Skip to content

Avatar: Frontiers of Pandora – Đánh Giá Game

Avatar: Frontiers of Pandora

Avatar: Frontiers of Pandora – Vài năm trở lại đây, ngành game chứng kiến hàng loạt những “ông trùm” làng game “ngã ngựa” liên tục, từ các vấn nạn về môi trường làm việc, sự đi xuống của chất lượng sản phẩm, hay đơn giản chỉ là không thể vượt qua được chính cái bóng quá lớn của bản thân họ.

Ubisoft có lẽ là cái tên gây thất vọng hàng đầu mà người viết nghĩ đến, bởi bản thân đã từng một thời “tôn thờ” ông trùm làng game đến từ Pháp này từ những tượng đài Assassin’s Creed, Prince of Persia, hay Far Cry

Những sản phẩm gần đây của Ubisoft gọi là chất lượng thấp thì không hẳn, nhưng đáng buồn là chúng quá an toàn, quá chậm tiến và dường như Ubisoft đang bị “mắc kẹt” ở vùng an toàn của mình. Cũng bởi vì vậy mà những sản phẩm mới đều không còn tạo được sức hút dù là cú bắt tay với cả một thương hiệu tỷ đô như Avatar của đạo diễn huyền thoại – James Cameron.

Được gán mác là “game ăn theo phim”, tuy nhiên đường hướng phát triển và diễn biến nội dung của Avatar: Frontiers of Pandora hoàn toàn không bị phụ thuộc vào phiên bản điện ảnh của thương hiệu Avatar.

Vậy đây sẽ là cơ hội để Ubisoft mạnh dạn để sáng tạo, hay chỉ lại là một sản phẩm rập khuôn như cách mà hãng đã “vắt” kiệt từ Far Cry đến Assassin’s Creed? Vietgame.asia sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời qua bài đánh giá sau đây.

BẠN SẼ GHÉT

Avatar: Frontiers of Pandora

LÀ “BÒ” HAY LÀ “SỮA”?

Thật đáng buồn khi người viết sẽ phải bắt đầu với mục “Bạn sẽ ghét” đầu tiên, thay vì nhìn vào các mặt sáng sủa của Avatar: Frontiers of Pandora. Nếu bạn đọc chưa biết thì dự án dựa theo thương hiệu đình đám này đã được bắt tay vào thực hiện và tiết lộ vào đầu năm 2017, nghĩa là gần… 7 năm để Avatar: Frontiers of Pandora hoàn thiện đến tay game thủ trong tháng 12 vừa qua.

Dẫu vậy, 7 năm có lẽ là một quãng thời gian quá dài để “thai nghén” một tựa game có khung sườn gần như đã quá quen thuộc với mọi game thủ từng trải nghiệm các tựa game của Ubisoft, đặc biệt là dòng game Far Cry.

Về khoản kinh nghiệm “vắt sữa” các thương hiệu lớn thì có lẽ Ubisoft chưa bao giờ đứng ngoài TOP 3 trên thị trường game hiện nay. Đáng buồn là dù mang một cái tên mới, một chân trời mới nhưng những gì game thủ có với Avatar: Frontiers of Pandora lại là vô vàn những thứ quen thuộc đã đến mức nhàm chán, đã tồn tại lâu hơn 7 năm phát triển của game.

Avatar: Frontiers of Pandora

Avatar: Frontiers of Pandora dù được xem là phiên bản độc lập và chỉ dựa trên nền tảng thế giới Avatar của loạt phim gốc, nhưng cách mà Ubisoft xây dựng cốt truyện thì vẫn lại là đưa người chơi đến với mô típ “đấu tranh giải phóng dân tộc” rất… 3 xu, mà phải thú thật là sau khi xem hai phần phim Avatar người viết cũng đã chán ngấy rồi!

Tại sao Ubisoft không chọn cách khai thác một khía cạnh khác của cuộc chiến mà lại tiếp tục khai thác một câu chuyện gần như y hệt với hai phần phim điện ảnh của Avatar?

