Bayonetta 3 – Từ trước đến nay, không rõ vì lẽ gì mà trong ngành công nghiệp game, việc một tựa game có nhân vật chính là nữ dường như không quá phổ biến.
Tuy những năm gần đây, phong trào bình đẳng giới đã có xu hướng tôn trọng nữ quyền nhiều hơn, nhưng việc phát triển những tựa game có nhân vật chính là nữ vẫn không tiến triển là mấy.
Quanh đi quẩn lại chúng ta vẫn cũng chỉ thấy một vài dòng game kinh điển vốn đã làm việc này từ lâu như Tomb Raider, The Last of Us, Life Is Strange… Cũng không phải quá khó hiểu, khi mà những tựa game xoáy sâu vào việc xây dựng hình ảnh nhân vật chính mạnh mẽ, cá tính, gánh vác trên vai sứ mệnh cứu thế… thường sẽ có xu hướng chọn nhân vật nam do những tố chất trời ban hơn.
Tuy vậy, nếu đã nói đến những tựa game kinh điển với nhân vật chính là các “đả nữ” mạnh mẽ, vừa duyên dáng vừa chết chóc, rõ ràng là không thể nào không nhắc đến Bayonetta – dòng game hành động chặt chém hoa mỹ, kế thừa đầy đủ những tinh hoa của game tiền nhiệm Devil May Cry huyền thoại.
Với phiên bản đầu tiên ra mắt đa hệ vốn rất được hoan nghênh, không rõ do đâu mà từ phiên bản Bayonetta 2 trở đi, PlatinumGames đã ký kết một hợp đồng độc quyền trong nhiều năm cho các hệ máy của Nintendo.
Bayonetta 2 ra mắt năm 2012 trên hệ máy Wii U là một cú “hit” lớn với những điểm số tuyệt đối trên hầu hết các chuyên trang đánh giá – và do đó dĩ nhiên người ta có lý do để trông đợi vào một hậu bản kế tiếp sau đó.
Tuy nhiên, PlatinumGames vẫn cứ úp mở về Bayonetta 3 trong suốt một quãng thời gian dài đằng đẵng, và hãng thậm chí còn phải tung ra con bài Astral Chain nhằm “câu giờ”. Mãi cho đến cuối 2021, cộng đồng game thủ toàn cầu mới được chiêm ngưỡng những hình ảnh đầu tiên của Bayonetta 3 qua một đoạn teaser đặc sắc.
Và giờ đây, sau 10 năm tròn trĩnh, người hâm mộ nàng phù thủy cuồng loạn này mới có dịp tái ngộ giai nhân trong Bayonetta 3, ra mắt vào ngày 28.10.2022 vừa qua trên hệ máy Nintendo Switch.
Với cốt truyện cũ đã kết thúc viên mãn sau Bayonetta 2, liệu hành trình mới nào sẽ đón chờ người chơi trong Bayonetta 3? Và liệu Bayonetta 3 có thể kế thừa những thành công tuyệt vời đã làm nên tên tuổi của cả dòng game trong quá khứ?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Bối cảnh mới độc đáo, bất ngờ!
Cuộc chiến dài đằng đẵng 500 năm giữa các thế lực Thiên Thần và Ác Quỷ đã chấm dứt, cũng như bí mật cuộc đời của nàng phù thủy Bayonetta đã hé lộ đầy đủ trong Bayonetta 2.
Như vậy, dường như PlatinumGames đã hầu như chẳng còn gì để khai thác về vũ trụ của Bayonetta nữa – ít ra thì điều đó cũng đúng một phần nào đó, bởi lẽ trong Bayonetta 3, người chơi sẽ được trải nghiệm một cốt truyện hoàn toàn mới và có rất ít chi tiết liên quan đến các phần trước – đến mức ta có thể coi Bayonetta 3 là một phiên bản “reboot” (tái khởi động) cho cả một dòng game cũng không sai.
