Skip to content

Dreadlands – Đánh Giá Game

Dreadlands

DreadlandsHậu tận thế (post-apocalypse) có lẽ không còn là một đề tài quá xa lạ với đông đảo khán giả đại chúng, bởi lẽ trong khoảng 15 năm đổ lại đây, nó đã bị lạm dụng quá nhiều trong hầu hết các lĩnh vực giải trí – từ phim ảnh, sách vở… cho đến videogame.

“Tận thế” là một khái niệm khá là trừu tượng, và nguyên nhân thì cũng vô vàn – từ “combo” thảm hoạ động đất sóng thần, Trái đất nóng dần lên/lạnh vô tận… cho đến chiến tranh hạt nhân hoặc đại dịch toàn cầu… 

Nói chung, đó là một sự kiện nào đó mà dẫn đến phần lớn nhân loại bị tuyệt diệt, đi kèm theo đó là sự sụp đổ của các nền văn minh. 

Nhân loại ít ỏi còn sống sót thì phải đối mặt với các hiểm nguy khôn lường như khí hậu thất thường, lương thực cạn kiệt, ô nhiễm phóng xạ, quái vật/xác sống (zombie) đi lềnh khênh ngoài đường…

Bản thân người viết thì chưa từng kinh qua cái tận thế nào, nhưng có vẻ như hầu hết các nhà làm phim/game đều tin là loài người sẽ có cách để thích nghi với cuộc sống mới, dù khốc liệt đến mức nào thì họ cũng có thể sinh tồn được. 

Vì vậy, thế giới hậu tận thế đôi khi lại được diễn tả theo kiểu mọi thứ trở nên “YOLO” (bạn chỉ sống có một lần), phi chính phủ, mạnh được yếu thua – trong khi nhân loại thì đang “cài số lùi” về mức độ nhận thức trên đống tàn tích của văn minh thuở nào.

Đến từ Blackfox Studios, Dreadlands cũng chọn đề tài hậu tận thế để thể hiện, với bối cảnh là do sự đột biến vì phóng xạ, con người phải chấp nhận chung sống với những tộc biến dị khác nhau, trên tâm lý chia thành băng đảng, phe cánh và tìm cách sinh tồn bằng việc đi nhặt nhạnh những tài nguyên còn sót lại sau tận thế, hoặc cướp bóc lẫn nhau, na ná hình ảnh của trò chơi Mad Max năm nào.

Đề tài này không mới lạ, và dạng game mà Dreadlands chọn thể hiện cũng không mới lạ – tuy nhiên tình cờ khi kết hợp chúng lại, Dreadlands lại trở thành một cái gì đó tương đối là mới lạ. 

Nhưng lạ là một đằng, mà hay không lại là một nẻo, thế thì Dreadlands thuộc về phạm trù nào? 

Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ GHÉT

Dreadlands

Lối chơi mờ nhạt, yếu kém

Nói một cách đơn giản, ngắn gọn thì Dreadlands có nhiều điểm tương đồng với dòng game chiến thuật theo lượt XCOM

Người chơi sẽ chọn 1 trong 3 phe để “khởi nghiệp”, mỗi phe có một lối chơi và các đặc tính khá riêng biệt. 

Mỗi màn chơi được phân bổ trên một bản đồ có góc nhìn cạnh (isometric) chia các ô vuông dạng lưới, và trong màn các có vật cản/tường bao cho nhân vật ẩn nấp.

Vấn đề ở đây bắt đầu bằng việc Dreadlands có cơ chế cho điểm hành động (Action Point – AP) khá… ngu học! 

Mỗi lượt, mỗi nhân vật chỉ có 2 AP, và điều thú vị là “làm bất cứ cái gì” cũng tiêu tốn 1 AP cả. 

Bạn thấy sao nếu đi 8 bước cũng tốn 1 AP, mà đi 1 bước cũng tốn 1 AP? 

Dreadlands

Người chơi không thể có tùy chọn “di chuyển, tấn công, di chuyển”, bởi lẽ việc này tiêu tốn đến 3 AP – nên lựa chọn duy nhất chỉ có thể là “di chuyển và tấn công” chỉ trong một lần dùng AP, dẫn đến việc hạn chế rất nhiều trong các quyết định mang tính chiến thuật của người chơi.

Kế đến, là cơ chế “khóa cận chiến”.

Dreadlands chia nhân vật ra nhiều chức nghiệp, với đủ kiểu đánh xa – gần, thế nhưng hầu như từ nửa game về sau ai cũng chủ yếu chơi cận chiến. 

Vì sao? 

Đơn giản là vì Dreadlands có một cơ chế kỳ quái, khiến cho hai đơn vị đứng gần nhau cận chiến thì… không ai khác được đánh xa vào “hai tên này”. 

Dreadlands có cơ chế cho điểm hành động (Action Point – AP) khá… ngu học!