Và cũng chính vì vậy, nhờ vào cốt truyện cũ rích này mà những gì người chơi đã từng có trong dòng game Far Cry 3, Far Cry 4, Far Cry 5, Far Cry 6 lại tiếp tục được “xào nấu” lại một lần nữa mà không hề có một chút thay đổi nào trong tiết tấu, tổ chức thế giới hay diễn biến câu chuyện.

Bạn vẫn vào vai một người hùng bất đắc dĩ, da xanh và cao ba thước, chịu sự chèn ép của “chế độ” và dần nhận ra lẽ sống khi đứng lên chống lại “ách đô hộ” bằng cách… lang thang một mình từ đầu đến cuối game, NPC bảo gì thì làm nấy và trở thành một cái máy chiến đấu mà không hề một chút quan tâm đến mọi diễn biến. Sự kiện diễn ra trong game bởi lẽ thế mà cũng chẳng có gì thú vị vì… Far Cry 3 đã làm cách đây gần 12 năm!

80% thời gian trong Avatar: Frontiers of Pandora của người chơi sẽ là lang thang, chạy nhảy và lượm lặt, chế tạo hết thứ này đến thứ kia với số lượng đồ sộ rải đầy trên một bản đồ rộng thênh thang nhưng vô hồn. Lâu lâu bạn sẽ bắt gặp một vài NPC đang làm gì đấy, và họ cứ ở đấy mặc cho “vật đổi sao dời”. Bạn cũng sẽ bắt gặp một toán lính địch, cũng “đang làm gì đấy” mà người viết đã bỏ ra 10 phút cuộc đời chỉ để ngồi xem “kịch bản” của chúng ra sao, nhưng thực tế chúng chỉ cố gắng tạo dựng “hiện trường” mà thôi.

Ngoài những toán lính lác “đi lạc” này, người chơi vẫn phải quay lại lối chơi đánh du kích các tiền đồn, các nhà máy, pháo đài… được đặt rải rác trên khắp các bản đồ, chia chúng ra thành các khu vực khác nhau. Tuy trông mỗi tiền đồn này có một chức năng khác nhau vào thời gian đầu, nhưng dần dần người chơi sẽ nhận thấy mối liên kết giữa các tiền đồn này hầu như không có: chúng hoạt động độc lập, không có các đoàn lính kết nối và chức năng cũng chẳng thực sự hỗ trợ gì cho nhau.

Avatar: Frontiers of Pandora

Kiểu như người chơi sẽ thấy một khu vực khai thác khoáng sản đang làm ô nhiễm môi trường xung quanh, nhưng tiền đồn gần nhất lại nằm cách đó tận vài cây số và trên tận một ngọn núi. Thứ gần nhất ở đấy buồn thay lại cũng chỉ là… một toán lính đi lạc. Cho dù người chơi có để cho hệ thống báo động rú lên, thì thứ duy nhất thay đổi cũng chỉ là chúng cảnh giác hơn một chút, bọn lính đi lạc gần đấy cũng chẳng đến hỗ trợ gì. 

Nếu quá kẹt, người chơi hoàn toàn có thể “chuồn” ra đâu đấy lượm lặt, ăn uống, bơi lội phủ phê rồi quay lại thì chúng vẫn ở đấy, vẫn như cũ mà không hề có thêm một hệ thống phòng thủ mới nếu bị đánh du kích một lần nữa, cũng chẳng truy sát người chơi nốt.

Kiểu tổ chức này nó đơn giản chỉ là “rải” cho bản đồ đỡ trống, kèm một mớ những “collectible” (thu thập) với số lượng có khi lên đến hàng trăm thứ linh tinh để làm người chơi bận rộn thay vì tập trung vào làm cho thế giới của game nó “sống động” hơn. Và công thức này thì chắc chúng ta chẳng lạ gì vì vốn nó xuất hiện chắc cũng phải trong chục đầu game thế giới mở của Ubisoft rồi.