Bayonetta 3 giới thiệu đến người chơi về khái niệm Multiverse (đa vũ trụ) vốn đã không hề xa lạ gì sau khi đã được MCU khai thác khá triệt để trong giai đoạn Phase 4 những năm gần đây.
Nói nôm na thì có rất nhiều vũ trụ tồn tại song song với nhau, và ở mỗi thế giới trong đó đều có một người bảo hộ – đấy chính là Bayonetta, hay còn được gọi bằng cái tên Arch-Eve.
Tại vũ trụ khởi nguyên Alphaverse, có một cá thể đặc biệt mang tên Singularity với tham vọng thay Chúa trời xóa sổ các vũ trụ song song khác, để Alphaverse trở thành vũ trụ duy nhất tồn tại.
Cốt truyện đầu game sẽ đưa chúng ta đến một thực tại mà ở đó thế giới chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn, nhân loại gần như đã bị tuyệt diệt bởi binh đoàn Homunculus mà Singularity điều động.
Tại đây, Bayonetta đã thất thủ, và trước khi chết cô đã giao cho đồ đệ Viola của mình sứ mệnh đi cầu cứu tiếp viện tại những vũ trụ khác.
Trở về với vũ trụ gốc trong Bayonetta 3 , Bayonetta đã bắt đầu cảm thấy những biến động trong không gian, nhưng hoàn toàn không phải bởi cả hai phe Thiên Thần (Paradiso) hay Ác Quỷ (Inferno) như thường lệ. Đợt xâm lăng của binh đoàn Homunculus cuối cùng cũng đã chạm đến thế giới này, và theo đó là cánh cổng không gian mang một Viola đã mệt mỏi rã rời đến, cùng nhiều tin dữ.
Để cứu lấy các thế giới còn lại, Bayonetta có nhiệm vụ phải tìm được 5 chiếc Chaos Gear để mở cổng đến Alphaverse, tiêu diệt Singularity.
Hành trình của Bayonetta trong Bayonetta 3 giờ đây sẽ càng căng thẳng và chất chứa nhiều ưu tư, mất mát
Hành trình của Bayonetta trong Bayonetta 3 giờ đây sẽ càng căng thẳng và chất chứa nhiều ưu tư, mất mát
Tương truyền ngoài khơi xa có tồn tại Thule, một hòn đảo nhân tạo được tạo ra từ thời nguyên thủy, khi mà các Umbran Witch và Lumen Sage còn quan hệ tốt. Đây là nơi được kiến tạo để nghiên cứu và chia sẻ các ma thuật tối thượng, và cũng là “nút giao” giữa các thế giới.
Thông qua Thule, Bayonetta sẽ chu du qua nhiều thế giới song song để tìm kiếm những chiếc Chaos Gear, đồng thời hỗ trợ các phiên bản khác của mình chống lại binh đoàn Homunculus, từ đó hé lộ ra thêm những bí mật động trời và dẫn đến một kết cục đầy bất ngờ.
Có thể nói với Bayonetta 3, cuộc chiến xa xăm giữa Thiên Thần và Ác Quỷ năm nào đã trở thành dĩ vãng, và nhân loại đang phải đối mặt với một thảm họa còn đáng sợ hơn, mang tính diệt vong cấp độ đa vũ trụ.
Hành trình của Bayonetta trong Bayonetta 3 giờ đây sẽ càng căng thẳng và chất chứa nhiều ưu tư, mất mát, chứ không còn đơn thuần là một cuộc chu du “lên trời xuống biển”, “gặp thằng nào sút thằng đó” như xưa nữa.
Lối chơi hành động mỹ mãn!
Là một tựa game hành động chặt chém hoa mỹ, lối chơi của Bayonetta từ xưa đến nay chưa từng gây thất vọng cho bất kỳ game thủ nào, dù là khó tính nhất.
