vụ bê bối liên quan đến điều kiện làm việc tồi tệ của nhân viên

Sau khi mối quan hệ giữa Team Bondi và hãng phát hành Rockstar Games tan vỡ, những sản phẩm trí tuệ của Team Bondi được bán cho công ty đa phương tiện Kennedy Miller Mitchell.

Vào tháng 8 năm 2012, đội ngũ còn lại của Team Bondi cho biết họ đang phát triển tựa game mới mang tên Whore of The Orient và cho biết họ đang tìm kiếm nhà phát hành mới để “đỡ đầu” cho tựa game.

Hy vọng Team Bondi sẽ vượt qua được những khó khăn ở hiện tại để mang đến cho người hâm mộ một siêu phẩm “để đời” hệt như họ đã từng làm với L.A Noire.

06. VIGIL GAMES

  • Năm hoạt động: 2005 – 2013
  • Trụ sở: Austin, Texas
  • Game nổi bậtDarksiders & Darksiders II

Khi mà “đại gia đình” THQ phi tán và chính thức nói lời chia tay, điều mà người ta băn khoăn nhất đó là tương lai của những studio con của hãng sẽ đi đâu về đâu?

Relic Entertainment đã về tay SEGA, Volition “nhập bọn” Deep Silver, THQ Studio Montreal được “thu nạp” bởi Ubisoft, rồi sau đó, các fan của Darksiders tự hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với Vigil Games?”.

Khi mà đa số những người anh em đã tìm được mái nhà mới thì Vigil Games lại bị lãng quên hoàn toàn.

Doanh số 1,5 triệu bản của Darksiders II có vẻ như đã khiến cho các nhà đầu tư “chùn tay” và sợ rằng Vigil Games là một canh bạc mạo hiểm, mặc dù tựa game nhận được phản hồi tích cực từ phía người hâm mộ và các trang đánh giá game.

Cuối cùng Vigil Games chính thức ngừng hoạt động vào tháng 1 năm 2013 và bản quyền dòng game Darksiders được bán cho Nordic Games, giờ là THQ Nordic.

Trước đó, PlatinumGames đã ngỏ lời muốn mua lại dự án DarksidersSony Santa Monica bày tỏ ý định thuê lại những nhân viên của Vigil Games.

Khi mà đa số những người anh em đã tìm được mái nhà mới thìVigil Games lại bị lãng quên hoàn toàn

Hiện tại những cựu thành viên của Vigil Games đang làm việc tại Certain Affinity, Battlecry Studios và một số công ty khác.

Điều mà những người hâm mộ đang lo lắng nhất là việc dòng game Darksiders sẽ như thế nào khi ở trong tay Nordic Games, nhất là khi hãng phát hành game Bỉ đã quá nổi tiếng với việc “vắt sữa” dòng game Painkiller.

Có lẽ, chúng ta chỉ có thể “cầu trời khấn phật” mong rằng Nordic Games đừng phá hoại quá nhiều mà thôi.

05. CORE DESIGN

  • Năm hoạt động: 1988 – 2006
  • Trụ sở: Derby, Anh quốc
  • Game nổi bật: Tomb Raider

Nữ bá tước Lara Croft đã thực hiện một chuyến hành trình dài khi ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1996.

Mặc dù Crystal Dynamics đã có công tiếp tục “nuôi dưỡng” dòng game Tomb Raider, chính Core Design mới là những người đã đưa dòng game phiêu lưu này lên đến đỉnh cao.

Kể từ khi thành lập vào năm 1988, Core Design đã phát triển hơn 50 tựa game trên nhiều hệ máy khác nhau, từ Amiga, Atari ST, Sega Genesis cho đến PC và PlayStation 2. 

Tomb Raider, 1996, Jeremy H. Smith, executive producer; Toby Gard, Heather Gibson, Neal Boyd, graphic artists; Jason Gosling, Paul Douglas, Gavin Rummery, programmers, SEGA Saturn, © 1996 SQUARE ENIX CO., LTD. All Rights Reserved

Còn Tomb Raider thì sao?

Nó đã trở thành một trong những dòng game lâu đời nhất trong lịch sử ngành công nghiệp game và gây dựng nên tên tuổi của Core Design.

Lara Croft trở thành một trong những nhân vật trong game có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp giải trí hiện đại và là hình mẫu nhân vật phá bỏ tất cả các định kiến về “phái yếu” trong trò chơi điện tử.

Core Design chính thức bị “khai tử” vào năm 2006 và dòng game Tomb Raider được giao cho Crystal Dynamics.

chính Core Design mới là những người đã đưa dòng game phiêu lưu Tomb Raider lên đến đỉnh cao

Một số thành viên của Core Design đã tách ra và lập công ty riêng, số khác gia nhập Crystal Dynamics và tiếp tục “nuôi nấng” Tomb Raider mãi cho đến tận hôm nay.