Đáng buồn là dù mang một cái tên mới, một chân trời mới nhưng những gì game thủ có với Avatar: Frontiers of Pandora lại là vô vàn những thứ quen thuộc đã đến mức nhàm chán

Đỉnh điểm là khi bạn bước qua khu vực thứ hai với địa hình thảo nguyên thì sự trống trải và buồn tẻ còn hơn cả khu vực ban đầu. Cưỡi ngựa ngao du ngắm cảnh thì còn chấp nhận được, chứ ngoài chạy nhiệm vụ chính ra thì gần như bạn chẳng biết phải làm gì ở đấy.

Mà kể cũng kỳ, Avatar: Frontiers of Pandora cho phép người chơi làm quen với iKran – một loại thú cưỡi giống rồng bay ngay tại khu vực đầu game, thì đến khu vực tiếp theo mới cho người chơi làm quen với thú cưỡi dạng… ngựa. Mà một khi đã game thủ chúng ta đã được “lên voi” rồi thì chẳng ai lại muốn “xuống chó” cả, trừ khi nhà sản xuất muốn bạn phải thế, và Ubisoft làm thế thật! Rất may là cũng chỉ là “thủ tục nhập cảnh” mà thôi.


Avatar: Frontiers of Pandora

VẺ ĐẸP… CÓ TUỔI!

Đã từng một thời mà mỗi lần Ubisoft giới thiệu một tựa game mới như Far Cry 3, Assassin’s Creed Unity hay The Division, chúng đều tạo nên một cú hích ấn tượng về mặt đồ họa (và tất nhiên… kèm hàng tá lỗi!). Tuy nhiên, có vẻ như để giảm thiểu lượng lỗi không đáng có, các tựa game gần đây của Ubisoft ít khi mang lại một nền đồ họa bóng bẩy với các cơ chế mới, mà lại tập trung mở rộng theo bề ngang.

Avatar: Frontiers of Pandora không nằm ngoài “chiến lược đi lùi” đó.

Với vẻ đẹp kỳ vỹ quá đỗi ấn tượng mà hành tinh Pandora có, engine Snowdrop có lẽ là một sự lựa chọn ổn, nhưng chưa đủ tốt. Với những gì được trình diễn, Avatar: Frontiers of Pandora trong khoảng 3 giờ đầu tiên có thể sẽ mang đến cho game thủ một thiên nhiên Pandora tương đối hấp dẫn với những khu rừng rậm rạp đầy rẫy những “hoa thơm cỏ lạ” hút mắt, các đại cảnh thiên nhiên hùng vỹ với những hòn đảo bay lơ lửng như xứ thần tiên… 

Mỗi loài động thực vật trong Avatar: Frontiers of Pandora đều có một đặc điểm riêng, có thể vừa hỗ trợ người chơi, lại vừa là một cạm bẫy chết người. Đôi khi nếu biết cách khai thác, nâng cao các yếu tố sinh tồn thì cũng có thể khiến game trở nên thú vị hơn (rất tiếc là không – NV).

Là một tựa game thế giới mở, nên yếu tố thời gian và thời tiết cũng là một điều khiến vẻ đẹp của Avatar: Frontiers of Pandora trở lên lung linh hơn, tạo sự khác biệt giữa ngày và đêm một cách rõ rệt. Cùng với một địa điểm, người chơi sẽ luôn có cảm giác mới mẻ và đầy “mời gọi” nếu quay lại ở các khung thời gian khác nhau.

Các công trình kiến thúc của các bộ lạc trong Avatar: Frontiers of Pandora cũng vô cùng ấn tượng với ngôn ngữ thiết kế độc đáo, đậm tính “thổ dân” và có tính thẩm mỹ rất cao. Khi thì chằng chịt các hầm lối bên trong một đại thụ, khi thì được cõng hẳn trên lưng một con “Kaiju” khổng lồ.