Với một tổ hợp đấm, đá và bắn súng, người chơi có thể “xào nấu” chúng theo vô vàn thứ tự để tung ra hàng loạt combo vô cùng uy lực và có tính biến hóa rất cao, có thể ứng phó với mọi tình huống trong game.
Tâm điểm của cơ chế chiến đấu trong Bayonetta 3 vẫn là Witch Time – khi người chơi bấm nút ZR để né một đòn tấn công trong khoảnh khắc sít sao nhất, thời gian trong game sẽ ngưng đọng lại trong khi Bayonetta vẫn duy trì tốc độ bình thường.
Đây là lúc để thoải mái tung ra hàng loạt chiêu thức dũng mãnh mà kẻ địch chỉ có thể đứng “đực mặt” ra ăn đòn – và càng về sau khi số lượng kẻ địch càng nhiều, cũng như độ đe dọa của chúng càng cao; thì Witch Time lại càng trở thành nhân tố quan trọng để người chơi chiến thắng.
Khác với Bayonetta 2 khi người chơi có thể trang bị hai loại vũ khí khác nhau trên tay và chân của Bayonetta, các món vũ khí của Bayonetta 3 chỉ có thể mang theo bộ cho cả tay và chân.
Tuy vậy, độ đầu tư của game đã tăng lên đáng kể khi mà với từng món vũ khí, Bayonetta không chỉ cầm chúng trên tay chân, mà ngoại hình của cô nàng cũng thay đổi dựa theo tạo hình của con quỷ đã kiến tạo ra món vũ khí đó.
Tính năng này của game gọi là “Demon Masquerade”, và nó đóng một vai trò rất lớn trong cả chiến đấu lẫn di chuyển và khám phá thế giới. Ví dụ với bộ “tứ súng” Color My World do Madama Butterfly ám vào, Bayonetta sẽ biến thành một nữ chúa bướm với khả năng bay lơ lửng với tốc độ rất nhanh – trong khi với cây móc câu Cassiopeia, cô nàng lại khoác lên bộ cánh “mực chúa” với 8 chiếc xúc tu và khả năng phun mực để bay cực kỳ ấn tượng!
Mỗi bộ vũ khí trong Bayonetta 3 đem đến những đòn thế đánh và các phong cách hoàn toàn khác biệt – và có thể thấy rõ là Platinum Games đã cố gắng tạo ra những điểm nhấn để tách bạch chúng ra.
Có thể xem độ biến hóa của vũ khí và mức ảnh hưởng của chúng đến lối chơi của Bayonetta đã gần đạt tới đẳng cấp của Monster Hunter, và điều này làm tăng giá trị chơi lại của game lên thêm đáng kể.
Bayonetta 3 mang đến nhiều sự bất ngờ cho người chơi, cả mới lẫn cũ, khi ngoài lối chơi chặt chém tốc độ cao cố hữu, game lồng ghép thêm rất nhiều phân cảnh có lối chơi đặc biệt – chẳng hạn như những pha “lái yêu quái trên đường cao tốc”, hoặc bắn máy bay đa chiều, và thậm chí là những màn chơi đột nhập lén lút cực kỳ mới lạ “kiểu 007”.
Nhưng điểm nhấn tuyệt vời nhất trong Bayonetta 3 có lẽ chính là những trận đấu trùm cực kỳ hoành tráng, và nay lại còn được đa dạng hóa thêm đến mức không ngờ.
Người chơi chắc chắn sẽ phấn khích đến sởn cả gai ốc trong những trận “Kaiju hóa khổng lồ đấm nhau sập cao ốc”, hoặc “chơi Audition hát Opera” cực kỳ sáng tạo mà hiếm có tựa game nào làm nổi ở cái tầm cỡ tuyệt vời như Bayonetta 3 được.
điểm nhấn tuyệt vời nhất trong Bayonetta 3 có lẽ chính là những trận đấu trùm cực kỳ hoành tráng, và nay lại còn được đa dạng hóa thêm đến mức không ngờ
Hình – Âm song tuyệt!