Phiên bản reboot năm 2013 tuy gặt hái được nhiều thành công nhưng lại vấp phải sự chê bai dữ dội từ phía các fan trung thành, do tập trung quá nhiều vào hành động mà bỏ quên yếu tố phiêu lưu.

Mặc dù không thể nói trước được rằng hướng đi mới mà Crystal Dynamics đặt ra có phải là nước cờ đúng đắn hay không, người viết tin rằng họ sẽ chả dại gì mà dám phá hoại dòng game 18 năm tuổi, nhất là khi những trụ cột của Core Design vẫn đang miệt mài “uốn nắn” đứa con cưng của mình.

04. DREAMWORKS INTERACTIVE – EA LOS ANGELES – DANGER CLOSE

  • Năm hoạt động: 1995 – 2013
  • Trụ sở: Los Angeles, California, Hoa Kỳ
  • Game nổi bậtMedal of Honor, Command & Conquer: Red Alert 3, The Lord of The Rings: The Battle for Middle-earth

Chắc hẳn ít người biết rằng hãng phim DreamWorks từng sở hữu một hãng phát triển game đã mang đến cho ngành công nghiệp game một trong những dòng game FPS “huyền thoại” – Medal of Honor.

Tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất lấy bối cảnh Đệ nhị Thế chiến được phát hành vào năm 1999 đã gây dựng nên tên tuổi của DreamWorks Interactive, sánh ngang người anh em “cùng nhà” Battlefield và đối thủ Call of Duty, trở thành dòng game bắn súng ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Medal of Honor gây ấn tượng không chỉ bằng lối chơi hấp dẫn, lối thiết kế màn chơi xuất sắc và âm nhạc đầy cuốn hút, mà nó còn được biết đến như là một trong số ít những tựa game được chấp bút bởi nhà làm phim đại tài Steven Spielberg.

DreamWorks Interactive được Electronic Arts mua lại chỉ một năm sau đó và được sát nhập vào hai studio khác là Westwood Studio và EA Pacific rồi trở thành EA Los Angeles.

Dòng game Medal of Honor tiếp tục “bay cao”, nhưng có một điều oái ăm là phiên bản thành công nhất trong loạt game là Medal of Honor: Allied Assault lại được phát triển bởi 2015 Inc., chứ không phải là EA Los Angeles.

Tuy vậy EA Los Angeles vẫn tiếp tục con đường của riêng mình với những hậu bản của Medal of Honor như Frontline, Pacific AssaultAirborne.

Ngoài ra, hãng còn cho ra đời phiên bản thứ ba của dòng game chiến thuật thời gian thực Command & Conquer: Red Alert sau 8 năm, kể từ khi Red Alert 2 được phát hành.

Mặc dù vậy, đến năm 2010, EA lại đẩy EA Los Angeles vào “cuộc đua vô hình” với Activision trong thể loại bắn súng hiện đại.

EA Los Angeles được đổi tên thành Danger Close.

Phiên bản Medal of Honor 2010 bị buộc phải chuyển hướng sang thể loại bắn súng quân sự hiện đại diễn ra tại Afghanistan, thay vì sử dụng bối cảnh Đệ nhị Thế chiến như truyền thống.

Chiếc huân chương danh dự nay đã sờn bạc qua năm tháng, nhưng thời khắc huy hoàng của những con người kiệt xuất đã làm nên bản hùng ca tráng lệ của người lính sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của những người hâm mộ

Medal of Honor, tuy thành công về mặt thương mại, nhưng lại tỏ ra “yếu thế” hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.

Phiên bản tiếp theo mang tên Medal of Honor: Warfighter đã không những không thể cứu vớt những gì còn sót lại, mà nó còn trở thành phiên bản tồi tệ nhất trong cả dòng game.

Đầu năm 2013, EA thông báo Danger Close chính thức bị đóng cửa và dòng game Medal of Honor sẽ tạm nghỉ.

Chiếc huân chương danh dự nay đã sờn bạc qua năm tháng, nhưng thời khắc huy hoàng của những con người kiệt xuất đã làm nên bản hùng ca tráng lệ của người lính sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của những người hâm mộ.

03. BIG HUGE GAMES, 38 STUDIOS

  • Năm hoạt động: 2000/2006 – 2012
  • Trụ sở: Rhode Island/Timonium, Maryland, Hoa Kỳ
  • Game nổi bậtRise of Nations, Kingdoms of Amalur: Reckoning

Trong vòng 12 năm hoạt động, Big Huge Games mới chỉ sản xuất 3 tựa game và 3 phiên bản mở rộng (expansion packs), nhưng bấy nhiêu đó cũng là quá đủ họ gây dựng nên một cộng đồng fan trung thành và lớn mạnh.