Dẫu vậy, nếu đem nền đồ họa của Avatar: Frontiers of Pandora đặt lên bàn cân với những tựa game thế giới mở khác ra mắt trước đó… vài năm thì có thể nhận thấy Pandora có thể gọi là đẹp, nhưng đã lỗi thời. Game chỉ đẹp ở các đại cảnh, phóng tầm nhìn xa, chứ về mặt chi tiết người chơi hoàn toàn có thể thấy rõ các yếu điểm trong vân bề mặt (texture), hình khối và đặc biệt là số lượng lỗi vân bề mặt là không hề ít, xuất hiện khá thường xuyên.

Sự mất cân bằng trong nền đồ họa cũng thể hiện ở mặt thiết kế bối cảnh. Có vẻ như những gì đẹp nhất, tốt nhất của Avatar: Frontiers of Pandora đều được Ubisoft mang hết vào khu vực đầu game để người chơi tha hồ trầm trồ. Nhưng khi bắt đầu đến với khu vực thứ hai thì phải thú thật rằng… nó kém hấp dẫn hơn nhiều, nghèo nàn hơn hẳn về mặt địa hình lẫn hệ thống động thực vật.

Có lẽ vì vậy mà Ubisoft muốn người chơi cưỡi ngựa ở khu vực này hơn là cho phép cưỡi rồng bay!

Có vẻ như những gì đẹp nhất, tốt nhất của Avatar: Frontiers of Pandora đều được Ubisoft mang hết vào khu vực đầu game để người chơi tha hồ trầm trồ


THIẾU ĐẦU TƯ, HAY NHÁT TAY?

Chiến đấu trong game ban đầu có thể có chút thú vị, nhưng chỉ sau khoảng vài giờ chơi, hệ thống này lại bộc lộ kha khá vấn đề.

Đầu tiên, lối chơi của game khuyến khích một nhân vật chính da xanh lét và cao 3-4 mét làm một ninja với kha nhiều tùy chọn vũ khí như Cung, Lao, Súng, hay “Vợt mìn”… Mỗi vũ khí có một đặc điểm khác nhau, tuy nhiên thứ được dùng chủ yếu chắc 80% là cung và 20% còn lại súng. Súng dùng để đối đầu trực tiếp với các phương tiện cơ giới, còn với đám bộ binh thì Cung đã là quá đủ để “đắp chiếu” cả một pháo đài!

Nghe thì khá ổn, tuy nhiên có một sự bất cân bằng trong cách khởi động một cuộc “tập kích” vào căn cứ địch. Đầu tiên là địch… rất ngu, tầm nhìn của chúng rất kém trong lúc bình thường, nhưng bỗng kích hoạt được “Sharingan”’” nếu người chơi bất ngờ bị phát hiện. 

Nếu chỉ giữ vị trí loanh quanh khu vực bị phát hiện, người chơi có thể sẽ bị tập kích bất ngờ khi đối thủ biết cử người “bọc sườn, móc lốp” khá là bài bản. Tuy nhiên, AI của game lại tỏ ra… khá là lười theo dấu hoặc đuổi đánh người chơi đến cùng. Chỉ cần chạy khỏi vị trí bị phát hiện tầm 20 bước chân, chúng sẽ lại đực mặt ra chẳng biết bạn đã “độn thổ” đi đâu rồi. Việc của người chơi đến đây chỉ đơn giản là đi “móc” ngược lại từng đứa mà thôi!

Vấn đề trong AI này lặp đi, lặp lại ở mọi tiền đồn, mọi căn cứ và thứ duy nhất cản bước người chơi chắc chỉ có… độ chênh lệch về cấp độ hỏa lực hoặc hệ thống súng phòng thủ tự động mà thôi.

Mặt khác, các kẻ thù RDA cũng chẳng đa dạng về quân lực là mấy. Tạm phân loại chúng theo ba dạng: bộ binh, lính lái robot, và không quân.

Mỗi dạng sẽ có một vài biến thể nâng cấp khác nhau, nhưng chủ yếu sẽ chỉ tập trung vào lính lái robot, bởi chúng nguy hiểm hơn hai loại còn lại rất nhiều. Được trang bị đa dạng các loại khí tài từ súng trường, súng phun lửa, rocket kèm hệ thống giáp giày cộp… Đặc biệt là chúng có khả năng huy động với số lượng lớn nếu người chơi để bị phát hiện ở những khu căn cứ lớn.