Việc này khiến các đơn vị đánh xa trở nên khá vô dụng trong hầu hết các trường hợp. 

Chưa nói đến việc bắn xa thì tốn đạn, mà đạn thì phải mua, trong khi tài chính trong Dreadlands khá là hạn chế.

Nhắc đến tài chính, thì không thể không đề cập đến việc cân bằng tiền tệ trong Dreadlands thật sự được làm rất tệ! 

Trung bình sau mỗi trận đánh, người chơi chỉ kiếm được từ 50 – 100$, trong khi để chiêu mộ thêm lính đều tốn từ 500 – 1000$ tuỳ chất lượng. 
Chuyện phải mua bình cứu thương và đạn dược liên tục để bổ sung cũng khiến cho túi tiền của người chơi luôn trong trạng thái “báo động”, dẫn đến khoảng 1/3 đầu game cảm giác chơi Dreadlands thật sự khá là… nản, do cứ thiếu trước hụt sau.


Lỗi, lỗi, và… lỗi

Vấn đề lớn nhất ở Dreadlands, và khó mà có lời nào đủ để bào chữa, đó là sự… lừa đảo trắng trợn từ phía nhà phát triển. 

Game bắt đầu chạy Early Access vào 10.03.2020, và “chính thức” ra mắt vào ngày 6.11.2020 – hay ít ra đó là những gì do nhà phát hành quảng cáo.

Trên thực tế, ngay cả khi đã thoát khỏi trạng thái Early Access, về bản chất thì Dreadlands vẫn chỉ là một bản game nằm ở đâu đó trong giai đoạn pre-alpha, với vô số lỗi từ lặt vặt đến to oành. 

Có vẻ như đội ngũ QC (quality control – kiểm soát chất lượng) của Blackfox Studios đang đi “nghỉ mát” tránh dịch Covid-19, nên công đoạn này được làm cực kỳ sơ sài và thiếu sót.

Trước hết có thể kể đến việc game tối ưu hoá tài nguyên cực kỳ tệ hại. 

Ở năm 2020, đồ hoạ của Dreadlands không gọi là quá xấu, thế nhưng việc khung hình trồi sụt thất thường và CPU hầu như luôn trong trạng thái “chạy tụt quần” với một cỗ PC cấu hình khá cao là không thể chấp nhận được!

Kế đến, là việc văng game đột ngột khá thường xuyên, mặc dù các phân cảnh không cần yêu cầu xử lý gì nặng cả ở đồ hoạ hay bộ nhớ. 

Thỉnh thoảng game không văng, nhưng lại bị đen màn hình dù vẫn nghe thấy âm thanh bình thường. 

Đây là những lỗi khá là hiển nhiên và tỉ lệ tái hiện hầu như là 100%.

Cơ chế điều khiển trong Dreadlands không hẳn là lỗi, nhưng nó khá là cồng kềnh và chậm chạp, khiến người chơi không thật sự thoải mái. 

Dreadlands vẫn chỉ là một bản game nằm ở đâu đó trong giai đoạn pre-alpha, với vô số lỗi từ lặt vặt đến to oành

Việc chọn nhân việc, ra lệnh, chọn vị trí… có những gián đoạn nhất định, làm cho game trở nên trì trệ và kém liền mạch.

Sau cùng, sự chênh lệch tương quan giữa phe ta và phe địch tuy không thuộc về phạm trù “lỗi”, nhưng những hệ quả mà nó mang lại thật sự khiến cho trải nghiệm Dreadlands trở nên khá tệ hại. 

Kẻ địch luôn có những kỹ năng “điếm thúi” như trói chân, rỉ máu… chúng không thực sự nguy hiểm đến mức mất cân bằng, nhưng chúng khiến một màn chơi trở nên dài lê thê một cách không cần thiết, kiểu như máy biết thua tới nơi nhưng vẫn phải “troll” người chơi cái đã!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Blackfox Studios
  • Phát hành: Fatshark
  • Thể loại: Chiến thuật, Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 10/03/2020
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows Vista / Windows 7
  • CPU: Dual Core 2.4GHz
  • RAM: 2 GB
  • VGA: Nvidia GeForce 8xxx, AMD Radeon 2xxx
  • HDD: 16 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • HDD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI FATSHARK – CHƠI TRÊN HỆ PC

4.0

Dreadlands là một thử nghiệm khá táo bạo, khi cố tìm ra một giá trị riêng biệt bằng cách sử dụng lại những thứ khá quen thuộc.



Tuy vậy, Blackfox Studios chưa đủ “nội lực” để triển khi ý tưởng thú vị này cho “ra ngô ra khoai”, khiến trải nghiệm chơi Dreadlands nằm ở mức khá là “dở dở ương ương”, mà nhìn chung thật sự là không biết nên khen chỗ nào.