Về nền tảng đồ họa, Bayonetta 3 không khác nhiều so với Bayonetta 2 – tuy vậy đây không phải là điểm trừ vì bản thân Bayonetta 2 vốn đã sở hữu đồ họa rất xuất sắc rồi.
Với cấu hình khiêm tốn của Nintendo Switch, việc Bayonetta 3 có thể tối ưu hóa để game chạy mượt mà với 60 khung hình mà không phải hy sinh chất lượng hình ảnh – đã là một thành tích quá mức mong đợi!
Tạo hình mới của Bayonetta trong Bayonetta 3 mang đậm chất gothic, với mái tóc lọn xoăn cầu kỳ, lớp trang điểm khá đậm cùng bộ váy nhiều chi tiết – tạo nên một cảm giác rõ ràng đây là một người phụ nữ trưởng thành, đã biết chú ý đến ngoại hình nhiều hơn so với một Bayonetta tóc ngắn, nổi loạn “tuổi teen” ngày trước.
Với nhiều phiên bản trong đa vũ trụ của mình, có thể ví Bayonetta 3 như một sô “trình diễn thời trang” của Bayonetta cũng không sai, khi người chơi được dịp chiêm ngưỡng các phiên bản khác của nàng phù thủy kỳ quái – mà rõ ràng với bối cảnh lớn lên và các tao ngộ khác nhau, sẽ sở hữu các tính cách và năng lực hoàn toàn khác với “bản gốc”.
Nếu trước nay người chơi Bayonetta 1 và 2 đã từng bất ngờ và choáng váng với các tạo hình Thiên Thần, Ác Quỷ – thì nay Bayonetta 3 lại còn tăng “đô” lên cực mạnh.
Đám kẻ địch mới Homunculus sở hữu những tạo hình mới mẻ hết sức độc đáo, với tông màu trắng chủ đạo đi kèm với những chi tiết trang trí xoắn ốc cực kỳ đặc sắc. Độ đa dạng phong phú của chúng, đi kèm với những diễn hoạt chiến đấu đặc thù càng làm nổi bật hơn công sức của đội ngũ thiết kế thuộc Team Little Angels.
Với tâm điểm chiến đấu xoay quanh việc hóa quỷ và triệu hồn các quỷ linh Infernal Demon hùng mạnh, lần đầu tiên trong Bayonetta người chơi không chỉ được chiêm ngưỡng tạo hình của các con quỷ cực ngầu như Gomorrah, Labolas, Malfas… mà còn được tận tay điều khiểu chúng càn quét “tan nát” đội hình địch qua kỹ năng Demon Slave.
Đây là một trạng thái mà Bayonetta sẽ đứng nhảy múa liên tục để điều khiển các con quỷ – trong trạng thái này thì Bayonetta không thể di chuyển được, vì vậy người chơi coi như đánh đổi sự cơ động và an nguy của cô nàng lấy sát thương cực kỳ khủng bố của bọn quỷ.
Do cốt truyện xoay quanh yếu tố đa vũ trụ, người chơi Bayonetta 3 sẽ có dịp được thưởng thức cảnh quan của nhiều nơi trên thế giới: từ đảo Thule thần bí ma mị, Vạn Lý Trường Thành mịt mù trong khói lửa ở Trung Quốc… cho đến các lăng mộ tôn nghiêm của các Pharaoh nằm ẩn giữa biển cát sa mạc.
Việc lồng ghép nhiều địa hình vào nhau và đan xen chúng một cách có ý đồ vừa có tác dụng đa dạng hóa trải nghiệm chơi, vừa khiến người chơi đỡ “ngán” khi phải đi lại ở một bối cảnh mãi.