Còn bộ binh và không quân? Chúng… vô hại! 

Đám bộ binh có tầm nhìn hạn chế, kích thước cực kỳ tí hon nếu so với người Navi và người chơi cũng chỉ cần một “cước” là đủ để tụi nó đi chầu. AI của lũ bộ binh này vô tri đến nỗi còn chẳng biết sử dụng các robot chưa có người lái để tăng thêm hỏa lực cho phe mình, kể cả khi báo động đã hú inh ỏi.

Không quân cũng chẳng chịu kém khi chỉ lượn lờ trên không như ruồi muỗi mà không hề có một mục đích rõ ràng. Không bảo vệ các công trình trên không, không có chiến thuật chiến đấu, không có hỏa lực mạnh, và có lớp giáp còn tệ hơn cả một con chồn bạn gặp trong rừng.

Ở độ khó cao nhất người chơi chỉ tốn hơn… một băng đạn là đủ để khiến một chiếc trực thăng bốc hơi. Trong khi iKran của người chơi thì vô cùng linh động, né tránh tốt, máu trâu. Hơi tiếc là chúng không biết phối hợp chiến đấu cùng người chơi như trong Far Cry 6.

Chiến đấu trong game ban đầu có thể có chút thú vị, nhưng chỉ sau khoảng vài giờ chơi, hệ thống này lại bộc lộ kha khá vấn đề

BẠN SẼ THÍCH

NẾU BẠN LÀ “LÍNH MỚI”

Xét trên tổng thể chung, Avatar: Frontiers of Pandora không phải là một tựa game tệ lậu dưới mức trung bình. Game có đủ các yếu tố làm nên thương hiệu Assassin’s Creed hay Far Cry và dễ dàng khiến người chơi tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm tiếng phiêu lưu trong game.

Có chăng, chỉ đơn giản là chúng quá cũ, quá lỗi thời và người viết đã thực sự mong chờ Ubisoft và Massive mang đến một điều gì đó mới mẻ hơn, chứ không phải… cũ hơn cả Far Cry 6 ra mắt cách đây 2 năm.

Avatar: Frontiers of Pandora sở hữu cho mình một nền đồ họa bắt mắt, không quá lung linh hoàn hảo, vẫn còn kha khá lỗi nhưng vẫn đủ để người chơi có thể thường xuyên bật chế độ chụp ảnh để lưu lại những khung cảnh ấn tượng!

Hoặc có thể đó là cảm giác chiến đấu tương đối đã tay và nhuần nhuyễn về cuối game khi các chỉ số và kỹ năng đã được “mở khóa” hết. Người chơi vừa có khả năng cầm súng chiến đấu tốc độ cao, vừa có khả năng leo trèo, vừa có hệ thống “GPS nội tại” cực chiến cũng như sự giúp sức trong di chuyển vô cùng linh hoạt của iKran… Chắc chắn sẽ những trải nghiệm khá vui vẻ!

Đặc biệt là khi bạn vừa thực hiện một combo tiêu diệt đầy “adrenaline” (cao hứng) kiểu: Phóng iKran từ trên trời xuống với tốc độ cực cao, xuyên qua lớp pháo phòng không của pháo đài -> lướt xuống mặt đất tung hết một băng đạn vào đối thủ robot để gây choáng -> thực hiện chiêu kết liễu: lôi tay phi công ra ngoài -> Nhặt cây rocket vừa rơi ra từ tên robot cũ và “Bùm!”, robot kế tiếp phát nổ -> Tiếp tục leo trèo lên cao và để lại loạt lựu đạn cầm chân các đối thủ khác!

Cảm giác leo trèo và bay nhảy của Avatar: Frontiers of Pandora cũng được thiết kế rất mượt mà. Người chơi sẽ luôn có cảm giác thân xác Navi tuy thanh mảnh nhưng vẫn tương đối cồng kềnh và nặng, dễ dàng cảm nhận được trọng lượng trong từng cú nhảy, cú đu hay cú trượt trong quá trình hành động, từ đó để lại một chút độ trễ khá thật trong mỗi thao tác.