Nếu như Creative Assembly có dòng game Total War, Relic Entertainment có Homeworld thì Big Huge Games cũng không hề kém cạnh với Rise of Nations.

Là một trong số ít những tựa game pha trộn hoàn hảo giữa hai yếu tố chiến thuật theo lượt và thời gian thực, Rise of Nations đã gặt hái được nhiều thành công và chiếm trọn con tim của hàng triệu “chiến lượt gia” trên toàn thế giới.

Sau đó, Big Huge Games còn “lấn sân” hẳn sang thể loại chiến thuật theo lượt, với tựa game Catan, bắt nguồn từ trò chơi sa bàn đến từ nước Đức.

Đến năm 2012, Big Huge Games và 38 Studios cho ra mắt tựa game nhập vai thế giới mở Kingdoms of Amalur: Reckoning.

Được nhào nặn dưới bàn tay của những con người tài năng như Ken Rolston, Todd McFarlane và R.A Salvatore, Kingdoms of Amalur: Reckoning được đón nhận nồng nhiệt và có nhiều người còn ưu ái gọi tựa game là “truyền nhân của Fable“.

Mặc dù vậy, doanh thu 1,2 triệu bản đã không thể giúp cho 38 Studios xóa bỏ món nợ đến từ tiểu bang Rhode Island.

Tình hình nguy cấp đến mức chính quyền bang Rhode Island đã… huy động lực lượng cảnh sát và cục điều tra liên bang FBI để tìm hiểu tình hình tài chính của công ty.

Cuối tháng 5 năm 2012, 38 Studios đã sa thải toàn bộ nhân viên và hãng thông báo ngừng hoạt động.

Số phận của Amalur đã được định đoạt, nhưng vẫn còn đó sự tiếc nuối dành cho vương quốc Amalur trù phú

Đây quả là một tin buồn dành cho những người hâm mộ của Kingdoms of Amalur: Reckoning, nhất là khi dự án game MMO mang tên Copernicus vẫn còn đang dang dở.

Số phận của Amalur đã được định đoạt, nhưng vẫn còn đó sự tiếc nuối dành cho vương quốc Amalur trù phú.

Kingdoms of Amalur: Reckoning đã có một cái kết thật đẹp và ý nghĩa, nhưng cũng thật đáng buồn vì chúng ta sẽ không thể nhìn thấy hình ảnh của tộc Fae trong những lâu đài tráng lệ của họ, hay được nghe kể về truyền thuyết đến từ những tảng đá ngàn năm tuổi được nữa…

2. LUCASARTS

  • Năm hoạt động: 1982 – 2013
  • Trụ sở: San Francisco, California, Hoa Kỳ
  • Game nổi bật: The Secret of Monkey Island, Star Wars, Grim Fandango

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về hãng game được mệnh danh là “ông hoàng của thể loại game phiêu lưu”.

Được sáng lập bởi vào năm 1982 bởi George Lucas và có sự tham gia của những người được coi là các “Hans Christian Andersen của trò chơi điện tử” như Tim Schafer, Dave Grossman và Ron Gilbert, LucasArts đã thống trị thể loại game phiêu lưu trong hơn 2 thập kỷ bằng những câu chuyện kỳ thú trong loạt game Monkey Island, Grim Fandango, Full ThrottleSam & Max: Hit The Road.

Bên cạnh đó, LucasArts còn nắm giữ trong tay một trong những thương hiệu giải trí ăn khách nhất toàn cầu – Star Wars.

Vào tháng 10 năm 2012, hãng phim Lucasfilm được Walt Disney mua lại với giá 4 tỷ USD, đồng nghĩa với việc LucasArts – công ty con của Lucasfilm, cũng về tay Walt Disney.

Tháng 3 năm 2013, một số thông tin hé lộ rằng những tựa game Star Wars như 1313 hay Final Assault đã bị tạm ngừng để tập trung toàn tập vào bộ phim Star Wars Episode VII, còn LucasArts đang bận bịu với 3 dự án game khác nhau.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, Disney tuyên bố LucasArts sẽ ngừng hoạt động trong vai trò phát triển game, tất cả các dự án của hãng bị hủy bỏ, bao gồm Star Wars 1313.

Họ là những con người ưu tú mà nền công nghiệp game đã sản sinh ra và họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ như là một huyền thoại bất diệt

Hầu như toàn bộ nhân viên của hãng đều bị sa thải và chỉ còn một vài người trụ lại để tiếp tục cấp phép phát hành game.