Về phần âm thanh, không có gì để chê ở cả hai chế độ lồng tiếng Anh và Nhật. Các ca khúc trong Bayonetta 3 còn được đầu tư hơn xa các phiên bản trước, với độ “cảm game” cũng như tính nghệ thuật cực cao. Những cái tên như “Al Fine”, “Fertile Rondo” hay “Moonlight Serenade” chắc chắn sẽ còn nằm trong “playlist” hàng ngày của người viết trong suốt một thời gian dài sắp tới.
BẠN SẼ GHÉT
Tham quá hóa tạp!
Với tham vọng biến Bayonetta 3 trở thành một phiên bản “reboot” và chuẩn bị cho một tương lai mới, PlatinumGames đã “nhồi nhét” khá nhiều thứ vào game, khiến cho một hậu quả tất yếu xảy ra: chất lượng game trồi sụt thất thường, chỗ thì rất tốt nhưng chỗ lại quá thiếu sót.
Đầu tiên, có thể nói về mật độ xuất hiện của các chế độ chơi phụ dày đặc một cách đáng kể. Ban đầu chúng khiến người chơi sẽ bất ngờ và hào hứng, nhưng càng về sau các chế độ này càng bộc lộ những điểm yếu kém tất yếu: do là các chế độ chơi phụ, nên cả khâu điều khiển, cân bằng độ khó hay lối chơi đều khá sơ sài và làm không tới.
Điều đáng nói là hầu hết chúng đều là dạng bắt buộc, và tính vào các Verse trong một phân cảnh. Điều này khiến cho việc cày chỉ số Platinum cho các Verse khó lên đáng kể, khi người chơi không quen chơi các chế độ phụ như đua quỷ, bắn máy bay, hay các màn đột nhập lén lút của Jeanne.
Kế tiếp, đó là Bayonetta 3 giới thiệu một nhân vật mới ngoài Bayonetta, cô nàng phù thủy tập sự Viola. Vốn là một đứa “trẻ trâu”, đầu xanh đỏ và bộ cánh không bao giờ lạc quẻ trong các đại nhạc hội Rock-punk, Viola khó tạo được thiện cảm ở hầu hết người chơi. Với chỉ một loại vũ khí là kiếm katana, cùng việc kích hoạt Witch Time thông qua đỡ đòn thay vì né tránh, những phân đoạn điều khiển Viola tạo nên độ khó cao đáng kể khi người chơi vốn đã quen với sự uyển chuyển, gọn gàng của nữ chính Bayonetta.
Chưa dừng lại ở đó, khi kích hoạt Demon Slave, Viola sẽ ném thanh kiếm đi và chuyển qua đấm đá tay không. Việc này lại càng khiến người chơi lúng túng hơn nữa khi lối chơi thay đổi khá đột ngột và có tính chất ép buộc, chứ không phải thích thì chọn.
Ngoài ra, việc di chuyển để rút ngắn khoảng cách của Viola cũng khá lọng cọng, dẫn đến việc giữ chỉ số combo cao là khá chật vật.
Sau cùng, đấy là việc các màn chơi trong Bayonetta 3 giờ đây khá rộng, chứ không còn tuyến tính như trước nữa. Việc này, đi kèm với số bí mật trong màn được tăng thêm nhiều hơn, sẽ khiến cho nỗ lực hoàn thành game 100% giờ đây thật sự khó nhằn. Và việc màn chơi rộng hơn với tần suất chiến đấu không tỉ lệ thuận theo, sẽ tạo ra những khoảng trống khi di chuyển – giải đố, khiến game tự nhiên có những khoảng lặng không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc kiến tạo đa thế giới khiến mạch game bị phân mảng rời rạc, có tính xuyên suốt kém. Việc Bayonetta và Viola bị tách ra tác chiến độc lập trong một thời gian khá dài khiến hai nhân vật này chưa tạo nên nhiều tương tác, dẫn đến đoạn kết hơi gượng gạo và tạo cảm giác hơi hụt hẫng nơi người chơi.
việc kiến tạo đa thế giới khiến mạch game bị phân mảng rời rạc, có tính xuyên suốt kém