Lối chơi hành động lén lút nếu không quá khắt khe về “IQ của AI” thì vẫn có thể gọi là tạm ổn, đủ chơi nếu game thủ chưa từng chơi qua các tựa game hành động lén lút đỉnh cao khác.

Âm nhạc có lẽ là điểm sáng nhất mà người viết có thể tìm thấy trong Avatar: Frontiers of Pandora. Trừ phần lồng tiếng… buồn ngủ kèm các biểu cảm còn “tệ hơn cả game của Bethesda”, thì phần nhạc nền, âm thanh mô phỏng môi trường có chất lượng rất ổn, dễ đẩy cao cảm xúc của người chơi theo từng tiết tấu của câu chuyện.

Âm hưởng âm nhạc dân gian kết hợp với thiên nhiên bằng các loại nhạc cụ cổ điển, tiếng sáo, tiếng chim ngàn, trống da cùng các dàn đồng ca hòa vang trong quá trình phiêu lưu là điểm nhấn tuyệt vời vô cùng!

Nhịp trống dồn dập trong các trường đoạn chiến đấu cũng góp phần tạo thêm nhiều sự kịch tính làm vơi đi nhiều cảm giác buồn tẻ nhàm chán của trò chơi. Hay việc lắng nghe những tiếng sáo du dương với tiếng côn trùng trong lúc ngồi “thiền” để hít thở, cảm nhận linh khí trời đất cũng mang đến những cảm xúc khó tả!

Avatar: Frontiers of Pandora

Trong đó, tuyệt nhất hẳn là khoảnh khắc mà người viết phải leo lên từng hòn đảo bay để chinh phục cho mình một chú iKran. Cảm giác phi thân gieo mình xuống từ các hòn đảo cheo leo cao hàng trăm mét rồi được “đón” lấy bởi iKran và rồi vút bay về phía chân trời trên nền nhạc mang âm hưởng thổ dân, núi rừng phải nói là tuyệt vời!

Hay như trường đoạn cưỡi ngựa xuyên qua bình nguyên vô tận với vô vàn các vòm núi đá khổng lồ, xen kẽ với đó là hàng loạt các cánh diều vô cùng nên thơ trong ánh nắng chiều như cuốn người chơi theo chiều gió. Nó giống như cảm giác mở đầu phim hoạt hình Lion Kingnăm 1994 vậy.

Âm nhạc có lẽ là điểm sáng nhất mà người viết có thể tìm thấy trong Avatar: Frontiers of Pandora

6.0

Avatar: Frontiers of Pandora là một sản phẩm quá sức an toàn, nó an toàn đến độ... lỗi thời khi so sánh với chính các sản phẩm gần đây của Ubisoft.

Không giới thiệu cơ chế gì mới, không cải tiến lối chơi, không chạy đua công nghệ, một cốt truyện khá xoàng thiếu điểm nhấn… Nếu bạn chưa bao giờ trải nghiệm bất kỳ tựa game Far Cry nào sau Far Cry 3 hoặc Far Cry 4 thì Avatar: Frontiers of Pandora có lẽ là một món “ăn được”, hoặc là đừng cho bản thân bất kỳ một kỳ vọng gì quá cao với tựa game này.

Thông tin

  • Avatar: Frontiers of Pandora
  • Nhà phát triển
    Massive Entertainment, FoxNext, Ubisoft Düsseldorf, Ubisoft Shanghai, Massive Entertainment AB
  • Nhà phát hành
    Ubisoft
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    07/12/2023
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10/11 (64-bit)
  • CPU
    AMD Ryzen 5 3600 @ 3.6 GHz, Intel Core i7-8700K @ 3.70 GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    AMD RX 5700 (8 GB), Intel Arc A750 (8 GB, with ReBAR on), NVIDIA GeForce GTX 1070 (8 GB)
  • Lưu trữ
    90GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi UBISOFT. Chơi trên PC.