Sự sụp đổ của LucasArts thực sự là một cú sốc lớn đối với những người hâm mộ Star Wars và thể loại game phiêu lưu cổ điển. 

Sau 30 năm, cuối cùng cuộc hành trình của LucasArts đã đi đến hồi kết, nhưng ắt hẳn những chuyến phiêu lưu của Guybrush Threepwood và Manny Calavera sẽ luôn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ.

Sự sụp đổ của LucasArts thực sự là một cú sốc lớn đối với những người hâm mộ

01. IRRATIONAL GAMES

  • Năm hoạt động: 1997 – 2014
  • Trụ sở: Quincy, Massachusett, Hoa Kỳ
  • Game nổi bậtBioShock, System Shock 2, SWAT 4, BioShock Infinite

Họ là những người nghệ sỹ tài ba.

Họ đã viết nên những câu chuyện đặc sắc bậc nhất trong thế giới game.

Họ là những con người ưu tú mà nền công nghiệp game đã sản sinh ra và họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ như là một huyền thoại bất diệt.

Từ những System Shock 2, Freedom Force cho đến Tribes: VengeanceSWAT 4 rồi lên đến đỉnh cao của vinh quang với BioShockBioShock Infinite, không cần những màn phô trương đậm chất, cũng không mang trong mình những giá trị mỹ miều và hào nhoáng, chỉ cần một câu chuyện về tình người giữa xã hội hoang tàn trong BioShock cũng đủ để khiến cho IrrationalGames được công nhận như là những người nghệ sỹ đích thực.

Irrational Games chính thức đóng cửa vào tháng 2 năm 2014.

Ken Levine và các đồng nghiệp đã chuyển mục tiêu sang những dự án quy mô nhỏ hơn và có thể, điều này cũng đồng nghĩa với dấu chấm hết cho loạt game BioShock.

Tuy vậy, cuộc hành trình tại Rapture và Columbia chấm dứt không đồng nghĩa với việc những nghệ sỹ tài hoa tại Irrational Games buông xuôi.

Chúc Ken Levine tiếp tục giữ vững “phong độ” của mình để có thể giúp cho làng game cơ hội được thưởng thức những câu chuyện lôi cuốn và đậm chất nghệ thuật trong tương lai.

BONUS. Những cái tên đáng chú ý khác

Có thể họ không có cơ hội được đặt chân vào top 10, nhưng sẽ thật sự là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến họ.

PANDEMIC STUDIOS

  • Năm hoạt động: 1998 – 2009
  • Trụ sở: Santa Monica, California, Hoa Kỳ
  • Game nổi bật: Full Spectrum Warrior, Mercenary: Playground of Destruction, Star Wars: Battlefront, The Saboteur

CLOVER STUDIO

  • Năm hoạt động: 2004 – 2007
  • Trụ sở: Nhật Bản
  • Game nổi bật: Viewtiful Joe, Okami, God Hand

ENSEMBLE STUDIOS

  • Năm hoạt động: 1995 – 2009
  • Trụ sở: Dallas, Texas, Hoa Kỳ
  • Game nổi bật: Age of Empires, Age of Mythology, Halo Wars

RADICAL ENTERTAINMENT

  • Năm hoạt động: 1991 – 2012
  • Trụ sở: Vancouver, Canada
  • Game nổi bật: The Simpson: Hit & Run, Prototype

Lời kết

Chắc hẳn không có ai trong chúng ta muốn nói lời tạm biệt đối với những con người đáng ngưỡng mộ đã tạo nên các tựa game mà chúng ta hằng yêu quý, nhưng cái sự thật phũ phàng đó lại cứ xuất hiện rành rành ở trước mắt như một lời nhắc nhở rằng: cuộc đời cũng giống như một tựa game, luôn luôn thay đổi và khó đoán dù ta có chấp nhận nó hay không!

Vietgame.asia xin cảm những người tài năng đã cống hiến hết mình để tạo nên những tựa game kiệt xuất mà cộng đồng game thủ toàn cầu vinh dự được trải nghiệm.

*Danh sách trên mới chỉ bao gồm hơn 10 hãng phát triển game và dĩ nhiên chúng tôi đã bỏ lỡ khá nhiều cái tên.

Bạn có biết những cái tên xứng đáng trên “Bảng vàng” mà chúng tôi đã quên đề cập không?

Hãy bình luận ở ô phía dưới và cho chúng tôi biết nhé!

Danh sách này bao gồm những hãng phát triển game bị đóng cửa tính từ năm 2006 trở về sau.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